Khi giả dối là
sách lược kiếm lợi nhuận
Khi giả dối là sách lược kiếm lợi nhuận.
Roma (Vat. 5/08/2011) - Từ vài năm qua lực lượng cảnh sát hải quan âu châu, đặc biệt tại Italia, đã luôn ở trong tính trạng báo động trước nạn hàng hóa giả tràn ngập thi trường lục địa này. Theo các thống kê của Ủy ban âu châu kiểm soát hàng hóa, trị giá các hàng giả lên tới 1 tỷ Euros và 85% tổng số hàng giả năm 2011 đến từ Trung Quốc, là quốc gia có nền kinh tế đang lên lấn át nhiều nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ. Trong năm 2009 số hàng giả Trung Quốc tung vào thị trường quốc tế chỉ ở mừc 64%, nghĩa là trong gần hai năm qua nó đã gia tăng 21%. Nhưng Trung Quốc không phải là nước duy nhất sản xuất hàng giả, vì hàng giả cũng đến từ các nơi khác như Ấn Ðộ, Hồng Kông, Thái Lan và thổ Nhĩ Kỳ nữa.
Tuy nhiên, vẫn theo Ủy ban âu châu nói trên, Trung Quốc tiếp tục là nước sản xuất và phát tán hàng giả tinh xảo về kiểu bắt chước và rẻ nhất thế giới, nhưng cũng là loại hàng tồi nhất thế giới. Chỉ nội trong tháng 6 năm 2011 Trung Quốc đã ghi nhận khối lượng hàng gỉa gia tăng vượt mức trị giá 22.27 tỹ mỹ kim, so với năm trước đó là 13.05 tỷ mỹ kim, và vượt qúa dự đoán 14.3% tỷ mỹ kim. Như thế số hàng giả do Trung Quốc xuất khẩu lên tới gần 162 tỷ mỹ kim, tức tăng vọt 17.9%. Và số tiền kiếm được từ mọi thứ hàng hóa giả được nhà nước Trung Quốc đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau như công phiếu bên Âu châu và Hoa Kỳ, các hạ tầng cơ sở bên Phi châu, năng lượng và viễn thông tại Trung Á và châu Mỹ Latinh, kỹ nghệ khai thác quặng mỏ tại Australia, cho vay đễ dàng để lấy lời và trợ giúp tại Ðại Dương châu. Nghĩa là Trung Quốc như con bạch tuộc khổng lồ tìm cách vươn dài các vòi hút tới khắp nơi trên thế giới. Sách lược của Trung Quốc là "làm giả ăn thật", sản xuất hàng hóa rẻ mạt và có phẩm chất tồi để xâm lăng thị trường quốc tế, nhưng lại lời thật và đầu tư số tiền lời đó vào các vụ làm ăn rộng lớn và nhắm tới lợi ích lớn nhất là siết chặt toàn thế giới trong càc vòi quấn của mình.
Trước "nạn dịch hàng giả Trung Quốc" lan tràn lực lượng cảnh sát hải quan các nước trên thế giới cũng hoạt động ráo riết và hàng năm cũng tịch thu được một số hàng gỉa. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ số lượng hàng giả bị tịch thu năm 2009 trị giá 260 triệu mỹ kim, gồm: giầy dép, đồ điện tử gia dụng, quần áo nhái lại các hãng nổi tiếng như Adidas Lacoste, túi xách tay, ví, băng đĩa, điện thoại cầm tay, thuốc lá, đồng hồ, đồ trang sức, và thuốc tây.
Chỉ trong các thành phố dọc bờ biển Adriatic của Italia có tới 250,000 người bán hàng hóa giả, trong đó có 75,000 hoạt động theo mùa, với số hàng hóa trị giá 10 tỷ mỹ kim. Năm 2011 cảnh sát Italia đã tịch tu được 103 triệu Euros hàng giả, tức giảm so với 117 triệu của năm 2009 và 178 triệu của năm 2008. Trong số các hàng giả thuốc lá chiếm 34%, tiếp theo là các dụng cụ dùng trong nhà 14.5%, dụng cụ văn phòng 9%, các sản phẩm bắt nguồn từ thuốc lá 8% và quần áo 7%.
Ðiển hình như trong tháng 7 năm 2011 tại tỉnh Pescara trung Italia, cảnh sát hải quan đã bắt được 300,000 cặp "kính loại xịn" mang nhãn hiệu "chế tại Italia" hay "Cộng đồng Âu châu", nhưng là kính giả của Trung Quốc. Trong khi cảnh sát hải quan tại các thành phố cảng Genova, Tauro và Livorno đã khám phá ra 20 thùng hàng lớn chứa 867 sản phẩm khác nhau của Trung Quốc trị giá 15 triệu Euros. Còn tại bến cảng Cassino gần Napoli nam Italia, cảnh sát đã khám phá ra các kho chứa hàng giả đến từ Trung Quốc trị giá 150 triệu Euros. Ðây là hải cảng kỹ thuật, nơi hàng giả Trung Quốc được đem lén lút vào, rồi được phân tán đi khắp nơi và bán tại các thành phố lớn như Roma, Milano, cũng như tại Bruxelles bên Bỉ và Paris bên Pháp. Ðại tá Paolo La Forgia cho biết nạn buôn bán hàng giả hiện đang qua mặt cả các vụ buôn bán ma túy nữa. Và chính các tổ chức tội phạm mafia đứng ra điều hành thị trường hàng giả này.
Tại bến cảng các tỉnh Lecce và Brindisi nam Italia, chiều 25 tháng 7 năm 2011 cảnh sát hải quan cũng đã khám phá ra hàng ngàn hàng giả kiểu xịn gồm áo thun, giầy, xách tay, đồng hồ, tất cả đều mang các nhãn hiệu nổi tiếng Moncher, Dolce Gabbana, Gucci, Hogan vv...
Ðể chống lại nạn hàng giả này trong những ngày qua Bộ Phát triển kinh tế Italia đã phát động chiến dịch truyền thông với khẩu hiểu "Tôi không muốn hàng giả". Mục đích một đàng là để bài trừ tệ nạn sản xuất và buôn bán hàng giả, đàng khác là để trợ giúp các hàng quán bán sản phẩm hợp pháp có chất lượng cao, cũng như để giúp người dân đừng bị lừa bởi các tổ chức tội phạm buôn bán hàng giả. Từ đầu năm tới nay tại Lecce và Brindisi đã có 136 vụ can thiệp của cảnh sát hải quan; và 16,000 hàng hóa giả khác nhau bị tịch thu. Ngày 29 tháng 7 năm 2011 tại Vinci thuộc tỉnh Firenze trung bắc Italia, cảnh sát đã tịch thu 40,000 xách tay nhãn hiệu Louis Vuitton, nhưng thực ra là "xách tay giổm" của Trung Quốc.
Mới nhất là ngày mùng 3 tháng 8 năm 2011 cảnh sát hải quan đã bắt được 30,000 sản phẩm giả của Trung Quốc gồm kính mát, xách tay và giầy dép trị giá 7 triệu Euros ngay tại phi trường quốc tế Fiumicino ở Roma. Tất cả toàn là các sản phẩm với các nhãn hiệu nổi tiếng như Moncler, Fay, Peuterey, Stone Island, giầy Nike, nước hoa Ray Ban, Carrera, Versace, Dolce Gabbana và xách tay Louis Vuitton. Tại bến cảng Genova cảnh sát đã bắt được 380,000 mặt hàng giả trị giá 10 triệu Euros, gồm quần áo, giầy dép, các mỹ phẩm chế biến không theo các luật lệ an toàn nào. Ðã có rất nhiều người phải mang thương tích vì các đồ điện giả nổ hay bốc cháy, khi họ sử dụng. Không kém nguy hại là các đồ chơi cho trẻ em được chế tạo với nhiều loại hóa chất độc hại. Ðặc biệt nguy hại là các loại thuốc giả giết người.
Thế mới biết khi giả dối là sách lược tìm kiếm lợi nhuận, thì mức độ luân lý đạo đức của xã hội con người qủa đã xuống rất thấp. Ðây là loại bom nổ chậm giết chết lương tâm của bao thế hệ, và rất khó có cơ may hồi sinh.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)