Họp mặt Câu Lạc Bộ
Thi Ca Cầu Nguyện
Họp mặt Câu Lạc Bộ Thi Ca Cầu Nguyện.
Ma
Lâm, Phan Thiết (15/08/2011) - Sáng
ngày 15 tháng 8 năm 2011, mừng kính Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời,
các tác giả Ðồng Xanh Thơ (dunglac.org), thuộc Câu Lạc Bộ Thi
Ca Cầu Nguyện, đã gặp gỡ nhau tại Nhà thờ Ma Lâm, Phan
Thiết. Ngày họp mặt nhằm trao đổi về sứ mệnh truyền giáo
qua văn học, thi ca, giao lưu và mừng kính Lễ Bổn Mạng của
Câu Lạc Bộ. Từ tối hôm trước, 19 thi sĩ của Câu Lạc Bộ đã giao
lưu và tìm hướng phát triển cho trang Thi Ca Cầu Nguyện.
Các tác giả Ðồng Xanh Thơ (dunglac.org), thuộc Câu Lạc Bộ Thi Ca Cầu Nguyện, đã gặp gỡ nhau tại Nhà thờ Ma Lâm, Phan Thiết. |
Hiện diện trong ngày gặp gỡ có Ðức Ông GB Lê Xuân Hoa (thi sĩ Xuân Ly Băng), Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám đốc Chủng Viện Thánh Nicôla, Cha Phaolô Hoàng Kim Tốt, Linh hướng Câu Lạc Bộ Thi Ca Cầu Nguyện, Cha Giuse Nguyễn Hữu An, Linh hướng nhóm Ðồng Xanh Thơ Phan Thiết, Cha Mai Tích, Linh hướng Ðồng Xanh Thơ Nha Trang, các thi sĩ thành viên Câu Lạc Bộ đến từ Sài Gòn, Nha Trang, Xuân Lộc, Buôn Mê Thuột và Phan Thiết. Các chủng sinh, tu sĩ, Hội Ðồng Mục Vụ Giáo xứ Ma Lâm cùng tham dự giao lưu với Câu Lạc Bộ.
Anh PM Cao Huy Hoàng, Chủ nhiệm trang Ðồng Xanh Thơ, thay mặt Ban tổ chức trân trọng giới thiệu các thành phần tham dự.
Cha Phaolô Hoàng Kim Tốt, Linh hướng Câu Lạc Bộ mở đầu chương trình với lời chào mừng quan khách và anh chị em văn thi sĩ hiện diện. Ngài cám ơn Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Giáo Phận Phan Thiết, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đã quan tâm động viên khích lệ cho việc thành lập Câu Lạc Bộ Thi Ca Cầu Nguyện mời gọi những nhà thơ Công giáo tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng. Ngài đề nghị các thành viên Câu Lạc Bộ nổ lực đưa Lời Chúa vào thi ca, từ thi ca Lời Chúa sẽ dễ thấm vào lòng người và từ đó giúp con người thấm nhuần Lời Chúa.
Anh Mặc Trầm Cung, tường trình về quá trình hình thành Câu Lạc Bộ. Khởi đầu Câu Lạc Bộ chỉ có vài anh em đồng cảm với nhau tự họp thành nhóm Thi Ca Cầu Nguyện, chia sẻ cho nhau những trải nghiệm của mình về tình yêu Thiên Chúa qua ngôn ngữ của thi ca theo chủ đề Tin Mừng Chúa Nhật hàng tuần. Sau một thời gian, thi sĩ Mặc Trầm Cung trao đổi với thi sĩ Cao Huy Hoàng về hướng phát triển công khai và mở rộng "khu vườn thi ca". Thi Ca Cầu Nguyện ra số đầu tiên vào ngày 20 tháng 2 năm 2011 và đã nhận được sự khích lệ và đóng góp bài vở của độc giả yêu mến Lời Chúa và yêu mến thi ca khắp nơi trong và ngoài nước. Sau hơn 20 tuần thử nghiệm, Câu Lạc Bộ Thi Ca Cầu Nguyện được chính thức thành lập ngày 30 tháng 6 năm 2011 với mục đích chuyển tải đến quý độc giả những tâm tình Suy niệm Tin Mừng qua Thi ca. Hiện nay, Thi Ca Cầu Nguyện phát hành hằng tuần vào mỗi thứ bảy, gởi đến 11,000 địa chỉ email trong nước và hải ngoại và được đăng chính thức trên các website www.dunglac.org; tamlinhvaodoi.net; menchuayeunguoi.net. Một số tác phẩm của Thi Ca Cầu Nguyện đã được các nhạc sĩ phổ nhạc như 2 bài thơ của M. Mad Hoa Ngâu là Ðường Hy Vọng và Ðường Tình Con Ði, nhạc sĩ Thế Thông phổ nhạc. Nhạc sĩ Phạm Trung phổ nhạc bài Lời sám Hối Bên Vệ Ðường... Ðến nay, Câu Lạc Bộ Thi Ca Cầu Nguyện đã phát hành được 24 số, với sự tham gia viết bài của khoảng 20 tác giả gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung thuyết trình đề tài "Tin Mừng và Thi ca". Thi ca như là lời mặc khải về thực tại vĩnh hằng, như lời mặc khải về chính bản thân con người, như là hành vi mặc khải và tuyệt đỉnh của mọi thứ nghệ thuật. Mọi thứ thi ca là chiêm ngắm và cầu nguyện. Các thi sĩ khi sáng tác cần phải tâm niệm làm sao để từ thực tại đưa độc giả đến cảm nghiệm tâm linh và phải luôn lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho tác phẩm của mình.
Ðức Ông JB, thi sĩ Xuân Ly Băng, chia sẻ về kinh nghiệm làm thơ Tin Mừng của mình. Ðể làm được bài thơ hay, tác giả phải chú ý đến nhiều khía cạnh như từ ngữ, tứ thơ, ngữ điệu, đối tượng... Ðức Ông JB chú trọng đặc tính thơ cầu nguyện phải hướng về tâm linh. Muốn làm thơ Thánh Kinh phải biết cầu nguyện, thinh lặng và lắng nghe. Chỉ khi ta sống lời Thánh Kinh trong lòng, thể hiện bằng hành động bác ái cụ thể rồi mới viết thành thơ thì bài thơ ấy mới dễ dàng đi được vào lòng người đọc.
Ðến 10g30, anh chị em Câu Lạc Bộ và giáo dân xứ Ma lâm dâng Thánh Lễ mừng kính Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, Bổn Mạng của Câu Lạc Bộ Thi Ca Cầu Nguyện.
Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chủ tế và Lm Giuse Nguyễn Hữu An giảng lễ.
Có câu chuyện kể.
Trong kỳ thi Hoa Hậu Thế Giới tại Ấn Ðộ, ở vòng chung kết, còn lại hai cô. Ban Giám Khảo bịt tai hai cô để họ không thể nghe nhau. Câu hỏi đặt ra: ''Nếu được bay lên Vũ Trụ, cô sẽ mang theo những gì?''. Cô thứ nhất trả lời: ''Tôi sẽ mang theo con chó của tôi!''. Nghe vậy, khán giả đều vỗ tay nồng nhiệt vì nghĩ rằng cô thương loài vật như thế, phương chi là con người! Cô thứ hai trả lời: ''Tôi sẽ đưa mẹ tôi theo.'' Tiếng pháo tay lại vang lên tưởng chừng không ngớt. Khán giả đứng dậy, cúi đầu, ngưỡng mộ người con hiếu thảo! Ai cũng xúc động, chảy nước mắt. Thế là cô thứ hai được chọn làm Hoa Hậu! Còn cô thứ nhất là Á Hậu.
Người đời ước mơ đưa mẹ của mình bay lên trời cao thì huống chi Con của Mẹ Maria là Thiên Chúa Toàn Năng! Mẹ của người đời còn không muốn xa con của mình thì huống chi Mẹ của Chúa Cứu Thế, là Ðấng Ân Phúc Ðầy. Người đời còn biết ướp xác mẹ mình, xây lăng, đắp mộ cho mẹ, hốt cốt của mẹ để mang theo mà chôn cất gần nơi mình cư ngụ thì huống chi là Chúa Giêsu, Người con hiếu thảo của Mẹ Maria.
Hôm nay, Giáo hội mừng kính Ðức Maria được khải hoàn bước vào quê hương Nước Trời.
Bầu khí phụng vụ đượm sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Ðức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ đây Ðức Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất. Từ nay, Ðức Mẹ đảm nhận một địa vị cao cả nhất và cũng thật gần bên Thiên Chúa. Kể từ nay, Ðức Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật với địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.
Giáo hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: "Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Ðấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc".
Ðó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Isave.
Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Ðó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.
Những lời ca ngợi Magnificat nói lên hết ý nghĩa và tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.
Mẹ cảm thấy thân phận tôi tớ hèn mọn nầy lại được cất nhắc cao trọng trong giây phút lên trời: "Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc".
Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về trời: "Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả...Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người".
Ðức Mẹ được lên trời hồn xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ và đồng thời cũng là do cuộc sống thánh thiện của Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Hồn xác lên trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi đẹp nhất là "Ðấng đầy ơn phúc" vì "Thiên Chúa ở cùng bà". Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.
Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính vì "Ðấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả". Ðiều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.
Magnificat là lời kinh thấm đẫm chất thơ. Thánh vịnh là thi ca cầu nguyện của dân tộc Do thái. Hàng ngày Ðức Mẹ cầu nguyện với Thánh Vịnh.
Hôm nay ngày gặp gỡ câu lạc bộ Thi Ca Cầu Nguyện. Nhìn lên Mẹ như mẫu gương cầu nguyện bằng thi ca. Tôi thấy Ðức Ông JB đã sống tâm tình này suốt cả cuộc đời. Luôn cầu nguyện, Ðức Ông khuyên rằng: hãy sáng tác dưới con mắt dịu dàng của Ðức Mẹ Maria.
Trong bài trả lời phỏng vấn Anh Cao Huy Hoàng năm 2007 đăng trên dunglac.org, Ðức Ông Thi sĩ Xuân Ly Băng chia sẽ:
Người viết Thi ca cầu nguyện phải có trái tim nồng cháy, chân thành, cảm nhận sâu sắc và diễn tả của chính trái tim bằng ngôn ngữ thơ. Ðiều gì nơi Chúa Giêsu thu hút Cha nhất? Trái tim nồng cháy lửa mến và ánh mắt vô cùng dịu hiền của Chúa là đối tượng chiêm ngắm mỗi ngày, nhất là những lúc lặng lẽ một mình.
Ðiều xuyên suốt cuộc đời là tin yêu, phó thác cho Chúa. Suốt những ngày tháng yêu mến Chúa cách hồn nhiên như người con yêu mến mẹ mình, khi lớn lên có thể gặp những thử thách trong đời sống tình cảm nhưng lướt thắng được nhờ bám chặt lấy Chúa và sự dẫn dắt của Ðức Mẹ. Khi gặp khó khăn trong quan hệ với giáo dân, với chính quyền cần phải giải quyết, thì nhờ cầu nguyện lấy được sự bình tĩnh, sáng suốt và khôn ngoan.
Ðức Ông làm nhiều thơ về Ðức Mẹ. Ðiều gì nơi Ðức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất. Lòng yêu mến Ðức Mẹ bắt nguồn từ đâu?
* Khi thơ ấu, đã được thân mẫu dạy kinh kính mừng và theo dõi chuỗi Mân Côi. Bà thân mẫu xướng đọc hằng đêm trong gia đình, ánh mắt của Ðức Mẹ hằng cứu giúp ám ảnh mình ngày đêm khiến mình không xa lìa Mẹ trong tâm tư cũng như ngoài môi miệng. Sau này hễ làm thơ là thấy Mẹ hiện ra dưới ngòi bút. Mẹ là một trời hương hoa, sắc hương tuyệt diệu vô cùng sau Thiên Chúa. Nổi bật nhất trong đời sống của Mẹ là lòng nhân từ thu hút mình trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống vui buồn. Bắt nguồn từ lời kinh nguyện của thân mẫu rót vào tâm hồn mình sáng tối, trong buổi kinh chung của gia đình,
Xin Ðức Ông cho một kinh nghiệm về cầu nguyện
* Cầu nguyện là thấy Chúa, gặp Chúa mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi buồn vui, khi ngắm cảnh thiên nhiên, nhật nguyệt, sông- biển- núi- rừng, cỏ cây hoa lá, gặp những người nghèo khổ, đám tang, đám ma... để nói chuyện với Chúa và mẹ Maria trong tâm tình thờ phượng, cảm tạ, cầu xin và yêu mến. Cầu nguyện không phải là từng lần, từng lượt nhưng dàn trải trong mọi lúc, mọi nơi, trong không gian và thời gian, nên học thuộc lòng phúc âm nhất là phúc âm Gioan và nhiều thánh vịnh
Ðức Ông thi sĩ Xuân Ly Băng có lần viết mấy lời với thế hệ trẻ cầm bút hôm nay: Các bạn hãy nuôi dưỡng cây bút mình, bằng lời cầu nguyện được thấm nhuần lời Thánh Kinh. Nơi đây các bạn sẽ gặp gỡ Thiên Chúa qua Ðức Kitô. Ngài là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối. Ngài là văn sĩ trên mọi văn sĩ, là thi sĩ trên mọi thi sĩ, là nhạc sĩ trên hết mọi nhạc sĩ. Ngài là nghệ sĩ tối cao tuyệt đối, toàn năng, là Ðấng Sáng Tạo và ban vẽ đẹp cho muôn loài muôn vật từ muôn đời muôn thưở. Tất cả mọi vẻ đẹp đều xuất phát từ nơi Chúa và tất cả mọi sáng tác của con người đều là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa hoặc chỉ là sự mô phỏng Thiên Chúa. Cho nên, xin các bạn hãy viết bằng cây bút Ðức tin, bằng mực Ðức cậy và trang giấy viết là Ðức mến. Hãy sáng tác dưới con mắt dịu dàng của Ðức Mẹ Maria, sáng tác dưới chân Thánh Giá, dưới ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô.
Thi sĩ Công Giáo cần cảm nghiệm thiêng liêng, cảm hứng thiêng liêng thật quan trọng. Cảm nghiệm ấy do Thiên Chúa ân ban và do cầu nguyện mà có.
Xin kết thúc bằng tâm tình của Ðức Ông JB: Tận hiến có nghĩa là thuộc trọn về Thiên Chúa, Chúa là chân, thiện, mỹ tuyệt đối. Người thi sĩ (nghệ sĩ) sống đức tin rất dễ gặp được và ở lại với Chúa, không có gì ngăn trở. Có mấy câu thơ chứng minh:
Không có giờ làm thơ.
Không có giờ mộng mơ
Chỉ có giờ cầu nguyện.
Cầu nguyện là ra thơ
Thơ ra thì phải chép.
Không chép thơ bị thiệt
Miễn thơ có chân tình.
Dở hay không cần biết.
Cầu chúc anh chị em có giờ cầu nguyện và cầu nguyện là ra thơ.
Sau Thánh Lễ, các thành viên Câu Lạc Bộ và quý khách chia sẻ niềm vui trong bữa cơm thân mật tại nhà xứ Ma lâm.
Tin Mừng thấm vào văn thơ trải dài suốt dòng lịch sử Giáo hội, góp phần vào công cuộc truyền giáo. Văn học là mầm sống Ðức tin, có khả năng chuyển tải đến tâm hồn con người niềm tin Kitô giáo. Những tác giả Câu Lạc Bộ Thi Ca Cầu Nguyện chọn thi ca làm phương thế rao giảng Tin Mừng.
Mong ước có nhiều người tham gia suy niệm Lời Chúa Hằng Tuần qua thi ca, có nhiều người đọc, và thêm nhiều người yêu mến và thực thi Lời Chúa.
Mong ước có thêm nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Công Giáo chuyển tải Lời Chúa, sứ điệp Tin Mừng đến cho mọi người.
Mong ước có thêm nhiều nhà thơ giúp nhiều người cảm nhận những vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của chính Thiên Chúa.
Mong ước có thêm nhiều tuyển tập thơ và nhiều lần hội ngộ thi sĩ để những vẻ đẹp ấy được chuyển tải khắp nơi gieo hạt giống Tin Mừng.
Xin Chúa chúc lành và xin Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse phù trợ cho mọi nỗ lực văn hóa, văn học Công Giáo của anh chị em thi sĩ văn sĩ nhạc sĩ.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An