Những nét đặc trưng
của văn hóa Tây ban nha
trong Ðại hội
giới trẻ thế giới Madrid
Những nét đặc trưng của văn hóa Tây ban nha trong Ðại hội giới trẻ thế giới Madrid.
Madrid [National Catholic Register 15/8/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mỗi một thành phố đứng ra đăng cai tổ chức Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới đều cố gắng giới thiệu những nét đặc trưng trong văn hóa của đất nước mình cho khách hành hương. Ðây là lần thứ hai Giáo hội Công giáo tại Tây ban nha đứng ra tổ chức Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới. Và lần này, người ta lại càng thấy rõ hơn những nét văn hóa đặc trưng của Tây ban nha và nhứt là thủ đô Madrid.
Một trong những mục đích mà ban tổ chức Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới Madrid muốn nhắm tới là: các biến cố diễn ra trong Ðại hội phải được ghi đậm bởi tính cách "Tây ban nha" của đức tin công giáo, chứ không chỉ qui tụ các công dân trẻ thế giới lại để thưởng thức những món như Starbucks, McDonald, Burger King... Mặc dù các thương hiệu này cũng đầy dảy trên các đường phố vốn lúc nào cũng nhộn nhịp tại thủ đô Madrid. Nhưng trong những ngày này, các bảng hiệu nổi tiếng này xem ra phải nhường chỗ cho những đặc sản của văn hóa Tây ban nha.
Hầu hết các vị thánh quan thầy của Ðại hội giới trẻ thế giới tại Madrid lần này đều là người Tây ban nha hay hậu duệ của người Tây ban nha, ngoại trừ chân phước Gioan Phaolo II.
Trong hành trang được phát cho giới trẻ tham dự Ðại hội Giới Trẻ lần này, trước hết người ta thấy có chiếc quạt "abanico". Ðây là một thứ rất thông dụng đối với người công giáo Tây ban nha, nhứt là trong những nhà thờ không có gắn máy điều hòa không khí. Chiếc áo được phát cho các bạn trẻ có mầu đỏ và vàng, tức mầu của lá cờ Tây ban nha. Có cả một thứ nước giải khát có tên là "Cerveza" do một hãng nước ngọt tại Tây ban nha sản xuất. Tất cả đều được gói ghém trong một cái bị vải cũng có mầu đỏ và vàng tên là "Mochillo".
Nói tóm lại: nghệ thuật, văn hóa, thức ăn và tinh thần đức tin cũng như tinh thần "Fiesta" [lễ hội] của người Tây Ban Nha sẽ được làm nổi bật trong Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới Madrid lần này.
Về nghệ thuật, khách hành hương sẽ được đặc biệt hướng dẫn đến các bảo tàng viện nổi tiếng trong thành phố. Thật ra, thủ đô Madrid, tự nó, cũng đã là một bảo tàng viện lớn rồi.
Trước hết là hai bảo tàng viện: Prado và Thyssen Bornemisza. Khách hành hương có thể vào đây thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đương đại với giá rẽ hay miễn phí. Riêng tại bảo tàng viện Prado có trưng bày kiệt tác của danh họa Caravaggio là bức tranh "Hạ xác Chúa Giesu". Ðây là bức tranh mà bảo tàng viện Vatican cho mượn trong thời gian Ðại hội Giới Trẻ và sẽ được tiếp tục trưng bày cho đến giữa tháng 9 năm 2011. Bên cạnh bức tranh này là 13 kiệt tác khác được thu thập lại dưới chủ đề "Ngôi Lời trở thành Hình Ảnh: những bức tranh về Chúa Kitô trong bảo tàng viện Prado".
Các danh họa Tây ban nha như Zurbaran, Velasquez, El Greco và Murillo đã để lại những tác phẩm tôn giáo nổi tiếng. Những tác phẩm này đã được in lại trong những tấm bảng nhỏ bằng tiếng Tây ban nha và Anh ngữ được ghi khắc trên huy hiệu của Ðại hội Giới Trẻ. Hầu hết các tác phẩm được trưng bày trong bảo tàng viện Prado đều có nội dung tôn giáo, được cảm hứng nếu không từ Kinh Thánh như cuộc đời của Chúa Giesu, thì cũng từ lịch sử Giáo hội Công giáo, nhứt là tại Tây ban nha. Do đó, khách hành hương trong kỳ Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới lần này sẽ có cơ hội thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Tây ban nha.
Bảo tàng viện Thyssen - Bornimisza hiện đang giữ một bộ sưu tập tư nhân chỉ được cho công bố vào đầu thập niện 90. Bộ sưu tập này gồm 9 tác phẩm mô tả cuộc đời của Chúa Giesu từ thời thơ ấu cho đến khi sống lại. Toàn bộ sưu tập được sắp xếp theo chủ đề "Những cuộc gặp gỡ: các bức tranh tôn giáo từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ 18". Bộ sưu tập không chỉ bao gồm các tác phẩm của các họa sĩ Tây ban nha, mà còn có cả các tác phẩm của những họa sĩ Hòa lan và Ðức, nhưng hiện nay đã trở thành gia sản của Tây ban nha.
Bà Carmen Thyssen Bornimisza, người đã trao tặng bộ sưu tập nói trên, đã khai trương cuộc triển lãm nói trên hôm thứ Năm 11 tháng 8 năm 2011 trước sự hiện diện của Ðức hồng y Ruoco Varela, Tổng giám mục Madrid. Cuộc triển lãm này cũng sẽ kéo dài cho đến giữa tháng 9 năm 2011.
Trong bộ sưu tập, người ta thấy có bức tranh "Chúa Kito và người phụ nữ Samaria" được danh họa Duccio di Buoninsegna sáng tác hồi thế kỷ 14. Ngoài ra còn có bức tranh "Chúa Giesu giữa bão táp trong biển hồ Galilea" của danh họa Brueghel vào thế kỷ thứ 16. Tất cả các tác phẩm này đều cho thấy rằng Chúa Giesu đến gặp gỡ con người ngay trong cuộc sống của họ.
"Gặp Gỡ Chúa Giesu": đây là một trong những mục đích chính mà Ðức thánh cha Benedicto XVI muốn đề ra cho Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới, đặc biệt tại thủ đô Madrid.
Ðức thánh cha không ngừng nói rằng ngài không phải là một "ngôi sao". Ngài chỉ đến Madrid để chỉ ra Chúa Kitô cho các bạn trẻ và giúp họ gặp gỡ Ngài, một cách đặc biệt xuyên qua Giáo hội và các bí tích.
CV.