Tình hình tại biên giới

hai miền Nam Bắc Sudan

trước ngày miền Nam Sudan

tuyên bố độc lập

 

Tình hình tại biên giới hai miền Nam Bắc Sudan trước ngày miền Nam Sudan tuyên bố độc lập.

Sudan [CNA 9/6/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Với cuộc trưng cầu dân ý dạo tháng Giêng năm 2011, Miền Nam Sudan sẽ chính thức tuyên bố độc lập vào đầu tháng 7 năm 2011. Chính phủ của hai miền Nam Bắc cũng đã đạt được một thỏa hiệp để tránh các cuộc giao tranh tại vùng bảng lề Abyei, vốn là một trong những giếng dầu của Sudan. Theo thỏa thuận, Abyei sẽ được đặt dưới sự cai trị lâm thời của một chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập vào tháng 7 năm 2011. Tuy nhiên, thỏa hiệp đã đến quá trễ và vì không tôn trọng thỏa hiệp, chính phủ Miền Bắc đã đưa quân xâm chiếm Abyei khiến cho hàng trăm ngàn người phải trốn chạy khỏi thành phố này.

Stephen Hilbert, cố vấn về chính sách đối ngọai của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ nói rằng "miền Nam Sudan rất thất vọng về việc Miền Bắc xâm chiếm Abyei". Một khi miền Bắc đã chiếm cứ vùng này, họ để cho dân chúng tự do đến cướp bóc.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo CNA hồi đầu tháng 6 năm 2011, ông Hilbert nói rằng với hành động này chính phủ Miền Bắc Sudan xé bỏ thỏa hiệp đã được ký kết giữa hai miền.

Chính phủ Miền Nam Sudan cho biết cuộc xâm lăng của miền Bắc đã sát hại 116 thường dân và làm cho 80 ngàn người phải di tản, mặc dù hôm 30 tháng 5 năm 2011, hai bên đã đồng ý phi quân sự hóa vùng biên giới và tìm một giải pháp cho quy chế của Abyei dựa trên những đề nghị của Liên Hiệp Phi Châu.

Thỏa hiệp đã khiến cho các quan sát viên thở ra nhẹ nhỏm, bởi vì họ sợ rằng nếu miền Bắc xâm chiếm Abyei thì hành động này có thể làm bùng nổ một cuộc nội chiến thứ ba giữa Miền Nam và Miền Bắc. Cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng.

Hôm đầu tháng 6 năm 2011, Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên hiệp quốc cho biết đã cung cấp thực phẩm cho 45 ngàn người trốn chạy khỏi những cuộc giao tranh tại Abyei. Ông Adrian Edwards, phát ngôn viên của Cao Ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc, nói với Ðài Phát Thanh Vatican rằng "nhiều người đã phải đi trốn trong rừng"

Theo Phát ngôn viên của Cao Ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc, các nhân viên Liên hiệp quốc "chứng kiến tại nhiều nơi, các gia đình phải phân tán vì các cuộc giao tranh".

Về phần mình, Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ nói với hãng thông tấn Công giáo CNA rằng hiện nay, vì lý do an ninh, cơ quan không thể nói rõ vai trò của mình sau khi xảy ra bạo động trong vùng. Tuy nhiên cơ quan này cho biết "sẽ hợp tác với chính quyền địa phương để đáp ứng với nhu cầu của những người di tản".

Quy chế của vùng Abyei hiện vẫn còn là một vấn đề chưa giải quyết đươc giữa hai miền Nam Bắc vốn đã trải qua hai cuộc nội chiến đẫm máu. Miền Bắc với đa số dân theo Hồi giáo và Miền Nam với đa số dân theo Kitô giáo và thờ vật linh đã không bao giờ có thể sống chung với nhau trong cùng một quốc gia, mặc dù hai bên đã đạt được một thỏa hiệp chấm dứt cuộc nội chiến thứ hai hồi năm 2005.

Theo thỏa hiệp giữa chính phủ Khartoum Miền Bắc và chính phủ Juba Miền nam, Abyei sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định liệu nên gia nhập vào miền Bắc hay miền Nam. Nhưng vì những bất đồng về vấn đề ai là người có quyền đi bỏ phiếu cho nên cuộc trưng cầu dân ý tại Abyei đã bị đình hoãn nhiều lần. Hiện vẫn chưa biết khi nào mới có thể tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.

Nếu xảy ra một cuộc nội chiến thứ ba giữa miền Bắc và Miền nam, thì chắc chắn không thể lường được những hậu quả cho cả hai miền cũng như cho toàn vùng.

Theo giải thích của ông Hilbert, vào khoảng ngày 19 tháng 5 năm 2011, quân đội miền nam đã khai hỏa vào một đơn vị miền Bắc ở Abyei được Liên hiệp quốc tháp tùng ra khỏi vùng này.

Ngày 21 tháng 5 năm 2011, Chính phủ Miền Bắc đã phản ứng bằng cách đưa quân sang xâm chiếm Abyei. Theo giải thích của nhiều dân cư địa phương, đây là một cái cớ để chính phủ Miền Bắc lấy lại vùng này.

Ngày 24 tháng 5 năm 2011, tổng thống Miền Bắc Sudan, ông Omar Al Bashir tuyên bố rằng Abyei thuộc về Miền Bắc Sudan cho nên sẽ không rút quân ra khỏi miền này. Chính phủ Miền Bắc cho biết sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ miền này.

Về phần mình, tổng thống Miền Nam Sudan, ông Salva Kirr nói rằng chính phủ Miền Nam sẽ không đáp trả bằng hành động quân sự.

Theo ông Hilbert, hiện nay các nhà ngoại giao đang tìm cách thuyết phục tổng thống Bashir cho triệt thoái quân đội ra khỏi vùng Abyei.

Chính phủ Miền Bắc Sudan muốn được thế giới tha cho một món nợ lên đến hàng chục tỷ mỹ kim, đồng thời thiết lập ngoại giao với Hoa kỳ, là nước vẫn xem Khartoum như một chính phủ bảo trợ cho các hoạt động khủng bố quốc tế.

Theo một số chuyên gia, sở dĩ tổng thống Bashir cho quân xâm chiếm Abyei là vì ông muốn thị võ dương oai để đe dọa các thành phần bất đồng chính kiến trong nước là những người đang muốn có một cuộc cách mạng ôn hòa theo kiểu Ai cập.

Trong một bài nhận định, giáo sư Andrew Natsios, thuộc trường đại học Georgetown, người đã từng làm đặc sứ Hoa kỳ tại Sudan, giải thích rằng tổng thống Bashir đã thanh trừng các nhà đối lập chính trị khỏi những chức vụ cao cấp trong quân đội trước khi ra lệnh cho quân đội xâm chiếm Abyei.

Abyei là giếng dầu của Miền Nam Sudan, nhưng các nhà máy lọc dầu, các ống dẫn dầu và các phương tiện xuất khẩu lại nằm ở miền Bắc Sudan.

Qui chế của vùng này vẫn chưa được xác định khi Miền nam tuyên bố độc lập vào ngày 9 tháng 7 năm 2011.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page