Ý thức về sự hạn hẹp
giúp con người tự do hơn
và thoát nguy cơ yêu sách độc tài
Ý thức về sự hạn hẹp giúp con người tự do hơn và thoát nguy cơ yêu sách độc tài.
Phỏng vấn triết gia Salvatore Veca, tác giả cuốn sách tựa đề "Bốn bài học về ý tưởng sự không toàn vẹn".
Vatican (Avvenire 29-4-2011) - Trong lịch sử nhận loại đã không có thế kỷ nào bị các chế độc độc tài đảng trị khát máu đầy đọa và gây ra nhiều tai ương như thế kỷ XX. Hai thế chiến và hơn 180 cuộc xung đột vũ trang lớn nhỏ, trong đó có hơn 30 cuộc chiến vẫn còn kéo dài đó đây trên thế giới hiện nay, đã khiến cho hàng trăm triệu người thiệt mạng và tàn phá nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Khi không ý thức được các hạn hẹp và bất toàn của mình, con người dễ rơi vào khuynh hướng tự tôn mình làm Thiên Chúa, yêu sách cho mình mọi quyền bính và trở thành độc tài, khát máu và tàn bạo đối với tha nhân.
Thế kỷ XX đã bị ghi dấu bởi sự bùng nổ kinh hoàng cả trong lãnh vực triết học với tư tưởng "giải pháp cuối cùng" được coi như "thuốc chữa" mọi tranh chấp, san bằng mọi khác biệt, và giải quyết được mọi mâu thuẫn. Nhưng đó đã chỉ là ảo tưởng, gây ra biết bao nhiêu khổ đau và nước mắt cho gia đình nhân loại.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn triết gia Salvatore Veca, tác giả cuốn sách tựa đề "Bốn bài học về ý tưởng sự không toàn vẹn". Ông cho rằng tư tưởng về sự bất toàn là liều thuốc giúp loại trừ mọi yêu sách độc tài. Cuộc sống của con người gắn liền với sự không toàn vẹn; sự kiện con người "có hạn và luôn hướng tới viễn tượng tương lai" đối với điều nó có thể là hay phải là, là điều quan trọng; và nó vượt xa các giới hạn của một viễn tượng bị đóng khung trong hoàn cảnh và ngẫu nhiên một cách không thể tránh được. Theo triết gia Veca, chính vì chúng ta không toàn vẹn nên chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đam mê và tình yêu đối với sự khôn ngoan.
Triết gia Salvatore Veca sinh năm 1943. Ông theo học tại đại học Milano bắc Italia và đậu tiến sĩ triết năm 1966. Cho đến năm 1973 ông tự nguyện là giáo sư phụ tá tại đại học Milano trước khi dậy môn sử học các tổ chức và cơ cấu xã hội tại đại học Bologna, trung Italia, giữa các năm 1975-1978. Trong các năm 1978-1986 ông là giáo sư triết học chính trị tại đại học Milano. Tiếp đến trong các năm 1986-1989 ông dậy môn triết học chính trị tại đại học Firenze trung Italia. Từ năm 1990 ông là giáo sư môn triết học chính trị tại phân khoa Khoa học chính trị đại học Pavia, và kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong đó có chức phân khoa trưởng. Từ năm 2001 giáo sư Salvatore Veca cũng là giám đốc trung tâm nghiên cứu và tìm tòi liên ngành của đại học Pavia. Từ năm 2003 giáo sư là thành viên Hội đồng quản trị Học viện khoa học nhân văn Italia và của ủy ban khoa học của trung tâm huấn luyện và nghiên cứu kỹ sư động đất của đại học Pavia. Giáo sư Salvatore Veca là tác giả của hàng trăm cuốn sách và các bài khảo luận, trong đó có cuốn "Sự không chắc chắn" xuất bản năm 1998 và được giải thưởng triết học Castiglioncello, với sắc lệnh của tổng thống Cộng Hòa Italia, huy chương vàng và bằng khen hạng nhất, dành cho những người có công trong lãnh vực nghiên cứu Khoa học và Văn hóa. Năm 2000 giáo sư lại được giải thưởng Hàn lâm viện Carrara với cuốn "Triết học chính trị". Vào đầu thập niên 1970 ông nghiên cứu các lý thuyết của Karl Marx trong tương quan với các khoa học kinh tế xã hội và chính trị. Vào cuối thập niên 1970 ông tập trung chú ý vào triết học và lý thuyết chính trị và thảo luận về các lý thuyết của sự phân chia công bằng. Tiếp đến là các vấn đề tự do và bình đẳng, sự thật, công bằng và căn tính. Năm 2002 ông cho xuất bản cuốn "Vẻ đẹp và các kẻ bị áp bức" và cuốn "Mười bài học về tư tưởng công bằng".
Hỏi: Thưa giáo sư Veca, trong bài học thứ nhất giáo sư có viết: "Chúng ta không chỉ phải lựa chọn, mà phải lựa chọn trong một thế giới luôn luôn thay đổi và thường thay đổi một cách rất mau chóng". Như thế ý tưởng của sự không toàn vẹn có thể là một hướng dẫn cho thời đại chúng ta như thế nào, thưa giáo sư?
Ðáp: Ý thức được bản chất không toàn vẹn của bất cứ câu trả lời nào chúng ta có thể đưa ra, khiến cho chúng ta biết suy tư nhiều hơn và có các lựa chọn chín mùi và trưởng thành hơn. Cần phải ý thức được rằng các câu trả lời đó sẽ không bao giờ là giải pháp cuối cùng. Ðiều này không giảm thiểu tầm quan trọng các lựa chọn của chúng ta, nhưng trao ban cho chúng một chiều kích thích hợp. Các câu trả lời của chúng ta có một sự không trọn vẹn nòng cốt, mà tôi định nghĩa là sự không bão hòa. Có người cho rằng thừa nhận sự không trọn vẹn trong các câu trả lời của chúng ta có thể làm nảy sinh ra một loại bụi mờ bất ổn và vụn vặt, dẫn đưa tới siêu thị các niềm tin. Nhưng không phải như thế: chúng ta phải kiên định trung thành với các tín ngưỡng của mình, nhưng ý thức được sự không trọn vẹn của chúng trong thời gian.
Hỏi: Việc giáo sư ca ngợi sự không trọn vẹn bao hàm một quan niệm sinh động về các giá trị. Làm thế nào để chúng ta có thể trung thành với các giá trị của mình đồng thời "gặp gỡ" các người khác?
Ðáp: Trong sách tôi có trích một câu nói của Khổng Tử: đó là chúng ta có bổn phận sống trung thực, trung thực với chính mình. Chúng ta có bổn phận bênh vực các giá trị nền tảng của cuộc sống chung và bênh vực các tín ngưỡng trao ban tiết nhịp cho cuộc sống. Chính vì được mời gọi sống trung thực với chính mình mà chúng ta bị thách thức chú ý tới tha nhân, gặp gỡ họ, và rộng mở cho sự tò mò. Và bởi vì chúng ta sống trung thực với chính mình nên chúng ta có thể rộng mở cho người khác.
Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư ủng hộ các lý do của sự đa nguyên chống lại lý do của khuynh hướng tương đối hóa, có đúng thế không?
Ðáp: Có nhiều điều tốt lành trong cuộc sống của chúng ta cũng như trong cuộc sống của người khác, hay trong cuộc sống của các cộng đoàn khác nhau. Sự đa nguyên bắt đầu trong khu vực chung cư, chứ không cần phải nghĩ tới các liên hệ của chúng ta với các tín đồ của Khổng giáo hay Hồi giáo Salafít. Nó khởi hành từ bên trong chúng ta. Chúng là điều mà tôi gọi là các cuộc chiến dân sự nho nhỏ của chính mình. Tư tưởng này không dính dáng gì tới khuynh hướng tương đối hóa. Khuynh hướng tương đối hóa có nghĩa là bạn nghĩ rằng thức uống ngon nhất là rượu champagne, trong khi đối với tôi đó là cà phê, và chúng ta không có gì để nói với nhau nữa.
Hỏi: Thưa giáo sư Veca, việc nghiên cứu của giáo sư xoay quanh một dữ kiện không thể thay đổi được: đó là con người được tạo dựng nên trong sự hạn hẹp. Trao ban hạn hẹp có nghĩa gì cũng như giữ gìn chiều kích thụ tạo của con người có nghĩa gì?
Ðáp: Việc ca ngợi sự không toàn vẹn của chúng ta đi song song với ý thức chúng ta là các sinh vật sống trong các hoàn cảnh xác định và có các hạn hẹp. Nhưng chúng ta không được để cho mình bị rơi vào cạm bẫy của một tư tưởng đặc biệt của sự không toàn vẹn. Chúng ta có muốn thử giữa những người có tín ngưỡng khác nhau không? Có cần phải nghiêm chỉnh đối với ý tưởng của sự đối chọi không? Nếu có, thì cần phải chấp nhận rằng các tín ngưỡng của chúng ta có sự hạn hẹp ngay trong khi gặp gỡ tín ngưỡng của những người khác. Việc thừa nhận sự không toàn vẹn của chúng ta bắt nguồn một cách đơn sơ từ sự kiện có các người khác và họ có các lý do khác, kể lại các câu chuyện khác với các câu chuyện của chúng ta, và hát các bài hát khác với các bài hát của chúng ta.
Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư có viết rằng "chúng ta là các sinh vật coi chiều kích của sự cật vấn là điều quan trọng", có đúng vậy không?
Ðáp: Như sách Khôn Ngoan cho thấy, nơi chúng ta tồn tại câu hỏi liên quan tới ý nghĩa cuộc sống. Hình ảnh của những người coi việc đưa ra các vấn nạn hay đặt các câu hỏi cho người khác là chuyện không có ý nghĩa gì, khiến cho họ giống như những đơn tử hoàn hảo và bão hòa nhưng xa lạ. Trái lại kiên trì cật vấn thật là điều quan trọng. Sự tra hỏi là một nét thường hằng trong cung cách sống của chúng ta. Chúng ta là những người săn đuổi ý nghĩa cuộc sống. Ðưa ra các câu hỏi có nghĩa là tìm kiếm các câu trả lời. Chúng ta là những người săn đuổi các câu trả lời, các câu trả lời cho ý nghĩa cuộc sống.
Hỏi: Ông Michel Foucault đã viết rằng triết học trong một nghĩa nào đó được mời gọi suy tư về điều không thể nghĩ được. Nhưng giáo sư thì lại nói tới sự tưởng tượng triết học. Thế thì đâu là các thực hành có thể tin tưởng được giúp vun trồng sự tò mò này thưa giáo sư?
Ðáp: Trong nghiên cứu của tôi nổi bật là một cảnh có hình ảnh của một người trau dồi các ký ức, và hình ảnh của nhà thám hiểm các tương quan. Người thứ nhất coi lịch sử là điều nghiêm chỉnh; người thứ hai đưa các kết qủa cuộc tìm tòi của mình lên trên mức độ cao hơn của sự đại đồng, để tìm nói lên tiếng cuối cùng sẽ luôn biến thành tiếng áp chót, vì tư tưởng của sự không trọn vẹn. Mỗi người trong chúng ta đều sống với phi công tự động đã được gắn sẵn. Như thế vun trồng sự tưởng tượng triết học có nghĩa là thử nhìn các sự vật một cách khác. Cuộc sống của chúng ta giống như ở trên các thảm di chuyển tự động, là cuộc sống của các thụ tạo của thói quen. Chúng ta thử ngưng giá trị của các các thói quen đó và nhìn các sự vật một cách khác như thể chúng có một ánh sáng khác. Và khi đó thì ở đâu cũng có một chút triết lý cả.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)