Viễn tượng cuộc sống chung
của Kitô giáo và Hồi giáo tại Ai cập
Viễn tượng cuộc sống chung của Kitô giáo và Hồi giáo tại Ai cập.
Ai cập [Time 31/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong bài diễn văn về Trung đông hôm 19 tháng 5 năm 2011, tổng thống Hoa kỳ Barack Obama đã cảnh cáo: "Trong một vùng đất đã từng là nơi khai sinh của ba tôn giáo lớn trên thế giới, sự bất khoan nhượng chỉ có thể dẫn đến đau khổ và bế tắc mà thôi". Theo tổng thống Hoa kỳ, để cho cuộc cách mạng ôn hòa vừa qua tại Ai cập thành công, thì các tín hữu kitô Copte tại nước này phải có quyền thờ phượng một cách tự do tại Cairo, cũng như người hồi giáo Shiite không bao giờ thấy các đền thờ của họ tại Bahrain bị phá hủy.
Bên kia những hệ lụy chính trị, chiều kích tôn giáo trong các cuộc nổi dậy tại Trung đông là một yếu tố nổi bật.
Sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, ông Samuel Huntington, giáo sư tại đại học Harvard, Hoa kỳ, cho rằng thế giới đang chứng kiến một cuộc xung đột giữa các nền văn minh. Năm 1993, giáo sư này lại cho rằng Hồi giáo dạy cho các tín đồ của mình thù ghét tự do, đa nguyên và cá nhân chủ nghĩa.
Tuy nhiên, các cuộc nổi dậy tại các nước Á rập mới đây cho thấy luận đề của ông Huntington hoàn toàn sai. Tại 20 quốc gia hồi giáo, dân chúng đã xuống đường đòi hỏi chính những điều mà người Tây phương đã từng đòi hỏi, tức dân chủ và các quyền tự do. Nhưng một số biến cố xảy ra gần đây lại khiến cho người ta quay trở lại với luận đề của giáo sư Huntington. Ngày 7 tháng 5 năm 2011, nhiều nguời hồi giáo đã đến bao vây nhà thờ thánh Mina, ngọai ô Cairo. Họ yêu cầu Giáo hội Chính thống phải trả tự do cho một người phụ nữ, vốn là vợ của một linh mục, mà họ cho là đã cải đạo sang Hồi giáo và bị Giáo hội này giam giữ. Các tín hữu kitô Copte, vốn chiếm 10 phần trăm dân số, cũng hối hả chạy đến bảo vệ nhà thờ. Cuộc đụng độ đã diễn ra khiến cho 15 người bị giết chết và trên 200 nguời bị thương. Ngoài ra, còn có ba nhà thờ Copte khác bị đốt cháy.
Sự cố trên đây đã được truyền thông thế giới diễn dịch như một thể hiện của đầu óc bất khoan nhượng của người hồi giáo và cuộc đụng độ giữa Hồi giáo và Kitô giáo.
Thật ra, bên cạnh những điều đáng tiếc trên đây, cũng có những sự kiện mang lại lạc quan và đồng thời là một đe dọa cho chủ nghĩa hồi giáo cực đoan. Ðiển hình nhứt là chuyện xảy ra tại ngôi làng nhỏ có tên là Sol, trong tỉnh Helwan, Ai cập. Là một ngôi làng nghèo nàn hẻo lánh nằm giữa sa mạc, Sol là nơi mà ngôi nhà thờ đầu tiên đã bị đốt cháy chỉ vài ngày sau khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. Tin đồn là nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột: một tín hữu kitô có quan hệ tình ái với một thiếu nữ hồi giáo. Mối quan hệ đã tạo ra xung đột trong gia đình của người thiếu nữ. Hai gia đình đụng độ nhau khiến cho hai người thiệt mạng, trong số này có cha của người thiếu nữ.
Sau các đám tang, một đám đông người hồi giáo đã đi tìm gặp người thanh niên kitô mà họ cho là đang trốn trong nhà thờ. Có người còn nói rằng khi vào bên trong nhà thờ, người hồi giáo đã bị bùa ma ám hại. Thế là họ đã nổi lửa đốt phá ngôi thánh đường. Ðây chính là loại bạo động mà tổng thống Mubarak đã từng cảnh cáo: hãy để cho tôi tiếp tục cầm quyền, nếu không những chia rẽ giữa các tôn giáo sẽ làm tan nát đất nước.
Nhưng điều không ai ngờ đã xảy ra: một nhóm thanh niên hồi giáo và một số lãnh tụ kitô tại Cairo đã tức tốc đến Sol để giải quyết vấn đề. Nhóm người này đã từng sát cánh bên nhau trong cuộc cách mạng ôn hòa tại quảng trường Tahrir. Trong những ngày nổi dậy, các tín hữu kitô đã dàn ra để bảo vệ người hồi giáo khi họ cầu nguyện. Người hồi giáo cũng làm như thế khi các tín hữu kitô tham dự thánh lễ. Cũng có lúc tín đồ hồi giáo và các tín hữu kitô nắm tay nhau để bảo vệ Hội đuờng lịch sử của người do thái tại Cairo. Họ trương lên một lúc quyển Kinh Thánh và Kinh Coran bên cạnh nhau như biểu tượng của một Ai cập mới.
Ông Hossam Bahgat, giám đốc điều hành của tổ chức "Sáng kiến bênh vực quyền cá nhân", với chủ trương lọai trừ óc tôn giáo cực đoan, nói rằng trong cuộc cách mạng, mọi người, kể cả tổ chức cực đoan "Huynh đệ hồi giáo" đều khẳng định rằng "Ai cập là của mọi người, không nên có kỳ thị".
Làng Sol là một trắc nghiệm cho sự hài hòa này. Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, bộ di tích lịch sử Ai cập đã cử một phái đoàn đến viếng thăm Sol. Phái đoàn gồm có đại diện của tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo", đại diện của hệ phái hồi giáo Salafi mà những thành phần cực đoan đã đốt phá nhà thờ thánh Mina cũng như nhiều sĩ quan quân đội. Phái đoàn đã tổ chức một cuộc tuần hành kêu gọi hiệp nhứt. Giáo sĩ Amr Khaled, nhà thuyết giảng hồi giáo nổi tiếng trên truyền hình Ai cập, kêu gọi: "Sứ điệp của tôi tại đây và hôm nay cho người hồi giáo và các tín hữu kitô là: chúng ta hãy nắm tay nhau".
Quân đội hứa sẽ tái thiết nhà thờ tại Sol. Phóng viên Bruce Feiler của tạp chí Time thuật lại rằng, vài tuần lễ sau, ông đã trở lại Sol và chứng kiến cảnh mọi người, già trả lớn bé, thuộc mọi giai cấp xã hội và tôn giáo, đang góp công xây dựng ngôi thánh đường. Phóng viên Feiler viết: "Ðây là biểu hiện tỏ tường của một Trung đông đang biến chuyển".
Theo nhận định của phóng viên này, Hồi giáo tự nó không phải là vấn đề. Dĩ nhiên, Kinh Coran cũng như Kinh Thánh, có thể bị khai thác vì những mục tiêu chính trị. Nhưng phần lớn dân chúng đều không chấp nhận chủ nghĩa hồi giáo cực đoan. Sau biến cố xảy ra tại Sol, một cuộc thăm dò cho thấy có đến 84 phần trăm dân số ai cập nghĩ rằng các tín hữu kitô Copte và các tín đồ các tôn giáo thiểu số khác phải được tự do thực hành tôn giáo của mình.
CV.