Phỏng vấn Ðức Thánh Cha
trên máy bay
Phỏng vấn Ðức Thánh Cha trên máy bay.
Roma [Zenit 18/8/2011] - Trên chuyến bay từ Roma đến Madrid hôm thứ Năm 18 tháng 8 năm 2011, Ðức thánh cha Benedicto XVI nói rằng kinh tế không nên nhắm đến lợi nhuận mà phải hướng đến công ích.
Trả lời cho câu hỏi của một ký giả, Ðức thánh cha khẳng định rằng kinh tế phải nhắm đến công ích. Nó đòi hỏi phải có trách nhiệm đối với nguời khác chứ không chỉ nhắm đến lợi nhuận.
Theo Ðức thánh cha, "con người phải là trọng tâm của kinh tế." Kinh tế chỉ có thể hoạt động thực sự khi nó được thực hiện một cách nhân bản, trong sự tôn trọng đối với người khác.
Ðức thánh cha nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có ý thức trách nhiệm trong lãnh vực kinh tế. Ngài nói rằng phải có trách nhiệm đối với quốc gia và thế giới chứ không chỉ đối với riêng mình. Quốc gia không riêng rẻ, Âu châu không riêng rẻ, mà phải có trách nhiệm đối với toàn thể nhân loại và phải nghĩ đến việc đương đầu với những vấn đề kinh tế trong ý thức trách nhiệm đối với những nơi khác trên thế giới, đối với những người đang đau khổ, những người đang đói khát và không có tương lai.
Ngoài ra, theo Ðức thánh cha, kinh tế cũng phải có trách nhiệm đối với tương lai. Ngài nhắc đến việc bảo tồn hành tinh và bảo đảm công ăn việc làm cho mọi người cũng như phải mang lại cho giới trẻ niềm hy vọng về tương lai.
Ðề cập đến vai trò của Giáo hội, Ðức thánh cha nói rằng "nhờ học thuyết xã hội, đặc biệt trách nhiệm đối với Thiên Chúa, Giáo hội kêu gọi từ bỏ lợi nhuận để nhìn mọi sự trong chiều kích nhân bản và tôn giáo, nghĩa là sự liên đới giữa mọi người". Ngài đề cao hoạt động của không biết bao nhiêu thiện nguyện viên trên khắp thế giới: họ không làm việc cho mình mà cho người khác và do đó cũng tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Theo Ðức thánh cha, giáo dục cho con người biết sống theo những lý tưởng cao cả như thế, như Giáo hội vẫn đang làm, là điều cơ bản cho tương lai của nhân loại.
Cũng trong cuộc phỏng vấn dành cho các ký giả tháp tùng trên chuyến bay từ Roma đến Madrid, Ðức thánh cha khẳng định rằng chân lý không hề tự áp đặt, mà cần phải được đón nhận trong tự do.
Ðức thánh cha đã trả lời như thế khi có một ký giả hỏi ngài: "Nhấn mạnh đến Chân Lý Duy Nhứt là Chúa Kitô, phải chăng không là một vấn để cho giới trẻ ngày nay".
Ðức thánh cha nhìn nhận rằng trong lịch sử, đã từng có "những lạm dụng về ý niệm chân lý cũng như độc thần".
Nhưng theo ngài, "đây là một sai lầm, bởi vì chỉ có thể đạt được chân lý trong tự do mà thôi".
Ngài nói: "Người ta có thể xử dụng bạo lực để áp đặt những cách sống, những thực hành, những sinh hoạt, nhưng không thể áp đặt chân lý. Chân lý chỉ mở ra khi có sự tự do chấp nhận mà thôi. Do đó, tự do và chân lý liên kềt chặt chẽ với nhau; tự do là điều kiện để có chân lý và ngược lại".
Ðức thánh cha khẳng định: "Chỉ có những giá trị đích thực mới dẫn đến tương lai. Chúng ta phải luôn luôn tìm kiếm chân lý của những giá trị đích thực mà chúng ta có đuợc trong những quyền căn bản của con người và trong những quyền tương tự. Những quyền căn bản được biết và nhận biết. Chính nhờ đó mới có được đối thoại với nhau".
Như vậy, theo Ðức thánh cha, chân lý cũng có tính "đối thoại", bởi vì chân lý tìm cách hiểu biết và cảm thông nhiều hơn. Do đó, bảo vệ tự do cũng có nghĩa là tìm kiếm chân lý và phẩm giá con người.
CV.