Tình hình Giáo hội tại Ái nhĩ lan

 

Tình hình Giáo hội tại Ái nhĩ lan.

Ái nhĩ lan [National Review 29/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ký giả George Weigel, người đã từng viết tiểu sử của chân phước Gioan Phaolo II, đã có một bài nhận định về Giáo hội Công giáo tại Ái nhĩ lan, tiếp theo vụ thủ tướng nước này, ông Enda Kenny, có những lời lẽ cực kỳ hằn học đối với Ðức thánh cha Benedicto XVI và Tòa thánh. Bài báo được đăng trên báo mạng " The national Review Online" số ra ngày thứ Sáu 29 tháng 7 năm 2011. Chúng tôi xin được trích đọc hầu quý vị và các bạn.

Ái nhĩ lan, nơi mà Hiến pháp bắt đầu bằng câu "nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh", đã trở thành một quốc gia chống Công giáo một cách cay độc nhứt tại Tây Phương.

Mới đây, thủ tướng Ái nhĩ lan, ông Enda Kenny, đã tố cáo Tòa thánh mà ông gọi là một ngôi nhà "rối lọan chức năng, bè phái, đóng khung". Riêng Ðức thánh cha, thủ tướng Kenny tố cáo đã bao che điều mà ông gọi là "hãm hiếp và tra tấn trẻ em".

Bộ trưởng bộ tư pháp nước này đang có kế hoạch đưa ra một luật mới nhằm đe dọa trừng phạt các linh mục 5 năm tù nếu không chịu vi phạm bí mật tòa giải tội khi có một người phạm tội ấu dâm đến xưng tội.

Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy đông đảo dân chúng Ái nhĩ lan tán thành biện pháp vi phạm tự do tôn giáo này. Trong khi đó các phương tiện truyền thông Ái nhĩ lan lại cổ võ cho việc tấn công Giáo hội.

Theo nhận định của ký giả Weigel, những tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em cũng như việc giới lãnh đạo Giáo hội tại Ái nhĩ lan đã thất bại trong việc đối phó với vấn đề, là cuộc một khủng hoảng trầm trọng của Giáo hội tại nước này.

Trong lá thư gởi cho người công giáo Ái nhĩ lan cách đây 16 tháng, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã từng lên án các lạm dụng tình dục trẻ em cũng như hành động bao che các lạm dụng này. Lá thư vừa lên án những kẻ lạm dụng vừa ngỏ lời chân thành xin lỗi với các nạn nhân. Tòa thánh cũng đã cho tổ chức những cuộc thanh lý tại các giáo phận lớn và chủng viện tại Ái nhĩ lan. Kết quả của các cuộc thanh lý do các Ðức giám mục từ Hoa kỳ, Canada và Anh quốc thực hiện, đều đã nhìn nhận thực tế bi thảm của Giáo hội tại Ái nhĩ lan.

Theo ký giả Weigel, vấn đề thiết yếu là phải thay thế hàng giáo phẩm cũng như giảm bớt con số giáo phận tại nước này. Ký giả này khẳng định rằng Giáo hội tại Ái nhĩ lan đang cần có một hàng lãnh đạo mới đáng tin tưởng hơn. Theo ông, một trong những giải pháp là đưa các vị lãnh đạo từ các nơi khác về. Ông nêu lên câu hỏi: nếu năm 1850, một người Ái nhĩ lan đã có thể làm Tổng giám mục New York thì tại sao năm 2012, một người sinh trưởng tại California, Hoa kỳ, không thể làm Tổng giám mục Dublin, Ái nhĩ lan?

Hoa kỳ và đặc biệt Canada, đã có những vị giám mục Anh thoại vốn đã chứng tỏ khả năng có thể cải tổ các giáo phận và mang lại nhuệ khí tông đồ.

Ký giả Weigel đề nghị Tòa thánh nên đưa các vị giám mục từ các nơi khác đến Ái nhĩ lan, bất kể từ nước nào, miễn là để "làm sạch" Giáo hội, tái thiết Giáo hội tại Ái nhĩ lan bằng việc rao giảng Tin mừng mà không thỏa hiệp và dám chiến đấu chống lại chủ nghĩa "tòan trị" của Âu châu tục hóa ngày nay.

Sau khi thủ tướng Enda Kenny lên tiếng tố cáo thậm tệ Ðức thánh cha và Tòa thánh, Tòa thánh đã cho triệu hồi Sứ thần Tòa thánh về Roma để tham khảo. Ðây là dấu hiệu tỏ tường cho thấy Tòa thánh bất bình với các chính trị gia Ái nhĩ lan là những người đang khơi dậy làn sóng chống đối Công giáo tại nước này. Nhưng theo ký giả Weigel, dù cho những lời lẽ tấn công của thủ tướng Ái nhĩ lan có cay độc đến độ nào đi nữa, Tòa thánh hẳn phải nhìn nhận sự cần thiết phải thay đổi tận căn hàng giáo phẩm tại nước này.

Nhưng vấn đề sâu xa hơn mà những xáo trộn trong Giáo hội Công giáo tại Ái nhĩ lan đã nêu lên trong những tuần lễ vừa qua là: Tại sao quốc gia được xem là Công giáo nhứt thế giới này lại tỏ ra chống Công giáo một cách mãnh liệt như thế? Vấn đề này liên quan đến lịch sử hiện đại của một nước Ái nhĩ lan độc lập.

Những giải đáp cho câu hỏi này xem ra không mang lại niềm an ủi nào cho những người muốn bênh vực cho liên minh giữa Giáo hội và Nhà nước.

Trong 60 năm đầu của thế kỷ 20, Ái nhĩ lan, Tây ban nha, Bồ đào nha và Quebec là những nơi được xem là "Công giáo" nhứt trên trái đất. 50 năm sau, Quebec đã trở thành vùng đất khô đạo nhứt. Bồ đào nha, ngoại trừ trung tâm Thánh Mẫu Fatima, cũng trở thành một nước khô đạo. Tây ban nha hiện đang có một chính phủ có tính "thế tục" nhứt tại Tây phương và Ái nhĩ lan hiện đang trở thành trọng tâm của một chấn động chống Công giáo mãnh liệt nhứt.

Theo ký giả Weigel, lịch sử và xã hội học đối chiếu có thể lý giải được phần nào hiện tượng trên đây. Ký giả Weigel nói rằng trong mọi trường hợp trên đây, xuyên qua một chính phủ độc tài, nhà nước cố tình ngăn cản sự thích nghi của quốc gia với trào lưu hiện đại. Trong khi đó Giáo hội tại những nuớc này lại cấu kết với quyền lực. Giới trí thức Công giáo thất vọng vì nhận thấy các Giáo hội địa phương không thích nghi với những thay đổi được công đồng Vatican II vạch ra. Giáo hội tại những nước này vẫn còn mang nặng bộ mặt "giáo sĩ": được truyền chức linh mục hay giám mục vẫn còn được xem là một bước thăng tiến trong xã hội.

Ký giả Weigel cho rằng Công đồng Vatican II đến như một cơn hồng thủy. Các thành trì chống cải tổ trong Giáo hội tại Tây ban nha, Bồ đào nha và Quebec cũng như mới đây tại Ái nhĩ lan đã sụp đổ. Giáo hội không có đủ lực luợng trí thức để chống trả trước làn sóng tục hóa.

Theo ông, đây là một sự thật hiển nhiên mà các Ðức giám mục, linh mục và giáo dân tại Ái nhĩ lan cần ý thức nếu muốn xây dựng Giáo hội của công đồng Vatican II.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page