Ðức Thánh Cha chủ sự

Giờ Kinh Chiều Kính Ðức Mẹ Etzelbach

 

Tường thuật chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Ðức Quốc: Ðức Thánh Cha chủ sự Giờ Kinh Chiều Kính Ðức Mẹ Etzelbach nằm trong lãnh thổ Ðông Ðức trước kia, cách Erfurt khoảng 80 cây số.

Ðức quốc (RVA 24/09/2011) - Quý vị và các bạn thân mến, hôm nay thứ Bảy, 24 tháng 09 năm 2011, buổi sáng Ðức Thánh Cha Benedicto XVI còn viếng thăm tại thành phố Erfurt; và buổi chiều Ðức Thánh Cha sẽ đi đến địa điểm thứ ba là Thành Phố Fribourg, ở miền nam Ðức. Vì khác biệt múi giờ, nên trong bài tường thuật này, chúng tôi chỉ có thể kể lại những chi tiết của ngày thứ Sáu 23 tháng 9 năm 2011.

Nhưng trước khi tường thuật tiếp, mời quý vị và các bạn theo dõi vài nhận định nổi bật của linh mục Phaolô Phạm văn Tuấn. Trước hết, Linh Mục Phaolô Phạm văn Tuấn đã cho biết thêm về biến cố Ðức Thánh Cha đến thăm và đọc diễn văn tại Quốc Hội Liên Bang Ðức, vào chiều thứ Năm ngày 22 tháng 09 năm 2011 như sau:

Chủ tịch quốc hội Ðức, giáo sư Tiến Sĩ. Norbert Lammert cho biết rằng đây là một cuộc thăm viếng lịch sử của một Giáo Hoàng đại diện cho hơn 1 tỷ người Công Giáo đồng thời còn là một người con của nước Ðức. "Cuộc gặp gỡ này thật hiếm có trong thời đại chúng ta đang sống và có thể chẳng bao giờ được lập lại."

Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là vị Giáo Hoàng người Ðức đầu tiên kể từ năm 1523 và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Ðức. Trong lịch sử 62 năm của Quốc hội Ðức, thì Ngài là người thứ 13, đương nhiệm nguyên thủ của một quốc gia (Vatican), được mời đến nói chuyện với các đại biểu tại quốc hội.

Giáo Sư Lammert còn cho biết thêm: Ðại Kết tại Ðức là mối quan tâm đặc biệt của Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bởi thế ông đã thân hành đến Vatican ngày 30 tháng 5 năm 2011 cùng với bà phó chủ tịch quốc hội Katrin Guring-Eckardt, thuộc Ðảng Xanh, và là người Tin Lành, để gặp Ðức Giáo Hoàng chuẩn bị cho chuyến tông du của Ngài đến thủ đô Berlin.

Giáo sư Lammert đã muốn bà Guring-Eckardt cùng đồng hành đến Roma, để muốn nhấn mạnh điểm quan trọng về Ðại Kết được nói trong quốc hội Ðức. Ðược biết: Bà Guring-Eckardt là người đọc diễn văn chào mừng Ðức Thánh Cha tại thành phố Erfurt vào thứ Sáu, 23 tháng 9 năm 2011 với tư cách là chủ tịch của Phong Trào Giáo Dân thuộc Gáo Hội Tin Tin Lành tại Ðức.

Bà Guring-Eckardt nhìn thấy tại Erfurt cũng như những vùng lân cận không những đã chiụ ảnh hưởng lớn của mục sư Martin Luther cách đây 500 năm mà còn bị tục hóa rất mạnh mẽ dưới thời cộng sản Ðông Ðức. Bởi thế bà đánh giá cuộc thăm viếng của Ðức Giáo Hoàng sẽ mang lại một điều rất đặc biệt cho người dân trong vùng này. Bà cũng mong muốn các cuộc gặp gỡ với Ðức Giáo Hoàng tại đây sẽ được nói nhiều về Ðại Kết.

Về Biến cố quan trọng thứ hai vào chiều thứ Năm 22 tháng 9 năm 2011, là Thánh Lễ Ðại Trào tại sân vận động Berlin, Linh Mục Phaolô Phạm Văn Tuấn cho biết như sau:

Có 70,000 giáo dân tham dự thánh lễ, cùng với sự hiện diện của các nhà cao cấp chính trị, từ tổng thống Ðức đến nội các chính phủ và các thành viên dân biểu quốc hội, các đại diện tôn giáo và các đoàn thể. Tại sân vận động này, trước đây Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dâng thánh lễ vào ngày 23 tháng 6 năm 1996, dịp phong Á Thánh Bernhard Lichtenberg, một người tù của Ðức quốc xã, vì dám chống lại bạo quyền. Ngài đã qua đời vì bệnh tật trong lúc bị cưỡng bách đến trại tập trung Dachau vào ngày 05 tháng 11 năm 1943.

Về Sự chống đối của một nhóm Dân Biểu, Linh Mục Phaolô Phạm Văn Tuấn cho chúng ta biết như sau:

Trong những ngày qua, sự chống đối của một nhóm Dân Biểu trong khối Ðảng Xanh Green, Cánh Tả Linke và Ðảng Xã Hội được bày tỏ qua truyền thông, là khoảng 100 dân biểu, sẽ không đến nghe Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phát biểu tại quốc hội.

Những người cực đoan thuộc nhóm này cho rằng một người đại diện tôn giáo không được nói chuyện trong quốc hội. Số người khác thì lập luận cho rằng đây là một việc làm truyền giáo cần phải ngăn cấm.

Thật ra, Ðây là một vấn đề lớn của Cánh Tả Linke, nguồn gốc từ đảng cộng sản Ðông Ðức cũ. Phe này đang tự chia năm xẻ bẩy trong mọi vấn đề. Cuộc bầu cử vào chủ nhật 18 tháng 9 năm 2011 tại tiểu bang Berlin, phe Cánh Tả đã bị đá văng ra ngoài quốc hội tiểu bang sau 10 năm liên hiệp với Ðảng Xã Hội. Nếu nói thủ đô Berlin là thủ phủ của Cánh Tả Linke, thì cuộc bầu cử 2011 này dẫn đến sự thảm bại to lớn nhất từ khi bức tường thành Berlin sụp đổ, chỉ đạt được 11.5% số phiếu.

Phe Cánh Tả Linke, tự xưng là những kẻ vô thần đã tuyên bố toàn khối Linke gồm 76 Dân biểu sẽ tẩy chay cuộc viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại quốc hội.

Cộng thêm khoảng 20 Dân biểu của Ðảng Xã Hội không đến quốc hội trong lúc Ðức Giáo Hoàng viếng thăm.

Tuy nhiên, Tổng thư ký của Ðảng Xã Hội , bà Andrea Nahles , thì lại tuyên bố như sau: "Tôi vui mừng vì chủ tịch quốc hội mời Ðức Giáo Hoàng đọc diễn văn". "Chẳng một ai phải cưỡng bách để trở thành người công giáo, không phải ai cũng tìm được niềm tin nơi lời của Ngài, tuy nhiên Ngài nói cho hơn 1 tỷ người công giáo nghe. Ðây là thực sự một diễn đàn toàn cầu. Chúng ta phải kính trọng lời nói của Ngài".

Vị Tổng thư ký của Ðảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, ông Herman Gruhe, thì chỉ trích thẳng thái độ của nhóm Dân Biểu chống đối như sau: "Ðây là một sự xấu hổ, khi các dân biểu của Ðảng Xanh, Cánh Tả Linke và Ðảng Xã Hội không có khả năng đón tiếp và kính trọng một vị khách đặc biệt"

Và Ðức Hồng Y Karl Lehmann, Cựu chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức nhận định như sau: "Nếu những nhà chính trị này tẩy chay bài phát biểu của Ðức Giáo Hoàng, thì họ đúng là tồi tệ và hèn nhát".

Ðức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng Giám Mục Koln chỉ trích kế hoạch tẩy chay bởi các thành viên của quốc hội, như là những người "nhỏ nhoi và hẹp hòi". Những loại đại biểu quốc hội này "không có chất lượng ngang tầm với sứ mệnh cao cả làm đại diện của dân tộc chúng ta."

Một nhà báo ngoại quốc tại Berlin được báo Bild hỏi cách nhìn về 100 Dân biểu Ðức muốn tẩy chay Ðức Giáo Hoàng tại quốc hội thì ông cho biết đó là một hành vi "không đứng đắn". "Một vị khách, người ta mời đến thì chủ nhà phải trao tặng sự lắng nghe. Những sự khác có thể quên đối với khách, nhưng không được chạm vào sự kính trọng và lòng hiếu khách".

Trở lại chương trình tường thuật của chuyến viếng thăm, ngày thứ Sáu 23 tháng 09 năm 2011.

Sau Thánh Lễ riêng tại Toà Sứ Thần Toà Thánh, Ðức Thánh Cha gặp những đại diện của Cộng Ðồng Hồi Giáo nơi Phòng Khách, rồi lên đường ra phi trường quốc tế Tegal của thủ đô Berlin, để đi thăm Thành Phố Erfurt, địa điểm thứ hai của chuyến viếng thăm.

Trong bài ngỏ lời với anh chị em Hồi Giáo, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến tầm quan trọng của Hiến Pháp Ðức được viết ra năm 1949 như là nền tảng luôn thời sự cho cuộc chung sống dân sự. Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng những vị soạn Hiến Pháp năm 1949 đã tìm một mặt bằng vững chắc trên đó tất cả mọi công dân Ðức có thể nhìn nhận nhau, vừa xác định vài quyền lợi không thể nhượng được và riêng biệt của bản tính con người.

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng lớn mà anh chị em hồi giáo dành cho chiều kích tôn giáo, vừa giải thích rằng vài người có thể nhìn nó như một sự khiêu khích trong một xã hội đang cố gắng loại bỏ chiều kích tôn giáo này. Ðức Thánh Cha bảo đảm với anh chĩ em hồi giáo rằng Giáo Hội dấn thân mạnh mẽ ngỏ hầu việc thuộc về một tôn giáo được nhìn nhận cách đúng lẽ công bằng trong xã hội và sao cho việc tôn trọng kẻ khác luôn luôn được duy trì. Ðức Thánh Cha nói: "Với niềm xác tín riêng, những con người tôn giáo có thể cống hiến chứng tá quan trọng trong nhiều lãnh vực thiết yếu của sinh hoạt xã hội, như lãnh vực bảo vệ gia đình được xây trên hôn nhân, lãnh vực tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn phát triển, và lãnh vực cổ võ cho nền công bằng xã hội mỗi ngày một vững mạnh và rộng rãi hơn." Cuối cùng, Ðức Thánh Cha nhắc đến sáng kiến Ngày Suy Tư, Ðối Thoại và Cầu Nguyện cho nền Hoà Bình và công bằng trên thế giới, vừa gợi nhắc đến Ngày sẽ được tổ chức tại Assisi vào 27 thaáng 10 năm 2011. Ðức Thánh Cha giải thích: "Với cuộc quy tựu tại Assisi, chúng ta muốn chứng tỏ, cách đơn thành rằng những con người tôn giáo như chúng ta đây, chúng ta cống hiến phần đóng góp của mình để xây dựng một thế giối tốt đẹp hơn."

Liền sau cuộc gặp gỡ với những anh chị em hồi giáo, Ðức Thánh Cha ra phi trường quốc tế Tegel của thủ đô Berlin, để đi thăm địa điểm thứ hai là thành phố Erfurt, nơi có nhiều liên hệ lịch sử với nhà cải cách Martin Luther. Ông đã sinh sống tại thành phố này từ năm 1483 cho đến năm 1546.

Máy bay chở Ðức Thánh Cha đã đến Phi Trường Erfurt vào lúc 11 giờ trưa thứ Sáu 23 tháng 09 năm 2011. Chủ Tịch Bang Thuringen, Bà Christine Lieberknecht, đã ra tận sân bay chào đón Ðức Thánh Cha. Tiếp đó Ðức Thánh Cha đến viếng Nhà Thờ Chính Toà của thành phố Erfurt, nơi tu sĩ Martin Luther đã được phong linh mục trong giáo hội công giáo vào năm 1507. Ðây là lần đầu tiên Ðức Thánh Cha đến thăm một thành phố nằm trong lãnh thổ Ðông Ðức trước đây, kể từ khi Bức Tường Berlin bị phá sụp. Sau khi viếng thăm Nhà Thờ Chính Toà, Ðức Thánh Cha đến tu viện dòng Thánh Augustinô, là nơi mà Martin Luther đã vào tu năm 1505. Tại Tu Viện, Ðức Thánh Cha gặp những Ðại Diện của Hội Ðồng Giáo Hội Tin Lành Ðức Quốc và sau đó tham dự buổi cầu nguyện đại kết.

Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Erfurt vừa khích lệ vừa đào sâu công cuôc đối thoại đại kết với anh chị em Tin Lành Ðức Quốc. Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây rằng, vào năm 1999 khi còn là Hồng Y đặc trách Bộ Giáo Lý Ðức Tin, Ðức Thánh Cha đã tham dự vào việc soạn thảo Tuyên Ngôn chung về Ơn Công Chính Hoá. Tuyên Ngôn này đã được Giáo Hội Công Giáo và Liện Hiệp Tin Lành Lutherô đồng ký nhận. Tuyên ngôn này là một bước tiến tới trên con đường đối thoại đại kết. Trong tổng số 82 triệu dân, thì hai phần ba dân số là người kitô, gồm công giáo và tin lành. Và trong tổng số anh chị em tin lành, cộng đoàn Tin Lành Luthero chiếm đa số.

Trong một cuộp họp báo cùng ngày thứ Sáu 23 tháng 9 năm 2011, vấn đề hiệp thông "rước lễ" đã được các ký giả đặt ra, và đã được Mục Sư Nikolaus Schneider trả lời như sau: "Chúng tôi hài lòng vì đã có cuộc thảo luận sâu xa và đầy tình huynh đệ; nhưng đồng thời chúng tôi không được toại nguyện, vì có vài vấn đề chưa có giảp đáp." Trong khi đó, cũng trong cuộc họp báo nói trên, Linh Mục Lombardi, giám đốc phòng báo chí toà thánh, trình bày phương pháp đối thoại đại kết của Ðức Thánh Cha. Ngài muốn đi vào trung tâm để tìm gặp điều sâu xa nhất, để rồi từ đó mà tiến tới trong đối thoại, thay vì dừng lại nơi những gì còn gây chia rẽ.

Sau cuộc gặp gỡ đại kết kéo dài khoảng gần một tiếng đồng hồ, với việc lắng nghe Lời Chúa và bài diễn văn của ngài, Ðức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đến dùng cơm trưa tại Chủng Viện Giáo Phận Erfurt.

Buổi chiều, Ðức Thánh Cha dùng trực thăng đi hành hương Ðền Thánh Ðức Mẹ Etzelbach. Tại đây, Ðức Thánh Cha chủ sự Giờ Kinh Chiều Kính Ðức Mẹ, rồi về lại Erfurt qua đêm.

Ðền Thánh Ðức Mẹ Etzelbach đã được xây lên vào năm 1801, và được xây lại vào năm 1897, nằm trong lãnh thổ Ðông Ðức trước kia, cách Erfurt khoảng 80 cây số. Trong Nhà Nguyện Ðền Thánh, còn lưu giữ Tượng Ðức Mẹ Sầu Bi bằng gổ mà truyền thuyết cho rằng đã được một nông dân tìm thấy chôn vùi dưới đất tại nơi này. Nhưng từ lâu trước, tức từ thế kỷ 16, đã có những cuộc hành hương đến đây rồi. Ðặc biệt hằng năm vào tháng 07, đến Chúa Nhật sau lễ Ðức Mẹ Thăm Viếng, khách hành hương từ những địa điểm xung quanh còn giữ tập tục đến đây bằng ngựa.

Giảng trong Giờ Kinh Chiều Kính Ðức Mẹ, với sự hiện diện của đông tín hữu, Ðức Thánh Cha nhắc rằng không ai có thể phát triển chính mình bằng cách tự thực hiện mình, nhưng bằng việc tự nguyện hiến thân. Ðức Thánh Cha nói: "Việc tự thể hiện chính mình được trình này như kiểu mẩu sống thời mới, nhưng kiểu sống này có thể dễ dàng biến thành nếp sống ích kỷ tiềm ẩn. Chúng ta cần có thái độ sống biết cho đi chính mình."

Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong bài tường thuật kế tiếp.

 

ÐTD.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page