Hiện tình chính trị xã hội

và tôn giáo tại Zimbabwe

 

Hiện tình chính trị xã hội và tôn giáo tại Zimbabwe.

Một số nhận định của Ðức Cha Alexio Churu Muchabaiwa, Giám Mục Mutare, về hiện tình chính trị xã hội và tôn giáo tại Zimbabwe.

Zimbabwe (SD 6-7-2011) - Trong các ngày vừa qua giới hữu trách Giáo Hội Công Giáo Zinbabwe đã bầy tỏ âu lo trước ngay cơ nạn bạo lực tái phát trong nước.

Ông Alouis Chaumba, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình cho biết với các cuộc bầu cử tới gần nguy cơ đụng độ giữa các lực lượng phò và chống tổng thống Robert Mugabe càng gia tăng. Theo ông, trong số các nhân vật bị chính quyền chú ý có cả các Giám Mục và các linh mục. Lý do là vì hồi tháng giêng năm nay 2011 Hội Ðồng Giám Mục Zimbabwe đã công bố thư mục vụ tố cáo nạn gian tham hối lộ lan tràn giữa các giới chức chính trị và trong guồng máy của chính quyền. Nó là bệnh ung thư đang tàn phá đất nước. Thư mục vụ tựa đề "Chúng ta hãy cùng nhau hoạt động cho công ích. Hãy cứu quốc gia của chúng ta". Trong thư các Giám Mục Zimbabwe kêu gọi các phe phái chính trị hãy biết cùng nhau lo cho công ích và tương lai đất nước, "vì nếu không có sự dấn thân chân thành giữa các đảng phái trong chính quyền liên minh, thì đất nước Zimbabwe sẽ tiếp tục bị theo đuổi bởi bạo lực, sự bất khoan nhượng chính trị, ngôn ngữ thù hận trên các phương tiện truyền thông, bất công, tranh giành lá phiếu, sợ hãi và thất vọng".

Các Giám Mục cũng bầy tỏ lo âu trước các khuynh hướng tiêu cực đang lan tràn trong nước. Nếu không sửa đổi các khuynh hướng xấu đó có thể dẫn đưa xã hội và đất nước tới chỗ bị phân tán và tạo ra các nhóm chống đối tồi bại. Các Giám Mục ghi nhận kết quả tích cực của thỏa hiệp ký kết năm 2008 giữa tổng thống Robert Mugabe và ông Morgan Tsvangerai, khiến cho ông Tsvangerai giữ chức Thủ tướng và đem lại hy vọng cho mọi người. Nhưng các bước tiến tích cực này không tiến xa hơn vì "thiếu dấn thân tập thể và thiếu ý chí chính trị". Liên quan tới các ý kiến chính trị khác nhau trong việc xây dựng đất nước, các Giám Mục khẳng định rằng đó là điều bình thường, vì thế "chúng ta không được đánh nhau vì có các quan điểm khác nhau".

Các đảng viên và những người bênh vực đảng Liên hiệp quốc gia phi châu Zimbabwe viết tắt là ZANU, cho rằng lời phê bình của các Giám Mục ám chỉ tổng thống Mugabe. Kể từ đó chính quyền gia tăng các thái độ xúc phạm và đe dọa hàng giáo sĩ địa phương, bị nghi ngờ là ủng hộ Phong trào thay đổi dân chủ là đảng đối lập của ông Morgan Tsvangirai. Trong các tháng qua chính tổng thống Mugabe đã tấn công và chỉ trích các Giám Mục là nói dối và là bù nhìn của Tây Phương.

Linh Mục Oskar Wermter, dòng Tên, cha sở giáo xứ thánh Phêrô tại Mbare cho biết cha và các linh mục khác trong vùng bị theo dõi từ 10 năm nay. Ðường dây điện thoại của các cha bị nhà nước kiểm soát. Và hồi tháng 6 vừa qua đã xảy ra nhiều vụ bạo hành. Các nhóm bảo vệ nhân quyền cho biết các vụ tấn kích, đe dọa và bắt giữ gia tăng và đa số các thủ phạm không phải là người dân trong vùng.

Sau đây là một số nhận định của Ðức Cha Alexio Churu Muchabaiwa, Giám Mục Mutare, kiêm Phó chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Zimbabwe, về hiện tình chính trị xã hội và tôn giáo nước này. Trong các ngày này Ðức Cha đang viếng thăm Thụy Sĩ, theo lời mời của Tổ chức "Trợ giúp Giáo Hội đau khổ".

Từ năm 1975 tới nay tổ chức "Trợ giúp Giáo Hội đau khổ" yểm tượ các dự án phát triển của Giáo Hội công giáo Zimbabwe. Hồi năm ngoái tổ chức đã tài trợ 400,000 quan Thụy Sĩ cho Giáo hội. 25% ngân khoản đã được Giáo Hội dùng để trợ giúp các bệnh nhân Sida. Tổ chức Trợ giúp Giáo Hội đau khổ cũng tài trợ việc đạo tào các linh mục, và trong các năm qua đã mua xe để giúp các nhân viên mục vụ có phương tiện di chuyển và viếng thăm tín hữu sống trong các vùng đồng quê xa xôi hẻo lánh.

Trong bài phỏng vấn dành cho hãng thông tin công giáo APIC, Ðức Cha Churu Muchabaiwa cho biết dân nước Zimbabwe đang phải đương đầu với "nạn thiếu văn hóa dân chủ". Từ năm 1982 tới nay Ðức Cha trông coi giáo phận Mutare, là một giáo phận có diện tích rộng bằng gần 1 phần 10 nước Việt Nam, có 120,000 tín hữu công giáo trên tổng số 1.7 triệu dân. Zimbabwe hiện có 12.5 triệu dân gần một phần tư sống ở nước ngoài trong đó có nhiều giai tầng rất cần thiết cho đất nước. Trong qúa khứ Zimbabwe đã là một trong những vựa lúa của vùng này, và đã có một nền kinh tế phát triển phồn thịnh vào bậc nhất Phi châu; nhưng với chính sách cai trị yếu kém của tổng thống Robert Mugabe, hiện nay 10% tổng số dân phải sống nhờ viện trợ thực phẩm quốc tế. Ngoài ra một phần tư dân chúng mắc bệnh Sida, và hơn 1 triệu trẻ em phải mồ côi vì cha mẹ bị chết do căn bệnh này.

Hỏi: Thưa Ðức Cha đâu là thách đố mà Giáo Hội Zimbabwe đang phải đương đầu trong tình hình chính trị xã hội căng thẳng hiện nay, trong đó xem ra chính quyền đe dọa Giáo Hội và các nhân viên của Giáo Hội, kể cả các Giám Mục?

Ðáp: Thách đố của Giáo Hội tại Zimbabwe hiện nay là hiệp nhất người dân trong nước. Ngày nay nó không còn là vấn đề của các chủng tộc và các tranh giành xung đột đẫm máu giữa các chủng tộc Shonas và Nedebele như trong thập niên 1980 nữa, nhưng là vấn đề thiếu nền văn hóa dân chủ. Các giới chức chính trị thì tranh đấu để nắm quyền bính, và họ không có thói quen cộng tác với các đối thủ. Họ khó chấp nhận các ý kiến của người khác. Còn tín hữu của chúng tôi, khi ở trong nhà thờ thì sống hiệp nhất với nhau như trong một gia đình, nhưng khi ra ngoài thì những người bị chính trị hóa lại cãi nhau.

Nhưng các bạo lực gia tăng trong thời gian có bầu cử giữa đảng Liên hiệp quốc gia phi châu Zimbabwe, tức Mặt trận ái quốc Zimbabwe của ông Robert Mugabe và đảng Mặt trận thay đổi dân chủ của ông Morgan Tsvangirai. Trong những lúc như vậy thì các đảng phái tranh cử muốn nắm tất cả mọi quyền bính trong tay.

Hỏi: Như thế có nghĩa là những chiến thắng của nền độc lập đã không sinh lợi cho tất cả mọi người, hay sao thưa Ðức Cha?

Ðáp: Trái với các nước như Botswana láng giềng, đất nước Zimababwe của chúng tôi không có truyền thống dân chủ: hồi trước, khi còn mang tên là nước Rhodesia, nó đã được cai trị bởi một thiểu số da trắng, và đã là một thuộc địa của Anh quốc. Dưới thời người Anh cai trị đã không bao giờ có dân chủ đối với đa số người dân da đen. Chính quyền hồi đó đã là một chính quyền đàn áp đa số dân. Cái nhục nhã của người da đen dưới thời thực dân đã sâu đậm đến nỗi thấm sâu vào xương tủy của người da đen và chúng tôi tái diễn kiểu cai tri thực dân đó giữa chúng tôi là những người da đen với nhau.

Khi phong trào giải phóng quốc gia phát triển - vì chúng tôi đã phải chiến đấu để có được sự độc lập - thì không phải chỉ có chiến đấu vũ trang thội, mà cũng có những người đấu tranh một cách hòa bình, bên trong cũng như ở nước ngoài. Nhưng khi giờ chiến thắng tới, thì nó lại chỉ là giờ chiến thăng cho một thiểu số thôi. Chỉ có một nhóm nhỏ là đã nhận được các lợi lộc của cuộc chiến đấu này. Trong các vùng quê đa số các người đã cầm vũ khí chiến đấu giành độc lập phải sống trong cảnh bần cùng.

Tại Zimbabwe dân chúng đã luôn luôn có thói quen phải chiến đầu để được một cái gì đó, mà không có thói quen thương thuyết với nhau. Ðây là điếu đáng lý ra không nên làm, nhưng chúng tôi đã luôn luôn sống kinh nghiệm này trong lịch sử của mình.

Hỏi: Vậy thì thưa Ðức Cha, Giáo Hội công giáo có thể góp phần thay đổi não trạng này như thế nào?

Ðáp: Vâng thật là điều cần thiết phải thay đổi não trạng. Chính vì thế Giáo Hội rao giảng sự hiệp nhất. Như là tín hữu kitô chúng tôi phải sống như Thiên Chúa muốn. Mặc dầu có các khó khăn, tình hình đã được cải tiến từ khi tổng thống Robert Mugabe và ông Margon Tsvangirai ký thỏa hiệp thành lập chính quyền thống nhất hồi năm 2008.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, Giáo Hội có ảnh hưởng nào tại Zimbabwe?

Ðáp: Giáo Hội công giáo chỉ chiếm 10% tổng số dân bên cạnh các Giáo Hội Kitô khác như Anh giáo, Methodist, Luther, Ðạo binh cứu rỗi, và các giáo phái đến từ nhiều nơi khác nhất là từ Nam Phi, cũng như tín đồ của các tôn giáo truyền thống, và các tín hữu hồi là nhóm đang gia tăng mạnh. Các tín hữu hồi đến từ Malawi hay Zambia được A rập Sauđi trợ giúp vật chất, đặc biệt là cấp các học bổng. Nhưng Giáo Hội công giáo chúng tôi cũng có một ảnh hưởng nào đó, nhờ Văn phòng liên lạc chính trị, trong đó có một linh mục làm việc và cha ấy có nhiều tương quan với các dân biểu công giáo.

Khi có các cuộc khủng hoảng, các kitô hữu làm thành 75% tổng số dân và hiệp nhất với nhau để có các lập trường chung.

Hỏi: Ðức Cha chờ đợi gì nơi các tín hữu công giáo Thụy Sĩ?

Ðáp: Chúng tôi xin họ trợ giúp chúng tôi xây dựng Giáo Hội tại Phi châu, và xin họ biểu lộ dấu chỉ cho thấy chúng ta là một Giáo Hội. Khi yểm trợ chúng tôi, là qúy vị trao ban hy vọng cho chúng tôi, hy vọng mọi sự có thể thay đổi, và cho thấy chúng tôi không cô đơn.

(SD 6-7-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page