Ðức Thánh Cha tiếp tục quảng diễn

về ý nghĩa và phương thức cầu nguyện

 

Ðức Thánh Cha tiếp tục quảng diễn về ý nghĩa và phương thức cầu nguyện.

Vatican (Vat. 1/06/2011) - Sáng thứ Tư 1 tháng 6 năm 2011, đã có lối 20 ngàn tín hữu hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài tiếp tục quảng diễn về ý nghĩa và phương thức cầu nguyện.

Trong bản tóm tắt bằng tiếng Anh, Ðức Thánh Cha nói:

"Anh chị em thân mến, tiếp tục bài giáo lý về kinh nguyện Kitô giáo, nay chúng ta hướng về hình ảnh vị đại ngôn sứ Môisê. Trong tư cách là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Israel, Môisê là mẫu gương về kinh nguyện chuyển cầu. Chúng ta thấy rõ điều này trong giai thoại con bò vàng (Xh 32). Khi Môisê từ trên núi Sinai xuống, nơi ông đã trải qua 40 ngày ăn chay, chuyện vãn với Thiên Chúa và lãnh nhận hồng ân lề luật, ông thấy dân chúng bất trung đang thờ lạy con bò vàng, và thấy cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Môisê đã chuyển cầu cho dân, và hoàn toàn ý thức tội lỗi nặng nề của họ. Ông cũng cầu xin Chúa nhớ lại lòng từ bi thương xót của Ngài, mà tha thứ tội cho dân, và qua đó biểu lộ quyền năng cứu độ của Chúa. Kinh nguyện thỉnh cầu của Môisê là một sự biểu lộ chính ý muốn của Thiên Chúa mong ước ơn cứu độ cho dân Ngài và lòng trung thành của Chúa đối với giao ước. Qua kinh nguyện chuyển cầu, Môisê càng ý thức về Chúa và lòng từ bi của Ngài, và có thể yêu hương đến độ tự hiến thân mình. Trong kinh nguyện ấy, Môisê báo trước vị chuyển cầu tuyệt hảo là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, Ðấng sẽ mang lại một giao ước mới mẻ và vĩnh cửu trong máu của Ngài, được đổ ra để tha thứ tội lỗi và hòa giải mọi con cái Thiên Chúa."

Bài tiếng Ý

Trước bài tiếng Anh trên đây, Ðức Thánh Cha đã quảng diễn chi tiết hơn bằng tiếng Ý ý nghĩa việc cầu nguyện như lời chuyển cầu và đặc biệt chú ý đến cách thức chuyển cầu của Môisê. Chẳng hạn Ðức Thánh Cha nói: "Lời cầu khẩn của ông Môisê hoàn toàn qui trọng tâm vào lòng trung tín và ân sủng của Chúa. Trước tiên, ông nhắc đến lịch sử cứu chuộc mà Thiên Chúa đã khởi sự với việc đưa Israel ra khỏi Ai cập, rồi ông nhắc đến lời hứa của Chúa với các Tổ Phụ. Chúa đã thực hiện ơn cứu độ giải thoát dân Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập; ông Môisê đặt câu hỏi: "Vậy tại sao người Ai Cập sẽ phải nói 'Chúa ác tâm đưa họ ra, để họ chết trên núi và tiêu diệt họ khỏi mặt đất?" (Xh 32,12). Công trình cứu độ đã khởi sự phải được hoàn thành; giả sự Thiên Chúa làm cho dân ngài chết, thì sự kiện này có thể bị giải thích như một dấu chỉ Chúa không có khả năng hoàn tất dự án cứu độ của Ngài. Thiên Chúa không thể cho phép điều ấy xảy ra: Ngài là Chúa nhân từ cứu độ, là người bảo đảm sự sống, là Thiên Chúa từ bi và tha thứ, giải thoát khỏi tội lỗi tàn hại."

Ðức Thánh Cha cũng ứng khẩu nói thêm thêm rằng:

"Các Giáo Phụ đã nhìn thấy nơi ông Môisê đứng trên đỉnh núi diện đối diện với Thiên Chúa và chuyển cầu cho dân, ông tự nguyện hiến thân "xin Chúa hủy diệt con đi". Các Giáo Phụ coi ông Môisê là hình ảnh tiên báo Chúa Kitô, - trên đỉnh cao của Thánh Giá, - thực sự đứng trước Thiên Chúa không những như một người bạn, nhưng còn như một người con, và không những đề nghị "Xin Chúa hủy diệt con đi" với trái tim bị đâm thâu qua của Ngài, nhưng - như thánh Phaolô đã nói-, Ngài còn trở thành "tội lỗi": mang lấy tội lỗi chúng ta để chúng ta được cứu thoát. Lời chuyển cầu của Ngài không những là tình liên đới, nhưng còn đồng hóa với chúng ta, mang tất cả chúng ta vào thân mình của Người, vì thế trọn cuộc sống của Ngài như một người, một người con, là tiếng kêu lên tới con tim Thiên Chúa, là tha thứ, một sự tha thứ biến đổi và canh tân. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải suy tư về thực tại này: Chúa Kitô đứng trước nhan Thiên Chúa và cầu cho chúng ta. Kinh nguyện của Ngài trên thập giá đồng thời với tất cả mọi người, nhưng cũng đồng thời với tôi: ngài cầu nguyện cho tôi, Ngài đã và đang chịu đau khổ cho tôi, đồng hóa với tôi, mang lấy thân thể và linh hồn phàm nhân, và mời gọi chúng ta đi vào sự đồng hóa ấy, kết hiệp với Ngài trong ước muốn của chúng ta trở thành một thân thể, một tinh thần với Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho sự đồng hóa ấy biến đổi chúng ta, đổi mới chúng ta, để ơn tha thứ trở thành canh tân và biến đổi."

Và Ðức Thánh Cha nói rằng: "Tôi muốn kết thúc bài giáo lý này với những lời thánh Phaolô nói với các tín hữu Kitô ở Roma: "Ai sẽ đưa ra những lời cáo buộc chống lại những người mà Thiên Chúa chọn lựa? Thiên Chúa là Ðấng làm cho nên công chính. Ai sẽ kết án? Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết, đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa và chuyển cầu cho chúng ta. Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô? (..) dù sự chết dù sự sống, thiên thần hay vương thần (..), không một thụ tạo nào có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, Ðấng ở trong Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta" (Rm 8,33-35.38.39)

Chào thăm các tín hữu

Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, Ðức Thánh Cha cũng đưa ra những lời khích lệ thực hành: chẳng hạn với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài nói "Giống như Môisê, chúng ta cũng hãy trở thành những người chuyển cầu nơi Thiên Chúa, vì chúng ta cũng liên đới với các anh chị em chúng ta. Chúng ta hãy nồng nhiệt mong ước ơn cứu độ mà Chúa muốn ban cho tất cả mọi người. Ý thức rõ lòng từ bi của Chúa, chúng ta sẽ có thể yêu thương đến độ tận hiến bản thân mình".

Với các tín hữu nói tiếng Ðức, Ðức Thánh Cha đề cao cuộc sống thân mật của Ông Môise với Thiên Chúa yêu thương và trung thành. "Niềm tín thác của ông chính là gương mẫu cho chúng ta. Chúng ta đừng mệt mỏi trong việc cầu nguyện cho tha nhân và cùng với họ tiến bước trên con đường trọn lành."

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh Cha đặc biệt gửi lời chào thăm các bạn trẻ sẽ gặp gỡ nhau vào thứ bẩy tới đây tại Lednica. Ngài nói: "Các con thân mến, hãy cảm tạ Thiên Chúa vì cuộc sống và lễ phong chân phước cho Ðức Gioan Phaolô 2, là người cha, người hướng đạo, là linh mục và là người bạn của giới trẻ. Người đã xây nhà trên đá tảng là Chúa Kitô! Người theo tiếng nói của Tin Mừng, kiên trì trong kinh nguyện và Thờ Lạy Thánh Thể. Người có một tâm hồn rộng mở đối với tất cả mọi người, chịu đau khổ với Chúa Kitô. Chân phước Giáo Hoàng thực là một người lữ hành đức tin đặc biệt. Ước gì chủ đề cuộc gặp gỡ là "Gioan Phaoliô 2 - điều đáng kể chính là sự thánh thiện!". Cha chân thành chúc lành cho hành trình của chúng con hướng về sự thánh thiện."

Trong lời chào thăm các tín hữu Croát, ngài loan báo: "Các bạn thân mến, thứ bẩy và chúa nhật này, tôi sẽ đến thủ đô Zagreb để cùng với anh chị em cử hành Ngày Các Gia đình Công Giáo Croát. Trong khi tôi vui mừng chờ đợi cuộc gặp gỡ ấy, tôi mời gọi các bạn cầu nguyện để cuộc viếng thăm của tôi tại đất nước yêu quí này mang lại nhiều thành quả thiêng liêng và các gia đình Kitô trở thành muối đất và ánh sáng thế gian".

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh Cha đặc biệt chào thăm các Tiểu Muội Thừa Sai bác ái của thánh Luigi Orione, đang cử hành Tổng tu nghị, và tôi cầu chúc các chị ngày càng trung thành hơn với đoàn sủng của Ðấng sáng lập, để can đảm đáp ứng những thứ nghèo mới.

Với các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng: "Hôm nay chúng ta bắt đầu tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúng ta hãy năng dừng lại để chiêm ngắm mầu nhiệm sâu xa này của Tình Yêu Chúa. Với các người trẻ, nơi Trường Thánh Tâm Chúa Kitô, các con hãy học cách nghiêm túc đảm nhận trách nhiệm đang chờ đợi các con. Và hỡi anh chị em bệnh nhân, hãy tìm thấy nơi nguồn mạch vô biên này của lòng từ bi Chúa niềm can đảm, lòng kiên nhẫn thi hành thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Và hỡi anh chị em là các đôi tân hôn, anh chị em hãy trung thành với tình yêu Thiên Chúa và làm chứng tình yêu ấy qua tình yêu phu phụ của anh chị em."

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page