Giáo dục là chìa khóa

phát triển Phi châu

 

Giáo dục là chìa khóa phát triển Phi châu.

Phỏng vấn giáo sư Bianca Maria Carcangiu.

Bắc Phi (Vat. 3/09/2011) - Từ cuối năm 2010 tới nay làn sóng dân chủ dâng cao tại các nước Bắc Phi và lan sang nhiều nước Arập vùng Trung Ðông. Dân chúng, đặc biệt là người trẻ, đã sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến như điện thoại di động và hệ thống Internet, Youtube, Facebook để phát động phong trào biểu tình đòi dân chủ lật đổ các chế độ độc tài. Ðây là sự kiện chứng minh cho thấy các thế hệ trẻ tại Phi châu ngày nay có mức độ hiểu biết kỹ thuật vượt thế hệ ông bà cha mẹ của họ. Ðược như thế cũng là nhờ các chương trình giáo dục đào tạo họ được hưởng. Và sự kiện này chứng minh cho thấy giáo dục là chìa khóa phát triển của đại lục Phi châu.

Thật ra kể từ thời được độc lập khỏi ách thống trị của các nước tây phương trong thập nhiêm 1950-1960, một số nước Phi châu đã trở thành các nước có chế độ dân chủ, trong khi các nước khác chỉ có tên dân chủ, nhưng các chính quyền được bầu lên cũng có chính sách cai trị không khoan nhượng hơn các chế độ đi trước; và một phần lục địa Phi châu vẫn nằm dưới chế độ quân chủ chuyên chế. Ðó là Phi châu của những lãnh tụ như Robert Mugabe, làm tổng thống Zimbabwe từ hơn 30 năm qua; Dos Santos cai trị Angola từ năm 1979; Museveni tổng thống Uganda từ năm 1986; Omar Bashir nắm quyền tại Sudan từ năm 1989; Melles Zenawi cai trị Etiopia từ năm 1991 vv... Ðó là các chế độ quân chủ đội lốt dân chủ, thường được sự hậu thuẫn của các nước tây âu.

Bên cạnh đó cũng có một số nước Phi châu được quốc tế trợ giúp tiến tới chỗ trưởng thành dân chủ như Nam Phi, Ghana, Botswana và Benin. Rồi có các nước mới ra khỏi các chế độ độc tài như Guinea, Niger và Nigeria. Ghana là quốc gia có chế độ đa đảng hoạt động tốt và có mức tăng trưởng trong năm 2011 là 13,4 %, đứng đầu Phi châu. Tuy có một số vấn đề liên quan tới việc phân chia tài nguyên dầu hỏa, nhưng các cuộc bầu cử tại Nigeria trong năm nay đã trong sáng và đúng đắn nhất kể từ khi ra khỏi chế độ độc tài năm 1999, và khá hơn cách đây 4 năm.

Trong khi đó Liberia và Sierra Leone là hai nước đang thành công trong việc tái thiết các cơ cấu sau các cuộc nội chiến đẫm máu. Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất Phi châu mới độc lập khỏi Bắc Sudan ngày 9-7-2011, sau cuộc trưng cầu dân ý. Mozambic cũng đã củng cố sự ổn định chính trị của mình và lôi kéo giới đầu tư ngoại quốc.

Giữa các năm 1996-2006 đã có 44 cuộc bầu cử trong vùng Phi châu nam sa mạc Sahara, trong khi giữa các năm 2005-2007 đã có 26 cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Chỉ nội trong năm 2010 người dân 21 nước Phi châu đã đi đầu phiếu. Các sự kiện này chứng minh cho thấy Phi châu đang đi "đúng hướng", tuy còn có rất nhiều điều phải làm như cuộc chiến chống tệ nạn tham nhũng, việc thăng tiến tự do báo chí và phát triển an sinh. Kenya là một trường hợp điển hình chứng minh cho thấy một quốc gia đã đạt được sự ổn định, lại có thể tụt hậu và quay trở về tình trạng chậm tiến qúa khứ.

Ngoài ra, cũng có các nước phi châu rơi vào cảnh đảo chánh khi thành công khi thất bại như Madagascar năm 2009, Guinea Bissau năm 2010 và Mauritania năm 2008. Thường các cuộc đảo chánh bạo lực bị Liên hiệp Phi châu lên án, và năm 2007 tổ chức này đã đưa ra nghị quyết trục xuất quốc gia thành viên nào trong đó có người chiếm quyền bằng các phương thức bất hợp pháp.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Bianca Maria Carcangiu, giáo sư khoa sử học Phi châu tại đại học Cagliari, nam Italia.

Hỏi: Thưa giáo sư, theo tình hình hiện nay xem ra các "con khủng long già" của Phi châu vẫn bám vào quyền bính và không muốn nhượng bộ, có đúng thế không?

Ðáp: Các nước âu châu đã phải mất nhiều thế kỷ mới củng cố được cuộc sống của mình, trong khi các nước Phi châu mới được độc lập từ năm 1960. Nghĩa là mới chỉ có 50 năm, cần phải cho họ có thời gian.

Trên một bình diện nào đó, xem ra đang có sự thay đổi thế hệ. Nhưng cứ thử nghĩ tới trường hợp của ông Mugabe tổng thống Zimbabwe, thì đã không bao giờ có sự thay đổi. Nhưng tôi xác tín rằng Zimbabwe có các người có khả năng lãnh đạo, trong số những người sống tại hải ngoại, là lực lượng mạnh và hiện hữu. Nếu các đầu óc ấy có thể trở về nước, thì chắc chắn là nền dân chủ của nhiều nước Phi châu sẽ được hưởng nhờ.

Dĩ nhiên, không được có các chờ mong qúa đáng theo kiểu "tây âu", nhưng các quốc gia Phi châu sẽ tìm ra con đường riêng của họ dẫn tới chỗ chia quyền hành một cách hợp lý. Và sự ổn định bên trong của quốc gia có vai trò nền tảng trong việc phát triển.

Hỏi: Thưa giáo sư, như vậy là có sự kiện thiếu hàng lãnh đạo chính trị?

Ðáp: Dĩ nhiên rồi, và có rất nhiều lý do giải thích sự kiện các nước Phi châu thiếu hàng lãnh đạo. Trước hết là nạn gian tham hối lộ: nó rất là phổ biến và các ngân khoản đầu tư của chính quyền thường bị "lèo lái" từ bên ngoài. Chỉ cần nghĩ tới hiện tượng đang xảy ra tại nhiều nước Phi châu: đó là Trung Quốc bước vào các nước này và mua đất đai của các nước Phi châu. Thế rồi còn có các lý do xã hội nữa, chẳng hạn như hiện tượng thiếu giáo dục đào tạo, ngay cả trên mức độ sơ đẳng nhất. Chỉ trừ tại những quốc gia tiến bộ hơn một chút là có nền giáo dục được phát triển thôi.

Hỏi: Việc thiếu đào tạo trên các bậc cao hơn cũng gây ra cảnh thiếu trưởng thành trong ý kiến công cộng, có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Xã hội dân sự có thể lớn lên và đang trở thành một đối tác quan trọng của các quyền bính chính phủ hiện nay. Nó được đại diện bởi các người có nghề tự do, bởi giới thủ công nghệ, bởi các tổ chức phi chính quyền, và bởi Giáo Hội.

Hỏi: Tại Phi châu có những nước có nền dân chủ mạnh, điều này có khiến cho người ta lạc quan không thưa giáo sư?

Ðáp: Vâng, dĩ nhiên là có rồi. Người phi châu phải được nâng đỡ bởi các cường quốc tây âu. Nhưng mà các nước Phi châu biến chuyển mỗi nước theo cách riêng của mình. Có hai nước Phi châu ước muốn trở thành quốc gia lãnh đạo đại lục này: đó là Nigeria và Nam Phi. Và không phải vô tình mà hai nước này là hai nước có nền giáo dục phổ biến hơn các nước khác. Ðây cũng là điều đúng với nước Ghana, cựu thuộc đia của Anh quốc, vì thế Anh quốc đặc biệt trân trọng Ghana, không phải chỉ vì Ghana giầu tài nguyên mà cũng giầu văn hóa nữa, với các truyền thống mà Anh quốc tìm duy trì và chúng vẫn còn tồn tại cho tới nay.

Hỏi: Như thế có nghĩa là các trợ giúp của thế giới tây phương vẫn quan trọng đối với các nước Phi châu?

Ðáp: Tùy loại trợ giúp. Các trợ giúp có thể giải quyết một vấn đề cấp bách như nạn đói trong vùng Sừng Phi châu. Nhưng cần phải chú ý tới các loại trợ giúp lâu dài, xét vì trong vùng này nạn hạn hán mất mùa đói kèm thường xảy ra. Thế rồi điều quan trọng là các tổ chức nhân đạo phải hiểu biết lịch sử và phong tục tập quán địa phương, và các trợ giúp có thể được người dân bản xứ chịu đựng được và có thể quản lý được.

Hỏi: Thưa giáo sư Carcangiu, các tài nguyên thiên nhiên đáng lý ra là phước lành cho các dân tộc Phi châu, vì chúng có thể và phải được sử dụng cho công ích và để thăng tiến quốc gia, nhưng người ta lại thường nói tới sự chúc dữ của các tài nguyên, giáo sư nghĩ sao?

Ðáp: Người ta nói rằng dầu hỏa và các tài nguyên thiên nhiên khác là sự chúc dữ cho đại lục Phi châu, nhưng điều quan trọng đó là các quốc gia phi châu phải có các chuyên viên khác nhau để biết khai thác các tài nguyên đó. Tuy nhiên rất thường khi giới lãnh đạo chính trị của các nước Phi châu đi theo các cường quốc thực dân cũ. Và nói thực ra có rất nhiều chiến cuộc gọi là bộ lạc hay chủng tộc, nảy sinh từ việc chiếm hữu đất đai và tài nguyên làm của riêng hay sinh lợi cho phe nhóm của mình.

Hỏi: Các tổ chức địa phương hoạt động có hữu hiệu không thưa giáo sư?

Ðáp: Chúng là các cơ cấu mới được thành lập. Liên Hiệp Phi châu mới được thành lập hồi năm 2000, cả khi nó có nảy sinh từ đống tro tàn của Tổ chức thống nhất Phi châu được thành lập hồi năm 1963, và đã có nhiều kinh nghiệm ngoại giao. Hiện nay Liên Hiệp Phi châu có nguyên tắc là không can thiệp vào nội bộ của càc nước Phi châu, và có điểm quy chiếu là chủ nghĩa liên phi châu. Mục tiêu này đang được thực hiện bởi các tổ chức vùng miền có tính cách kinh tế và đang hoạt động rất hữu hiệu. Thế rồi cũng không nên quên các sứ mệnh của lực lượng bảo hòa của Liên Hiệp Quốc, cả khi chúng ta mới chỉ ở bước đầu.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page