Tiếng thét của các dân tộc

miền nam bán cầu

 

Tiếng thét của các dân tộc miền nam bán cầu.

Châu Mỹ Latinh (Vat. 15/07/2011) - Từ cuối năm 2010 tới nay (2011) thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của một cuộc cách mạng dân chủ chưa từng thấy trong các nước A Rập Bắc Phi cũng như Trung Ðông và Bán đảo Arập. Các dân tộc thuộc miền nam bán cầu nằm sát với các nước tây âu bắc bán cầu này đang chứng minh cho thấy sự đòi hỏi tự do dân chủ một cách mãnh liệt và sinh động.

Các phong trào nhân dân nói trên diễn tả một sự mới mẻ rất lớn, sau bao nhiêu thập niên sống dưới các chế độ do Tây Âu lèo lái hay bị quyến rũ bởi phong trào hồi giáo cuồng tín. Ðậy là một cơ may ngoại thường, bởi vì sự sụp đổ của thế đối đầu giữa các nền văn minh, sự sói mòn của các khuynh hướng cực đoan khiến cho con người của cả hai bán cầu thừa nhận nhau và hình tượng ra một số mệnh và tương lai chung. Nhưng cơ may này không độc lập với câu trả lời của Âu châu, và cũng có nguy cơ tan biến, nếu lục địa Tây âu già nua tiếp tục bị chia rẽ, một đàng giữa sự thờ ơ và thái đố khép kín, đàng khác với các thói quen thực dân lộ liễu không che dấu được.

Thật vậy, miền bắc bán cầu, tức thế giới tây âu tân tiến, giầu có thừa bứa, và phung phí vô độ, không thể bưng tai bịt mắt trước miền nam châu Mỹ Latinh với các gương mặt lớn trong các lãnh vực chính trị, âm nhạc và văn chương có các tiếng nói có thể giúp nhìn thế giới từ một góc cạnh khác và một viễn tượng mới mẻ. Ðiển hình như Enrique Dussel, Anibal Quijano và Walter Mignolo, là những nhà văn giúp đọc ra khía cạnh đen tối của sự tân tiến, cũng như vai trò nền tảng mà chế độ thực dân thống trị đã nắm giữ trong việc xây dựng quyền tối thượng của Âu châu trên thế giới. Họ cho thấy một một lịch sử hoàn toàn khác biệt với các thứ lịch sử lưu hành cho tới nay. Nó giúp tái lập sự quân bình trong quan niệm của tây âu đối với thế giới. Thế rồi còn có khối nam bán cầu của những người lai giống, cùng với các dân tộc vùng Ðịa Trung Hải nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thời hậu thuộc địa, trải dài từ nam Mỹ cho tới Ấn Ðộ. Ấn Ðộ, với óc phê bình chế độ thực dân bén nhậy gồm cả vài gương mặt phái nữ nổi tiếng như Vandana Shiva, Arundhati Roy và Gayatri Spivak, góp các tiếng nói mới mẻ trên sân khấu hoạt động và suy tư ngày nay.

Sau cùng còn có miền Nam Phi châu trong các thập niên qua đã có các tiếng nói lớn từ Nelson Mandela cho tới Wole Soyinka, từ Chinua Achebe cho tới Ngugi wa Thiong'o, từ Aminata Traoré cho tới Samir Amin. Nhưng các tiếng nói đó khó được thế giới bắc bán cầu lắng nghe. Thế nhưng sự yếu đuối của tiếng nói miền nam bán cầu lại là vấn đề của thế giới ngày nay. Trước khi cảm động đối với nam bán cầu, thì bắc bán cầu, ít nhất là phần biết sẵn sàng lắng nghe, phải tìm tạo ra một chút thinh lặng và bắt đầu lắng nghe các tiếng nói, hay các tiếng thét của các dân tộc miền nam bán cầu.

Thề rồi sự đối chọi giữa Ðông Tây, nghĩa là việc thảo luận về các "giá trị á châu" như các quyền con người chống lại sự cưỡng bách xã hội, là một cuộc thảo luận về ai là người chỉ huy trên thế giới này. Trái lại, con đường mà nam bán cầu đưa vào trong cuộc chơi gồm một vài đề tài mà bắc bán cầu đã loại bỏ. Nó không thảo luận đề tài sức mạnh, mà sự cần thiết phải phân phối các lợi lộc của kỹ thuật một cách đồng đều giữa tất cả mọi người dân trên trái đất, trong khi cho tới nay chúng chỉ là các phương tiện phân rẽ các dân tộc. Miền nam bán cầu đề nghị vấn đề công lý, chứ không phải việc kiểm soát quyền lực, đề nghị một quan niệm cuộc sống không thống trị thiên nhiên và các nền văn hóa khác, nhưng tìm sống hài hòa với thiên nhiên và các nền văn hóa khác. Nỗi khổ đau, tình trạng bị gạt bỏ ngoài lề, và sự thinh lặng của các dân tộc miền nam bán cầu là tình trạng bị gạt bỏ và nổi khổ đau của công lý. Ðó là vấn đề thê thảm nhất và "không thời sự nhất". Vấn đề của một thế giới công bằng hơn và liên đới hơn, của một hành tinh thay vì chạy theo các nước giầu nhất, thì có khả năng dừng lại để phân chia các giầu sang của mình một cách khác, tự giải thoát khỏi nỗi ám ảnh thúc đẩy tìm nước trên Hỏa Tinh, thay vì bảo vệ và chia sẻ nước với nhau trên trái đất này một cách công bằng hơn.

Khi đặt vấn nạn về các tài nguyên chung, các dân tộc miền nam bán cầu cũng bảo vệ chính mình và cũng bảo vệ lợi lộc tập thể của trái đất nữa. Nhà văn Soyinka định nghĩa sự khác biệt giữa nền văn hóa tây âu với nền văn hóa phi châu, bằng cách so sánh nền văn hóa tây âu với một đầu máy xe lửa dừng lại ở mọi ga, tiếp nhận các gợi ý khác nhau và say sưa trong một khám phá mới. Tiết nhịp đó bao gồm một chuỗi các giật cục trí thức, ngày nay có thể kiểm soát được bởi các lèo lái thương mại. Như thế Tây Phương đã hoàn toàn bỏ rơi một cái gì đó mà kịch trường phi châu cho là nòng cốt: đó là một "nền văn hóa hiểu biết con người". Không phải là một chuỗi các giật cục, các khoái lạc cực độ, các choáng váng nữa, mà là lắng nghe, thừa nhận rằng chúng ta thuộc một chòm sao rộng lớn hơn chúng ta, đã có trước chúng ta mà chúng ta đã gạt bỏ.

Tư tưởng của một sự gắn bó giữa con người với thế giới là tư tưởng chung của nhiều nhà văn phi châu. Cần phải thừa nhận trong tiếng nói đó một quan niệm khác về thời gian lịch sử: không phải chúng ta đang đứng trước một chậm trễ đơn sơ, thời tiền sử của Tây Phương, nhưng đứng trước khả thể là ít nhất Tây Phương hãy chiếm lại một chút khôn ngoan đã đánh mất.

Nếu các dân tộc miền Nam bán cầu phải chinh phục lại khả năng lên tiếng của mình, thì phải lấy công lý làm trọng tâm, và phải thét to lên cho người khác nghe thấy và hiểu rằng không có sự an ninh nào có thể ngồi trên các bất bình đẳng tàn bạo như hiện thấy trên thế giới này. Phải thét to lên cho các đân tộc miền bắc bán cầu hiểu rằng cần xê dịch trục địa cầu để lấy lại thế quân bình cho trái đất.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page