Chào mừng Nam Sudan

quốc gia thứ 193

 

Chào mừng Nam Sudan, quốc gia thứ 193.

Roma [Zenit 8/7/2011] - Một số tổ chức kitô kêu gọi đề cao cảnh giác trước sự khai sinh của Nam Sudan, quốc gia thứ 193.

Tưởng cũng nên nhắc lại: hôm thứ Bảy 9 tháng 7 năm 2011, Miền Nam Sudan đã chính thức tuyên bố độc lập sau hơn 20 năm nội chiến làm cho gần 2 triệu người thiệt mạng.

Nhân dịp này, một số tổ chức kitô kêu gọi đề cao cảnh giác.

Trong một thông cáo được đưa ra hôm 5 tháng 7 năm 2011, một số tổ chức kitô tại Pháp đã ghi nhận tỷ lệ tử xuất cao nhứt thế giới của Miền Nam Sudan. Theo các tổ chức này, trong những năm tháng sắp tới, Miền Nam Sudan cần phải quan tâm đến những chia rẽ nội bộ và thăng tiến sự sống chung.

Các tổ chức này khẳng định rằng các Giáo hội có một vai trò trọng yếu trong việc tái thiết quốc gia mới này. Vốn đã dấn thân vào tiến trình hòa bình và không ngừng quan tâm đến sự hòa giải giữa hai miền Nam Bắc, các Giáo hội kitô vẫn tiếp tục thăng tiến một xã hội đa văn hóa.

Thông cáo của các tổ chức kitô Pháp cho rằng sự sống còn của Miền Nam Sudan tùy thuộc vào việc thiết lập các quan hệ hòa bình với Miền Bắc. Do đó, cộng đồng thế giới trong đó có Pháp quốc, cần phải đẩy mạnh các nỗ lực để đẩy mạnh các cuộc thương thuyết giữa hai miền Nam Bắc và duy trì sự hiện diện của các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc hầu bảo đảm an ninh cho dân chúng của cả hai miền Nam Bắc.

Các tổ chức kitô Pháp cũng nói rằng cộng đồng thế giới không nên lãng quên Miền Bắc Sudan. Những căng thẳng và bạo động tại Darfur vẫn tiếp tục tạo ra lo ngại. Miền Bắc sẽ phải tái xác định sự thống nhứt chính trị, xã hội và kinh tế sau khi mất đi một phần ba lãnh thổ của mình.

Trong bối cảnh này, các tổ chức kitô Pháp kêu gọi hai miền Nam Bắc hãy duy trì "đối thọai và hợp tác".

Về phần mình, Ðức thánh cha Benedicto XVI cũng gởi lời chúc mừng đến tân quốc gia Nam Sudan. Ðặc biệt, ngài đã gởi một phái đoàn Tòa thánh do Ðức hồng y John Njue, Tổng giám mục Nairobi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya cầm đầu đến tham dự các nghi lễ tuyên bố độc lập của Miền Nam Sudan.

Ngoài ra, hôm thứ Năm 7 tháng 7 năm 2011, Ðức cha Dominique Mamberti, bộ trưởng ngoại giao Tòa thánh cũng đã tiếp một phái đoàn quốc hội Sudan do ông Ahmed Ibrahim Elthair, chủ tịch quốc hội cầm đầu. Nhân dịp này, bộ trưởng ngoại giao Tòa thánh nhấn mạnh rằng "hòa bình, hòa giải và tôn trọng nhân quyền của mọi người, nhứt là tự do tôn giáo, là cột trụ nền tảng để xây dựng trật tự chính trị xã hội mới trong vùng".

Theo cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh, Tòa thánh vẫn duy trì các quan hệ ngoại giao bền vững với Miền Bắc Sudan kể từ năm 1972. Tòa thánh cũng sẽ cứu xét việc Miền Nam Sudan muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh. Tòa thánh kêu gọi cộng đồng thế giới nâng đỡ hai miền Nam Bắc để hai bên mở cuộc đối thoại chân thành, ôn hòa và xây dựng hầu tìm ra những giải pháp hợp lý cho những vấn đề chưa được giải quyết.

Trong các phái đoàn của Giáo hội hiện diện trong lễ tuyên bố độc lập của Nam Sudan, còn có Ðức cha John Ricard, đại diện cho Ủy ban công lý và hòa bình thế giới của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ và ông Ken Hackett, chủ tịch Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page