Giáo dục là chìa khóa
phát triển Phi châu
Ðể lớn lên Hồi giáo cần phải nhắm tới hòa bình.
Một số nhận định của ông Asghar Ali Engineer, học giả hồi người Anh.
Ấn độ (Avvenire 25-8-2011; Vat. 3/09/2011) - Hồi tháng 6 năm 2011 ông Asghar Ali Engineer đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề "Ðức tin sống động: cuộc tìm kiếm của tôi về hòa bình, hòa hợp và thay đổi xã hội". Giáo sư Asghar Ali Engineer hiện là một trong những gương mặt nổi bật nhất của khuynh hướng hồi giáo tân tiến, nhưng cũng là con người của đối thoại và có rất nhiều liên hệ rộng rãi với các giới chức xã hội và tôn giáo khác trên thế giới. Giáo sư nổi tiếng vì các tư tưởng trong nền thần học giải phóng Hồi giáo của ông, và vì trên 50 cuốn sách về Hồi giáo, Hồi giáo tại Ấn Ðộ, và hàng trăm bài khảo luận của ông về nền văn hóa hòa bình, bất bạo động và sự sống chung hòa bợp trong các cộng đoàn. Hiện nay giáo sư là giám đốc "Học viện nghiên cứu Hồi giáo", và "Trung tâm nghiên cứu xã hội và khuynh hướng tục hóa", do ông thành lập hồi năm 1980 và 1993. Ông là người cổ võ các quyền của nữ giới trong thế giới hồi giáo.
Giáo sư Engineer sinh năm 1939 tại Salumbar Rajasthan bên Ấn Ðộ, là con của một tư tế Bohra. Ông học tiếng A rập và các kinh điển của phong trào tôn giáo này. Sau khi lấy bằng kỹ sư dân sự tại đại học Vikram tỉnh Ujjain bang Madhya Pradesh, ông phục vụ như kỹ sư y tế trong 20 năm cho tới khi về hưu năm 1972. Ông bắt đầu nắm giữ vai trò quan trọng vào năm 1972, khi xảy ra vụ nổi loạn tại Udapur. Ông được bầu làm tổng thư ký Ban lãnh đạo cộng đoàn Dawoodi Bohra. Năm 2004 ông bị trục xuất khỏi cộng đoàn vì đã thẳng thắn phê bình thiết định tôn giáo của cộng đoàn. Năm 1980 ông thành lập Học viện nghiên cứu Hồi giáo và bắt đầu viết sách để phổ biến một thứ Hồi giáo tân tiến, thoát khỏi mọi khuynh hướng bạo lực và qúa khích. Học viện này được phối hợp với "Trung tâm nghiên cứu xã hội và khuynh hướng tục hóa" trong nỗ lực thăng tiến sự hòa hợp cộng đoàn. Giáo sư Engineer đã nhận được nhiều giải thưởng vì các nỗ lực này, trong số đó có giải thưởng Dalmia năm 1990, giải thưởng hòa hợp cộng đoàn năm 1997, giải thưởng Right Livelihood về thăng tiến các gía trị chung sống và bất bạo động năm 2004.
Hỏi: Thưa giáo sư Engineer, đâu là tư tưởng nòng cốt đã khiến cho giáo sư thành lập hai cơ cấu nói trên để phổ biến lý tưởng hòa bình, bất bạo động và hòa hợp cộng đoàn?
Ðáp: Việc nghiên cứu Hồi giáo với lòng chân thành đã nhanh chóng thuyết phục tôi rằng Hồi giáo, cũng như mọi tôn giáo khác, có các giá trị tích cực của nó, và đứng trước cảnh bạo lực trong xã hội, như là tín hữu hồi, tôi có bổn phận thăng tiến hòa bình và hòa hơp trong mọi trạng huống cuộc sống. Ngày nay chúng ta chứng kiến cảnh bạo lực trong cuộc sống hằng ngày, bởi vì người ta không thực thi điều người ta tin. Ngoài ra ra còn có rất nhiều lợi nhuận làm nảy sinh ra bạo lực vì các lý do chính trị, hay vì các lý do khác. Chúng ta phải chống lại các lợi lộc gây đổ máu ấy, và không mệt mỏi nêu cao hòa bình như giá trị nền tảng của tôn giáo.
Hỏi: Thưa giáo sư, tư tưởng viết cuốn tiểu sử của giáo sư đã nảy sinh ra như thế nào, và đâu là lý tưởng của "đức tin sống động" mà giáo sư chỉ cho thấy và muốn chia sẻ với người đọc?
Ðáp: Ðã từ lâu các bạn bè của tôi đã xin tôi chia sẻ các kinh nghiệm dấn thân cho hòa bình hòa hợp liên tôn của tôi với họ, cũng như dấn thân của tôi cho các cải cách xã hội bên trong cộng đoàn hồi giáo. Có vài người quen biết tôi cho rằng các kinh nghiệm của tôi ích lợi cho kẻ khác. Kiểu nói "đức tin sống động" muốn nhấn mạnh nỗ lực sống cuộc sống của tôi theo các giá tri này.
Hỏi: Tại sao giáo sư đã quyết định tận hiến đời mình cho việc tìm kiếm hòa bình, hòa hợp và công băng xã hội như vậy?
Ðáp: Hồi còn trẻ tôi đã bị ấn tượng rất mạnh bởi các vụ bạo động xảy ra giữa người ấn giáo và hồi giáo trong vùng tôi ở. Chính vì thế tôi đã quyết định dấn thân tạo dựng hòa bình giữa các tôn giáo và cho sự hòa hợp trong phương thế khiêm tốn mà tôi có được. Rồi sau đó tôi đã tìm cách duy trì quyết định này, mặc dù có gặp nhiều khó khăn và cản trở.
Hỏi: Mặc dù người ta liên tục từ chối các nguyên tắc nền tảng của nhiều tôn giáo, chúng ta có thể nói rằng việc tìm kiếm một nhân loại tốt đẹp hơn có thể đi ngang qua đức tin hay không thưa giáo sư?
Ðáp: Không có ai thực sự có niềm tin tôn giáo hay tinh thần có thể chấp nhận việc sử dụng bạo lực. Một người bạo lực có thể là tất cả, nhưng chắc chắn không phải là người đạo đức có niềm tin tôn giáo đích thực. Tôi có thể nói rằng việc tìm kiếm hòa bình của tôi dựa trên niềm tin của tôi, nhưng cả một người vô thần như Bertrand Russell cũng đã biết là một người chân thành thì luôn luôn thăng tiến hòa bình.
Hỏi: Giáo sư nhận thấy thành phố Mumbai nơi giáo sự đã chọn sống như thế nào: một thành phố sinh đậng, và qúa đông dân, có nhiều khả năng và các hạn hẹp của kinh nghiệm hòa hợp đa tôn giáo?
Ðáp: Mumbai là một thành phố có các khả năng mênh mông nhưng cũng có các khác biết rất lớn. Ðôi khi cũng xảy ra các xung khắc bộ lạc, ngôn ngữ và liên tôn. Các trái nghịch và các đụng độ có các lý do lợi lộc quyền bính chính trị hay lợi nhuận kinh tế, nhưng rất hiếm là các vụ đụng độ tự phát. Nhưng cũng chính vì thế lại càng phải dấn thân hơn nữa để kiểm soát tình hình, và khiến cho dân chúng ý thức hơn về sự cần thiết của việc chung sống hòa bình với nhau.
Hỏi: Như là một tín hữu hồi ấn độ, giáo sư có nghĩ rằng Ấn Ðộ cũng có các vấn đề như các nơi khác: nghĩa là các tôn giáo không thành công trong việc qiải quyết các vấn đề, mà lại còn có trách nhiệm đối với các vấn đề ấy, chẳng hạn như khuynh hướng cực đoan?
Ðáp: Như là tín hữu hồi ấn độ, trước hết tôi hãnh diện là người ấn. Các tín hữu hồi ở Ấn Ðộ gồm khoảng 150 triệu người. Họ không phải và không muốn là một phần tách rời khỏi dân tộc Ấn. Chính vì thế chúng tôi dấn thân sống gắn bó với đất nước. Nhưng cũng cần phải dấn thân canh tân cộng đoàn từ bên trong nữa, để có thể đồng hành với sự phát triển của đất nước. Ngày nay Ấn Ðộ là một quốc gia đa tôn giáo và là một nhà nước đời. Chắc chắn là có nhiều lợi lộc lớn lao tìm cách gây thiệt hại cho sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo, như tôi đã nêu bật trên đây. Và vì thế cần phải tích cực chống lại các lợi lộc gây chia rẽ, khai thác lợi dụng tôn giáo cho các mục tiêu không phải là tôn giáo.
Hỏi: Thưa giáo sư Engineer, giáo sư là nhân vật nổi tiếng vì dấn thân thăng tiến đối thoại và hòa bình. Theo giáo sư đâu có thể là vùng đất chung của sự đối thoại cho nhân loại để sống chung trong một trật tự khác, trong một thế giới của tình yêu thương và sự công bằng?
Ðáp: Có đúng thật là các tôn giáo đề nghị với chúng ta hòa bình và công lý, nhưng thường ngày có nhiều người khai thác nó cho các mục đích củng cố quyền bính và làm giầu. Rồi lại có tầng lớp tư tế, biến tôn giáo thành các lễ nghi và làm cho nó bị trống rỗng các giá trị nòng cốt. Chỉ có những người có lòng tin và tinh thần tu đức vững mạnh mới có thể sống theo các giá trị tích cực và đại đồng. Nhưng phải duy trì xác tín này: đó là nếu tất cả mọi người sống các giá trị ấy, thì hòa bình và hòa hợp sẽ chiến thắng. Hỏi: Ðã có ai, hay các văn bản hoặc cơ cấu nào ảnh hưởng trên tư tưởng của giáo sư và kinh nghiệm của giáo sư hay không? Ðáp: Các nguồn cảm hứng chính của tôi đã luôn luôn là kinh Coran và cuộc sống của ngôn sứ Mahomed. Nhưng trong sự phát triển tư tưởng của tôi, triết lý bất bạo động của Mahatma Gandhi đã nắm giữ một vai trò lớn. Cả trong thời đại của chúng ta ngày nay nữa, Gandhi là một nguồn gợi hứng mạnh mẽ, bên trong và bên ngoài Ấn Ðộ.
(Avvenire 25-8-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)