Lý do các cuộc xung đột

tại Nigeria

 

Lý do các cuộc xung đột tại Nigeria.

Phỏng vấn Ðức Cha Onayekan, Tổng Giám Mục Abuja, về các lý do cuộc xung đột tại Nigeria.

Nigeria (ZENIT 17-7-2011) -Trong các năm qua thường xảy ra các vụ xung đột tại miền Bắc Nigeria, nơi có đa số tín hữu theo Hồi giáo sinh sống, và kitô hữu là thiểu số. Các vụ xung đột bạo lực giữa hai bên đã khiến cho hàng ngàn người thiệt mạng. Báo chí tây âu thường coi đây là các xung đột tôn giáo, nhưng thật ra có nhiều lý do rất phức tạp.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn phần đầu bài phỏng vấn Ðức Cha John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục giáo phận Abuja, về các lý do cuộc xung đột này.

Ðức Cha Onaiyekan sinh năm 1944 tại Kabba bên Nigeria, thụ phong linh mục năm 1969, được Tòa Thánh chỉ định làm Giám Mục Phụ tá giáo phận IIorin năm 1982. Hai năm sau ngài lên làm Giám Mục chính tòa giáo phận này và năm 1990 được chỉ định làm Giám Mục Phó tổng giáo phận Abuja, rồi hai năm sau làm Giám Mục chính tòa giáo phận này. Năm 1994 ngài được thăng Tổng Giám Mục.

Nói chuyện trong chương trình truyền hình có tên gọi là "Nơi đâu Thiên Chúa khóc" Ðức Cha Onaiyekan cho biết lý do chính gây ra căng thẳng tại Nigeria không phải là giữa các người hồi và người kitô, nhưng là giữa những người giầu và người nghèo. Nguy cơ chính của Nigeria là tình trạng bất công xã hội.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Onaiyekan, trong các năm qua đã có 3,000 người bị giết vì các vụ bạo lực giữa các bộ lạc và tín hữu các tôn giáo. Nguồn gốc nạn bạo lực này là ở đâu?

Ðáp: Ðã có nhiều sinh mạng bị mất đi trong các cuộc xung đột có sắc thái tôn giáo, và thường bị giải thích như là chiến tranh tôn giáo. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng mỗi năm trên đất nước chúng tôi có hàng ngàn người chết vì các lý do khác nhau, chẳng hạn như những người chết trong các nhà thương vì sự chăm sóc lơ là, hay nạn nhân các vụ xung khắc xảy ra trong các vùng không có người hồi, cũng không có người kitô. Nhưng không ai nói tới những nạn nhân đó. Người ta chỉ chú ý tới bạo lực giữa các người kitô và người hồi.

Hỏi: Trong vùng Jos có các nạn nhân của bạo lực không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Vùng Jos không phải là phần cuối cùng; cũng đã xảy ra các vụ đụng độ trong các vùng khác nữa, chẳng hạn như trong các tiểu bang Kaduna, Bauchi, vì các hình hí họa chế nhạo Hồi giáo ở Dan Mạch. Các vụ bạo dộng cũng đã xảy ra tại Duguri và khắp nơi, rồi sau đó xảy ra tại bang Plateau trong vùng Jos. Thành phố Jos đặc biệt gây kinh ngạc, vì dân chúng ở đây không phải là một cộng đoàn hồi quan trọng, và các tương quan giữa các tín hữu kitô và các tín hữu hồi cũng không đặc biệt căng thẳng. Ðây là một thành phố có đa số dân theo Kitô giáo. Vì thế chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy xảy ra cảnh bạo lực như vậy. Và điều thứ hai, đó là tại Jos cũng như tại các nơi khác người ta không chỉ đánh nhau vì lý do tôn giáo mà thôi.

Hỏi: Nhưng mà khi chúng ta đọc các tin tức về bạo lực giữa các tín hữu kitô và tín hữu hồi, như xảy ra mới đây, sự bạo lưc này được miêu tả như là biến cố tôn giáo. Nếu nó không vì lý do tôn giáo, thì lý do của nó là gì?

Ðáp: Chiều kích tôn giáo có thể có, chứ không phải là không. Và nó cho thấy một điều tốt có thể trở thành một điều xấu. Người dân Nigeria rất có tinh thần tôn giáo, đó là điều tốt. Họ dấn thân sống đức tin của mình một cách sâu đậm, vì thế những gì họ làm, họ đều làm với lòng sốt mến. Chẳng hạn khi hai người cãi nhau - ngay cả khi tại chỗ công cộng - và một người là tín hữu hồi, người kia là tín hữu kitô, thì người ta nói: ông người hồi và ông người kitô này đang đánh nhau, chứ không nói hai người Nigeria này đang đánh nhau, như đáng lý ra họ phải nói. Và tôi nghĩ rằng chính vì thế nên cuộc xung đột xem ra có sắc thái tôn giáo một cách dễ dàng, nhưng trên thực tế, nó không dính dáng gì tới tôn giáo.

Trong trường hợp tại tỉnh Jos, thì các sự việc đã rõ ràng rồi: sự bất đồng ý kiến xảy ra giữa các thổ dân của tiểu bang Plateau và những người bị coi là "thực dân", nghĩa là từ các nơi khác đến "xâm lăng". Vấn đề không phải là những người thực dân, bởi vì có những người thực dân và thổ dân tại khắp nơi trong nước Nigeria. Vấn đề đó là những người từ các nơi khác đến yêu sách đòi được có các quyền lợi y như các người dân sống tại địa phương. Và đó là điều cá nhân tôi cũng đồng ý, không phải chỉ trong bang Pleatau, mà trong toàn nước Nigeria nữa.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, thế còn có các yếu tố nào khác nữa gây ra các xung khắc hay không?

Ðáp: Tôi xin nhấn mạnh rằng người dân Nigeria không chỉ là các tín hữu kitô hay hồi giáo. Họ cũng là người thuộc các chủng tộc khác nhau bao gồm người Haoussa, Ibo và Yoruba. Họ cũng có các ý thức hệ chính trị khác nhau nữa. Và điều khác biệt lớn nhất hiện nay tại Nigeria, và cũng là vấn đề lớn nhất đe dọa nền hòa bình tại Nigeria không phải là vấn đề giữa người kitô và người hồi, mà là tình trạng bất công xã hội. Có một hố rất sâu ngăn cách giữa thiểu số rất giầu và đại đa số nghèo trong một quốc gia được coi là rất giầu có.

Thiểu số người giầu, trong đó có rất nhiều kẻ là các tay trộm cướp: họ ăn cướp ăn trộm tiền bạc của chúng tôi, họ là các người ăn hối lộ và họ là các tín hữu kitô cũng như hồi giáo đồng ý chia chác với nhau trong các hội đồng quản trị. Ðại đa số những người nghèo đau khổ cũng là các tín hữu kitô và hồi giáo có cùng các vấn đề như nhau. Chúng ta phải nhìn vào các điều này với rất nhiều chú ý, và nếu qúy vị sống tại Nigeria thì phải nhìn vấn đề như thế, chứ hhông được để cho mình bị ảnh hưởng bởi các giải thích xem ra rất đơn sơ và rõ ràng, nhưng lại qúa giản lược và không trung thực.

Hỏi: Như vậy, có thể nói rằng sự thành công chính trị tại Nigeria là việc tước đoạt quyền bính kinh tế của người dân?

Ðáp: Vâng, đó là tâm thức, theo đó "kẻ chiến thắng chiếm hết mọi sự". Nếu qúy vị là thành phần lãnh đạo trong chính quyền, thì qúy vị được mọi quyền lợi, được thăng quan tiến chức, con cái qúy vị có chỗ trong guồng máy hành chính công cộng. Nhưng nếu qúy vị là thành phần đối lập hay một chủng tộc khác - vì sự phân chia quyền bính cũng tương ứng với việc phân biệt chủng tộc - và thêm vào đó nữa là thuộc một tôn giáo khác, thì rất dễ dàng nói tới các xung khắc giữa các kitô hữu và các tín hữu hồi. Và đó là hình ảnh thường được phổ biến trên thế giới.

Tại Nigeria, tôi đã không bao giờ biết tới một thời điểm, trong đó chúng tôi đã chiến đấu về vấn đề biết Ðức Giêsu là hay không là Thiên Chúa, là khác biệt thần học lớn nhất giữa các kitô hữu và các tín hữu hồi. Chúng tôi đã không bao giờ chiến đấu vì điều đó, và chúng tôi cũng đã không bao giờ cãi nhau để biết Mahomed là một ngôn sứ thật hay không. Nhưng chúng tôi đã đấu tranh cho vấn đề đất đai, chúng tôi đã đấu tranh cho các cuộc hành hương giữa những người hành hương sang La Mecque và hành hương sang Giêrusalem. Chúng tôi đã tranh đấu cho con số các bộ trưởng hồi giáo hay kitô. Chúng tôi đã tranh đấu để biết ai sẽ là lãnh tụ chính trị của đảng này đảng nọ. Ðó là những điều chúng tôi đã tranh đấu.

Hỏi: Như vậy thì tại sao cuộc đấu tranh này lại bị vẽ ra như một vấn đề tôn giáo, mà không phải là vấn đề thực sự của nó, nghĩa là một cuộc xung đột vì lợi lộc chính trị và kinh tế, thưa Ðức Cha?

Ðáp: Lý do là vì bản chất của cộng đoàn Nigeria. Chúng tôi tự đồng hóa mình một cách rất dễ dàng như là tín hữu kitô hay tín hữu hồi. Qúy vị hãy đến Nigeria vào một ngày Chúa Nhật mà xem: các nhà thờ đều chật ních tín hữu. Mọi người đều đi lễ ngày Chúa Nhạt. Nếu qúy vị là tín hữu kitô và sống với một người hồi và ở nhà ngày Chúa Nhật, thì người bạn hồi đó sẽ hỏi qúy vị ngay lập tức: "Tại sao bạn lại không đi nhà thờ? Ðã xảy ra chuyện vì vậy? Bạn có vần đề gì không?" Và một tín hữu kitô cũng sẽ hỏi một tín hữu hồi như vậy, nếu thấy người bạn hồi của mình ở nhà không đến đền thờ cầu nguyện ngày thứ sáu. Làm như thể là căn tính được định nghĩa bởi sự tùy thuộc vào một tôn giáo. Và vì thế bất cứ điều gì qúy vị làm cũng đều được coi như có tính cách kitô hay hồi giáo.

Ðiểm thứ hai, đó là khi có sự cạnh tranh giữa hai người, qúy vị làm tất cả những gì có thể làm trong quyền hạn của qúy vị để bênh vực người thuộc phe qúy vị. Do đó nếu đối thủ của tôi là một tín hữu hồi, và tôi đang thua, thì tôi sẽ nói: "Bạn thấy họ đối xử với tôi là một tín hữu kitô như thế đó". Giống như thánh Phaolô, khi đứng trước Công Nghị Do thái đã nhìn chung quanh và thấy các pharisêu giữa những người saxuđê nên đã tuyên bố: "Tôi là người pharisêu và chính vì thế mà tôi phải khổ". Và các người pharisêu đã ủng hộ thánh nhân. Cũng có một chút gì như thế trong trường hợp ở đây. Về phía hồi giáo, có những người muốn lôi kéo sự liên đới của các anh em hồi giáo của họ ở nước ngoài, chứ không phải chỉ ở trong nước Nigeria mà thôi đâu. Và người ta thấy xảy ra như vậy từ cả hai phía.

Nhưng mà vấn đề là như thế này: Khi xảy ra những chuyện như vậy, người ta không hề nghĩ tới kết cục sẽ ra sao. Chúng tôi có đang hướng tới giải pháp cho các vấn đề của chúng tôi để sống chung với nhau, hay chúng tôi dang chuẩn bị chiến tranh, khi một ngày kia chúng tôi sẽ có một cuộc chạm trán giữa các tín hữu hồi và tín hữu kitô?

Hỏi: Thưa Ðức Cha, trên đây Ðức Cha đã nhắc tới các lợi lộc bề ngoài. Chính các lợi lộc này đã làm nảy sinh ra cuộc xung đột có phải thế không?

Ðáp: Có rất nhiều lợi lộc liên hệ tới cuộc xung đột. Nhưng theo ý tôi, vì chúng ta đang nói tới các nền tảng tôn giáo, thì dĩ nhiên từ cả hai phía đều có các trào lưu rất đối nghịch nhau. Một số trào lưu hồi giáo thì xác tín rằng các người kitô là các tín hữu xấu. Có rất nhiều người Nigeria theo dõi các bài giảng được các kênh truyền hình hồi giáo chiếu lại từ đài truyền hình Yemen. Và có các nhóm nhỏ rất nguy hiểm từ cả hai phía kitô và hồi giáo.

Cũng có các kitô hữu nói những điều kinh khủng liên quan tới các người hồi. Ðối với họ, một tín hữu hồi đi hành hương La Mecque là đi tôn thờ một ngẫu tượng, một hòn đá, và họ sẽ không bao giờ được tới gần thiên đàng. Vì Chúa Giêsu đã nói rằng nếu ai không tái sinh từ bên trên, thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Khi một người công khai và trực tiếp tuyên bố những điều này trên máy phóng thanh với các người hồi, thì các tín hữu hồi coi đó là một khiêu khích. Nhưng mà đây chỉ là lập luận của các nhóm nhỏ. Chứ Giáo Hội của chúng ta đâu có bao giờ dậy như thế đâu. Khi các kiểu lời qua tiếng lại biến thành việc đối đầu với nhau, thì toàn cộng đoàn bị lôi cuốn vào cuộc, và đây là một vấn đề rất lớn. Và lý do sau cùng mà tôi muốn đề cập tới - vì chúng ta đang ở trong lãnh vực truyền thông - đó là sự kiện các nhà báo lười biếng, không chịu tìm hiểu vần đề một cách tường tận, nên thông tin không đúng đắn.

(ZENIT 17-7-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page