Tưởng niệm 3 năm các vụ bách hại kitô hữu

tại Kandhamal trong bang Orissa bên Ấn Ðộ

 

Tưởng niệm 3 năm các vụ bách hại kitô hữu tại Kandhamal trong bang Orissa bên Ấn Ðộ.

Ấn độ (Avvenire 21-8-2011; Asia News 23-8-2011) - Ngày 23 tháng 8 năm 2008 - tức cách đây 3 năm - ông Laxmanananda Sarawasti, 85 tuổi, lãnh tụ tổ chức Vishna Hindu Parishad đã bị 30 du kích quân phong trào Mao Trạch Ðông sát hại cùng với 4 người khác, trong Ashram của ông tại quận Kandhamal thuộc bang Orissa bên Ấn Ðộ.

Ông Sarawasti là một tín hữu Ấn cuồng tín có khuynh hướng ái quốc qúa khích và chủ trương phải quét sạch mọi dấu vết của Kitô giáo khỏi quận Kandhamal và các vùng lân cận. Ông cho rằng số tín hữu kitô đã gia tăng trong 30 năm qua là do các hoạt động chiêu dụ tín đồ của các thừa sai kitô. Tuy biết rằng lãnh tụ của mình bị phong trào du kích quân Mao Trạch Ðông sát hại, nhưng các thuộc hạ của Sarawasti cứ đổ tội cho các kitô hữu. Thế là trong các ngày 25-28 tháng 8 năm 2008 các nhóm tín hữu ấn cuồng tín đồ đệ của ông đã tấn công 310 làng kitô, đốt phá 4,104 căn nhà, khiến cho 18,000 người bị thương và 50,000 người phải di cư chạy trốn bạo động.

Cho đến nay nhiều người vẫn không thể trở về làng, vì nhà cửa ruộng vườn của họ đã bị các người ấn giáo cuồng tín chiếm hữu. Tệ hơn nữa là các vụ tấn kích và bách hại tín hữu kitô đã được chính quyền đồng lõa yểm trợ. Cảnh sát đã bất động để cho các nhóm ấn cuồng tín tấn công các tín hữu kitô mà không can thiệp hay ngăn chặn các kẻ tấn công.

Ðức Cha John Barwa, Tổng Giám Mục giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, bao gồm cả quận Kandhamal cho biết năm nay Giáo Hội không tổ chức các buổi canh thức cầu nguyện hay hội họp đăc biệt nào, nhưng chính quyền đã đưa ra các biện pháp an ninh bắng cách cho các nhân viên công lực canh giữ mọi nhà thờ và cơ sở của Giáo Hội cũng như trong các làng kitô. Ðức Cha Barwa cho biết các tín hữu kitô không coi những bách hại xảy ra trong qúa khứ như là một lời chúc dữ, nhưng dưới ánh sáng của lòng tin trưởng thành họ nhìn các sự kiện như thuộc chương trình của Thiên Chúa. Chính Giáo Hội đã phát xuất từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu Kitô, và như thế khổ đau là một phần trong sứ mệnh và sự lớn mạnh của Giáo Hội. Vì thế kitô hữu chúng tôi không chán nản.

Ðức Tổng Giám Mục Barwa nói thêm rằng: "Thật vậy, kitô hữu Kandhamal được khích lệ vì biết rằng họ trao ban hy vọng cho Giáo Hội bị bách hại đó đây trên thế giới. Tuy dễ bị thương tích và chỉ là một thiểu số, nhưng tín hữu kitô đứng vững trong đức tin của họ, kể cả trước cái chết. Họ ôm lấy thánh giá và bằng mọi giá nhất quyết khước từ việc chối bỏ Chúa Kitô. Ở đâu có thử thách và gian nan, ở đó có ánh sáng.

Liên quan tới công lý Ðức Tổng Giám Mục Barwa nói: cần phải thực thi công lý. Trả lại công lý cho nạn nhân các vụ bách hại và bạo lực là một bổn phận luân lý cũng như một bắt buộc trên bình diện tư pháp. Nếu không có công lý, thì sự hòa giải và hòa hợp sẽ bị thiệt thòi. Ðức Cha cho biết một cô cháu gái của ngài cũng đã bị các người ấn cuồng tín hãm hiếp trong các vụ tấn kích kitô hữu. Riêng trường hợp của nữ tu Meens, cũng là nạn nhân bị hãm hiếp, cần phải trả lại công lý cho chị, vì nó cũng là công lý cho phẩm giá của tất cả mọi phụ nữ Ấn Ðộ.

Từ Kandhamal làn sóng bạo lực lan sang các bang khác trong nước Ấn. Hiện nay tuy các vụ tấn kích đã hết, nhưng dân chúng sống trong các làng và trong rừng vẫn tiếp tục lo sợ. Làn sóng bạo lực đã khiến cho 90 người bị thiệt mạng, 6,500 ngôi nhà bị đốt cháy, hàng chục nhà thờ bị phá hủy và hơn 50,000 người phải trốn chạy bạo lực và sống kiếp tị nạn.

Dân chúng kitô tại các làng như Bodimunda, Shankharakhole và Beticale cảm thấy bọ bị các nhóm ấn giáo cuồng tín bài trừ trên bình diện kinh tế. Mục đích là để thanh lọc Kitô giáo, có đa số tín hữu là các thổ dân và là những người cùng đinh đalít. Các thương gia giầu và giới doanh thương cấu kết với vài nhóm chính trị, tìm lèo lái tình hình để chiếm hữu đất đai của các tín hữu kitô, cũng như tài nguyên và lá phiếu.

Ngoài ra, trong tình trạng nghèo túng phổ quát như thế còn có các lý do khác nữa như sự ghen tương, nghi ngờ, ngăn cản tình hình bình thường trở lại. Bên cạnh các tuyên truyền, nhiều tín hữu ấn muốn cho các kitô hữu phải tiếp tục sống trong tình trạng nghèo đói, không có quyền tự do phát biểu hay tự do sống đạo. Trong một vài nơi họ khước từ hòa giải với các kitô hữu cũng như không thừa nhận rằng một điều kinh khủng đã xảy ra tại Kandhamal. Tình hình này tồn tại vì thái độ của chính quyền. Một tín hữu tại Kandhamal cho biết ngoài Giáo Hội ra không có ai trong chính quyền chú ý tới các nhu cầu của kitô hữu Kandhamal.

Linh Mục Ajaya Kumar Singh, giám đốc văn phòng thăng tiến xã hội của tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneswar cho biết các cuộc điều tra của cảnh sát đã rất là hời hợt, và các vụ xử án thường kết thúc với việc tha bổng các thủ phạm.

Thế là các tay tội phạm vẫn tự do, và không ai biết được các vụ bạo động và tấn kích kitô hữu năm 2007-2008 có phải là các vụ cuối cùng hay không. Và người ta nghi ngờ thiện chí cũng như khả năng của chính quyền trong việc ngăn chặn các hành động bạo lực trong tương lai. Chính quyền cũng sẽ không dành các ngân khoản trợ giúp an sinh xã hội, y tế và giáo dục cho các tín hữu kitô bị bách hại, các người nghèo bị gạt ra ngoài lề xã hội. Theo cha Singh, không thể chờ đợi nơi chính quyền sự che chở. Các kitô hữu phải cố gắng làm sao để có thế đứng trong guồng máy cai trị địa phương và trung ương và thế giới chính trị. Chỉ như thế mới có thể tranh đấu hữu hiệu cho quyền lợi của họ. Orissa là một bang có rất nhiều tài nguyên, nhưng lại là một trong các bang chậm tiến nhất Ấn Ðộ. Vì thế người dân thường xuyên là nạn nhân của các giới chức chính trị thối nát, của các nhóm ấn giáo cuồng tín chủ trương "thanh lọc tôn giáo", một cách có hệ thống và được nghiên cứu kỹ lưỡng tỉ mỉ, chứ không phải là một hiện tượng tự phát.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của linh mục Santosh Kumar Digal, đặc trách văn phòng truyền thông của tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneshwar, về các vụ tấn kích nói trên.

Hỏi: Thưa cha, cha nghĩ gì về các vụ bách hại tín hữu kitô tại Kandhamal cách đây 3 năm?

Ðáp: Ða số dân chúng tại Kandhamal vẫn còn tự hỏi ai là những người đứng đàng sau các vụ tấn kích và bách hại các tín hữu kitô. Vì hệ thông tư pháp tại Ấn Ðộ có rất nhiều thiếu sót và nhiều viên chức của chính quyền có thái độ thiên tư, nên người ta không lạc quan lắm. Tuy nhiên các tín hữu kitô tại Kandhamal vẫn tiếp tục mơ ước hòa bình và công lý, sống một cách xứng đáng và tìm cách thay đổi số phận của mình cho tốt đẹp hơn.

Hỏi: Riêng các tín hữu kitô Kandhamal, thì họ có các tâm tình nào đứng trước các bất công phải chịu thưa cha?

Ðáp: Chính quyền đã không giữ lời hứa phục hồi quyền lợi cho các kitô hữu và bồi thường cho các nạn nhân. Trong đa số các trường hợp, họ phải sống trong cảnh rất khốn khổ. Các nhân viên của chính quyền đã không coi các âu lo của kitô hữu Kandhamal là điều nghiêm chỉnh. Chính quyền địa phương đã không giữ các lời đã hứa, và cảnh sát thường ít liên đới với các kitô hữu. Các phương tiện truyền thông xã hội địa phương thì hoàn toàn chống lại các kitô hữu. Xã hội, trong tổng thể của nó, không chú ý tới thực tại của các tín hữu kitô. Nếu các kitô hữu tìm một tia sáng của công lý và hòa bình, các linh mục và tu sĩ nam nữ làm tất cả những gì có thể để thăng tiến hòa bình, công lý và phát triển con người toàn vẹn. Thách đố đó là sự chằng chéo giữa các yếu tố của ảnh hưởng ý thức hệ, sự cưỡng bách, và lèo lái. Chỉ có thời gian mới có thể cho biết tương lai của vùng Kandhamal sẽ có thể thay đổi và khác với tình hình cách đây ba năm hay không.

Hỏi: Giáo Hội Ấn Ðộ đã có các sáng kiến nào để tưởng niệm biến cố kitô hữu bị bách hại cách đây ba năm thưa cha?

Ðáp: Trên bình diện địa phương, các vị lãnh đạo Giáo Hội, các nhóm bảo vệ nhân quyền, và các hiệp hội xã hội dân sự đã tổ chức các buổi cầu nguyên, nhưng rất tiếc là đối với số còn lại, ngày tưởng niệm này sẽ qua đi mà không có ai lo lắng gì. Chúng tôi tìm cách thúc đẩy dân chúng rộng mở lương tâm cho công bằng xã hội và sự phát triển. Trên bình diện trung ương Giáo Hội công giáo Ấn Ðộ đã công bố ngày 21 tháng 8 là "Ngày cho công bằng xã hội"; trong khi Giáo Hội bang Madhya Pradesh đã yêu cầu lấy ngày 25-8 là "Ngày các vị tử đạo kitô của Ấn Ðộ".

Hỏi: Thưa cha Digal, giáo đoàn địa phương năm nay đã tiếp đón Ðức Tân Tổng Giám Mục thay thế Ðức Cha Raphael Cheenath. Ðức Tân Tổng Giám Mục có quan sát tình hình hiện tại và hoạt động bênh vực những ai đau khổ vì bị bách hại hay không?

Ðáp: Trong hai tháng qua, Ðức Cha John Barwa, Tân Tổng Giám Mục giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, đã viếng thăm tất cả các giáo xứ, và đã gặp gỡ các vị lãnh đạo chính của chính quyền địa phương và viên tổng giám đốc cảnh sát của quận Kandhamal. Ngài cũng đã yêu cầu tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân kitô tìm thăng tiến hòa bình, công lý và tha thứ. Ðồng thời Ðức Cha cũng dấn thân giải quyết các vụ phán xử liên quan tới các vụ bạo lực. Cũng giống như vị tiền nhiệm của người Ðức Tổng Giám Mục Barwa dấn thân tái phục hồi cuộc sống cho biết bao nhiêu người, bằng cách xây nhà cửa cho họ, trợ giúp họ tìm công ăn việc làm và giáo dục con cái họ.

(Avvenire 21-8-2011; Asia News 23-8-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page