Tình hình các tín hữu kitô
tại Thánh Ðịa
Tình hình các tín hữu kitô tại Thánh Ðịa.
London, Anh quốc [National Catholic Reporter 4/8/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Kitô giáo tại nơi sinh hạ của Ðấng Cứu Thế đang bị đe dọa là điều không thể chối cãi. Năm 1948, duới thời bảo hộ của Anh quốc, các tín hữu kitô tại Thánh địa chiếm đến 30 phần trăm dân số. Nhưng ngày nay, tổng số tín hữu kitô tại Palestine lẫn Israel chỉ còn một phẩy 25 phần trăm dân số. Ðức thượng phụ công giáo Latinh Gierusalem Fouad Twal cảnh cáo rằng Thánh địa có nguy cơ trở thành điều mà ngài gọi là "một thứ trung tâm giải trí Disneyland thiêng liêng", nghĩa là đầy dảy những hấp dẫn đối với du khách nhưng lại thiếu các tín hữu kitô bản xứ.
Nguyên nhân khiến dẫn đến tình trạng này là vì sự bỏ nước ra đi của các tín hữu kitô tại Trung đông. Và sở dĩ các tín hữu kitô phải bỏ nước ra đi là vì một số nguyên do mà ai cũng biết như: xung đột giữa Israel và Palestine, không có công ăn việc làm, chủ nghĩa hồi giáo cực đoan ngày càng gia tăng, các tín hữu kitô trong vùng ngày càng có học và có nhiều ảnh hưởng hơn khiến họ có cơ hội đi ra nước ngoài nhiều hơn. Một quan sát viên đã đưa ra một nhận xét đầy ý nghĩa: tại Trung đông, các tín hữu kitô di dân "thực sự", còn người hồi giáo di dân chỉ trong "ý thức hệ".
Nhưng tình hình các tín hữu kitô tại Thánh địa phức tạp hơn nhiều.
Tạp chí công giáo Mỹ "The National Catholic Reporter" ghi lại chứng từ của một số tín hữu kitô Thánh Ðịa. Cô Raphaela Fisher Mourra là con gái của một người Ðức và một phụ nữ Palestine, sinh ra và lớn lên tại Bethlehem. Năm 2000, khi được 15 tuổi, cô mất cha trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiển của Israel khi ông tìm cách cứu giúp những người láng giềng. Cô Mourra gọi cha mình là "vị tử đạo kitô đầu tiên" trong cuộc nổi dậy lần thứ hai của người Palestine.
Samer Makhlouf, 35 tuổi, lớn lên trong một làng kitô ở Tây Ngạn, đã bị quân đội Israel bắt giam năm 15 tuổi khi đang cầm một hòn đá trên tay. Ông bị giam giữ, hỏi cung và tra tấn trong nhiều tháng.
Một tín hữu kitô Palestine khác là ông Jacoub Sleibi, nói rằng gia đình ông bị buộc phải kín nước ở Bethlehem trong khi nước lại đầy dảy trong các khu định cư của người do thái.
Về phần mình, giáo trưởng Daniel Sperber, thuộc trường đại học Tel Aviv, đang tìm cách phân tách DNA để nhận diện những người do thái bị chết cháy vì hỏa tiển hay bom của nguời Palestine. Ông nói rằng đau khổ không loại trừ một gia đình Israel nào. Con cái ông không dám lên xe buýt để đến trường học, vì sợ xe có thể nổ bất cứ lúc nào.
Trên đây là những chứng từ được đưa ra tại một Hội nghị về các tín hữu kitô tại Thánh địa được tổ chức tại London, Anh quốc, trong hai ngày 18 và 19 tháng 7 năm 2011, do đức Tổng giám mục Anh giáo Rowan Williams và Ðức cha Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster, đồng bảo trợ.
Ðược tổ chức tại Ðiện Lambeth, trụ sở tinh thần của Anh Giáo, Hội nghị nhằm mục đích gây ý thức về số phận của các tín hữu kitô tại Thánh Ðịa.
Hội nghị đã cho thấy tinh hình rất phức tạp của các tín hữu kitô tại Thánh địa.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Makhlouf, một người công giáo, nói rằng trong 4 vấn đề chính mà các tín hữu kitô tại Thánh địa đang đối mặt, thì nền tảng nhứt chính là việc Israel chiếm đóng các lãnh thổ Palestine.
Các tín hữu kitô Palestine nhấn mạnh rằng những yếu tố khiến họ phải bỏ nước ra đi như kỳ thị chính trị, thiếu công ăn việc làm, tự do đi lại bị hạn chế, đều là hậu quả của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Ðược đến các linh địa là điều rất khó khăn. Người Palestine tại Tây Ngạn và Ðông Gierusalem có những thẻ cư trú khác nhau. Muốn đi lại, họ phải có giấy phép, nhưng xin phép không phải là điều dễ dàng. Các tín hữu kitô tại Bethlehm thường không thể đi quá 10 cây số để đến Gierusalem và kính viếng Nhà thờ Mộ Thánh.
Các chính sách về cư trú cũng phân tán các gia đình. Hiện có đến 200 gia đình kitô phải bị phân tán giữa Tây Ngạn và Gierusalem.
Thỏa hiệp nền tảng mà Tòa thánh và Israel đã đạt được hồi năm 1993 nhằm mục đích qui định qui chế pháp lý của các tài sản của Giáo hội. Nhưng cho tới nay, hai bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận cụ thể nào. Israel vẫn tuyên bố rằng các linh địa như Núi Tabor và Capernaum là công viên quốc gia.
Mặt khác, tại Hội nghị ở Lambeth, nhiều diễn giả cũng lập luận rằng, là quốc gia dân chủ duy nhứt trong vùng, Israel cũng dành cho các tín hữu kito nhiều tự do hơn những nơi khác. Ông Sperber nói rằng trên 50 ngàn tín hữu kitô từ cựu Liên Liên Xô đã được định cư tại Israel và một số khác từ vùng Balkan và Á châu cũng đang đến Israel. Do đó, theo ông, tại thủ đô Tel Aviv, Haifa và Gierusalem, có rất nhiều nhà thờ.
Ông Sperber cũng nói rằng con số khách hành hương cũng gia tăng đáng kể. Theo ông, Kitô giáo đang hồi sinh tại Israel.
Nhưng một học giả kitô là ông Bernard Sabellah, thành viên của Hội đồng lập pháp Palestine thì lại có một cái nhìn khác. Ông Sabellah nói rằng năm 1948, tại Israel có khoảng 35 ngàn tín hữu kitô. Nay con số này lên đến 110 ngàn người. Theo ông, theo tỷ lệ gia tăng dân số một cách bình thường, thì lẽ ra con số tín hữu kitô phải lên đến 150 ngàn người. Như vậy dân số kitô đã mất đi 40 ngàn người. Hơn nữa, ông Sabellah cũng nói rằng theo một cuộc thăm dò ý kiến nơi các tín hữu kitô trẻ tại Israel, có đến 25 phần trăm giới trẻ muốn rời bỏ Israel.
Các tham dự viên tại Hội nghị cũng nói đến niềm phấn khởi do cuộc cách mạng "Mùa Xuân Á rập" tạo ra.
Tuy nhiên, nhiều tín hữu kitô vẫn không hoàn toàn tin tưởng nơi cuộc cách mạng.
Ông Maklouf nói rằng cuộc cách mạng vừa mang lại hy vọng, vừa tạo ra lo lắng và sợ hãi. Tương lai vẫn chưa sáng sủa, bởi vì bóng ma của Tổ chức hồi giáo cực đoan "Huynh đệ Hồi giáo" vẫn đang đe dọa.
Ðức hồng y Theodore McCarrick, nguyên Tổng giám mục Washington, Hoa kỳ, cho biết: ngài vừa mới trở về từ Dải Gaza, là nơi mà những người có tuổi vừa sợ Phong trào Hamas vừa sợ cả Mùa xuân Á rập.
Dân biểu quốc hội thuộc đảng Bảo thủ Anh, ông Tony Baldry cũng vừa viếng thăm Ai cập. Tại đây ông đã gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Kitô Copte và Công giáo. Các vị này không tỏ ra mấy lạc quan về tinh hình xứ sở. Các tín hữu kitô lo ngại rằng năm tới tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" sẽ kiểm soát quân đội.
CV.