Tình trạng trống rỗng tâm linh

của thế giới Tây Âu

 

Tình trạng trống rỗng tâm linh của thế giới Tây Âu.

Phỏng vấn triết gia Peter Kreeft, người Mỹ, về tình trạng trống rỗng tâm linh của thế giới Tây Âu.

Roma (Avvenire 20-9-2011; Vat. 27-09-2011) - Ngày 11 tháng 9 năm 2011, Hoa Kỳ đã tưởng niệm biến cố khủng bố xảy ra cách đây 10 năm tại New York. Hồi đó hai chiếc máy bay chở đầy hành khách đã bị không tặc lái đâm vào hai tháp song sinh của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế khiến cho 2,917 người thiệt mạng.

Chỉ trong 102 phút, từ 8 giờ 46 cho tới 10 giờ 28 phút sáng, thảm cảnh đã xảy ra dưới con mắt của hàng triệu người theo dõi trực tiếp trên màn truyền hình. Sau hai tháp song sinh là Tòa Bạch Ốc, và một máy bay rớt tại Pensilvania vì hành khách đánh nhau với các tay không tặc. Tổng cộng tất cả là 2,974 người chết, kể cả 14 tên khủng bố thuộc lực lượng Al Qaeda do Bin Laden chỉ huy và 24 người mất tích. Trong số các người chết cũng có 343 nhân viên cứu hỏa và 68 cảnh sát.

Biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 đã để lại một gia tài nặng nề và thay đổi cục diện thế giới, cũng như khai mào cho chiến tranh chống khủng bố và cuộc xâm lăng Irak.

Mười năm sau vụ khủng bố nói trên toàn Tây âu xem ra gặp khó khăn: Hoa Kỳ đang trong giai đoạn xuống dốc, Âu châu bị khủng hoảng, kém tự tin và khép kín trong chính mình, không phải chỉ vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh. Thật ra, các quốc gia âu châu chỉ đứng nhìn, mà không có khả năng phản ứng. Trung tâm thế giới chuyển về phía Nam bán cầu và chuyển sang Viễn đông. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trầm trọng tới nỗi trong các tháng qua Liên Hiệp Âu châu, đứng đầu là Liên Bang Ðức, đã hết sức cố gắng cứu vớt nền kinh tế của Hy Lạp, để hậu qủa của nó không kéo theo sự suy sụp của các nước thành viên khác và gây thiệt hại cho đồng Euro. Nhưng nhiều người cho rằng với đà này chỉ vài năm nữa đồng Euro có thể biến mất, và sự thống nhất Âu châu sẽ trở thành một giấc mộng đã vỡ. Thật ra, người ta đang chứng kiến cảnh suy đồi của đại lục châu Âu già nua này trên bình diện chính trị, kinh tế cũng như xã hội và nhất là tôn giáo.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn triết gia Peter Kreeft, về tình trạng trống rỗng tâm linh của thế giới Tây Âu.

Ông Peter Kreeft sinh năm 1937 là tác giả của trên 50 cuốn sách và nhiều bài khảo luận trong lãnh vực triết học và thần học kitô cũng như bênh vực Công Giáo. Năm 1965 ông lấy bằng tiến sĩ triết tại đại học Fordham và đại học Yale. Chính trong thời gian nghiên cứu tại đại học Yale ông bỏ Giáo Hội tin lành cải cách Hòa Lan để gia nhập Giáo Hội công giáo. Hiện nay ông là giáo sư triết tại đại học Boston. Trong số các tác phẩm của ông có các sách như: "Các điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống", "Làm thế nào để chiến thắng trận chiến văn hóa" và "Các nhà hộ giáo kitô" viết chung với Ronald Tacelli. Giáo sư Kreeft cũng là một người bênh vực đạo Công Giáo nổi tiếng.

Sau biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ giáo sư Kreeft đã viết hàng loạt các bài về Hồi giáo và mới đây giáo sư đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề "Giữa Allah và Ðức Giêsu".

Hỏi: Thưa giáo sư Peter Kreeft, việc tưởng niệm biến cố Hoa Kỳ bị khủng bố ngày 11 tháng 9 vừa qua cũng đã nhóm lên đám tro tàn của cuộc tranh luận liên quan tới Hồi giáo như là một sự đe dọa cho căn cước và các gốc rễ kitô của thế giới Tây Âu. Giáo sư đã luôn luôn lắc đầu, tại sao vậy?

Ðáp: Biến cố khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 đối với Hồi giáo giống như biến cố truy tà của Tây Ban Nha đối với Công Giáo: nghĩa là một nguồn gốc gây ra sự khó chịu, bắt nguồn từ một sự đồi bại của lòng tin. Hồi giáo không phải là một nguy hiểm đối với căn cước kitô, hơn là nam giới là một đe dọa đối với căn tính của nữ giới, hay hơn chó là một đe dọa đối với mèo. Hồi giáo xem ra sẽ vượt Kitô giáo một cách thực thụ, khi mà tín hữu kitô phản bội căn tính riêng của mình với sự yêu đuối, với sự tục hóa và thái độ sống thờ ơ. Hầu như tại khắp nơi bên Âu châu tín hữu hồi tin vào Hồi giáo mạnh mẽ hơn là tín hữu kitô tin vào Kitô giáo. Tín hữu hồi thực hành nhiều nhân đức kitô hơn là các kitô hữu, đặc biệt là tình yêu thương đối với các gia đình đông đúc. Người Hồi đã tìm chinh phục Kitô giáo bằng vũ khí trong một ngàn năm, nhưng họ đã thất bại, nhưng giờ đây họ có một khí giới mạnh mẽ và hữu hiệu hơn nhiều: đó là các bà mẹ và các trẻ em. Tín hữu hồi giáo có cái chí, có sức mạnh tinh thần, có ý chí chiến đấu, đau khổ và hy vọng. Chắc chắn chúng ta hơn cha ông của chúng ta trong các nhân đức nhẹ nhàng như sự từ bi, sự lịch thiệp và thông cảm; nhưng chúng ta yếu kém hơn các vị trong các nhân đức mạnh mẽ như lòng can đảm, sự khiết tịnh và liêm chính đối với chính mình. Các tín hữu hồi thì trái lại. Họ giống như người Do thái trong thời Cựu Ước. Chúng ta hãy xem các thánh vịnh thì biết rằng chúng liên tục đề cập tới các cuộc chiến đấu. Chúng có giọng điệu hồi hơn là kitô tân tiến. Chúng ta là những người không phải tín hữu hồi, nhưng chúng ta còn tệ hơn người hồi nữa. Chính chúng ta đã rơi vào một sự trống rỗng tinh thần. Và thiên nhiên thì kinh sợ sự trống rỗng tinh thần cũng như sự trống rỗng vật lý. Nói cách khác, các kitô hữu đã không bao giờ bị đe dọa trong căn tính của mình, mặc dù chắc chắn là họ đã bị đe dọa sự sống và thân xác bởi các tôn giáo không kitô, và bởi các cuộc bách hại như các cuộc bách hại đã xảy ra trong nhiều quốc gia hồi giáo. "Máu của các vị tử đạo là hạt giống của các kitô hữu tương lai".

Hỏi: Thưa giáo sư, xem ra giáo sư tố cáo một khuynh hướng ngoại giáo đang trở lại thống trị xã hội. Giáo sư hiểu ý nghĩa của nó như thế nào?

Ðáp: Kitô giáo đang suy đồi, đang chết tại Âu châu, không phải vì các lý do ngoại tại, như một cây xà lách, nhưng vì các lý do nội tại, từ bên trong, giống như một củ khoai tây. Nó đang bị thay thế bởi một chủ nghĩa khoái lạc trần tục được xã hội kính trọng. Ðó là điều tôi hiểu về khuynh hướng ngoại giáo nói trên, nó không phải là tục tôn thờ đa thần đạo đức cổ xưa, mà là trào lưu hưởng lạc tháo thứ. Nếu chúng ta trở về với huynh hướng ngoại giáo đạo đức cổ xưa, thì nó đã là một lý do trao ban hy vọng, bởi vì người ngoại giáo, một cách tự nhiên, hoán cải và theo Kitô giáo.

Thánh Toma thành Aquino đã viết rằng con người không thể sống mà không có niềm vui và vì thế nó không thể sống mà không có đam mê, bởi vì niềm vui khác với sự buồn sầu là đam mê. Một người không có các niềm vui tinh thần đích thật, thì sẽ buông mình cho các thú vui xác thit. Ðại lục xưa kia là vùng đất kitô đã đánh mất đi nỗi đam mê của mình. Nỗi đam mê duy nhất của nó hiện nay là dục vọng, chứ không phải là tôn giáo. Ðây là lý do khiến cho nó đang thua Hồi giáo. Nỗi đam mê mạnh hơn sẽ luôn luôn chiến thắng.

Hỏi: Thưa giáo sư, tại Âu châu đã có sự liên minh giữa những người chủ trương đời và các kitô hữu bảo thủ chống lại chủ nghĩa tương đối hóa. Giáo sư có nghĩ rằng có thể có một liên minh với cùng một mục đích giữa các tín hữu kitô và các tín hữu hồi hay không?

Ðáp: Liên minh giữa các người bảo thủ tôn giáo cũng như vô thần chống lại chủ thuyết tương đối luân lý và sự yếu kém của nền văn hóa tự do, và liên minh giữa các tín hữu kitô và các tín hữu hồi chống lại sự tục hóa của nền văn hóa, thật ra cũng là một. Các tín hữu hồi là những người bảo thủ nhất trong chiều hướng này, trong khi họ cần phải để cho mình được hướng dẫn bởi các nhân đức nhẹ nhàng êm dịu. Chúng ta phải đánh đổi 10,000 tâm lý gia và phân tâm gia giữa những người thức thời nhất với 10,000 mullah, hay thầy dậy hồi giáo. Chúng ta được dự phóng cho các kinh nghiệm trao ban xuất thần, trong đó chúng ta dự phóng ra ngoài chính mình đến độ quên đi cái Tôi của chúng ta. Nếu chúng ta thiếu loại xuất thần chiều dọc lên cho tới Thiên Chúa, thì rốt cuộc để được độc lập chúng ta sẽ tìm kiếm các sự xuất thần chiều ngang là hình ảnh của các cuộc xuất thần chiều dọc. Nền văn hóa hồi thiếu sót trong cái nhìn đối với phụ nữ, nhưng lại mạnh mẽ trong việc hướng lên cao, trong việc tín thác nơi Thiên Chúa.

Hỏi: Như thế theo giáo sư, đâu là câu trả lời mà Giáo Hội phải đưa ra cho vấn đề này?

Ðáp: Giáo Hội luôn luôn cống hiến các liều thuốc giải độc cho các cuộc lạc giáo trên bình diện luân lý cũng như trên bình diện thần học, và nền thần học thân xác của Ðức Gioan Phaolô II là khí giới vĩ đại mà ngày nay Giáo Hội có trong tay giúp chống lại cuộc cách mạng tính dục.

(Avvenire 20-9-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page