Lần đầu tiên các nhóm thiểu số tôn giáo
có đại diện trong Thượng viện
Lần đầu tiên các nhóm thiểu số tôn giáo có đại diện trong Thượng viện.
Pakistan (AsiaNews 29-8-2011) - Một nguồn tin từ hãng tin Asianews, hôm 29 tháng 8 năm 2011, cho biết Thượng viện Pakistan sẽ dành bốn ghế cho các nhóm thiểu số tôn giáo của đất nước. Các vị đại diện đó đến từ bốn tỉnh Punjab, nơi Kitô hữu là nhóm lớn nhất, Sindh, Baluchistan và Khyber, mỗi tỉnh một vị đại diện. Như vậy, có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử của quốc gia, các nhóm ngoài Hồi giáo sẽ có đại diện tại Thượng viện. Ðược biết, Luật mới sẽ có hiệu lực sớm, vì cuộc bầu cử Thượng viện được dự trù sẽ diễn ra vào tháng 3 năm 2012.
Các nhóm tôn giáo ngoài Hồi giáo đã không có ghế tại Thượng viện trong 38 năm qua, nhưng mọi thứ sẽ thay đổi nhờ tu án chính thứ 18 của Hiến pháp, vốn được thúc đẩy bởi các nhóm tôn giáo thiểu số của đất nước, và được đa số người đang ủng hộ Ðảng Nhân dân Pakistan cầm quyền hỗ trợ. Cho đến nay, chỉ có các học giả, phụ nữ và công chức Hồi giáo mới có ghế trong Quốc hội.
Ông Anjum James Paul, một giáo viên Kitô giáo và là chủ tịch của Hiệp hội Giáo viên của các nhóm thiểu số Pakistan (PMTA), đã viết thư cho Tổng thống Asif Ali Zardari bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với luật mới này. Trong bức thư, nhà hoạt động này gọi bà Benazir Bhutto, cựu thủ tướng và là phu nhân của ông Zardari, người đã bị giết năm 2007, và ông Shahbaz Bhatti, Bộ trưởng nhóm thiểu số Công giáo đã bị sát hại, là "các vị tử đạo của chúng tôi". Theo ông James Paul, cả hai vị "luôn ủng hộ chính nghĩa của các cộng đồng bị gạt ra bên lề ở Pakistan và đã hy sinh mạng sống của họ cho chính nghĩa". Bức thư viết rằng: "Chúng tôi chào mừng các vị tử đạo của chúng tôi và chính phủ của Ðảng Nhân dân Pakistan, đã giải quyết phần nào các vết thương của các nhóm thiểu số".
Trong phần kết luận, lá thư đưa thêm một "yêu cầu khiêm tốn" là "hãy gia tăng số lượng các ghế dành riêng trong Quốc hội Pakistan", và "bãi bỏ tất cả các khoản và luật phân biệt đối xử, để tất cả người Pakistan có thể được hưởng các quyền bình đẳng", nhờ đó, họ góp phần vào vinh quang của đất nước.
RVA.