Một vài cảm nhận về lễ tuyên bố
độc lập của Miền Nam Sudan
Một vài cảm nhận về lễ tuyên bố độc lập của Miền Nam Sudan.
Miền Nam Sudan [CNS 10/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Quốc kỳ Sudan được hạ xuống và quốc kỳ Miền Nam Sudan được kéo lên trong một buổi lễ tuyên bố độc lập được xem là đầy cảm xúc tại thủ đô Juba hôm thứ Bảy 9 tháng 7 năm 2011.
Ông Dan Griffin, cố vấn của Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ đặc trách về Sudan, cho biết "đây là một buổi lễ tuyên bố độc lập tốt đẹp trong đó (miền Bắc) Sudan và tổng thống của nước này không hề bị tổn thương".
Ðược biết tổng thống Sudan, ông Omar al Bashir, là khách mời danh dự trong buổi lễ tuyên bố độc lập thể hiện ý muốn của gần như 99 phần trăm người dân Miền Nam Sudan.
Buổi lễ kéo dài 9 tiếng đồng hồ đã diễn ra trước lăng của cố lãnh tụ cuộc nỗi dậy của nhân dân Miền Nam là ông John Garang. Ông Garang qua đời 6 tháng sau khi thỏa hiệp hòa bình năm 2005 chấm dứt cuộc nội chiến giữa hai Miền Nam Bắc, được ký kết.
Ông Steve Hilbert, cố vấn chính trị của Ủy ban công lý và hòa bình thế giới của Hội đồng giám mục Hoa kỳ nhìn nhận rằng buổi lễ tuyên bố độc lập của Miền Nam Sudan thật cảm động. Ông cho biết có nhiều người đã khóc sướt mướt trong suốt buổi lễ. Họ khóc vì vui mừng cũng có, mà có lẽ vì thương khóc những người đã không được sống cho tới ngày nay để chứng kiến buổi lễ này.
Ðã có ít nhứt 2 triệu người bị giết chết trong cuộc nội chiến tại Sudan từ năm 1983 đến năm 2005.
Trong buổi lễ, quân đội diễu hành và các toán vũ công cử những vũ điệu truyền thống của dân tộc. Sau đó, chủ tịch Quốc hội miền Nam đọc truyên ngôn độc lập và tổng thống Miền Nam, ông Salva Kirr tuyên thệ nhậm chức.
Trong số các nhà lãnh đạo thế giới tham dự buổi lễ tuyên bố độc lập của Miền Nam Sudan, người ta thấy có ông Ban Ki Moon, tổng thư ký Liên hiệp quốc, cựu ngoại trưởng Hoa kỳ Colin Powell và bộ trưởng ngoại giao Anh quốc, ông William Hague. Ông Ken Hackett, chủ tịch Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ, tham dự buổi lễ với tư cách thành viên của phái đoàn đại diện tổng thống Hoa kỳ. Tòa thánh cũng cử một phái đoàn tham dự buổi lễ.
Ngõ lời trong buổi lễ, tổng thống Sudan, ông Omar al Bashir kêu gọi xây dựng các quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng hai bên đều có lợi nếu duy trì các quan hệ kinh tế và thương mại.
Ông Griffin, cố vấn của Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ đặc trách về Sudan ghi nhận rằng có nhiều người phải đi bộ nhiều ngày đường từ khắp miền Nam Sudan để tham dự các nghi lễ tại thủ đô Juba.
Về phần mình, nữ tu Giovanna Calabria, một thành viên thuộc Dòng Coboni, Ý, cho biết: Tại thành phố Nzara, cách biên giới Nam Sudan và Congo khoảng 40 cây số, dân chúng đã tập trung lại trong "một bầu khí ôn hòa và phấn khởi" tại các văn phòng mới của chính phủ để nhìn thấy lá cờ quốc gia được trương lên.
Nữ tu Giovanna đã làm việc tại miền Bắc Uganda 13 năm trước khi dời đến Nzara 9 năm nay. Nữ tu hiện đang cùng với các chị em cùng dòng điều khiển một trường học, một bệnh viện và một trung tâm chăm sóc các bệnh nhân Sida.
Dân số Nzara hiện có khoảng từ một đến hai ngàn người. Cùng với những người khác từ các làng lân cận, họ đã tham dự các buổi cầu nguyện trước ngày tuyên bố độc lập để cầu cho quốc thái dân an. Ai cũng mang theo đồ ăn thức uống để chia sẻ với người khác và nói lên sự hiệp nhứt và tinh thần hợp tác.
Ðức cha John Ricard, người cầm đầu phái đoàn Giáo hội Công giáo Hoa kỳ tham dự lễ tuyên bố đốc lập của Miền Nam Sudan, đã đồng tế thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ chính tòa thánh Terexa ở thủ đô Juba.
Ðại diện cho Ủy ban Công lý và Hòa bình thế giới của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, Ðức cha Ricard nói rằng các buổi lễ mừng ngày độc lập của Miền Nam Sudan thể hiện một cách tuyệt vời tinh thần hiệp nhứt.
Ông Vincent Bolt, đại điện của Cơ quan phát triển hải ngoại của Giáo hội Công giáo Anh và xứ Wales tại Sudan, nói rằng các buổi lễ cho mọi người cảm nhận được "tình liên đới gia đình của Giáo hội".
Nhìn chung, dân chúng miền Nam Sudan đã tỏ ra lạc quan và phấn khởi về tương lai của xứ sở. So sánh với Libya và Yemen, họ có trình độ học vấn cao hơn và cũng được ăn uống đầy đủ hơn. Ðây là một lợi điểm của quốc gia mới này. Tuy nhiên, Nam Sudan vẫn còn là một trong số những nước nghèo nhứt thế giới. 8 triệu dân của quốc gia mới này có thể "chưa có điện thọai, một hệ thống ngân hàng và giao thông tốt". Dù vậy, giờ đây họ đã có được phẩm giá, các quyền của mình cũng như một chính phủ do họ chọn lựa.
Về mặt Giáo hội, Ðức cha Ricard, trưởng phái đoàn Giáo hội Công giáo Hoa kỳ tham dự lễ tuyên bố độc lập, nói rằng Giáo hội tại miền nam Sudan cần được nâng đỡ và phải tranh đấu để chính phủ bảo đảm một xã hội công bằng.
Năm 1956, khi dành lại độc lập từ tay người Anh, Sudan bao gồm hai miền với hai sắc dân hoàn toàn khác biệt: Miền Bắc gồm đa số người gốc Á rập theo Hồi giáo và Miền Nam gồm đa số người Phi châu theo Kitô giáo và đạo thờ vật linh. Trước khi thỏa hiệp hòa bình được ký kết năm 2005, miền Nam Sudan đã phải chiến đấu và trả giá đắt cho nền độc lập của mình.
Mặc dù Miền nam đã tuyên bố độc lập, Miền Bắc đã chính thức nhìn nhận nền độc lập này, nhưng tại các vùng tranh chấp ở biên giới như Abeyi và nam Kordofan, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn.
Ðức cha Eduardo Hiiboro Kussala, giám mục Tombura - Yambio, Miền Nam Sudan, nói với hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS rằng nguy cơ chiến tranh vẫn còn rất lớn nếu quân đội miền Bắc vẫn tiếp tục tấn công để kiểm sóat các vùng trọng yếu ở biên giới.
CV.