Nhận định của

hãng thông tấn Asianews

về tình hình tại Syria

 

Nhận định của hãng thông tấn Asianews về tình hình tại Syria.

Syria [Asianews 3/8/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sau những gì đã xảy ra cách đây ba ngày tại Hama, hầu hết các nước Âu châu và Hoa kỳ đều đã bày tỏ sự phẫn nộ. Cuộc thảm sát 100 người vô phương tự vệ đã khiến cho Tây phương phải thức tỉnh trước tình hình tại Syria. Ngày 20 tháng 6 năm 2011, tổng thống Bashir el Assad đã nhìn nhận tính chính đáng của một số đòi hỏi của dân chúng, nhưng những hứa hẹn cải tổ của ông chỉ là những lời hứa suông. Các cuộc đàn áp vẫn tiếp tục xảy ra. Tính cho đến nay, đã có khoảng 2 ngàn người bị giết chết trong các cuộc nổi lọan hay vì bị tra tấn.

Một số nguời cho rằng những người hồi giáo cực đoan hay tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" từ Jordan hoặc một số nơi khác đứng đàng sau cuộc nổi dậy của người dân Syria. Họ nói rằng những nhóm người này lợi dụng tình thế trong thế giới Á rập để lật đổ tổng thống Assad và "hồi giáo hóa" Syria. Ða số các tín hữu kitô tại Syria cũng nghĩ như thế, bởi vì họ lo sợ rằng thay đổi chế độ có thể là điều bất lợi cho họ. Tính "thế tục" của chế độ hiện hành khiến họ tin tưởng như thế, mặc dù trong thực tế chế độ này chẳng làm gì để bảo đảm an ninh cho họ.

Một số khác thì quy trách cho Israel về tình hình xáo trộn hiện nay tại Syria. "Hoa kỳ và Israel âm mưu cấu kết" với nhau để gây xáo trộn cho Syria: đây là giả thuyết đơn giản nhứt mà nhiều người thường nại đến để lý giải về tình hình tại Trung đông nói chung và tại Syria nói riêng. Họ quên rằng Syria chỉ chống Israel ngoài môi miệng. Trong thực tế, nước này là đồng minh trung thành nhứt của Israel. Trong 40 năm, chính phủ Damascus chẳng làm gì để đòi lại Ðồi Golan đã bị Israel chiếm đóng hồi năm 1967. Trong hai ngày 15 tháng 5, kỷ niệm cuộc chiến năm 1948 và ngày 6 tháng 6, kỷ niệm cuộc chiến "6 ngày năm 1967", một số người Palestine đã bị giết chết khi họ tìm cách đi vào Golan. Nhưng chính phủ Syria đã chẳng có bất cứ phản ứng nào.

Trong thực tế, hầu hết mọi người dân Syria đều chán chế độ Assad. Trừ một số "phe cánh" thân tín của ông Assad, ai cũng mỏi mệt khi thấy những đòi hỏi chính đáng và những quyền cơ bản của mình, như quyền tự do ngôn luận, đều bị phủ nhận.

Chính nhờ được khuyến khích bởi những cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai cập mà người dân Syria mới xuống đường để đòi hỏi các quyền của họ. Tuy nhiên, nếu tại hai nước này các nhà lãnh đạo chỉ là những kẻ lạm dụng quyền thế, thì tại Syria, họ lại còn tàn bạo hơn. Tại Ai cập, quân đội bảo vệ những người biểu tình. Còn tại Syria, quân đội lại tấn công người biểu tình.

Syria đang được cai trị bởi một đảng duy nhứt là Ðảng Baath. Ðây là dụng cụ nằm trong tay tổng thống Assad và đồng minh của họ. Không có đối lập cũng chẳng có tự do báo chí. Kể từ năm 1982, nước này nằm dưới sự kiểm soát chặt chẻ của các lực lượng an ninh.

Tháng Bảy năm 2000, khi tổng thống Bashir el Assad lên cầm quyền, một làn gió thay đổi đã thổi qua đất nước, nhiều nhóm chính trị mới được thành lập. Tuy nhiên, tháng 9 năm 2001, mọi sự đều trở lại như cũ. Các lãnh tụ của những phong trào mới đều bị cho vào tù, người 5 năm, kẻ 10 năm. Tất cả mọi cố gắng tổ chức lại Ðối lập đều thất bại.

Niềm hy vọng lại được tái sinh vào năm 2005 khi phe đối lập đề nghị một tiến trình cải tổ tiệm tiến. Nhưng tháng 12 năm 2007, các lãnh tụ ủng hộ cải tổ đều bị bằt giữ và kết án từ nửa năm đến hai năm tù.

Tất cả những ai đề nghị thay đổi quan hệ với nước láng giềng Liban đều chịu cùng một số phận.

Thập niên 80, Cơ quan mật vụ Syria đã trở thành tổ chức quyền thế nhứt nước. Họ cấu kết với những người giàu có và thế lực để thăng tiến. Họ đe dọa và khủng bố dân chúng.

Tổng thống Hafez el Assad đã xử dụng cơ quan mật vụ này để cai trị. Năm 2005, tổng thống Assad con tìm cách kiếm soát cơ quan này. Nhưng ông đã thất bại: họ vẫn tiếp tục làm mưa làm gió trong nước. Hiện nay, cơ quan này đã trở thành một thứ Mafia không ngần ngại xử dụng những phương tiện tàn bạo và bạo động để khủng bố dân chúng.

Cảnh sát và quân đội và ngay cả hải quan cũng chẳng hơn gì cơ quan mật vụ. Tất cả đều tìm cách khủng bố dân chúng.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng lợi dụng tình thế để trục lợi: họ bán thuốc men với giá cao trong chợ đen và chỉ dành cho bệnh nhân loại thuốc rẽ tiền.

Theo cha Bernardo Cervellera, giám đốc hãng thông tấn Asianews, bất cứ ai nắm giữ một chức vụ công quyền, dù thấp đến đâu, cũng đều lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi. Do đó, tham nhũng và hối lộ là tệ nạn rất phổ biến tại Syria.

Nếu tại Tunisia và Ai cập, dân chúng nổi lên để lật đổ chính phủ, thì tại Syria, người dân không đòi hỏi như thế. Họ chỉ mong có nhiều công lý, bớt tàn bạo hơn, có thêm tự do hơn mà thôi. Tiếc thay, cả tổng thống Assad lẫn các cố vấn của ông đều không nhận ra điều đó. Họ đã phản ứng bằng vũ lực và bạo động. Nhưng lần này, dân chúng đã không chịu đầu hàng, bỏ cuộc.

Tại Daraa, miền nam Syria, khi cuộc nổi dậy bùng nổ, một số thiếu niên đã viết lên tường những biểu ngữ chống Ðảng Baath. Các em đã bị giam giữ, đánh đập và tra tấn. Một số khác mất tích. Ðây là nguyên nhân đã khiến dân chúng Syria xuống đường. Cho đến nay đã có khoảng 10 ngàn người bị bắt giữ và hành hung. Nhưng các cuộc đàn áp của chế độ đã không thể chận đứng được cuộc nổi dậy. Giờ đây, họ thà chết hơn là thấy chế độ này tồn tại. Ngày 25 tháng 7 năm 2011, chính phủ loan báo cho phép thành lập các đảng phái chính trị. Nhưng dân chúng không còn tin lời chính phủ nữa. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page