Những phản ứng khác nhau

về việc Tòa thánh công bố vạ tuyệt thông

cho các vị giám mục chịu chức

không có phép của Tòa thánh tại Trung quốc

 

Những phản ứng khác nhau về việc Tòa thánh công bố vạ tuyệt thông cho các vị giám mục chịu chức không có phép của Tòa thánh tại Trung quốc.

Trung quốc [Ucanews 26/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm 16 tháng 7 năm 2011, Tòa thánh đã cho công bố vạ tuyệt thông đối với linh mục Joseph Huang Bingzhang, người đã chịu chức giám mục không có phép của Tòa thánh tại Giáo phận Shantou hôm 14 tháng 7 năm 2011.

Qua ban tôn giáo, chính phủ Bắc Kinh đã gọi vạ tuyệt thông này là một hành động thô bỉ.

Trước đó, hôm 4 tháng 7 năm 2011, Tòa thánh cũng đã ra vạ tuyệt thông cho một giám mục trung quốc khác chịu chức tại Leshan, ngày 29 tháng 6 năm 2011.

Ngoài phản ứng gay gắt của chính quyền cộng sản Trung Quốc, bản công bố vạ tuyệt thông của Tòa thánh hôm 16 tháng 7 năm 2011 cũng đã tạo ra nhiều phản ứng khác nhau.

Một vị giám mục tham dự vào một trong những cuộc truyền chức bất hợp lệ nói trên đã xem vạ tuyệt thông cho linh mục Huang tại Shantou là "đúng lúc". Tuy nhiên, vị giám mục xin đuợc dấu tên này nói với hãng thông tấn Ucanews rằng Tòa thánh nên có cách đối xử khác đối với các vị giám mục đã tham dự các cuộc tấn phong không có phép của Tòa thánh.

Vị giám mục này cho biết: "Có một số giám mục đã tham dự vào các cuộc truyền chức bất hợp lệ này hai hoặc ba lần và với sự tự nguyện hoàn toàn. Bản công bố vạ tuyệt thông cho vụ truyền chức tại Shantou xem ra đối xử với các vị giám mục này cũng giống như các vị đã chống lại cuộc truyền chức".

Ông Anthony Lam Sui Ki, một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Chúa Thánh Thần thuộc giáo phận Hong kong, cho rằng "trong tuyên ngôn, Tòa thánh không kết án 8 vị giám mục tham dự lễ truyền chức tại Shantou, bởi vì Tòa thánh biết rằng có một số vị bị cưỡng bách phải tham dự. Tòa thánh sẽ xét xử từng trường hợp.

Theo ông Lam, chỉ có giám mục Johan Fang Xingyao, người chủ phong trong cuộc truyền chức tại Leshan và Shantou, là người bị vạ tuyệt thông, bởi vì đã không ngừng lập lại hành động này.

Ông Lam tin rằng các cuộc truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh mà Trung quốc loan báo sẽ cho tiến hành, sẽ không làm phương hại cho mối quan hệ giữa Tòa thánh và Trung quốc, bởi vì đây là các cuộc truyền chức do ban tôn giáo chính phủ và Hội công giáo ái quốc lèo lái. Ông nói: "Tòa thánh không hề từ bỏ ý định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, mặc dù điều này không nằm trong chương trình".

Tuy nhiên, một nhà quan sát khác tại Hong kong là ông Kwun Ping Hung, nói rằng mối quan hệ giữa Trung quốc và Tòa thánh đã trở nên tồi tệ nhứt kể từ hơn nửa thế kỷ nay. Theo ông Kwun, truớc khi hai bên chưa đạt được một thỏa thuận nào, thì bất cứ hình thức tiếp xúc và đối thoại nào cũng chỉ hạ giảm căng thẳng một cách tạm thời và ở bề mặt mà thôi.

So với vạ tuyệt thông mà Tòa thánh đã cho công bố hôm 4 tháng 7 năm 2011 về vụ truyền chức tại Leshan, ông Kwun nghĩ rằng vạ tuyệt thông đối với vụ truyền chức tại Shantou có giọng điệu nhẹ nhàng hơn.

Trong vạ tuyệt thông dành cho vụ truyền chức tại Shantou, Tòa thánh nhấn mạnh rằng một số giám mục đã bị cưởng bách phải tham dự. Như vậy, Tòa thánh không muốn lên án các vị giám mục này và cho phép các vị tiếp tục thi hành chức vụ giám mục sau khi đã tiến hành một cuộc điều tra ngắn.

Ông Kwun nói rằng "có thể hiểu đây như một dấu hiệu cho thấy Tòa thánh rất quan tâm đến Giáo hội tại Miền Nam Trung Quốc", vốn đã có quan hệ lâu dài và mật thiết với hai giáo phận Hong kong và Macau.

Trên đây là phản ứng của một số quan sát viên Hong kong về vạ tuyệt thông đối với vụ truyền chức tại Shantou.

Trên một số trang mạng riêng, nhiều người đã đặt nghi vấn về các chính sách của Tòa thánh trong việc phê chuẩn các ứng viên giám mục. Một nguời viết Blog cho rằng hai ứng viên giám mục tại Leshan và Shantou cũng "yêu nước" chẳng kém gì các vị giám mục "tự chọn và tự phong" nhưng đã được Tòa thánh công nhận. Hai vị này cũng chẳng trung thành với Tòa thánh hơn là các vị đã đựơc Tòa thánh nhìn nhận và đã đặt tay truyền chức cho họ. Sở dĩ Tòa thánh đã cho công bố vạ tuyệt thông với hai vị này là bởi vì hai cuộc truyền chức đã diễn ra vào đúng lúc Tòa thánh đang muốn đề ra những biện pháp cứng rắn hơn mà thôi.

Một người viết Blog khác ký tên là Xiao Cao, thì thắc mắc tại sao Tòa thánh đã không chịu giải thích về quyết định không nhìn nhận ứng viên giám mục Huang, vì ông là một đại biểu Quốc hội. Theo ông, trong Giáo hội hoàn vũ, không có gì lạ khi các giáo sĩ bị ngưng chức chỉ vì tham gia vào các chức vụ công quyền.

Những người ủng hộ linh mục Huang cũng nghi ngờ về tính "chính đáng" của Ðức cha Peter Zhuang Jiangjian, giám mục Shantou, bởi vì tên của ngài không có trong danh sách được ghi trong lá thư của Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh, gởi cho các đức giám mục Trung quốc hồi năm 2008.

Ông Cao nêu lên câu hỏi: tại sao Tòa thánh không làm sáng tỏ về tình trạng của đức cha Zhuang khi công bố vạ tuyệt thông cho linh mục Huang?

Theo ông, rất có thể Tòa thánh muốn bảo vệ an ninh cho vị giám mục già vốn không được nhà nước Trung quốc nhìn nhận. Thật ra, theo ông Cao, công an đã đặt vị giám mục này vào tình trạng quản thúc tại gia từ Lễ Phục Sinh năm 2011. Chính phủ Trung quốc hẳn không thể không biết điều này.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page