Cộng đồng kitô tại Nepal
lớn mạnh
Cộng đồng kitô tại Nepal lớn mạnh.
Katmandu, Nepal [Asianews 2/8/2011] - Mặc dù bị các nhóm ấn giáo cực đoan đe dọa, cộng đồng kitô tại Nepal vẫn lớn mạnh.
Trong những năm gần đây, chủ nghĩa Ấn giáo cực đoan tại Nepal ngày càng gia tăng. Nhiều thành phần thuộc giai cấp lãnh đạo muốn biến Ấn giáo thành quốc giáo như trước thập niên 90.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Asianews, cha Lawrence Maniyar, bề trên miền Dòng Tên tại Nepal nói rằng chính vì tự do tôn giáo bị đe dọa, mà các nhà lãnh đạo Giáo hội xích lại gần nhau hơn. Sự đe dọa của ấn giáo cực đoan cũng khiến cho cộng đồng kitô tại Nepal lớn mạnh.
Cha Maniyar cho biết: cách đây 4 năm, Quốc hội Nepal đã thông qua một quyết nghị đòi hỏi Nepal phải là một quốc gia thế tục. Tuy nhiên, quyết nghị đã không có hiệu lực. Hiện những nguời của chế độ cũ vẫn muốn đưa quốc gia này trở lại thời mà Ấn giáo là quốc giáo.
Ðề cập đến những cuộc trở lại, cha bề trên miền của Dòng Tên tại Nepal cho biết: năm 1975, khi ngài mới đến Nepal, trong thánh lễ chúa nhựt chỉ có 3 người: hai người Mỹ và một nguời ấn độ. Nay, sau 60 năm Giáo hội hiện diện tại nước này, hiện có khoảng 8 ngàn người công giáo. Có nhiều cuộc trở lại, nhưng đa số theo Tin lành. Chính vì vậy mà chính phủ Nepal muốn ban hành luật cấm cải đạo. Trong 4 năm vừa qua, các cuộc rửa tội cho người lớn đều được cử hành công khai. Nhưng cha Maniyar sợ rằng tình trạng này sẽ không tiếp tục. Nếu luật cấm cải đạo được Quốc hội thông qua, thì Giáo hội buộc phải trở lại thời kỳ "hầm trú" và việc rửa tội cho người lớn chỉ có thể được cử hành một cách lén lút.
Nhận định về vai trò của cộng đồng công giáo trong xã hội, cha bề trên Dòng Tên nói rằng xuyên qua các linh mục Dòng Tên, đạo Công giáo tại Nepal đã được du nhập vào nước này năm 1951, theo lời mời của chính phủ lúc bấy giờ. Hiện nay, Giáo hội đuợc phép giáo dục trẻ em. Bởi vì Hiến pháp cũ nhìn nhận tự do tôn giáo cho nên Giáo hội không có vấn đề nào trong việc ban bí tích và chăm sóc mục vụ cho cộng đồng tín hữu.
Giáo hội hiện đang tập trú vào việc giáo dục trẻ em và lo cho phúc lợi xã hội của người nghèo. Giáo hội đang điều khiển 32 cơ sở giáo dục và trên 60 trung tâm xã hội.
Về ấn giáo tại Nepal, cha bề trên miền dòng tên tại Nepal nói rằng, trái với suy nghĩ của nhiều người trên thế giới, Ấn giáo đã không bao giờ tỏ ra khoan nhượng với những tôn giáo khác. Khi bị đe dọa, thì bản chất của tôn giáo này lại lộ ra. Chính phủ hiện nay đang cố gắng đưa ra luật cấm cải đạo vì trong 20 năm qua, nhiều người đã trở lại Kitô giáo. Nhiều người trong chính phủ cho rằng "không ai có quyền thay đổi tôn giáo của mình". Tuy nhiên, các tín hữu kitô tuyên bố công khai rằng họ "trở thành kitô hữu không phải vì cha mẹ họ đã từng là kitô hữu". Họ nói: "Chúng tôi không theo ấn giáo vì Nhà nước bảo theo. Chúng tôi cũng theo kitô giáo vì chúng tôi chọn làm kitô hữu".
CV.