Ðối thoại liên tôn

và công bố đức tin công giáo

 

Ðối thoại liên tôn và công bố đức tin công giáo.

Assisi [CNS 7/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Kể từ thời Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Kitô khác đã không ngừng tìm kiếm sự quân bình giữa cuộc đối thoại với các tôn giáo khác và đòi hỏi phải chia sẻ niềm xác tín của mình ơn cứu độ viên mãn trong Chúa Kitô.

Lúc còn đứng đầu bộ giáo lý đức tin và kể từ khi được bầu làm giáo hoàng từ 6 năm nay, Ðức thánh cha Benedicto XVI là người luôn tìm kiếm sự quân bình này. Ðối với Ðức thánh cha cũng như những người thăng tiến cuộc đối thọai liên tôn và cả những người hoàn toàn chống lại cuộc đối thoại này, vấn đề không chỉ là những hành động thực tiễn trong cuộc đối thọai với các tôn giáo khác, mà là: thế nào là kitô hữu, thế nào là công giáo?

Lúc còn làm bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã cố gắng chỉ ra một hướng đi. Và nay, người kế vị ngài tại bộ giáo lý đức tin là Ðức hồng y William Levada, cũng tiếp tục những nỗ lực theo hướng đi ấy.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ liên tôn cầu cho hòa bình thế giới tại Assisi do chân phước Gioan Phaolo II triệu tập ngày 27 tháng 10 năm 1986, Ðức thánh cha cũng mời gọi đại diện các tôn giáo trở lại thành phố này một lần nữa vào ngày 27 tháng 10 năm 2011. Ðức thánh cha và Tòa thánh vẫn xem trọng cuộc đối thọai liên tôn, nhưng đồng thời cũng muốn xác định rõ ràng bản chất đích thực của Kitô giáo và Công giáo.

Trong một bài viết được đăng trên báo Người quan sát Roma hôm thứ Tư 6 tháng 7 năm 2011, Ðức hồng y Levada nhìn nhận rằng sau khi chân phước Gioan Phaolo II mời các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới đến Assisi hồi năm 1986 và năm 2002 để cầu nguyện cho hòa bình thế giới, Ðức hồng y Ratzinger đã nêu lên những câu hỏi về nguy cơ khiến dân chúng tưởng rằng Tòa thánh muốn xem mọi tôn giáo đều ngang hàng như nhau.

Theo Ðức hồng y Levada, mặc dù nhận ra những hiểu lầm xoay quanh cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi do vị tiền nhiệm của ngài tổ chức, Ðức thánh cha Benedicto XVI vẫn mời gọi các vị đại diện tôn giáo trở lại Assisi một lần nữa, bởi vì ngài xem "cảm nghiệm tôn giáo dưới những hình thức khác nhau là điều luôn được Giáo hội quan tâm và Giáo hội luôn muôn giúp con người thời đại khám phá hay duy trì mối giây liên kết với Ðấng Tòan Năng". Ðức hồng y viết rằng "mặc dù Giáo hội Công giáo xác tín rằng Chúa Thánh Thần tác động một cách đầy đủ và đặc biệt trong Giáo hội, Giáo hội vẫn nhìn nhận rằng Chúa Thánh Thần cũng hiện diện và tích cực bên ngoài Giáo hội". Do đó, Giáo hội tin rằng các tôn giáo không phải là những sức mạnh hủy hoại trong xã hội khi động viên dân chúng xây dựng công ích". Ðối với các tín hữu kitô, bước đầu tiên là phải cầu nguyện và bước kế tiếp là mời gọi những người thiện chí cũng cầu nguyện.

Về phần mình, cũng trong một bài viết trên báo Người quan sát Roma, Ðức hồng y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thọai liên tôn, cũng trả lời cho câu hỏi: tại sao Giáo hội Công giáo cổ võ cuộc đối thoại với các tôn giáo khác.

Lý do thứ nhứt, theo Ðức hồng y Tauran, là tất cả chúng ta đều là thụ tạo của Chúa và do đó là anh chị em với nhau. Lý do thứ hai là "Chúa hoạt động trong mỗi một con người" và ban cho mỗi người khả năng có thể cảm nhận được sự hiện diện của Ngài và nhận biết những giá trị luân lý phổ quát.

Nhưng theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn, đối thoại không chỉ là một cố gắng thực tiễn nhằm giảm bớt những căng thẳng trên thế giới, mà là một nghĩa vụ tôn giáo để tiếp tục cuộc đối thoại mà Chúa đã khởi sự với nhân loại ngay từ khởi thủy và hoàn tất khi sai Chúa Giesu Kito vào thế giới.

Tại cuộc gặp gỡ liên tôn vào ngày 27 tháng 10 năm 2011, các tôn giáo sẽ cầu nguyện riêng theo nghi thức của mình, nghĩa là không có "nghi thức liên tôn" chung. Tuy nhiên, Ðức hồng y Tauran nói rằng lời cầu nguyện luôn là khởi điểm và kết thúc của mỗi một hành động kitô. Giữa đối thoại với Chúa và đối thoại với người khác luôn có sự liên kết tự nhiên.

Riêng Ðức hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo, giải thích rằng Ðức thánh cha Benedicto XVI đã mời đại diện của các Giáo hội Kitô và các tôn giáo khác hành hương đến Assisi, bởi vì ngài tin rằng mang lại cho thế giới một chứng từ khả tín và có tính thuyết phục về hòa bình và công lý là điều tối cần.

Trong một bài viết cũng đăng trên báo Người quan sát Roma, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo viết rằng "hòa bình chỉ có thể có khi con người, với tư cách là những người thành tâm tìm kiếm Chúa, lên đường tiến tới chân lý".

Theo Vị hồng y người Thụy sĩ này, "Giải thích niềm tin của mình và thành thực cố gắng hiểu niềm tin của người khác là trọng tâm của cuộc đối thoại đại kết và liên tôn. Nhưng cuộc đối thoại không dừng lại ở đó".

Ðức hồng y Koch viết: "đối với các tín đồ các tôn giáo, một ngày suy tư và đối thoại cũng là một ngày cầu nguyện cho hòa bình, bởi vì sự cầu nguyện đưa mỗi nguời đến gần hơn với Chúa, Ðấng là Cội Nguồn tối hậu của hòa bình".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page