Tinh thần dân tộc của
nhiều người công giáo tại Trung quốc
Tinh thần dân tộc của nhiều người công giáo tại Trung quốc.
Trung quốc [CNA 26/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tiến sĩ Nathan Faries, một chuyên gia về Giáo hội tại Trung quốc, nhận định rằng những biến cố đáng tiếc xảy ra trong thời gian gần đây trong Giáo hội tại Trung quốc, xuất phát từ tinh thần dân tộc của nhiều người công giáo tại nước này.
Là tác giả của cuốn sách có tựa đề "Giáo hội khó hiểu tại Trung quốc", tiến sĩ Faries, giáo sư Anh ngữ tại trường đại học Dubuque, Hoa kỳ, nhìn nhận rằng ban tôn giáo chính phủ Trung quốc đang đe dọa bản sắc của Giáo hội Công giáo bằng cách thách thức vạ tuyệt thông và lên kế hoạch truyền chức thêm nhiều giám mục mà không cần sự phê chuẩn của Tòa thánh.
Theo giáo sư Faries, những biến cố gần đây trong Giáo hội tại Trung quốc cho thấy "tinh thần dân tộc cao của Trung quốc mà nhiều người, kể cả các giám mục đều chia sẻ".
Tưởng cũng nên nhắc lại: hôm thứ Hai 25 tháng 7 năm 2011, ban tôn giáo chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Tòa thánh ra vạ tuyệt thông cho hai vị giám mục vừa được truyền chức không có phép của Tòa thánh. Ban tôn giáo chính phủ Trung quốc gọi việc ra vạ tuyệt thông này của Tòa thánh là một hành động thô bỉ. Nhân dịp này, ban tôn giáo chính phủ Trung quốc nhắc lại chính sách của họ là: thiết lập một Giáo hội tự trị với quyền tự chọn và tự phong các giám mục, nghĩa là không thông qua sự phê chuẩn của Tòa thánh.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn công giáo CNA, tiến sĩ Faries nói rằng ông đã nghe những lời trên đây từ miệng của nhiều đảng viên cộng sản cũng như từ Ban tôn giáo chính phủ, chứ không từ miệng của các tín hữu công giáo trung thành với Tòa thánh.
Ban tôn giáo chính phủ Trung quốc cho công bố tuyên ngôn lên án Tòa thánh chỉ 3 ngày sau khi Hội công giáo Ái quốc Trung quốc loan báo sẽ tiến hành thêm 7 vụ phong chức giám mục khác mà không cần có phép của Tòa thánh.
Giáo sư Faries là một tín hữu Tin lành trở lại Công giáo. Ông rất quan ngại về việc cắt đứt quan hệ giữa Tòa thánh và Trung quốc sau một giai đoạn cải thiện.
Cuốn sách của ông là kết quả của những chuyến đi giảng dạy và sống tại Trung quốc, là nơi mà ông nói đã thấy "nhiều linh mục thuộc cả Giáo hội thầm lặng lẫn Giáo hội công giáo rất trung thành với Tòa thánh".
Giáo sư Faries nói rằng nhìn chung, có nhiều người công giáo, ngay cả một số giám mục, mặc dù có hành động đi ngược lại với các chỉ thị của Tòa thánh, vẫn rất trung thành với Giáo hội. Theo ông, có lẽ con số các giám mục "cơ hội" chỉ là một thiểu số nhỏ.
Giáo sư Faries không bào chữa cho những vị giám mục đã tham dự vào các cuộc lễ truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh. Theo ông, Tòa thánh cần phải cho mọi người thấy luật Giáo hội.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cảm thông với những vị giám mục đã tham dự vào các cuộc truyền chức không có phép của Tòa thánh. Theo ông, các vị này đã bị đặt vào một tình thế khó xử.
Giáo sư Faries nói rằng trong các vụ truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh, không hề có chuyện "Ðảng cộng sản bảo sao người ta phải làm vậy. Cũng chẳng có chuyện người công giáo phải tuân hành vì sợ tù đày".
Ông cho rằng một số vị giám mục đã đến tham dự các cuộc lễ truyền chức nói trên một cách tự nguyện, vì muốn đứng ra làm trung gian giữa chính phủ Bắc Kinh và Tòa thánh. Có thể các vị hy vọng rằng về lâu về dài, mọi sự sẽ được ổn định".
Giáo sư Faries cho rằng phần lớn các giáo sĩ thuộc Giáo hội công khai đều đáng được cảm thông. Dĩ nhiên, theo ông, "nhiều người tưởng mình đang làm điều tốt, nhưng thực tế lại đang làm điều xấu".
Chuyên gia về Giáo hội tại Trung quốc này nói rằng hàng giáo sĩ công giáo thường là những người có thiện chí, họ cố gắng làm điều tốt nhứt cho Giáo hội và cho dân tộc Trung Hoa. Họ đang đi trên một con đường nguy hiểm mà vẫn hy vọng rằng mọi sự đều sẽ tốt đẹp. Một cách nào đó, tình hình của Giáo hội công khai tại Trung quốc cũng giống như nhiều người công giáo "bất đồng chính kiến" trên khắp thế giới. Nhiều người có tinh thần độc lập, nhưng vẫn muốn tiếp tục là người công giáo.
Rất có thể họ cũng nhìn lại con số rất lớn những vị giám mục thuộc Giáo hội công khai được Giáo hội đưa về hiệp thông trong hai thập niên 70 và 80 và hy vọng rằng những vạ tuyệt thông mới đây rồi ra cũng sẽ được Tòa thánh rút lại.
Tình hình của Giáo hội tại Trung quốc hiện nay cũng phản ánh những cẳng thẳng giữa đức tin và bản sắc dân tộc.
Giáo sư Faries giải thích: "Tinh thần dân tộc của người Trung hoa cũng mạnh bằng hay mạnh hơn tinh thần dân tộc của người Mỹ. Ðây là một mối nguy hiểm cho bất cứ tín hữu kitô nào. Họ nghĩ rằng họ có thể được độc lập và có những ý tưởng độc lập để chống lại Tòa thánh.
Một số khác có thể nghĩ rằng Trung Quốc ngày nay là một quốc gia "quá quan trọng" trên thế giới, do đó Tòa thánh buộc phải đến giúp đỡ Giáo hội tại đây theo cách thế mà họ cho là đúng.
Giáo sư Faries nói rằng tinh thần độc lập này có thể là một mối nguy hiểm cho công giáo hay ngay cả hủy hoại công giáo.
Tuy nhiên, ông hy vọng rằng ý thức về văn hóa và bản sắc dân tộc cao của người Trung Quốc cũng có thể có lợi cho Giáo hội phổ quát. Ông nói đến niềm phấn khởi của Ðức thánh cha Benedicto XVI khi nói về con số người công giáo lớn tại Trung Quốc.
Giáo sư Faries ghi nhận rằng nhiều người đang tìm đến với đức tin xuyên qua Giáo hội công khai, trong khi đảng cộng sản ngày càng từ bỏ quan điểm Marxit về tôn giáo.
Ông hy vọng rằng cũng như đã từng có một hoàng đế Constantino đã biến cả đế quốc La mã thành Kitô giáo, thì người công giáo tại Trung quốc cũng có thể biến đổi quốc gia có đông dân số nhứt thế giới này.
CV.