Tình hình dân số thế giới
Tình hình dân số thế giới.
Phỏng vấn giáo sư Alessandro Rosina.
Roma (Avvenire 12-7-2011; Fides 14-7-2011) - Theo ước tính của tổ chức Liên Hiệp Quốc, vào tháng 10 năm 2011, dân số thế giới sẽ lên đến 7 tỷ người. Các thống kê mới nhất cho biết trong vòng 10 năm sắp tới, một số quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ gia tăng dân số gấp đôi và vào năm 2025, dân số thế giới sẽ lên đến 8 tỷ người. Nhân dịp này, ông Babatunde Osotimehin, đặc trách quỹ dân số của Liên Hiệp Quốc, đã đề ra một chiến dịch mang tên "7 tỷ hành động", nhằm đánh động ý thức người dân thế giới về ý nghĩa việc sống chung giữa 7 tỷ người, và về việc cần phải đề ra những chính sách giải quyết những vấn đề chung của tất cả mọi người dân trên thế giới. Nhất là cần dấn thân lo cho tương lai của những người trẻ, thăng tiến quyền lợi của các thiếu niên và phụ nữ, đồng thời cũng phải bảo toàn những tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau. Ðà gia tăng dân số này sẽ có hậu quả tiêu cực đối với khoảng 215 triệu phụ nữ, đang mong muốn được hưởng các phục vụ ytế liên quan đến sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, nhưng không được.
Hiện nay có 5 quốc gia đông dân nhất trên toàn trái đất đó là Trung quốc với hơn 1 tỷ 3; Ấn Ðộ với 1 tỷ 2; Hoa Kỳ hơn 310 triệu, Indonesia với gần 243 triệu và Brazil với hơn 201 triệu. Một cuộc nghiên cứu mới đây cũng cho biết rằng dân số lục địa Phi châu sẽ tăng lên gấp ba, tức là từ 230 triệu hiện nay lên đến 811 triệu.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Alessandro Rosina, về tình hình dân số thế giới. Allessandro Rosina dậy môn Dân số tại phân khoa Kinh tế Ðại học công giáo Milano bắc Italia. Ông cộng tác với nhóm chuyên viên "Dân số và thống kê xã hội" phân bộ Khoa học thống kê, cũng như cộng tác với các giáo sư kinh tế, tư pháp, và xã hội, đặc biệt trong các đường lối chính trị lao động, trợ cấp xã hội và gia đình. Mới đây giáo sư đã cùng bà Maria Letizia Tanturri, chuyên viên nghiên cửu thuộc đại học Padova bắc Italia, viết chung cuốn sách tựa đề "Vĩnh biệt Malthus", qua đó hai người khẳng định rằng sau gần hai thế kỷ sống dưới bóng ma của nỗi sợ hãi nạn nhân mãn, sau cùng phải để cho ông Malthus, người đã báo động nạn nhân mãn và đưa ra các biện pháp hạn chế dân số trên thế giới, ngủ yên với thuyết nhân mãn của ông.
Hỏi: Thưa giáo sư Rosina, trong cuốn sách "Vĩnh biệt Malthus", giáo sư đã chứng minh cho thấy thật sai lầm các lý thuyết của ông Malthus, nhà kinh tế và dân số học người Anh, sống giữa các năm 1766-1834 chủ trương hãm phanh dân số thế giới, cũng như các báo động hốt hoảng của những người thuộc nhóm tân Malthus chủ trương thăng tiến việc ngừa thai và kiểm soát dân số tại các nước đang trên đường phát triển. Tại sao ông Malthus lại sai lầm như vậy, thưa giáo sư?
Ðáp: Một cách nền tảng, ông ta sai lầm, bởi vì con người là một sinh vật khác với các loài vật khác. Nó có các tài nguyên thông minh hơn, và có khả năng vượt qúa các giới hạn, nhờ các sáng chế mới và các kỹ thuật. Khi ông Malthus viết bài khảo luận về "Nguyên lý dân số", trong đó ông than phiền về sức gia tăng qúa đáng của nhân loại trên thế giới, hồi đó chỉ có 1 tỷ người. Một trăm năm sau, dân số thế giới lên 1,6 tỷ. Và vào cuối thế kỷ XX dân số địa cầu là 6 tỷ. Ðây là sự gia tăng rất mạnh. Nhưng nếu chúng ta quan sát xã hội Anh quốc vào thời của ông Malthus và ngày nay, chúng ta có thể kiểm thực là đã không có sự cải tiến đặc biệt liên quan tới các điều kiện sống. Và phần còn lại trên thế giới cũng thế. Thật vậy, một đàng là các lo sợ chính đáng liên quan tới lượng tài nguyên, đàng khác là việc nghĩ tới chuyện hạn chế con người.
Hỏi: Thưa giáo sư, có một giới hạn mà nhân loại không được vượt qua hay không? Nếu chẳng bao lâu nữa dân số thế giới sẽ lên tới 7 tỷ người thì sao? Các dự đoán còn nói là vào cuối thế kỷ XXI này dân số thế giới sẽ lên tới 9 hay 10 tỷ người, có đúng thế không?
Ðáp: Vấn đề là ở đấy. Chúng ta không có chứng cớ thực tiễn hiển nhiên nào cho biết đâu là giới hạn. Dĩ nhiên trên Trái Ðất có các ràng buộc về đất đai và tài nguyên thiên nhiên, nhưng thật khó mà nói rằng đâu là giới hạn đối với các khả năng thích ứng, sáng chế và tiến bộ kỹ thuật của chính con người. Và chúng ta có thể loại trừ rằng trong một tương lai không xa, con người phát triển và trải dài sự thống trị của nó trên cả không gian nữa. Trên thực tế điều mà người ta có thể dự kiến đó là dân số thế giới sẽ tiến tới chỗ ổn định.
Hỏi: Nhưng mà sẽ có thêm 2 tỷ người khác nữa phải chăm sóc thưa giáo sư?
Ðáp: Dĩ nhiên rỗi. Các thách đố sẽ khổng lồ, và không có ai che dấu chúng. Chỉ cần nghĩ tới 1 tỷ người sẽ đè nặng trên Phi châu, nơi các điều kiện sống vốn đã mong manh, trong khi sự già nua ngày càng là sắc thái của châu Âu, làn sóng di cư tị nạn sẽ liên tục và vùng Ðịa Trung Hải, trong đó Italia có một thế đứng trung tâm, sẽ còn trở nên chiến lược và nóng bỏng hơn nữa.
Hỏi: Thưa giáo sư Rosina, cho đến nay tại các đại lục như Á châu, và Phi châu người ta đã sử dụng các đường lối chính trị cưỡng bách kiểm soát sinh sản, trong khi các cơ cấu quốc tế đã thăng tiến việc phổ biến thuốc ngừa thai hàng loạt. Ðây có phải là đường lối phải theo trong tương lai hay không?
Ðáp: Chắc chắn là không rồi. Ðường lối phải theo ưu tiên đó là việc cải tiến việc giáo dục, đào tạo và thăng tiến vai trò của nữ giới. Một phụ nữ có học nhiều hơn sẽ hiểu biết nhiều hơn và có các lựa chọm ý thức hơn, kể cả trên bình diện sinh sản và có thể nuôi dậy các con cái của họ một cách tốt đẹp hơn. Sách lược không phải là hạn chế "phẩm chất", mà là cải thiện "phẩm chất". Và nhất là không được lý luận theo kiểu "điều gì thuận lợi nhất cho chúng ta là các quốc gia giầu là điều nên làm".
Hỏi: Nhưng mà đối với chúng ta là các nước tây âu giầu có, chúng ta cũng sẽ không thiếu các vấn đề của mình. Ðặc biệt là cảnh gìa nua của các xã hội tây âu. Trong sách "Vĩnh biệt Malthus" giáo sư định nghĩa hiện tượng xã hội tây âu gia nua này như là "chưa từng có, định đoạt và không thể lật ngược được nữa". Tại sao vậy, thưa giáo sư?
Ðáp: Nó là hiện tượng chưa từng có bởi vì trong toàn lịch sử nhân loại tương quan giữa lớp người 60 tuổi và số còn lại của dân chúng đã không bao giờ vượt qúa 1 phần 20. Chỉ trong các thập niên vừa qua người ta đã lên tới 1 phần 10, và theo các ước tính của quốc tế thì trong năm 2050 tương quan giữa lớp người 60 tuổi và số còn lại của dân chúng sẽ là 1 phần 5. Nếu dân số thế giới mỗi năm gia tăng 1%, thì số người 60 tuổi sẽ gia tăng 2.5%, và lớp người 80 tuổi còn gia tăng mạnh hơn nữa tức nhiều hơn gấp 4 lần. Như thế, sự va chạm sẽ rất định đoạt, với các suy sụp trên bình diện xã hội, kinh tế, chính trị, và đây là điều không thể lật ngược được. Ðây là một hiện tượng có số phận biến thành cơ cấu, vì thế cần phải nghĩ ra các chiến thuật mới đối với hiện tượng già nua tích cực này và ở đây nữa cũng lại là vấn đề phẩm chất.
Hỏi: Luận thuyết của cuốn sách "Vĩnh biệt Malthus" chính là việc chuyển từ việc gia tăng về "lượng" sang việc gia tăng về "phẩm", được áp dụng vào nhiều môi trường khác nhau như dân số, môi sinh, kỹ thuật, tin tưởng nơi sư "thông minh tập thể hơn của con người". Nhưng đây có phải là một quan niệm qúa lạc quan hay không thưa giáo sư?
Ðáp: Chúng ta hãy nhìn về qúa khứ. Khi nước Italia thống nhất cách đây 150 năm, tuổi sống trung bình của người dân là 32 tuổi; một phần tư trẻ em không sống tới 1 tuổi; và đa số các trẻ sơ sinh không sống tới tuổi trưởng thành. Nhưng đã có sự phát triển ngoại thường: số người ngồi quanh bàn ăn gia tăng, thì miếng ăn tương ứng cũng gia tăng, bởi vì chiều kích của chiếc bánh ngọt đã gia tăng một cách ngoại thường, vượt ngoài mọi ước đoán liên quan tới việc sống lâu hơn, và có nhiều phẩm chất hơn. Nếu chúng ta tái khám phá ra nền luân lý đạo đức của công ích, cả trên bình diện toàn cầu, qua việc khiến cho tất cả mọi người sống có trách nhiệm hơn, thì có thể đương đầu với các thách đố thời đại đang ở trước mắt chúng ta, với thái độ lạc quan có lý, lạc quan cho rằng một lần nữa con người sẽ còn biết cách thắng vượt được các hạn hẹp.
(Avvenire 12-7-2011; Fides 14-7-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)