Mùa xuân A rập

và thử thách dân chủ

 

Mùa xuân A rập và thử thách dân chủ.

Phỏng vấn ông Ala Al Aswani, nha sĩ kiêm nhà văn và chuyên viên phân tích tình hình các nước A rập.

A-rập (Avvenire 4-9-2011) - Ngày 9 tháng 9 năm 2011 ông Ala Al-Aswani nha sĩ, nhà văn kiêm chuyên viên phân tích tình hình các nước A rập, sẽ tham dự đại hội văn chương tại tỉnh Mantova bắc Italia, để giới thiệu cuốn sách mới của ông có tựa đề là "Cuộc cách mạng Ai cập", và tham dự cuộc thảo luận bàn tròn về đề tài "Cách mạng". Bác sĩ cũng là tác giả hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Dinh Yacoubian" xuất bản năm 2002, và "Chicago" xuất bản năm 2006.

Ông Ala Al Aswani sinh năm 1957 và là con của văn sĩ Abbas Al-Aswani. Sau khi mãn bậc trung học tại một trường dậy bằng tiếng Pháp tại Ai Cập, ông đã theo học nha khoa tại đại học Illinois và Chicago bên Hoa Kỳ, và hiện nay vẫn hành nghề bác sĩ nha khoa.

Bác sĩ Ala Al Aswani cũng là một văn sĩ nổi tiếng thường xuyên cộng tác với các nhật báo đối lập, và gần gũi các nhà trí thức tả phái Ai Cập, đặc biệt là với nhà văn Sonallah Ibrahim. Tuy tuyên bố mình độc lập trên bình diện chính trị, nhưng ông là một trong những người đã thành lập phong trào phản đối Kifaya có nghĩa là "Ðủ rồi". Chính phong trào này đã làm nảy sinh ra cuộc cách mạng dân chủ tại Ai Cập như chúng ta đã chứng kiến trong các tháng qua.

Ngoài ra bác sĩ còn là một cây viết nổi tiếng thế giới vì các phân tích sắc bén, chính xác, cũng như lòng can đảm và sự đam mê tố cáo các tệ nạn gây ra khổ đau cho xã hội Ai Cập, cũng như cho nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ông miêu tả Ai Cập như là một quốc gia bị tước đoạt, thối nát, nghèo đói và bất động, nhưng sự tuyệt vọng của nó chỉ chờ đợi một tia lửa là bùng nổ và biến thành cuộc nổi loạn của toàn dân. Ðó là điều đã xảy ra, khiến cho Ai Cập thoát khỏi chế độ cai trị độc tài. Theo bác sĩ Al Aswani mùa xuân A rập đã làm nảy sinh ra một "quốc tịch toàn cầu" mới. Mặc dù còn có các cảnh bất ổn xảy ra nhưng đó là một trong các hoa trái qúy báu nhất của các cuộc nổi loạn của các dân tộc A rập. Các hoa trái đó đã làm sụp đổ trật tự vùng Trung Ðông, mà chúng ta đã biết từ bao thập niên qua.

Tác phẩm mới nhất của bác sĩ là cuốn "Nếu tôi không phải là người Ai cập", bao gồm các bài viết hồi thập niên 1990, nhưng đã không bao giờ được phép xuất bản, vì sự chống đối của một nhân viên chính quyền.

Bác sĩ Al Aswani có lối viết thực tiễn và trực tiếp, khiến cho người đọc dễ hiểu và vì thế sách của ông rất được dân chúng ưa thích. Nhất là vì ông rất khéo léo trình bày cuộc sống của người dân Ai Cập trong tất cả mọi chiều kích khác nhau của nó, hấp dẫn đến độ dân chúng so sánh ông với nhà văn và tiểu thuyết gia Nagib Mahkfuz, người đã được giải Nobel văn chương 1988.

Bác sĩ Al Swani cũng là một người hoạt động thăng tiến dân chủ tại Ai Cập và trong thế giới A rập. Sự kiện giới trẻ xuống đường biểu tình tại các nước Âu châu cũng như khắp nơi trên thế giới chắc chắn đã lấy hứng từ các cuộc biểu tình của người dân Ai Cập tại quảng trường Tahkrir liên tục trong mấy tuần đưa đến thành công lật độ chính phủ của tổng thống Hosni Mubarak.

Hỏi: Thưa bác sĩ Al Aswani, "Dân chủ là giải pháp duy nhất": đó đã là khẩu hiệu của bác sĩ. Nhưng tại Ai Cập, nơi việc đánh đuổi ông Mubarak đã khiến cho toàn dân phấn khởi và dấy lên biết bao hy vọng, người ta nhận thấy các đe dọa nghiêm trọng đối với việc chuyển tiếp dân chủ. Ðiều này có khiếm cho bác sĩ lo lắng không?

Ðáp: Tôi không ngạc nhiên về sự kiện này: mỗi một cuộc cách mạng đều phải đương đầu với các thúc đẩy chống lại cách mạng. Trong trường hợp của Ai Cập, có các thành phần của chính quyền cũ vẫn còn hiện diện khắp nơi, từ trong các phương tiện truyền thông cho tới các bộ, và họ hoạt động trong quyền hạn của họ để gây hỗn loạn, và ngăn chặn sự thay đổi dân chủ. Vấn đề đó là từ khi chính quyền của ông Hosni Mubarak sụp đổ cho tới nay, Hội đồng quân nhân lãnh đạo đất nước đang chứng minh cho thấy họ không có khả năng chống lại các lực lượng phản cách mạng này. Từ phía tôi cũng như từ phía các nhà trí thức, chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ các giới chức quân sự để góp ý kiến nhằm cụ thể hóa lý tưởng của các cuộc nổi dậy, nhưng các lựa chọn chính trị đã không đáp ứng đủ các chờ mong của dân chúng.

Hỏi: Thưa bác sĩ, cả cuộc khủng hoảng kinh tế cũng khiến cho người ta lo sợ: bác sĩ có nghĩ rằng nó có thể khiến cho các hăng say cách mạng của dân chúng bị nguội đi không?

Ðáp: Chúng ta hãy thực tế: dưới thời tổng thống Mubarak 40% hay trong một vài vùng có tới 55% người dân Ai Cập phải sống dưới mức nghèo túng. Nạn thất nghiệp cao tận trời xanh, và đây đã là một trong các lý do làm nảy sinh ra cuộc nỗi dậy của dân chúng. Trong khi hiện nay, hiển nhiên không phải là lỗi của những người đã khiến cho chế độ sup đổ, nhưng là của Hội đồng quân nhân, bắt đầu nắm quyền tổng thống và quốc hội, sau khi chế độ Mubarack sụp đổ.

Hỏi: Bác sĩ có sợ khuynh hướng hồi giáo qúa khích không?

Ðáp: Cả về phía này nữa, cũng có các thành phần của chế độ cũ đang làm tất cả những gì có thể làm được để phơi bầy bóng ma của cuộc xung đột giữa các giáo phái thường là bằng cách dưỡng nuôi bao lực. Ðiều khiến cho tôi lo sợ đó là các nhân viên an ninh, là các kẻ tội phạm đã tra tấn hàng trăm ngàn người vô tội, và họ vẫn còn tự do hành động. Cần phải có các luật lệ dân chủ bảo vệ tất cả mọi người dân.

Hỏi: Các người trẻ đã khơi dậy cuộc cách mạng dân chủ và các thay đổi sẽ có vai trò và thế đứng nào trong các xã hội A rập mới thưa bác sĩ?

Ðáp: Hầu như gần phân nửa tổng số dân Ai Cập là người trẻ dưới 30 tuổi. Khi chúng ta nói tới giới trẻ, chúng ta đụng tới những giai tầng to lớn trong các xã hội A rập. Sau cuộc cách mạng tôi đã gặp biết bao nhiêu bạn trẻ chuyên nghiệp Ai cập như các bác sĩ, kỹ sư, sống bên Âu châu hay trong vùng vịnh Ba Tư, và họ đã quyết định hồi hương để góp phần xây dựng một đất nước Ai Cập mới. Tôi nghĩ rằng với nền dân chủ sẽ có các cơ may cho tất cả mọi người, vì thế tôi là người đầu tiên không chịu được sự chậm chạp của việc chuyển tiếp. Nhưng tôi xác tín rằng chúng tôi đã châm ngòi cho một sự thay đổi không thể quay trở lại đàng sau được nữa. Chúng tôi không trở lại đàng sau.

Hỏi: Bác sĩ có nghĩ rằng Mùa Xuân A rập sẽ còn lan rộng ra trong vùng hay không?

Ðáp: Có chứ, tôi tin là cuộc cách mạng dân chủ, Mùa Xuân A Rập sẽ lan tràn trong vùng. Tôi cảm thấy chắc chắn như vậy. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến việc kết thúc của một kỷ nguyên trong thế giới A rập: đó là ngày tàn của các chế độ độc tài. Chắc chắn là tình hình không phải ở đâu cũng như nhau, bởi vì mỗi quốc gia có các điều kiện riêng biêt, nhưng chúng tôi đang bắt đầu một tương lai mới.

Hỏi: Thưa bác sĩ các nhà trí thức Ai Cập đã nắm giữ vai trò nào trong bối cảnh cách mạng dân chủ này?

Ðáp: Chúng tôi phải đứng hàng đầu trong việc đòi hỏi công bằng và các quyền con người, và nhập cuộc vào mọi tranh đấu của người dân. Ðàng khác, tôi không thể tưởng tượng được rằng một người như tôi đã kêu gọi và cổ võ thay đổi từ 30 năm nay, giờ đây đã có sự thay đổi, lại có thế đứng ngoài nhìn mà không dấn thân làm gì cả.

Hỏi: Chỉ còn vài ngày nữa là tưởng niệm biến cố khủng bố xảy ra tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, mở màn cho cuộc chiến của Hoa Kỳ và các nước đồng minh chống lại phong trào hồi giáo khủng bố phá hoại, cũng như làm thay đổi cục điện nhiều nước trên thế giới. Bác sĩ nhận thấy tương quan giữa thế giới hồi giáo với Tây Âu như thế nào?

Ðáp: Tôi không tin vào các phạm trù này, và xem ra người dân thường cũng không tin vào chúng. Ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này con người đều bình đẳng với nhau, họ muốn có công ăn việc làm, và tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái của họ. Khuynh hướng cực đoan là một đe dọa nghiêm trọng đối với tất cả mọi người, tín hữu kitô cũng như tín hữu hồi giáo. Ben Laden đã không chỉ chống lại tây âu mà ông ta cũng đã chống lại tôi, chống lại tư tưởng tự do của tôi, chống lại niềm tin của tôi nơi nền dân chủ nữa. Ðàng khác khi các dân tộc A rập chúng tôi xuống đường biểu tình đòi dân chủ, thì đã có biết bao nhiêu người đó đây trên thế giới ủng hộ chúng tôi, trong khi các chính quyền, kể cả các chính quyền vùng Trung Ðông tìm cách câu giờ lần lữa và tính toán các lợi lộc. Nhìn thấy giới trẻ huy động nhau đòi dân chủ từ Trung Ðông cho tới các phần đất khác trên thế giới, khiến cho tôi tràn đầy hy vọng.

(Avvenire 4-9-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page