Ðức Thánh Cha cử hành
lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Ðức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Vatican (Vat. 12/06/2011) - Chúa nhật 12 tháng 6 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã cử hành thánh lễ trọng thể tại đền thờ Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu, để mừng kính biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Ðúng 9 giờ rưỡi sáng, đoàn giúp lễ, 50 Giám Mục và 40 Hồng Y đồng tế đã cùng Ðức Thánh Cha đi rước lên bàn thờ chính giữa tiếng kèn bạc báo hiệu đại lễ khởi đầu, trong khi ca đoàn xướng bài "Hỡi Phêrô, con là Ðá!", trước khi hát bài ca nhập lễ: Thần trí Chúa làm đầy trái đất.
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha đã dựa vào các bài đọc để giải thích ý nghĩa lễ Hiện Xuống cũng như vai trò và quan hệ của Chúa Thánh Linh với cộng đoàn tín hữu. Ngài nói:
Hôm nay chúng ta cử đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Theo một nghĩa nào đó, tất cả các lễ trọng của phụng vụ đều là đại lễ, nhưng Lễ Hiện Xuống là một đại lễ một cách đặc biệt, vì đánh dấu, vào ngày thứ 50, sự hoàn tất biến cố Vượt Qua, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, với hồng ân Thần Trí của Ðấng Phục Sinh. Trong những ngày qua, Giáo Hội đã chuẩn bị chúng ta mừng lễ Hiện Xuống qua kinh nguyện, qua sự liên tục sốt sắng kêu cầu Thiên Chúa để xin Ngài tái đổ tràn Thánh Linh trên chúng ta. Như thế, Giáo Hội tái cảm nghiệm điều đã xảy ra thời nguyên thủy, khi các Tông Ðồ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly ở Jerusalem, "họ kiên trì và hòa hợp trong kinh nguyện, cùng với một vài phụ nữ và Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và các anh em của Ngài" (Cv 1,14). Họ họp nhau trong sự khiêm tốn chờ đợi và tin tưởng nơi sự ứng nghiệm lời hứa của Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã thông báo cho họ: "Chẳng bao lâu nữa, các con sẽ được chịu phép rửa trong Thánh Linh.. các con sẽ nhận được sức mạnh từ Thánh Linh, Ðấng sẽ ngự xuống trên các con" (Cv 1,5.8).
Qua bài đọc thứ I trích từ sách Tông Ðồ Công Vụ (Cv 2,1-11) và đáp ca trích từ thánh vịnh 103, Ðức Thánh Cha nhận xét rằng qua các đoạn sách thánh ấy Giáo Hội muốn nói với chúng ta điều này: Thánh Linh sáng tạo vạn vật, Thánh Linh mà Chúa Kitô phái xuống từ Chúa Cha trên cộng đoàn các môn đệ là duy nhất và cùng là một: sự sáng tạo và cứu chuộc thuộc về nhau và, xét cho cùng, họp thành mầu nhiệm yêu thương và cứu độ duy nhất của Chúa. Thánh Linh trước tiên là Thánh Thần Sáng Tạo, vì thế Lễ Hiện Xuống là lễ sáng tạo. Ðối với chúng ta, thế giới là kết quả một hành vi yêu thương của Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng mọi sự và Ngài vui mừng vì "đó là điều tốt", điều rất tốt đẹp (Xc St 1,1-31). Vì thế, Thiên Chúa không phải là Ðấng hoàn toàn khác, Ðấng không thể nêu danh và u tối. Thiên Chúa tự biểu lộ, Ngài có một khuôn mặt, Thiên Chúa là lý trí, Thiên Chúa là ý chí, Thiên Chúa là tình thương, Thiên Chúa là vẻ đẹp. Niềm tin nơi Thánh Thần Sáng Tạo và niềm tin nơi Thần Trí mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho các Tông Ðồ và mỗi người chúng ta, là điều gắn liền với nhau, không thể tách rời".
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng bài Tin Mừng hôm nay cống hiến cho chúng ta một hình ảnh tuyệt vời để làm sáng tỏ quan hệ giữa Chúa Giêsu, Chúa Thánh Linh và Chúa Cha: Thánh Linh được trình bày như hơi thở của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh (Xc Ga 20,22). Ở đây thánh sử Gioan lấy lại một hình ảnh trong trình thuật về sự sáng tạo, trong đó có kể rằng Thiên Chúa thổi một luồng sinh khí vào mũi của con người (Xc St 2,7). Hơi thở của Thiên Chúa là sự sống. Giờ đây, Chúa thổi vào trong linh hồn chúng ta một luồng sinh khí mới, là Thánh Linh, là yếu tính thâm sâu nhất của Ngài, và qua đó, Chúa đón nhận chúng ta vào trong gia đình của Thiên Chúa. Qua phép rửa tội và thêm sức, ơn ấy được ban cho chúng ta một cách đặc biệt và với bí tích Thánh Thể và Thống Hối, ơn ấy được liên tục lập lại: Chúa thổi vào linh hồn chúng ta một luồng sinh khí. Tất cả các bí tích, mỗi phép theo thể thức riêng, đều thông truyền cho con người sự sống thần linh, nhờ Thánh Linh hoạt động trong các bí tích ấy.
Tiếp tục bài giảng trong thánh lễ sáng Chúa nhật 12 tháng 6 năm 2011, Ðức Thánh Cha nói:
"Trong phụng vụ hôm nay, chúng ta còn nhận thấy một sự nối kết nữa. Chúa Thánh Linh là Ðấng Sáng Tạo, đồng thời cũng là Thần Trí của Chúa Giêsu Kitô, nhưng theo thể thức: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh là một Thiên Chúa duy nhất. Dưới ánh sáng bài đọc thứ I, chúng ta có thể nói thêm rằng Chúa Thánh Linh làm cho Giáo Hội sinh động. Giáo Hội không xuất phát từ ý chí loài người, từ suy tư, sự tài khéo và khả năng tổ chức của con người, vì nếu như thế, thì Giáo Hội đã bị tàn lụi từ lâu rồi, như vẫn xảy ra đối với mọi điều phàm nhân. Trái lại Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô, được Thánh Linh làm cho sinh động. Những hình ảnh như gió và lửa, được thánh Luca dùng để diễn tả sự hiện xuống của Chúa Thánh Linh (Xc Cv 2,2-3), gợi lại núi Sinai nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Israel và ban cho họ giao ước của Ngài; sách Xuất Hành kể lại: "núi Sinai đầy khói, vì Chúa ngự xuống trên đó trong lửa" (19,18). Thực vậy, dân Israel mừng ngày thứ 50 sau lễ Vượt Qua, sau khi tưởng niệm cuộc di tản khỏi Ai Cập, như là lễ Sinai, lễ Giao Ước. Khi thánh Luca nói về những lưỡi lửa để diễn tả Chúa Thánh Linh, Giao ước cũ ấy được nhắc nhớ, Giao ước được thiết lập trên căn bản Luật mà dân Israel đã nhận từ trên núi Sinai. Như thế, biến cố Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống, được trình bày như một biến cố Sinai mới, như hồng ân giao ước mới trong đó giao ước với Israel được nới rộng cho tất cả các dân tộc trên trái đất, trong đó tất cả các hàng rào của Luật cũ đều sụp đổ và xuất hiện con tim thánh thiện và bất biến, tức là tình yêu, mà chính Thánh Linh thông ban và phổ biến, là tình yêu bao trùm mọi sự. Ðồng thời Luật được mở rộng, cởi mở, tuy trở nên đơn sơ hơn: đó là Giao Ước mới mà Thánh Thần "viết" trong con tim của những người tin nơi Chúa Kitô. Sự nới rộng Giao Ước cho mọi dân tộc trên trái đất được thánh Luca diễn tả qua sự liệt kê các dân tộc đáng kể thời ấy (Xc Cv 2,9-11). Qua sự kiện đó, Ngài nói với chúng một điều rất quan trọng: đó là Giáo Hội là Công Giáo ngay từ lúc đầu tiên, đặc tính hoàn vũ của Giáo Hội không phải là kết quả của hành động dần dần tháp nhập các cộng đoàn khác nhau. Thực vậy, ngay từ giây phút đầu tiên, Chúa Thánh Linh đã kiến tạo Giáo Hội như Hội Thánh của tất cả các dân tộc; Giáo Hội bao trùm toàn thể thế giới, vượt lên trên mọi biên cương chủng tộc, giai cấp, quốc gia; sau khi phá đổ mọi hàng rào, Giáo Hội liên kết con người trong việc tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Ngay từ đầu, Giáo Hội là duy nhất, Công Giáo, và tông truyền: đây chính là bản chất đích thực của Giáo Hội và phải được nhìn nhận như thế. Giáo Hội là thánh thiện không phải do khả năng của các phần tử, nhưng vì chính Thiên Chúa cùng với Thần Trí của Ngài, sáng tạo và luôn thánh hóa Giáo Hội".
Trong phần lời nguyện giáo dân bằng 5 thứ tiếng, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Giáo Hội ngày càng được vũng mạnh trong sự hiệp nhất và tình thương; cầu cho Ðức Giáo Hoàng được tràn đầy ơn khôn ngoan và can đảm để hướng dẫn và củng cố anh em trong đức tin; cầu cho các tín hữu Kitô được vững mạnh trong đức tin và làm chứng tá, cho các chính quyền luôn quyết định bênh vực sự sống và tình liên đới, cầu cho mọi người luôn sẵn sàng tìm kiếm con đường huynh đệ, cộng tác và hòa bình..
Chủ sự kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng
Thánh lễ kéo dài 1 giờ 45 phút và kết thúc lúc 11 giờ 15. 45 phút sau đó, Ðức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với 40 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Hiện diện trong buổi đọc kinh đặc biệt Hội những người nuôi ngựa ở miền Bavière nam Ðức, hành hương Roma theo vết chân thánh Corbiniano Giám Mục thành Freising. Có 42 con ngựa và 6 mô hình thánh đường của miền Bavière, trong đó có Nhà thờ chính tòa Munich và Nhà nguyện ở Ðền thánh Ðức Mẹ Altoetting, nhà thờ giáo xứ Aschau, nơi hài nhi Joseph Ratzinger, tức là Ðức đương kim Giáo Hoàng, đã chịu phép rửa tội. Ðoàn hành hương này đã khởi hành từ ngày 1 tháng 6 năm 2011 tại miền Bavière. Thứ Sáu 10 tháng 6 năm 2011, đoàn đã tới Roma và đã cử hành thánh lễ hôm thứ Bẩy 11 tháng 6 năm 2011 tại Nhà thờ thánh Corbiniano, cũng là Nhà thờ hiệu tòa của Reinhard Marx, Tổng Giám Mục giáo phận Munich bên Ðức.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như là lễ "rửa tội" của Giáo Hội trong Thánh Linh (Xc Cv 1,5). Như sách Tông đồ công vụ thuật lại, sáng ngày lẽ Ngũ Tuần, một gầm lớn như gió thổi mạnh tràn Nhà Tiệc Ly và những lưỡi như lửa xuống trên mỗi môn đệ (Xc Cv 2,2-3). Thánh Gregorio Cả đã bình luận rằng: "Hôm nay Chúa Thánh Linh ngự xuống trên các môn đệ với âm thanh bất ngờ, và biến đổi tâm trí phàm nhân trong tình thương của Ngài, và trong khi những lưỡi lửa xuất hiện bên ngoài, thì bên trong, các tâm hồn nồng cháy, bởi vì khi đón nhận Thiên Chúa trong thị kiến lửa, họ được đốt cháy dịu dàng để yêu thương" (Hom. in Evang. XXX, 1: CCL 141, 256). Tiếng Chúa thần hóa ngôn ngữ phàm nhân của các Tông Ðồ, các vị trở nên có khả năng công bố "đa âm" Lời duy nhất của Thiên Chúa. Hơi thở của Thánh Linh làm đầy vũ trụ, sinh ra đức tin, lôi kéo đến sự thật, tạo điều kiện cho sự hiệp nhất các dân tộc. "Nghe tiếng động ấy, dân chúng tụ tập lại và ngỡ ngàng vì mỗi người nghe các tông đồ nói trong ngôn ngữ của họ" về những kỳ công của Thiên Chúa" (Cv 2,6.11).
"Chân phước Antonio Rosmini giải thích rằng "trong ngày Ngũ Tuần của các tín hữu Kitô, Thiên Chúa công bố .. luật bác ái của Ngài, viết nhờ Thánh Linh không phải trên những bia đá, nhưng trong tâm hồn của các Tông Ðồ, và rồi qua các Tông Ðồ thông truyền luật ấy cho toàn thể Giáo Hội" (Sách Giáo Lý được sắp xếp theo thứ tự ý tưởng... n.737, Torino 1863). Thánh Linh, "là Chúa và là Ðấng ban sự sống" - như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính,- liên kết với Chúa Cha nhờ Chúa Con và hoàn tất mạc khải Ba Ngôi Chí Thánh. Ngài đến từ Thiên Chúa như hơi thở từ miệng Chúa và có quyền năng thánh hóa, xóa bỏ chia rẽ, phá tan sự xáo trộn do tội lỗi. Ngài là Ðấng thiêng liêng và không có thể xác, rộng ban các hồng ân thiêng liêng, nâng đỡ sinh vật, để chúng hoạt động phù hợp với điều thiện. Như Ánh sáng trí tuệ, Chúa Thánh Linh ban ý nghĩa cho kinh nguyện, ban sinh lực cho sứ mạng truyền giáo, làm cho con tim của những người nghe Tin Mừng được nồng cháy, gợi hứng cho nghệ thuật Kitô giáo và cung điệu phụng vụ".
Ðức Thánh Cha cũng khẳng định rằng Chúa Thánh Linh, Ðấng tạo nên nơi chúng ta niềm tin trong lúc chúng ta chịu phép rửa, cũng giúp chúng ta sống như con cái Thiên Chúa, một cách ý thức và đồng thuận, theo hình ảnh Chúa Con duy nhất. Cả quyền tha tội cũng là một hồng ân của Chúa Thánh Linh (Ga 20,23)... Chúng ta hãy phó thác Giáo Hội cho Ðức Trinh Nữ Maria là Ðền thờ Chúa Thánh Linh để, Giáo hội luôn sống bằng Chúa Giêsu Kitô, bằng Lời Chúa, các giới răn của Ngài, và dưới tác động trường kỳ của Thánh Linh, Giáo Hội loan báo cho mọi người rằng "Ðức Giêsu là Chúa!" (1 Cr 12,30). ÐTC đã cùng mọi người đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng và ban phép lành cho các tín hữu:
Trong phần chào thăm các tín hữu, Ðức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến lễ phong chân phước vào ngày thứ Hai 13 tháng 6 năm 2011, tại thành phố Dresden bên Ðông Ðức, cho linh mục Alois Andritzki tử đạo, bị Ðức quốc xã sát hại năm 1943 lúc mới 28 tuổi. Ngài nói: "Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì vị chứng nhân anh hùng này của đức tin, được thêm vào hàng ngũ bao nhiêu người đã hiến mạng sống nhân danh Chúa Kitô trong các trại tập trung. Lễ Hiện xuống hôm nay, tôi muốn phó thác cho sự chuyển cầu của các ngài chính nghĩa hòa bình trên thế giới. Xin Chúa Thánh Linh soi sáng những đề nghị can đảm về hòa bình và nâng đỡ sự dấn thân thi hành các đề nghị đó, để đối thoại được vượt thắng võ khí và sự tôn trọng phẩm giá con người vượt lên trên mọi quyền lợi phe phái. Xin Chúa Thánh Linh là mối dây hiệp thông, làm cho những tâm hồn lạc đường vì ích kỷ được trở nên ngay thẳng và xin Ngài giúp gia đình nhân loại tái khám phá và cảnh giác bảo tồn sự hiệp nhất cơ bản của mình".
Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng "ngày 14 tháng 6 năm 2011 là Ngày Thế giới những người hiến máu, hàng triệu người đang âm thầm góp phần giúp đỡ anh chị em đang gặp khó khăn. Tôi nồng nhiệt gửi lời chào thân ái đến tất cả những người hiến máu và mời gọi người trẻ hãy theo gương của họ."
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)