Ngày tàn của một chế độ độc tài

 

Ngày tàn của một chế độ độc tài.

Lybia (Vat. 2/09/2011) - Ngày mùng 1 tháng 9 năm 2011 khoảng 60 vị lãnh đạo, trong đó có 13 quốc trưởng, 19 thủ tướng, các bộ trưởng của tổ chức Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu châu, Khối Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương, Liên Minh A rập và Liên Hiệp Phi châu, đã tham dự hội nghị do tổng thống Nicolas Sarkozy và thủ tướng Cameron của Anh quốc chủ sự tại điện Elisée trong thủ đô Paris.

Tuy có 20 quốc gia chưa chính thức thừa nhận Hội đồng quốc gia chuyển tiếp của Libia, nhưng mục đích của hội nghị liên quan tới việc xây dựng nước Libia dân chủ sau 42 năm cai trị độc tài của đại tá Muammar Gheddafi, và nhất là để lắng nghe và lượng định các yêu cầu của Hội đồng quốc gia chuyển tiếp Libia, do ông Mustafa Abdel Jalil lãnh đạo. Trong số các tham dự viên cũng có đại diện của tổng thống Liên Bang Nga Medvedev và một quan sát viên của chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra hội nghị Paris cũng nhắm ngăn ngừa để đừng xảy ra tại Libia các lỗi lầm đã xảy ra bên Irak.

Trong khối các quốc gia A rập chỉ còn có Siria và Yemen là chưa thừa nhận Hội đồng quốc gia chuyển tiếp Libia, vì hai nước này cũng đang phải vất vả đương đầu với cuộc cách mạng dân chủ ngày càng nóng bỏng hơn, vì đã đổ nhiều máu của nhân dân.

Thật ra, khi cuộc cách mạng dân chủ bùng nổ tại Libia cách đây 6 tháng, số nước A rập thừa nhận Hội đồng quốc gia chuyển tiếp đã chỉ nhỏ giọt: bắt đầu với Qatar, rồi tới Kuweit và các Vương quốc A rập thống nhất. Nhưng sau khi quân cách mạng tiến vào thủ đô Tripoli hồi tháng 8 vừa qua, các nước A rập khác đã ồ ạt thừa nhận Hội đồng quốc gia chuyển tiếp: đi đầu là Tunisia, rồi đến Ai cập, Marốc, Oman, Irak, Libăng, Bahrein và Sudan. Liên Minh A rập đã lập tức dành cho Hội Ðồng quốc gia chuyển tiếp Libia một ghế thành viên.

Hiện nay các lực lượng nổi dậy vẫn tiếp tục truy nã đại tá Muammar Gheddafi. Nguồn tin ngoại giao Libia cho biết vợ ông và ba người con đã sang tới Algeria. Có tin cho rằng ông Gheddafi đang lẩn trốn tại Bani Walid, cách Tripoli 100 cây số về mạn đông nam. Nhưng cũng có người nghĩ rằng ông đang lẩn trốn trong thành phố Sirte là quê sinh. Và cũng có thể là Gheddafi không còn ở trong biên giới Libia. Dầu sao đi nữa, hôm mùng 2 tháng 9 năm 2011 Gheddafi đã cho phổ biến một video mới kêu gọi các bộ lạc tiếp tục chiến đấu, và hứa đây sẽ là một chiến tranh du kích kiểu "ong chích rồi bay". Trong khi đó hàng ngũ quân đội của ông, gồm rất nhiều lính đánh thuê, tiếp tục tan rã và đã có thêm vài tướng lãnh bỏ hàng ngũ để theo quân cách mạng. Ðiển hình như ông Mohammad Zaroug, giám đốc Nhà băng trung ương Libia, và tướng Massoud Abdelhfid, tổng tham mưu quân đội Libia. Tướng Abdelhfid đã thành lập một Hội đồng quân đội chuyển tiếp, độc lập với Hội Ðồng quốc gia chuyển tiếp và sẵn sàng cộng tác để đạt mục đích chung là thành lập một nền dân chủ chuyển tiếp mà "không có vấn đề".

Trong thủ đô Tripoli vẫn còn một vài ụ kháng chiến lẻ tẻ ở mạn nam, đặc biệt gần phi trường, nhưng quân cách mạng đã kiểm soát toàn thành phố. Người ta đã thành lập các hội đồng khu phố để lo cho các nhu cầu thiết yếu nhất của người dân. Quảng Trường Xanh được đổi tên là Quảng Trường Tử Ðạo.

Tình hình nhà thương trung ương Tripoli ổn định, mặc dù số người bị thương tìm đến chữa trị đông. Bác sĩ Mustafa Al Jafari cho biết các nhân viên y tế săn sóc cho mọi người và lo chôn cất cả các lính đánh thuê của ông Gheddafi nữa, vì xác của họ không được ai ngó ngàng tới.

Một trong các khó khăn của người dân thủ đô Tripoli đó là cảnh thiếu nước uống. Linh Mục Alan Archebuche, giám đốc Caritas Libia, cho biết các công nhân gốc phi châu Eritrea, Somalia, Nigeria, Camerun và Ghana rất lo sợ bị nhầm lẫn với lính đánh thuê của ông Gheddafi. Cho tới nay đã chỉ có Trung Quốc là thành công trong việc di tản 36.000 công nhân khỏi Libia, bằng đường bộ, đường thủy và hàng không.

Trong các ngày qua, việc khám phá ra hàng chục xác chết của các tù nhân bị xử bắn và đốt cháy trong một nhà tù Tripoli, cũng như xác của mấy trăm bệnh nhân trong một nhà thương đã gây căm phẫn trong dư luận đối với sự tàn ác của các lực lượng trung thành với ông Gheddafi. Trong 6 tháng chiến tranh đã có 50,000 người bị thiệt mạng, đa số là bị các binh sĩ đánh thuê của ông Gheddafi giết chết. Ðã có các cuộc tàn sát tập thể, và thường dân bị bắt làm thuẫn đỡ đạn. Trước biết bao tàn ác đó các lực lượng nổi loạn khẳng định họ có quyền giết lãnh tụ độc tài Gheddafi.

Trong một cuộc họp báo hôm 30 tháng 8 năm 2011 tại Bengasi, ông Mustafa Abdel Jalil, chủ tịch Hội đồng quốc gia chuyển tiếp cho biết các lực lượng nổi loạn Libia không cần sức mạnh quốc tế hay hồi giáo nào để duy trì an ninh. Gheddafi chưa chấm dứt, vì ông còn có các người và các quốc gia ủng hộ ông. Nhưng cần phải đưa ông ra trước tòa án công lý. Ông Jalil cũng cho biết trong các ngày tới đây Libia sẽ bất đầu sản xuất dầu hỏa trở lại, và sẽ dồn mọi nỗ lực cho việc bình thường hóa cuộc sống quốc gia.

Mặc dù các lực lượng cách mạng đã triển hạn tối hậu thư cho thành phố Sirte phải đầu hàng, để tránh chết chóc cho dân chúng, nhưng Saif Al Islam con của ông Gheddafi tuyên bố rằng chiến tranh tiếp tục và 20,000 binh sĩ tại Sirte sằn sàng chiến đấu. Tuy các nước Âu châu đã đánh gía thấp sức kháng cự của đạo binh đánh thuê của ông Muammar Gheddafi, nhưng người ta có cảm tưởng đây là cái vẫy đuôi cuối cùng của con thú bị thương, và cũng là ngày tàn của một chế độ độc tài, sẵn sàng tàn sát dân lành để duy trì quyền bính.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page