Minh định của Bộ Truyền Giáo

về vạ tuyệt thông đối với linh mục

được truyền chức giám mục

không có phép của Tòa thánh

tại Leshan, Trung quốc

 

Minh định của Bộ Truyền Giáo về vạ tuyệt thông đối với linh mục được truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh tại Leshan, Trung quốc.

Trung quốc [Asianews 12/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày 4 tháng 7 năm 2011, Tòa thánh đã cho công bố một tuyên ngôn về việc truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh tại Leshan, Trung quốc, hôm 29 tháng 6 năm 2011. Tuyên ngôn của Tòa thánh nói rõ rằng linh mục Lei Shiyin, nguời được thụ phong và các vị giám mục tham dự lễ truyền chức đều bị vạ tuyệt thông.

Nhiều giáo dân, linh mục và ngay cả giám mục tại Trung quốc đã tỏ ra hoang mang về vạ tuyệt thông này. Do đó, hôm thứ Ba 12 tháng 7 năm 2011, Bộ Truyền Giáo đã cho công bố một tuyên ngôn để làm sáng tỏ tình trạng của các vị giám mục đã tham dự vào lễ tấn phong giám mục nói trên. Ðược trình bày dưới hình thức hỏi - thưa, văn kiện của bộ truyền giáo giải thích tuyên ngôn của Tòa thánh về việc truyền chức giám mục tại Leshan. Trong tuyên ngôn này, Tòa thánh thông báo cho linh mục Lei và 7 vị giám mục tham dự lễ truyền chức rằng họ bị vạ tuyệt thông.

Sau đây là những giải thích của Bộ truyền giáo về vạ tuyệt thông của linh mục Lei và 7 vị giám mục đã tham dự lễ truyền chức.

Trước hết, về linh mục Lei, Bộ truyền giáo khẳng định rằng "vì chịu chức giám mục mà không có sự phê chuẩn của Tòa thánh, cha Lei đương nhiên bị vạ tuyệt thông, vạ mà Tòa thánh sẽ công khai "công bố". Vạ tuyệt thông là một hình phạt rất nặng nề trong Giáo hội nhằm lọai trừ những người bị vạ tuyệt thông ra khỏi sự thông hiệp hữu hình của các tín hữu.

Giải thích về một tuyên bố "công khai" của Tòa thánh, Bộ truyền giáo cho biết như sau: do chính hành vi tội phạm, đương sự đã tức khắc bị vạ tuyệt thông rồi. Còn với một tuyên bố công khai, Tòa thánh muốn cho các tín hữu biết về tình trạng "giáo luật" của đương sự. Trong trường hợp của linh mục Lei, lời tuyên bố công khai cũng có nghĩa là một lời mời gọi được gởi đến cha để yêu cầu sám hối tức khắc. Ðồng thời, với lời tuyên bố công khai này, Tòa thánh cũng yêu cầu Giáo hội tại Trung quốc, tức các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, phải có hành động cụ thể để chống lại bất cứ hình thức truyền chức giám mục nào không có phép của Tòa thánh. Tòa thánh có nghĩa vụ phải công khai tuyên bố vạ tuyệt thông nếu hoàn cảnh đòi hỏi và nhứt là khi phần rồi các linh hồn gặp nguy hiểm trầm trọng.

Với câu hỏi: phải chăng tuyệt thông có nghĩa là bị trục xuất ra khỏi Giáo hội, Bộ truyền giáo trả lời: "Không. Giáo hội vừa có chiều kích xã hội vừa có chiều kích vô hình và mầu nhiệm. Trong một mức độ nào đó, người bị vạ tuyệt thông bị loại ra khỏi việc tích cực tham gia vào đời sống của cộng đồng giáo hội theo một ý nghĩa xã hội và hữu hình, cùng với tất cả những hậu quả pháp lý của nó. Nhưng do bí tích rửa tội, người đó vẫn còn là một phần tử của Giáo hội, nhiệm thể Chúa Kito. Do đó, người đó vẫn có thể liên lạc với Tòa thánh, là chỗ duy nhứt để tìm kiếm sự hòa giải.

Những hậu quả pháp lý của vạ tuyệt thông, theo giáo luật số 1331 là: nguời bị vạ tuyệt thông bị cấm không được cử hành Thánh lễ, cử hành và lãnh nhận bí tích, hay đảm nhận một chức vụ nào trong Giáo hội. Cho dẫu có được truyền chức giám mục, người đó cũng không có quyền cai quản giáo phận. Như vậy, linh mục và giáo dân không những phải tránh lãnh nhận bí tích từ người đó, mà cũng phải ngăn cản không để cho người đó cử hành mọi hình thức phụng vụ.

Ðược hỏi: liệu cha Lei có thể được tha vạ không? Bộ truyền giáo trả lời rằng với tuyên bố công khai của Tòa thánh, linh mục này cần phải tức khắc liên lạc với Tòa thánh để xin được tha vạ. Sau đó, cha phải thực thi từng huấn lệnh của Tòa thánh. Và lúc đó, dựa trên sự sám hối thực sự của cha, Ðức thánh cha mới có thể rút lại vạ tuyệt thông. Cho đến nay, vị linh mục này vẫn còn bị vạ tuyệt thông.

Tuy nhiên, theo Bộ truyền giáo, ngay cả sau khi đã được rút lại vạ tuyệt thông, linh mục Lei cũng không thể thực thi chức vụ giám mục. Rút lại vạ tuyệt thông là một chuyện, còn bổ nhiệm giám mục là chuyện khác. Ðây là hai điều hoàn toàn khác biệt. Tòa thánh đã từng cho biết những lý do nghiêm trọng khiến cha Lei không thể nào được bổ nhiệm làm giám mục. Nói cách khác, ngay cả khi được rút lại vạ tuyệt thông, vị linh mục này cũng không thể hành động như một giám mục, mang huy hiệu giám mục hay được chào hỏi như một giám mục.

Về các vị giám mục đã tham dự vào việc truyền chức giám mục cho cha Lei, bộ truyền giáo nói rằng các vị này đã liều mình chịu những hình phạt theo giáo luật qui định. Ðiều này có nghĩa là có đủ lý do để khẳng định rằng các vị giám mục này đã thực sự vi phạm nặng nề kỷ luật của Giáo hội khi tham dự vào việc truyền chức giám mục bất hợp pháp. Như vậy, trừ khi được chứng minh ngược lại, các vị này cũng bị vạ tuyệt thông. Và hậu quả là, theo bộ truyền giáo, các vị giám mục này không thể tiếp tục thi hành chức vụ giám mục. Ðể đuợc thi hành chức vụ, trước hết các vị phải liên hệ với Tòa thánh để xin tha thứ và giải thích lý do tại sao các vị đã tham dự vào việc truyền chức giám mục của cha Lei.

Giải thích thế nào về việc giám mục chủ phong chỉ làm theo "lương tâm" của mình, bộ truyền giáo nói rằng dân chúng không thể "nhìn thấu suốt" lương tâm của vị giám mục. Do đó, bao lâu không thể chứng minh ngược lại, vị giám mục này cũng phải ngưng thi hành mọi tác vụ công khai và vẫn buộc phải liên hệ với Tòa thánh.

Riêng các linh mục và giáo dân trong giáo phận, Bộ truyền giáo nói rằng họ phải tránh nhận lãnh bí tích từ tay các vị giám mục đã tham dự lễ truyền chức nói trên.

Kết thúc tài liệu, bộ truyền giáo khuyên các linh mục và giáo dân cầu nguyện cho vị giám mục và nếu cần nhắc lại cho ngài về giáo huấn của Giáo hội. Việc truyền chức giám mục không có phép của Tòa thánh không những là một vi phạm kỷ luật Giáo hội hay làm lu mờ giáo lý của Giáo hội, mà còn làm tổn thương sự hiệp thông của Giáo hội.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page