Tân quốc gia Nam Sudan

trước các thách đố tương lai

 

Tân quốc gia Nam Sudan trước các thách đố tương lai.

Sudan (RG 5&6-7-2011; SD 6-7-2011) - Ngày 9 tháng 7 năm 2011 Nam Sudan cử hành lễ tuyên bố độc lập để trờ thành quốc gia thứ 54 của đại lục Phi châu. Lễ nghi khai diễn trước lăng của đại tá John Garang, lãnh tụ Quân đội giải phóng nhân dân Sudan, trong thủ đô Juba, với sự hiện diện của tống thống Nam Sudan ông Salva Kir Mayardit, ông Omar El Bashir tổng thống Bắc Sudan, và nhiều phái đoàn quốc tế như Liên Minh A Rập, Trung Quốc, Liên Hiệp Âu châu, Hoa Kỳ, Liên hiệp các quốc gia Phi châu và ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Trước đó có lễ nghi cầu nguyện do các đại diện kitô và hồi giáo chủ sự. Tiếp đến là lễ nghi ký tên thành lập nước Nam Sudan. Lễ nghi tuyên bố độc lập tiếp tục với cuộc tranh giải túc cầu ngày Chúa Nhật tại sân vận động Juba giữa đội tuyển Nam Sudan và đội tuyển Kenya. Thứ hai là trận đấu bóng rỗ giữa Nam Sudan và Uganda.

Ðức Cha Cesare Mazzolari, Giám Mục Rumbeck Nam Sudan, cho biết Giáo hội Công giáo đã góp phần tích cực vào việc hình thành nước Nam Sudan. Ðức Cha Mazzolari, thuộc dòng Comboni đã làm việc truyền giáo tại Sudan từ 30 năm qua, khẳng định rằng Nam Sudan hãnh diện là một quốc gia mới và sẵn sàng chinh phục căn tính riêng của mình trên chính trường thế giới. Mặc dù đã có các cuộc tấn công trong tháng vừa qua khiến cho nhiều thường dân bị chết và hàng trăm ngàn người phải tị nạn trong cảnh thiếu thốn thực phẩm và thuốc men trong các vùng Nam Kordofan, Darfur và Abyei, nhân dân Nam Sudan nhìn tương lai với niềm hy vọng. Nhiều nước khác trên thế giới liên đới với chúng tôi trong dịp mừng độc lập này và chúng tôi cần sự yểm trợ quốc tế, nhất là trong các năm tới đây để trở thành thành viên của cộng đồng quốc tế.

Ðức Cha Mazzolari cho biết thêm là trong biết bao nhiêu thập niên qua Giáo Hội đã đồng hành với các nỗi khổ đau của người dân nước này, và đã kiên trì trong lời cầu nguyện và việc rao truyền đức tin, khích lệ mọi người dấn thân hòa giải. Tiếng nói và chứng tá của Giáo Hội đã rất rõ ràng và Giáo Hội có cái nhìn xa rộng. Sau bao nhiêu khổ đau, cuối cùng Chúa đang ban ơn cho hạt giống đức tin kitô lớn lên tại miền Nam Sudan... Theo Ðức Cha Giáo hội hoàn vũ phải hướng dẫn các sáng kến liên đới với Nam Sudan để cho người dân nước này cảm thấy mình là thành phần của đại gia đình thế giới.

Nam Sudan đã đạt độc lập với giá cả rất mắc mỏ là 2 triệu người chết và 4 triệu người tị nạn trong cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 21 năm giữa quân đội chính phủ Bắc Sudan và các lực lượng du kích đòi độc lập Nam Sudan. Hai bên đã chỉ ký kết thỏa hiệp hòa bình năm 2005. Và trong cuộc trưng cầu dân ý vào đầu tháng giêng năm nay đại đa số dân thuộc miền Nam Sudan đã bỏ phiếu chọn độc lập, tách rời khỏi miền Bắc Sudan.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Fabrizio Cavalletti, thuộc Caritas Italia và ông Gianni Sartor, thuộc tổ chức "Giang Tay" là hai tổ chức dấn thân trong chiến dịch yểm trợ dân nước Nam Sudan. Ngày mùng 5-7-2011 cả hai ông đã tham dự cuộc họp báo tựa đề "Sudan giữa chiến tranh và hòa bình" do Chiến dịch Italia yểm trợ Sudan tổ chức tại Roma.

Hỏi: Thưa ông Cavalletti, sáng ngày mùng 5 tháng 7 vừa qua đã có cuộc họp báo để duyệt qua tình hình chiến tranh và hòa bình tại Sudan. Ông có nhận xét gì?

Ðáp: Ðây là không phải là một chặng tới đối với việc xây dựng nền hòa bình tại Sudan, mà là một chặng ở giữa, có lẽ là một chặng bắt đầu. Chúng ta đã thấy trong thời gian chuyển tiếp dài này, kể từ khi ký thỏa hiệp hòa bình hồi năm 2005 tới nay, hai bên đã có thời gian để thỏa thuận với nhau về nhiều vấn đề trong tương quan giữa Bắc và Nam Sudan, cũng như trong tương quan giữa cả hai miền với thế giới. Trên thực tế, còn có rất nhiều vấn đề vẫn nằm trên bàn thảo luận. Vì thế cần phải có sự dấn thân của mọi phía, bắt đầu từ các cơ cấu của Sudan cũng như các cơ cấu quốc tế, để giúp tiến trình đi tới hòa bình. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn gióng lên một sứ điệp đối với giới truyền thông, để họ thông tin tức và nói nhiều hơn tới Sudan nói riêng, và Phi châu nói chung.

Hỏi: Thế thì đâu là các vấn đề chưa được giải quyết và giờ đây chúng trở thành các vấn đề chính cần đương đầu đối với quốc gia mới là Nam Sudan?

Ðáp: Tôi xin đơn cử một vấn đề trong nhiều vần đề khác nhau: đó là việc xác định biên giới chính xác giữa Bắc Sudan và Nam Sudan. Việc phân chia ranh giới giữa hai bên là điều quan trọng nền tảng. Ngoài ra còn có một vấn đề khác nữa đó là việc thỏa thuận với nhau xem phải xử dụng các tài nguyên là dầu hỏa và nước ngọt như thế nào: Nam Suadn có các mỏ dầu hỏa và nước của sông Nil. Rồi có các vấn đề đặc biệt liên quan tới vài vùng như Abyei, trong các tuần qua là nơi xảy ra các vụ đụng độ bạo lực giữa hai bên. Cac thỏa hiệp dự kiến một cuộc trưng cầu dân ý để xác định tình trạng pháp lý của vùng này, nhưng cho tới nay vẫn chưa có.

Hỏi: Theo ông từ phía chính quyền Khartum và tổng thống Omar Al Bashir thì có thể chờ đợi sự dấn thân nào?

Ðáp: Thật ra thì trước hết chính quyền Khartum đã thừa nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày mùng 9 tháng giêng năm nay, nghĩa là thừa nhận rằng đại đa số người dân miền Nam Sudan muốn độc lập và tách rời khỏi miền Bắc Sudan. Và chính quyền Khartum tuyên bố muốn đương đầu với vấn đề này một cách hòa bình. Ðây là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, cũng có các biểu lộ bạo lực. Trong các tuần qua chúng ta đã thấy chính quyền Khartum đánh chiếm và bỏ bom vài vùng Nam Sudan.

Hỏi: Vậy Giáo Hội và tổ chức Caritas đã dấn thân trong tiến trình này như thế nào thưa ông?

Ðáp: Giáo Hội miền Nam Sudan đã luôn luôn dấn thân đáp ứng các nhu cầu của dân chúng. Giáo Hội đã làm điều đó trong thời chiến tranh và sau khi chiến tranh chấm dứt. Ðặc biệt trong các năm qua và cách riêng trong các tháng qua, tổ chức Caritas đã tập trung nỗ lực vào việc trợ giúp các người tị nạn chiến tranh và đói kém, do các cuộc chạm súng giữa hai bên gây ra. Ðã có một cuộc di cư rất lớn từ miền Bắc về miền Nam, vì có rất nhiều người tị nạn tại miền Bắc Sudan là gốc miền Nam Sudan. Giờ đây Nam Sudan trở thành quốc gia độc lập mới, họ hồi hương. Caritas quốc tế và Caritas Italia đã trợ giúp các anh chị em này trong cuộc hồi hương của họ. Ngoài ra trong các năm qua Giáo Hội và tổ chức Caritas đã ưu tiên cho việc giáo dục, xây các trường học và tài trợ các dự án phát triển và thăng tiến xã hội kinh tế. Giờ đây chúng tôi dồn sự chú ý vào việc nâng đỡ tiến trình chuyển tiếp.

*** Tiếp theo đây là một số nhận định của ông Giovanni Sartor, thuộc tổ chức Giang Tay, là một trong các tổ chức tham gia chiến dịch trợ giúp nhân dân Sudan từ nhiều thập niên qua.

Hỏi: Thưa ông, ông có nhận định nào về việc hình thành quốc gia phi châu thứ 54 là nước Cộng hòa Nam Sudan?

Ðáp: Tôi nhận thấy có hai điều quan trọng: thứ nhất là sự kiện Nam Sudan độc lập làm thành quốc gia mới là Cộng hòa Nam Sudan. Ðây là một biến cố tự nó rất là phức tạp, không thể được giản lược vào sự kiện dân chúng đã tự do quyết định một tương lai riêng, bằng cách thành lập một quốc gia mới. Có rất nhiều thách đố phức tạp đe dọa sự ổn định và nền hòa bình của miền Nam Sudan là quốc gia mới, cũng như của miền Bắc Sudan là quốc gia cũ.

Thứ hai, tuy nói về nước Nam Sudan nhưng chúng tôi đã luôn luôn so sánh các vấn đề mà Nam Sudan sẽ phải đương đầu với các tình hình của Bắc Sudan. Bởi vì quốc gia mới này sẽ có các tiếng vang rất ý nghĩa, nhưng điều này lại không được nhớ tới tại miền Bắc Sudan.

Hỏi: Ðâu là các tiếng vang có thể có trên vùng đất này, nhất là khi tình hình chưa được hòa bình, thưa ông?

Ðáp: Tiếng vang đầu tiên thì mọi người đều thấy rồi: đó là trong các vùng giao tranh trên bình diện của miền Bắc Sudan cũng như trên bình diện miền Nam Kordofan cũng như của Nam Sudan, các bang Unity và Warrap và Abyei, mà quy chế chưa được xác định, đều là những nơi đang xảy ra các cuộc giao tranh khiến cho hàng trăm người chết và hàng ngàn người phải di cư. Các xung đột này gắn liền với sự kiện các vấn đề biên giới chưa đươc giải quyết giữa hai nước và cả hai đều đang tìm các lợi nhuận lớn hơn và cố ý kéo phần hơn về mình để có thế đứng lợi hơn trong cuộc thảo luận.

Hỏi: Có cả các vấn đề kinh tế nằm đàng sau nữa, có đúng thế không thưa ông?

Ðáp: Vâng đúng vậy. Ngoài sự kiện là các vùng biên giới, các vùng này có rất nhiều dầu hỏa, vì thế rõ ràng là sự kiện có được vài chục hay vài trăm mét là có lợi thế rồi, vì có thể tìm ra các giếng dầu hỏa. Nghĩa là đây là cơ may khai thác các tài nguyên thiên nhiên nằm trong lòng đất.

Hỏi: Như thế ông cầu mong gì cho Cộng hòa Nam Sudan?

Ðáp: Tôi cầu mong cộng đồng quốc tế cũng như chính phủ của Nam Sudan và Bắc Sudan dấn thân duyệt xét các vấn đề, và tìm ra một thỏa hiệp tôn trọng các đòi hỏi và nhu cầu của tất cả mọi người, mà không cần dùng bạo lực để giải quyết. Ðiều này đòi hỏi nơi cộng đồng quốc tế một sự dấn thân rất lớn để trợ giúp Nam Sudan thành lập một chính quyền biết tôn trọng các quyền con người, đặc biệt là các quyền tự do nền tảng của người dân.

Hỏi: Vậy có thể chờ đợi gì từ phía chính quyền Khartum?

Ðáp: Ðó là dấn thân thừa nhận nền độc lập của miền Nam Sudan như chính quyền Khartum đã làm. Nhưng Bắc Sudan cũng phải dấn thân chấp nhận và giải quyết vấn đề của các người thuộc gốc miền nam Sudan một cách khác. Vì xem ra sau ngày mùng 9 tháng 7 người miền Nam Sudan nào sống tại miền Bắc và làm công nhân cho nhà nước Bắc Sudan đều sẽ bị sa thải hết. Sự kiện mất công ăn việc làm này sẽ tạo ra các khó khăn lớn cho các anh chị em này. Vấn đề khác nữa liên quan tới Hiến pháp: để có thể bảo đảm các quyền tự do căn bản của con người, như các quyền tự do tư tưởng tự do hội họp, quyền tự do của các đảng phái chính trị đối lập có thể hoạt động, diễn tả các ý kiến riêng của mình vv...

(RG 5.6-7-2011; SD 6-7-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page