Gia đình của Ðức thánh cha

qua hồi ký của Bào huynh ngài

 

Gia đình của Ðức thánh cha qua hồi ký của Bào huynh ngài.

Munich, Ðức [Zenit 29/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chịu chức linh mục, đức ông Georg Ratzinger, bào huynh của Ðức thánh cha Benedicto XVI, đã dành cho sử gia nguời Ðức Michael Hesemann một cuộc phỏng vấn. Nội dung cuộc phỏng vấn đã được thu thập thành một cuốn sách có tựa đề bằng tiếng Ðức "Mein Bruder, der Papst" [em tôi, Ðức giáo hoàng]. Cuốn sách dài 256 trang này sẽ được phát hành tại Munich, Ðức, vào tháng 9 năm 2011, nhằm lúc Ðức thánh cha trở về viếng thăm quê hương lần thứ hai.

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Zenit, sử gia Hesemann đã cho biết nhiều chi tiết về cuộc sống, ơn gọi và nhứt là gia đình của Ðức thánh cha.

Theo ông Hesemann, cuốn sách "Em tôi, Ðức giáo hoàng" giúp hiểu rõ hơn về ơn gọi của Ðức thánh cha. Cuốn sách này cho thấy một chương trình dấu ẩn mà chỉ có Thiên Chúa Quan Phòng mới có thể thực hiện. Tác giả cho biết, khi viếng thăm Trung tâm Thánh Mẫu Altotting, vốn là trọng tâm của thời thơ ấu của Ðức thánh cha, ông đã nghe được khẩu hiểu: "Hãy trao ban tất cả và bạn sẽ nhận lãnh nhiều hơn". Ðây chính là nguyên tắc mà Ðức thánh cha đa sống theo ngay từ nhỏ. Ngài đã cho tất cả. Ngài đã tìm cách phục vụ Chúa với tất cả khả năng và đã lãnh nhận nhiều hơn điều mình có thể tưởng tượng hay khao khát.

Ðiểm nổi bật trong cuốn sách chính là bí quyết của gia đình Ratzinger. Tác giả Hesemann nói rằng câu nói "một gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình đứng vững", hoàn toàn đúng cho gia đình Ratzinger. Tác giả khẳng định rằng gia đình Ratzinger là một thành trì kiên cố chống lại những cơn bão táp, nhứt là chế độ đức quốc xã và những khủng khiếp của thời kỳ chiến tranh. Gia đình này đã trở nên vững mạnh nhờ ý thức cao về tôn giáo và đời sống tôn giáo. Nhứt là ngày nay, khi các vấn đề gia đình và ly dị đang xâu xé bao nhiêu gia đình, gia đình Ratzinger quả là một mẫu mực tích cực. Bí quyết của gia đình này là luôn tùng phục Thiên Chúa, biến gia đình thành một tế bào nền tảng của Giáo hội.

Sử gia Hesemann nói: "Nếu có nhiều gia đình như gia đình này, chúng ta sẽ không thiếu ơn gọi".

Tác giả cho biết: cuộc nói chuyện với đức hồng Georg Ratzinger hé mở được rất nhiều bí mật trong cuộc hành trình của Ðức thánh cha. Chẳng hạn khi mới chịu chức linh mục, ngài chỉ mong được làm tuyên úy trong một giáo xứ ở Munich, nhưng vì quá thông minh, cho nên ngài được mời làm giáo sư thần học.

Ngài không muốn trở thành giám mục, nhưng cuối cùng đức Phaolo VI đã bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Munich. Khi vị giáo hoàng này gọi ngài về Roma, ngài đã đưa ra đủ mọi lý do để được ở lại Ðức. Nhưng một lần nữa, đã có người phải thuyết phục ngài. Và lần này, người thuyết phục ngài phải ra đi chính là đức Phaolo VI. Thật vậy, vị giáo hoàng này nói: "Munich là một giáo phận quan trọng. Nhưng Roma lại còn quan trọng hơn".

Cuối cùng, khi đã đến tuổi hưu, ngài chỉ mong được trở về quê hương để nghỉ hưu, để được sống gần người anh và viết sách. Nhưng rồi ngài lại được bầu làm giáo hòang. Tác giả Hasemann nói: "Ðiều này khiến tôi nhớ lại thánh Phero và những lời của Chúa Giesu: "..một người khác sẽ thắt lưng cho con để đưa con đến một nơi con không muốn". Ðây là lời tiên báo về cuộc tử đạo của vị giáo hoàng tiên khởi. Nhưng điều này cũng được áp dụng cho chính Ðức thánh cha.

Tác giả cho biết một điều khác cũng khiến ông phải ngạc nhiên đó là sự chống đối mãnh liệt của gia đình Ratzinger đối với Ðức quốc xã. Cụ ông Ratzinger là một độc giả trung thành của tờ báo công giáo chống Ðức quốc xã kiên trì nhứt là tờ "Der gerade Weg" [con đường ngay], mà chủ bút là ông Fritz Michael Gerlich, một trong những vị tử đạo đầu tiên dưới thời đức quốc xã. Cụ ông đã từng là cảnh sát trưởng tại một thành phố nhỏ. Ông đã gặp nhiều khó khăn trước khi Ðức quốc xã lên cầm quyền, vì đã giải tán nhiều cuộc hội họp của đức quốc xã và gặp rắc rối với cơ quan mật vụ.

Việc đức ông Georg và đức thánh cha vào chủng viên, quyết định làm linh mục của hai người là một bằng chứng cụ thể cho thấy sự chống đối Ðức quốc xã của Giáo hội. Hai ngài đã bị nhạo cuời và kỳ thị vì quyết định này, nhưng đã nghe theo tiếng nói của lương tâm. Thân phụ của ngài đã khước từ mọi lợi lọc kinh tế dành cho những ai gia nhập đức quốc xã. Người thiếu niên Joseph Ratzinger cũng đã không gia nhập Phong trào Giới Trẻ Hitler, ngay cả khi luật Ðức buộc phải gia nhập tổ chức này. Ngài đành phải nhập ngũ chỉ vì không tránh khỏi mà thôi. Chỉ có phép lạ mới gìn giữ ngài không bị bắt giữ và bị treo cổ như những người đào ngũ khác.

Nói về âm nhạc, tác giả Hesemann khẳng định rằng âm nhạc đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của gia đình Ratzinger. Không những cụ ông Ratzinger đã từng hát trong ca đoàn giới trẻ của giáo xứ, mà còn chơi đàn "Zither", một lọai nhạc khí cổ truyền của miền Baviere. Người mẹ cũng là người rất am tường nhạc cổ điển. Chính vì vậy mà cả hai anh em Georg và Joseph đều là những người yêu thích âm nhạc. Ngày nay, Ðức thánh cha vẫn tiếp tục chơi đàn Piano khi có giờ. Ngài rất thích nhạc cổ điển, nhứt là nhạc của Mozart.

Nhận xét riêng về đức ông Georg, sử gia Hasemann nói rằng ngài có một trái tim vàng. Tác giả nói: "Tôi ít khi gặp được một người khiêm tốn, dễ thương như ngài. Tôi cũng rất bị ấn tượng về trí nhớ của ngài. Dĩ nhiên, hai anh em đều giống nhau về điểm này. Ngài quả là một vĩ nhân, không phải vì ngài là anh của Ðức giáo hoàng, mà vì đã từng là giám đốc ca đòan thiếu nhi "Regensburg Domspatzent", vốn là một ca đoàn nổi tiếng trên thế giới. Ca đoàn này đã từng biểu diễn tại Nhựt bản, Hoa kỳ, và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ðức ông cũng là một nhà sáng tác tài ba. Nhưng quan trọng hơn cả, ngài là một con người kỳ diệu, một linh mục quảng đại, tin tưởng sâu xa nơi Chúa và có một óc khôi hài lành mạnh.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page