Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói

sẽ trả tài sản tịch thu

cho các nhóm tôn giáo thiểu số

 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ trả tài sản tịch thu cho các nhóm tôn giáo thiểu số.

Istanbul (AsiaNews 28-8-2011) - Theo nguồn tin từ Asianews, hôm 28 tháng 08 năm 2011, trong một thay đổi bất ngờ, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayip Erdogan, đã quyết định trả lại hàng ngàn tài sản, vốn đã bị chính phủ tịch thu sau năm 1936, cho các tôn giáo ngoài Hồi giáo.

Ðây là ngạc nhiên thứ hai của ông Erdogan dành cho việc xây dựng nền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, sau cuộc truất chức gần đây đối với các người đứng đầu quân đội, và việc trở về chính sách ưu tiên cho chính trị hơn là cho quân sự.

Ðược biết, lời công bố dự luật này diễn ra hôm 27 tháng 8 năm 2011, chỉ vài giờ trước bữa ăn Iftar truyền thống, bữa ăn tối kết thúc tháng chay Ramadan, do vị đại diện của các tôn giáo ngoài đạo Hồi, Lakis Vingas, khoản đãi, mà Thủ tướng Erdogan là khách mời danh dự.

Theo nhiều người, việc công bố dự luật sẽ là một "sự thay đổi rất ngạc nhiên", theo đó, chính phủ sẽ trả lại tất cả tài sản cho các cơ sở tôn giáo mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều lần khác nhau đã tịch thu trong quá khứ, sau cuộc điều tra dân số năm 1936. Các tôn giáo ngoài Hồi giáo có nghĩa là các tôn giáo đã được công nhận bởi các hiệp ước quốc tế khác nhau, mà Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết sau năm 1923.

Sắc lệnh đã được công bố chỉ vài ngày sau khi Ðức Thượng phụ Bartholomew I yêu cầu trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt một cách bất công cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Trong chiến dịch đòi lại một số tài sản của các cộng đồng chính thống giáo Hi Lạp, Ðức Thượng phụ Bartholomew I đã tiếp cận nhiều diễn đàn khác nhau ở châu Âu.

Sắc lệnh quy định như sau:

1) hoàn trả tài sản, khi tài sản nào đã bị kiểm kê và đăng ký trong năm 1936, và sau đó bị các chính quyền khác nhau của nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ tịch thu từ các cơ sở tôn giáo;

2) trả lại việc quản lý các nghĩa trang thuộc các cơ sở không theo đạo Hồi, mà đã được bán một cách không hợp lý cho nhiều thị trấn và thành phố khác nhau;

3) hoàn trả tài sản không xác định nhu cầu (chẳng hạn như các tu viện và giáo xứ), vốn không bao giờ được nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ công nhận là pháp nhân.

4) Trong trường hợp các tài sản này đã được bán hoặc xử lý theo cách khác nhau bởi các cơ quan nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập với chủ sở hữu một sự bồi thường thỏa đáng.

Theo tính toán ban đầu, sắc lệnh sẽ hoàn trả 1,000 tài sản cho các Kitô hữu Chính thống giáo Hi Lạp, 100 tài sản cho người Armenia, nhiều tài sản cho người Công Giáo Chaldean và cho người Do Thái.

Sắc lệnh đã gây nên phản ứng tích cực từ tất cả các đại diện tôn giáo thiểu số. Vị Giám đốc của các cơ sở không theo đạo Hồi mô tả sắc lệnh như là "một bước rất quan trọng và có tầm lịch sử lớn lao", còn luật sư của các nhóm thiểu số, tiến sĩ Kezmpan, mô tả nó như là một cuộc cách mạng lớn, sau cuộc giải phóng khỏi sự thống trị quân sự. Một luật sư khác, Tiến sĩ Hatem, nói rằng cuối cùng "điều sai lầm làm cho Giáo Hội đã được sửa sai".

Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu (EU) luôn yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các bước để loại bỏ các luật phân biệt đối xử đối với các tôn giáo thiểu số. Phát biểu tại bữa ăn Iftar hôm 27 tháng 8 năm 2011, thủ tướng Erdogan nói rằng: "Giống như mọi người khác, chúng tôi cũng biết các bất công mà các nhóm tôn giáo khác nhau đã phải chịu, vì sự khác biệt của họ... Thời kỳ mà một công dân của chúng ta có thể bị áp bức do tôn giáo, nguồn gốc sắc tộc hoặc cách khác nhau của mình, đã qua đi rồi".

 

RVA.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page