Tình hình tuyệt vọng

của người dân Somali

 

Tình hình tuyệt vọng của người dân Somali.

Phỏng vấn bác sĩ Abdul Khadir.

Roma (Avvenire 17-9-2011; 16.18-9-2011; Vat. 19-09-2011) - Thể theo lời kêu goi của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI trong buổi đoc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 tháng 7 năm 2011, Hội Ðồng Giám Mục Italia đã phát động chiến dịch quyên góp ngoại thường trong mọi nhà thờ toàn nước ngày Chúa Nhật 18 thángt 9 năm 2011 để trợ giúp các dân tộc bị nạn đói trầm trọng trong vùng Sừng Phi Châu. Trong các tháng qua đã có hàng ngàn người chết vì đói khát, đa số là trẻ em, người già và phụ nữ. Từ 60 năm qua đây là nạn đói khủng khiếp nhất trong vùng. Số tiền quyền được sẽ do Caritas Italia chuyển tới các các Caritas địa phương để cứu trợ các nạn nhân, đặc biệt là mấy trăm ngàn người Somali.

Hôm 19 tháng 9 năm 2011 trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tiếng Ý đài Vaticăng, Ðức Cha Giorgio Bertin, Giám Mục Gibuti kiêm Giám Quản Tông Tòa Mogadiscio, đã bầy tỏ sự biết ơn lòng quảng đại của tín hữu Italia. Ðức Cha mong muốn rằng sáng kiến liên đới này không chỉ là một cử chỉ nhân đạo hạn chế trong một thời gian, nhưng là dịp mở rộng tâm trí con người và nhất là mở rộng tương quan giữa các dân tộc và các quốc gia. Theo Ðức Cha điều đang xảy ra trong vùng Sừng Phi châu chắc hẳn là hậu qủa của nạn hạn hán mất mùa, nhưng tình hình trở thành trầm trọng hơn cũng là hậu qủa của sự thiếu tình liên đới giữa các dân tộc. Trong tư cách là chủ tịch Caritas địa phương, Ðức Cha cho biết nhân danh Giáo Hội ngài phục vụ hai nước Somalia và Gibuti, nhưng hai nước có hai tình hình rất khác nhau. Tại Gibuti để đối phó với nạn hạn hán, Caritas địa phương ít gặp các khó khăn lớn về phương diện an ninh. Trong khi trong vùng trung nam Somalia nạn đói trầm trọng hơn, mà lại không có an ninh nên Caritas địa phương không thể hoạt động hữu hiệu. Có các tổ chức muốn trợ giúp dân chúng và phẩm vật cứu trợ có sẵn đó, nhưng vấn đề chính là làm sao có thể đem đồ cứu trợ đến cho các nạn nhân một cách an toàn. Trong tuần này nạn đói của các dân tộc vùng Sừng Phi châu sẽ được thảo luận tại Liên Hiệp Quốc. Ðức cha Bertin tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng ngừng dấn thân trợ giúp các dân tộc vùng Sừng Phi châu.

Trong khi đó tại Somalia, sau thời gian chuyển tiếp dài mỏi mệt và nguy hiểm, chính quyền lâm thời đã đề ra chương trình soạn thảo tân Hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng một năm tới. Ðức Cha Giorgio Bertin không mấy tin tưởng rằng chính quyền có thể thực hiện được các điều này. Lý do vì sau 20 năm vắng bóng luật lệ, luôn có các kẻ lạm dụng gây rối loạn. Ðất nước Somalia đang sống một giai đoạn chuyển tiếp: từ cuộc nội chiến sang cuộc rút lui của lực lượng Al Shaab, ít nhất là khỏi thủ đô Mogadiscio, nhưng chính quyền lâm thời vẫn chưa nắm vững được tình hình trong tay.

Liên quan tới công tác cứu trợ, theo Ðức Cha, nên mua phẩm vật cần thiết nơi các thương gia địa phương, thay vì mua các phẩm vật từ bên ngoài rồi chuyên chở tới Somalia. Lý do vì các thương gia địa phương biết tự bảo vệ mình và hiểu tình hình tại chỗ hơn các tổ chức quốc tế rất nhiều.

Nạn hạn hán mất mùa trong vùng Sừng Phi châu hiện đang đe dọa 12 triệu dân trong các nước Etiopia, Gibuti, Somalia và Kenya. Ðã có thêm hai trại tị nạn được thành lập tại miền tây bắc Kenya để tiếp nhận 200,000 người Somali. Trong hai trại Dadaab và Info 2 có tới 440,000 người tị nạn. Theo tổ chức Liên Hiệp Quốc, trong toàn vùmg Sừng Phi châu số trẻ em thiếu dinh dưỡng rất cao. Hiện nay có 3 triệu người Somali có nguy cơ chết đói. Vì các lực lượng hồi Al Shabaab vẫn tấn công đó đây nên chính quyền lâm thời Mogadiscio cấm nhân viên các tổ chức nhân đạo quốc tế hoạt động.

Các tổ chức cứu trợ quốc tế yêu cầu thành lập một hành lang nhân đạo và một lưc lượng bảo vệ đồ cứu trợ. Người ta được hiết là thường khi thực phẩm và thuốc men bị các lực lượng hồi Al Shabaab thân tổ chức Al Qaeda tịch thu, mà không tới được với dân chúng. Nhà thờ chính tòa Mogadiscio trở thành nơi trú ẩn cho người tị nạn chạy trốn chiến tranh và đói khát. Theo ước tính của tổ chức Cộng tác Hoa Kỳ, trong 6 tháng qua đã có 29,000 trẻ em bị chết đói. Trong khi nhiều tổ chức quốc tế khác cho rằng số người chết lên tới 80,000 người, tức cao hơn số 25,000 người chết trong 20 năm nội chiến. Ðây qủa thật là "một cuộc diệt chủng thầm lặng" của nhân dân Somalia: chết vì đói khát, di cư và bệnh tật trước sự dửng dưng của các nước tây âu và cộng đồng quốc tế.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bác sĩ Abdul Khadir về tình trạng tuyệt vọng của mấy trăm ngàn người dân Somali, đang khắc khoải chờ thực phẩm và thuốc men cứu trợ. Từ nhiều năm nay bác sĩ Abdul Khadir là một trong các bác sĩ làm việc trong nhà thương Benadir của thủ đô Mogadiscio. Ðây là một trong số rất ít cơ cấu y tế còn có thể giải phẫu cho các bệnh nhân trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của một quốc gia bị 20 năm nội chiến. Qua điện thoại bác sĩ cho biết kể từ khi các lực lượng dân quân hồi cuồng tín Al Shabaab rút lui khỏi các khu phố thủ đô, tình hình xem ra tạm yên hơn một chút, nhưng nhà thương thiếu mọi sự, và rất cần được tiếp tế.

Hỏi: Thưa bác sĩ Khadir, sau khi các lực lượng hồi Al Shabaab rút lui khỏi các khu phố thủ đô Mogadiscio, các điều kiện làm việc của nhà thương nơi bác sĩ thực hiện các cuộc giải phẫu mỗi ngày, có khá hơn không?

Ðáp: Các lực lượng nổi loạn đã để lại đa số các căn cứ của họ trong thủ đô, nhưng các cuộc chạm súng vẫn xảy ra hầu như mỗi ngày, đặc biệt tại mạn bắc thủ đô Mogadiscio. So với trước đây khi hằng ngày xảy ra các vụ bắn nhau giữa các lực lượng hồi Al Shabaab và quân đội của chính phủ lâm thời, trong các ngày qua chúng tôi đã có ít người bị thương tìm đến chữa trị hơn. Hiện nay chúng tôi lưu tâm tới các bệnh nhân bị các bệnh khác nhau, và các chứng bệnh này có nguy cơ trở thành bệnh dịch khó mà có thể kiềm chế nổi trong một vùng có tình hình trầm trọng như Somalia.

Hỏi: Tình hình sức khỏe của các bệnh nhân trong nhà thương hiện nay ra sao, thưa bác sĩ?

Ðáp: Tình hình rất thê thảm. Chúng tôi có rất nhiều người bi bệnh tiêu chảy, sốt rét rừng, và lao phổi. Mỗi ngày đều là một cuộc chiến đấu rất khó khăn, nhất là đối với các trẻ em từ 2 tới 10 tuổi. Ngoài ra, mức độ thiếu dinh dưỡng của trẻ em kể cả trẻ em dưới 2 tuổi rất cao. Nhưng rất tiếc là vì một loạt các lý do, từ nhiều tuần qua thuốc men không tới được với chúng tôi. Có vài tổ chức nhân đạo quốc tế còn có thế tiếp tế cho chúng tôi, nhưng một cách thất thường, khi có khi không, và mọi người đều biết rằng nếu không có thuốc men thường xuyên, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân sẽ ngày càng tồi tệ thêm.

Hỏi: Như vậy có nghĩa là các đồ cứu trợ đã không đến nhà thương?

Ðáp: Các tiếp tế lần sau cùng đã đến cách đây 2 tháng, và từ đó đên nay chúng tôi không nhận được gì nữa. Chúng tôi đã kêu gọi tổ chức sức khỏe thế giới OMS và các nhóm trợ giúp địa phương mà chúng tôi còn liên lạc được. Nhưng đã không có ai trả lời.

Hỏi: Nhưng mà thưa bác sĩ, đã có vài nhân viên của Liên Hiệp Quốc tới được thủ đô Mogadiscio mà, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, đúng thế, tuy nhiên họ đến với chúng tôi rất ít lần trong một năm, và chỉ để dậy các khoa học giúp chúng tôi hiểu biết hơn, chứ không phải để đem đồ cứu trợ cần thiết cho hoạt động của chúng tôi. Chẳng hạn như tổ chức sức khỏe thế giới mới đây đã nhận được 10 triệu mỹ kim từ nước A rập Sauđi, dành cho các cơ cấu y tế tại Somalia: ở đây chúng tôi ai cũng biết điều này, nhưng không ai thấy bóng dáng các khoản tài trợ đâu cả. Tổ chức Nhi Ðồng thế giới Unicef cũng thế, bình thường thì họ cung cấp đồ cứu trợ cho trẻ em. Nhưng từ hai tháng nay họ không cung cấp sữa cho trẻ em nữa. Tôi cũng không hiểu tại sao. Xem ra người ta làm mọi sự có thể để khiến cho tình trạng đói khát của dân chúng trở nên trầm trọng hơn, mà không giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay của Somalia.

Hỏi: Thế từ phía chính quyền chuyển tiếp của Somalia nhà thương có nhận được trợ giúp nào không thưa bác aĩ?

Ðáp: Chính quyền thì lo đánh nhau với các lực lượng phản loạn và tiếp tục lo chuyện của họ, chứ họ không lo lắng cho người bệnh tật. Từ khi chính quyền mới được chỉ định hồi tháng 6 vừa qua, bộ sức khỏe đã chỉ thăm chúng tôi một lần duy nhất, và nhân viên của bộ đi trong hành lang nhà thương trong vòng 10 phút mà không nói gì.

Hỏi: Bác sĩ có muốn nhắn gửi người dân Italia điều gì không?

Ðáp: Có. Tại Italia các nhà chính trị biết rõ các điều kiện sống đích thật của người dân Somalia, nhưng mà đại đa số dân chúng lại không biết rõ tình hình. Vì thế tôi xin người dân Italia thật sự chú ý đến đất nước

Somalia chúng tôi và trợ giúp chúng tôi: đa số dân chúng chỉ nhúc nhích khi trông thấy trên truyền hình một vài hình ảnh thương tâm, nhưng thật ra không nên để xảy ra như thế.

(Avvenire 17-9-2011; 16.18-9-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page