Hội Ðồng Quốc Gia Chuyển Tiếp của Libia
nỗ lực xây dựng lại Nền Dân Chủ của Ðất Nước
Hội Ðồng Quốc Gia Chuyển Tiếp của Libia nỗ lực xây dựng lại Nền Dân Chủ của Ðất Nước.
Libia (Radio Vatican 2/09/2011) - Hôm 01 tháng 09 năm 2011, Bản tin Ðài phát thanh Vatican cho biết khoảng 60 vị lãnh đạo, trong đó có 13 quốc trưởng, 19 thủ tướng, các bộ trưởng của tổ chức Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu châu, Khối Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương, Liên Minh Á rập và Liên Hiệp Phi châu, đã tham dự hội nghị do tổng thống Nicolas Sarkozy và thủ tướng Cameron của Anh quốc chủ sự tại điện Elisée trong thủ đô Paris.
Tuy có 20 quốc gia chưa chính thức thừa nhận Hội đồng quốc gia chuyển tiếp của Libia, nhưng mục đích của hội nghị liên quan tới việc xây dựng nước Libia dân chủ sau 42 năm cai trị độc tài của đại tá Muammar Ghaddafi, và nhất là để lắng nghe và lượng định các yêu cầu của Hội đồng quốc gia chuyển tiếp Libia, do ông Mustafa Abdel Jalil lãnh đạo. Trong số các tham dự viên cũng có đại diện của tổng thống Liên Bang Nga Medvedev và một quan sát viên của chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra hội nghị Paris cũng nhắm ngăn ngừa không để xảy ra tại Libia tình trạng như Irak.
Ðược biết, trong khối các quốc gia A rập chỉ còn có Siria và Yemen là chưa thừa nhận Hội đồng quốc gia chuyển tiếp Libia, vì hai nước này cũng đang phải vất vả đương đầu với cuộc cách mạng dân chủ ngày càng nóng bỏng hơn, vì đã đổ nhiều máu của nhân dân.
Hiện các lực lượng nổi dậy vẫn tiếp tục truy nã đại tá Muammar Ghaddafi. Người ta đã thành lập các hội đồng khu phố để lo cho các nhu cầu thiết yếu nhất của người dân. Tình hình nhà thương trung ương thủ đô Tripoli ổn định, mặc dù số người bị thương tìm đến chữa trị rất đông. Bác sĩ Mustafa Al Jafari cho biết các nhân viên y tế săn sóc cho mọi người và lo chôn cất cả các lính đánh thuê của ông Ghaddafi nữa, vì xác của họ không được ai ngó ngàng tới.
Một trong các khó khăn của người dân thủ đô Tripoli đó là cảnh thiếu nước uống. Linh Mục Alan Archebuche, giám đốc Caritas Libia, cho biết các công nhân gốc phi châu Eritrea, Somalia, Nigeria, Camerun và Ghana rất lo sợ bị nhầm lẫn với lính đánh thuê của ông Ghaddafi.
RVA.