Ðức Benedicto XVI và
tầm quan trọng của bí tích xá giải
Ðức Benedicto XVI và tầm quan trọng của bí tích xá giải.
Roma [Chiesa on line 5/7/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức thánh cha Benedicto XVI không phải là người thiết lập Các Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới. Tuy nhiên, ngài đã đề ra hai điều mới mẽ cho Ðại hội này.
Trước hết ngài đề cao việc tôn thờ Thánh Thể trong Ðại hội Giới Trẻ. Mùa hè năm 2005, lần đầu tiên với tư cách là Giáo hoàng, đức Benedicto XVI đã tham dự Ðại hội giới trẻ thế giới Cologne, Ðức. Ở vào cao điểm của buổi canh thức trong Ðại hội, ngài đã quì gối trước Thánh Thể rất lâu và trong thinh lặng. Hàng trăm ngàn bạn trẻ tham dự Ðại hội đã bị đánh động trước cử chỉ này của Ðức thánh cha. Kể từ đó, cùng với ngài, việc tôn thờ Thánh Thể đã trở thành một thông lệ không những trong Ðại hội giới trẻ thế giới mà còn cả trong các buổi gặp gỡ khác, chẳng hạn như trong buổi canh thức tại công viên Hyde Park, ở London, Anh quốc ngày 18 tháng 9 năm 2010.
Nhưng điều mới mẽ thứ hai đáng được nói đến hơn cả là việc ngài sẽ đích thân "ngồi tòa" trong Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid, Tây ban nha, vào tháng 8 năm 2011. Theo chương trình, sáng ngày 20 tháng 8 năm 2011, tại công viên "Jardines del Buen Retiro", ở thủ đô Madrid, Ðức thánh cha sẽ cùng với các linh mục ngồi tòa giải tội cho các bạn trẻ. Ðức thánh cha sẽ ngồi tòa khoảng một tiếng đồng hồ trước khi chủ tọa Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Madrid.
Xưng tội đã trở thành một phần quan trọng trong chương trình của Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới, kể từ năm 2000, khi lần đầu tiên quảng trường "Circus Maximus" ở Roma trở thành tòa giải tội lộ thiên lớn nhứt và kéo dài lâu nhứt thế giới.
Nhưng cho đến nay, chưa có vị giáo hoàng nào đã đích thân ngồi giải tội trong các Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới. Chân phước Gioan Phaolo II có thói quen ngồi giải tội vài giờ đồng hồ trong vương cung thánh đường thánh Phero mỗi năm một lần vào ngày Thứ Tư Tuần Thánh.
Cho đến nay, đức Benedicto XVI cũng chỉ lập lại cử chỉ này hai lần: một trong ngày Giới Trẻ giáo phận Roma và một lần tại vương cung thánh đường thánh Phero, ngày thứ Năm trước Chúa nhựt lễ lá năm 2008.
Nhưng với vị giáo hoàng này, bí tích giải tội vẫn là trọng tâm của công tác mục vụ của ngài.
Ngài đã nhiều lần nói đến bí tích này, nhứt là với các linh mục. Trong Năm Linh Mục được cử hành giữa hai năm 2009 và 2010, Ðức thánh cha đã đề ra mẫu gương của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, vị thánh đã bỏ ra 10 giờ mỗi ngày để ngồi tòa.
Trong bài nói chuyện với các tham dự viên tại một khóa huấn luyện về "tòa trong" do Tòa Ân Giải tổ chức hồi tháng 3 năm 2010, Ðức thánh cha giải thích rằng tính anh hùng và thành quả của công tác mục vụ của thánh Gioan Maria Vianney xuất phát từ niềm xác tín của ngài đối với bí tích giải tội. Theo Ðức thánh cha, thánh nhân biết rõ những giới hạn của riêng mình và nhu cầu phải chạy đến với Lòng Nhân Từ của Chúa để xin ơn tha thứ. Ðức thánh cha nói: "chỉ có những ai đã cảm nghiệm được sự cao cả của bí tích xá giải mới có thể trở thành những nhà rao giảng đầy xác tín và những nhà quản lý của lòng nhân từ Chúa".
Theo Ðức thánh cha, chúng ta đang sống trong một thế giới bị chi phối bởi não trạng duy hưởng thụ và duy tương đối muốn lọai bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời cuộc sống và không cổ võ những giá trị có thể giúp con người phân biệt được điều ngay lẽ trái, đồng thời cũng đánh mất ý thức về tội lỗi. Do đó, cần phải hơn bao giờ hết nêu bật sự cần thiết và tầm quan trọng của bí tích giải tội là bí tích giúp con người cảm nghiệm đuợc lòng Thương xót của Chúa.
Mới đây, trong thánh lễ mừng kính trọng thể hai thánh tông đồ Phero và Phaolo hôm 29 tháng 6 năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thụ phong linh mục, một lần nữa Ðức thánh cha cũng nhấn mạnh đến bí tích của ơn tha thứ.
Chú giải lời của Chúa Giesu: "Thầy không gọi anh em là tôi tớ, mà là bạn hữu", Ðức thánh cha nói rằng ngài hoàn toàn xác tín là lời này cũng được ngỏ riêng với ngài. Ngài nói: "Trong bí tích rửa tội và thêm sức, Chúa đã lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, Ngài đã đón nhận chúng ta vào trong gia đình Thiên Chúa. Nhưng điều đang diễn ra còn cao cả bội phần. Ngài gọi tôi là bạn của Ngài. Ngài đón nhận tôi vào nhóm những người mà Ngài đã truyện vãn với trong phòng tiệc ly. Ðây là nhóm những người mà Ngài biết một cách rất đặc biệt và do đó là những người cũng biết Ngài một cách đặc biệt. Ngài ban cho tôi một năng quyền khiến tôi phải run sợ là làm điều mà chỉ có mình Ngài, Con Thiên Chúa, mới có thể nói và làm là: Ta tha tội cho con. Ngài muốn tôi nhân danh Ngài nói những lời không chỉ là lời, mà là hành động có sức thay đổi chiều sâu tâm hồn của một người. Tôi biết rằng sự tha thứ có cái giá của nó: trong cuộc tử nạn, ngài đã xuống sâu trong tăm tối của tội lỗi chúng ta. Ngài đã xuống sâu trong đêm tối của lỗi phạm chúng ta, bởi vì chỉ như thế mới có thể biến đổi chúng ta. Và khi ban cho tôi quyền tha tội, ngài cũng cho tôi đi xuống sâu trong vực thẩm của con người, trong nỗi đau vô biên của Ngài vì chúng ta và nhờ đó, tôi có thể cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Ngài".
Qua những lời trên đây, chúng ta có thể hiểu được quyết tâm của Ðức thánh cha muốn làm tái sinh việc xưng tội.
Theo ký giả Sandro Magister, đây là vấn đề mà truyền thông thế giới ít chú ý tới.
Với việc giải tội tại Ðại hội Giới Trẻ Thế Giới 2011, Ðức thánh cha muốn lôi kéo sự chú ý về một trong những thiếu sót lớn trong thực hành kitô giáo ngày nay: đó là việc xao lãng đối với bí tích giao hòa.
CV.