Giáo Hội Myanmar và công tác
cứu trợ người tị nạn chiến tranh
Giáo Hội Myanmar và công tác cứu trợ người tị nạn chiến tranh.
Myanmar (Avvenire 24-6-2011; Fides 30-6-2011; 1-7-2011) - Trong các ngày qua tin tức từ hai giáo phận Banmaw và Myitkyina bên Myanmar cho biết đã xảy ra các vụ giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và các lực lượng du kích Kachin đòi độc lập.
Hiện nay tổ chức Caritas Myanmar là cơ quan duy nhất đang nỗ lực trợ giúp 20,000 người tị nạn trốn chạy các cuộc giao tranh nói trên. Các vụ đụng độ xảy ra trong giáo phận Myitkyina, bao gồm hầu hết vùng đất của sắc tộc Kachin, và giáo phận Banmaw. Trước thảm cảnh của người tị nạn, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giới trẻ của cả hai giáo phận đã lập tức huy động việc mục vụ và công tác cứu trợ cho họ, mà không quản ngại cho chính mạng sống của mình. Một linh mục cho biết hiện Giáo Hội đang làm tất cả những gì có thể để đưa người tị nạn tới các nơi an toàn hơn và bảo đảm sự sống còn cho họ. Cha cám ơn tình liên đới và xin kitô hữu toàn thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội và nhân dân Myanmar.
Tin tức nhận được cũng cho biết quân đội sẽ có thể tấn công cả các lực lượng thuộc sắc tộc Karen nữa. Sự ổn định và phát triển, mà chính quyền của tướng Thien Sein hứa hẹn trong diễn văn nhận chức hồi tháng 4 năm 2011, vẫn chỉ là lý thuyết rất xa vời đối với thực tế. Nhưng nếu chính quyền không dàn xếp với các sắc tộc thiểu số, thì Myanmar có thể lún sâu vào một cuộc nội chiến có các chiều kích ngày càng rộng lớn hơn, với tất cả các hậu qủa thảm khốc cho đất nước. Ngoài ra còn có một yếu tố khác gây bất ổn đó là nạn buôn bán ma túy. Myanmar nằm trong vùng tam giác vàng sản xuất ma túy, và các lực lượng du kích sử dụng nó để có tiền mua khí giới đạn dược cho cuộc chiến đấu đòi độc lập của họ.
Một linh mục giáo phận Myitkyina cho biết quân chính phủ đang thực hiện một cuộc "thanh lọc chủng tộc" nhằm loại trừ thổ dân Kachin; và các vụ giao tranh với Lực lượng Kachin đòi độc lập khiến cho dân chúng phải trốn chạy bạo lực. Số người tị nạn trong vùng Myitkyina đã lên tới hơn 20,000, trong đó có 5,000 người ở tỉnh Laiza, giáp giới với Trung Quốc, 2,000 người trong tỉnh Shwegu và hơn 10,000 người khác trong các làng Manwing và Prang Hku Dung, và hàng ngàn người khác tản mác trốn trong rừng già.
Các cuộc giao tranh đã bắt đầu sau khi nhà nước Myanmar ký kết thỏa hiệp với chính quyền Trung Quốc liên quan tới việc xây dựng một trung tâm thủy điện lực trên đất của người Kachin. Dự án này sẽ gây ra lụt lội cho người Kachin sống trong các làng mạc chung quanh, nên dân chúng đã nổi lên chống lại chương trình thủy điện lực này, và họ đã bị quân đội đùng súng đạn uy hiếp.
Các linh mục tu sĩ giáo phận Myitkyina đang hết sức trợ giúp dân chúng, đa số là phụ nữ người già và trẻ em, thoát ra khỏi các vùng có giao tranh. Vị Linh mục ẩn danh nói trên cũng cho biết mỗi khi vào các làng Kachin, binh sĩ chính quyền trả thù, giết người già và trẻ em, hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà cướp của, và tịch thu tài sản của dân chúng. Họ dùng mọi thứ bạo lực của chính sách "thanh lọc chủng tộc". Vì thế dân chúng trốn chạy vào các vùng an toàn hơn, nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn vì mùa mưa đã bắt đầu. Các linh mục tu sĩ liều mình để giúp họ và cũng có nguy cơ bị quân đội bắt giữ bất cứ lúc nào, và bị kết án là trợ giúp các lực lượng nổi loạn. Trước áp lực quốc tế, chính quyền quân phiệt Myanmar giả bộ hòa hoãn và muốn ngưng chiến, nhưng trên thực tế họ gửi nhiều binh sĩ và quân trang hơn lên miền bắc, để mở cuộc tấn công cuối cùng nhằm tiêu diệt lực lượng Kachin đòi độc lập. Trong các ngày qua tại mọi nhà thờ giáo phận Myitkyina đã có các buổi cầu nguyện cho hòa bình.
Giáo Hội công giáo Myanmar hiện có 680,000 tín hữu trên tổng số 50 triệu dân, trong số này có 89.4% theo Phật giáo, 5.6% theo Kitô giáo trong đó có 1.5% công giáo, và 3.8% theo Hồi giáo. Nhân lực của Giáo Hội công giáo gồm 857 linh mục, 1,651 nữ tu, 13 tu huynh, 278 chủng sinh và 2,750 giáo lý viên.
Ða số các tín hữu kitô thuộc các bộ lạc như Kachin và Karen, trong khi bộ lạc chính là Bamar vẫn theo Phật giáo.
Giáo Hội Myanmar có một lịch sử dài khổ đau với nhiều thừa sai tử đạo thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Milano gọi tắt là PIME. Vào thế kỷ XVI có vài thừa sai người Bồ Ðào Nha tìm đến rao giảng Tin Mừng tại miền nam nước Birmania. Năm 1772 cộng cuộc truyền giáo tại Birmania do các cha dòng Barnabiti đảm trách. Năm 1885 Giáo Hội địa phương được chia thành 3 miền và do hai hiệp hội truyền giáo trông coi: Hội truyền giáo nước ngoài Paris, gọi tắt là MEP, đặc trách các vùng miền bắc và miền nam; trong khi Hội truyền giáo nước ngoài Milano trông coi miền đông, rộng bằng diện tích nước Việt Nam, và có các sắc tộc khác nhau sinh sống, đa số theo đạo thờ vật linh.
Vào thập niên 1920 Giáo Hội mở các chủng viện cho các chủng sinh và các tập viện đầu tiện cho các nữ tu. Song song cũng có chương trình đào tạo các giáo lý viên và dịch các văn bản kitô ra các thứ tiếng địa phương. Ngoài ra phong trào Công Giáo Tiến Hành cũng đã được thành lập trong thời gian này.
Vào thập niêm 1950 chỉ trong một thời gian ngắn Hội truyền giáo nước ngoài Milano đã phải trả giá mắc mỏ vì sự hiện diện của mình tại Myanmar: đã có 5 linh mục bị sát hại. Hai trong các vị đang có án điều tra phong chân phước: đó là linh mục Mario Vergan và linh mục Alfredo Cremonesi.
Giữa các năm 1954-1955 Tòa Thánh cho thành lập hàng giáo phẩm công giáo Myanmar gồm 6 giáo phận và 2 tổng giáo phận. Vị Giám Mục bản xứ đầu tiên là Ðức Cha U Kyaw, Giám Mục phụ tá giáo phận Mandalay. Vào năm 1956 Ðại Hội Thánh Thể quốc gia lần đầu tiên đã được tổ chức trong thủ đô Rangoon với sự tham dự của khoảng 50,000 tín hữu và 27 Giám Mục đến từ nhiều nước Á châu. Năm 1960 có lễ truyền chức cho vị linh mục đầu tiên người Chin.
Ngày mùng 2 tháng 3 năm 1962 tướng Ne Win đảo chánh và lên nắm quyền. Ông giải tán các đảng phái chính trị, hủy bỏ quyền tự do báo chí và hệ thống dân chủ và khai mào chế độ độc tài quân phiệt. Ngày 1 tháng 4 năm 1965 chính quyền quân đội quốc hữu hóa các trường học và nhà thương kitô. Ngày 1 tháng 1 năm 1966 nhà nước trục xuất mọi thừa sai ngoại quốc đã vào Birmania sau ngày mùng 4 tháng giêng năm 1948: tất cả gồm 232 linh mục, nam nữ tu sĩ công giáo và 18 anh chị em tin lành. Hội truyền giáo nước ngoài Milano có 60 thừa sai Ý, thì 18 vị bị trục xuất. Năm 1983 cũng có 18 nữ tu dòng Phạt Tạ và 36 nữ tu dòng Ðức Maria Bé Thơ bị chính quyền Yangoon trục xuất. Trong cùng năm cha Clemente Vismara mừng 50 năm linh mục và được gọi là "tổ phụ của Giáo Hội Birmania". Cha là vị thửa sai kỳ cựu sống lâu năm nhất tại Birmania tất cả 65 năm và mới được phong Chân Phước tại Milano Chúa Nhật 26 tháng 6 năm 2011.
Năm 1985 chín Giám Mục thuộc hàng giáo phẩm được phép sang Roma viếng mộ hai thánh Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ngày 25 tháng 3 năm 1989 Birmania được đổi tên thành Myanmar và thủ độ Rangoon trở thành Yangoon. Năm 1991, sau 58 năm truyền giáo tại Myanmar, tu huynh Felice Tantardini qua đời và hiện đang có án phong chân phước cho tu huynh. Năm 2002 hiệp hội Phục vụ xã hội tức Caritas Myanmar được thành lập. Năm 2005 hội nghị mục vụ đầu tiên được tổ chức trong thủ đô Yangoon. Năm 2007 linh mục Paolo Noè, vị thừa sai cuối cùng của Myanmar qua đời hưởng thọ 88 tuổi.
Nếu xưa kia Myanmar là đất truyền giáo, thì ngày nay người trẻ nước này cũng trở thành các thừa sai. Ðó là trường hợp 7 người trẻ đã gia nhập Hội truyền giáo nước ngoài Milano. Ðây là hội đã đảm trách các công tác tông đồ mục vụ trong 6 trên tổng số 16 giáo phận của Giáo Hội địa phương. Trong 140 năm lịch sử của hội đã có 170 thừa sai được gửi tới Myanmar. Ðức Cha Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangoon, cho biết trong vài tháng nữa Hiệp hội truyền giáo địa phương có tên goi là "Con đường nhỏ của thánh nữ Terexa Hài Ðồng Giêsu" sẽ gửi 2 thành viên đầu tiên sang làm việc tại Campuchia.
Hiện có ba dòng Ý hoạt động mạnh mẽ tại Myanmar. Ðó là dòng Phạt Tạ do linh mục Carlo Salerio thành lập năm 1859. Cha là một trong các thừa sai PIME đầu tiên hoạt động tại Ðại dương châu cùng với Mẹ Maria Carolina Orsenigo. Sáu nữ tu đầu tiên của dòng đến Toungoo ngày 24 tháng 10 năm 1895 và hoạt động trong lãnh vực giáo dục và đào tạo nữ giới. Các chị mở 3 trường nữ: một trường tiếng Anh, một trường tiếng Birmano và một trường tiếng Cariano. Trong các năm tiếp theo có thêm nhiều nữ tu khác của dòng sang Birmania và yểm trợ công tác mục vụ của các thừa sai trong các giáo xứ. Các chị sống rất gần gũi với dân chúng và cả ngày nay nữa cũng rất được họ qúy mến.
Dòng nữ Ý thứ hai đã để lại rất nhiều dấu vết tại Birmania là dòng Ðức Maria Bé Thơ. Các nữ tu đến Kentung năm 1916, tức 4 năm sau nhóm 3 thừa sai PIME đầu tiên. Mặc dù có nhiều khó khăn 4 nữ tu đầu tiên đã được Saboà, là ông chúa vùng Kentung tiếp đón và sau này giao cho các chị đảm trách nhà thương đia phương, là nhà thương duy nhất trong vùng. Các nữ tu cũng mở một trường học và một cô nhi viện và bắt đầu săn sóc sức khỏe cho dân chúng các làng chung quanh, chiếm được cảm tình của người dân.
Dòng tu Ý thứ ba hoạt động tại Birmania là các nữ tu Quan Phòng, do thánh Luigi Scrosoppi thành lập tại Udine bắc Italia năm 1837. Nữ tu Sandra Del Bel Belluz, Bề trên giám tỉnh cho biết dòng bắt đầu hoạt động năm 1912 trong vùng Kengtung. Ban đầu linh mục Bonetta xin các nữ tu dòng Ðức Maria Bé thơ Milano tới giúp. Sau đó có một nhóm các nữ giáo lý viên do các thừa sai PIME đào tạo trợ giúp công tác giáo dục. Ðến một lúc nào đó các chị được gọi là "Nữ tử Mẹ Maria", cả khi cho tới lúc đó các chị là giáo dân tuy có kiểu sống giống các nữ tu. Thế chiến thứ II đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho Giáo Hội Birmania. Vào thập niên 1960 Ðức Giám Mục Kengtung muốn thành lập một dòng nữ. Ngài quy tụ tất cả các nữ giáo lý viện lại, cho các chị mặc áo dòng mầu xanh và gọi là các nữ tu Chúa Quan Phòng. Ðức Cha Than xin các dòng nữ giúp đào tạo giới trẻ trnog đó có dòng Chúa Quan Phòng Italia. Vì cùng chí hướng nên năm 2002 hai dòng Chúa Quan Phòng nhập làm một. Hiện nay cộng đoàn dòng Chúa Quan Phòng Myanmar có 70 nữ tu hoạt động rất mạnh mẽ.
(Avvenire 24-6-2011; Fides 30-6-2011; 1-7-2011)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)