Nhận định về chính sách mới của Tòa thánh

đối với Caritas quốc tế

 

Nhận định về chính sách mới của Tòa thánh đối với Caritas quốc tế.

Roma [Le Figaro 27/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Nhựt báo Pháp "Le Figaro" [người thợ cạo], trong số ra ngày thứ Sáu 27 tháng 5 năm 2011, đã có bài nhận định về chính sách mới của Tòa thánh đối với Caritas Quốc tế. Báo này gọi đây là một cuộc cách mạng dưới triều đại của đức Benedicto XVI. Chúng tôi xin được trích đọc bài báo hầu quý vị và các bạn trong mục thời sự này.

Theo báo Le Figaro, "những diễn tiến sâu xa, có tính cách lịch sử không luôn luôn là những biến cố rầm rộ, đình đám". Ðây là trường hợp những gì vừa xảy ra trong giáo triều Roma trong tuần qua, bởi vì nó thể hiện hướng đi của triều đại đức Benedicto XVI và của toàn thể Giáo hội Công giáo: Tòa thánh muốn kiểm soát toàn bộ họat động của Caritas quốc tế, tổ chức chuyên trách về cứu trợ nhân đạo của Giáo hội, nhân dịp tổ chức này họp khoáng đại từ ngày 22 đến 27 tháng 5 năm 2011 để kỷ niệm 60 năm thành lập.

Caritas quốc tế là một tổ chức rộng lớn với 165 chi nhánh tại mỗi quốc gia; mỗi chi nhánh phối hợp các hiệp hội nhân đạo công giáo chuyên trợ giúp cụ thể cho 24 triệu người trên khắp thế giới trong các lãnh vực xã hội, giáo dục, y tế v.v. 165 chi nhánh này xử dụng một lực lượng nhân viên được trả lương là 440 ngàn người, không kể 625 ngàn thiện nguyện viên làm việc bán thời gian.

Báo Le Figaro nhận định rằng đây là một công việc đáng ca ngợi, trải rộng đến mọi nơi, nhưng thường không được biết đến, ngay cả còn bị khinh rẽ là khác. Ðây là một guồng máy vĩ đại, nhưng không tập trung, mà ngân sách, vốn xuất phát từ của dâng cúng cũng như các quỹ công, có thể lên đến 4 tỷ âu kim.

Nhân dịp đại hội của Caritas quốc tế, Tòa thánh không những đã quyết định không cho bà Lesley Ann Knight, Tổng thư ký của tổ chức được tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa, vì cho rằng người phụ nữ này quá độc lập. Tòa thánh còn xác định lại chính sách chung của tổ chức. Một cách cụ thể, Tòa thánh yêu cầu Caritas quốc tế, trong khi hoạt động nhân đạo, đừng xem Giáo hội Công giáo như một đối tác, dù có đặc biệt hơn những đối tác khác, mà phải như lý do hiện hữu và dấn thân của Tổ chức.

Nói cách khác: hoạt động xã hội của Giáo hội Công giáo không thể tách lìa với niềm tin công giáo, mà phải được xác định rõ ràng là "công giáo".

Ðây là điều đức thánh cha muốn nhấn mạnh trong buổi tiếp kiến dành cho các tham dự viên của Hội nghị hôm thứ Sáu 27 tháng 5 năm 2011. Ngài nói: "Ðối với các tín hữu kitô chúng ta, Thiên Chúa là Nguồn mạch bác ái và bác ái được hiểu không chỉ như một thứ "vị tha mơ hồ", mà như là hiến thân, đến độ hy sinh chính mạng sống của mình như chính Chúa Giesu Kitô." Theo Ðức thánh cha, "Tòa thánh có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của Caritas và làm sao để hoạt động nhân đạo và bác ái cũng như nội dung của các tài liệu được Caritas phổ biến, ăn khớp với Tòa thánh và với quyền giáo huấn của Giáo hội, đồng thời họat động của Caritas cũng phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp và trong suốt".

Ðức thánh cha cảnh cáo: "Kinh nghiệm mà chúng ta đã tích lủy được trong những năm gần đây đã dạy chúng ta phải trở thành phát ngôn viên trong cộng đồng thế giới của một cái nhìn về con người được nuôi dưỡng bởi giáo lý công giáo và dấn thân bảo vệ phẩm giá của mỗi một người. Không có một nền tảng siêu việt, không quy chiếu về Thiên Chúa Tạo Hóa, không quan tâm đến số phận đời đời của con người, chúng ta có nguy cơ làm mồi cho các ý thức hệ độc hại".

Về phần mình, trong bài diễn văn khai mạc Ðại hội, Ðức hồng y Tarcicio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh, cũng lên tiếng cảnh cáo về điều mà ngài gọi là "một sự trợ giúp nhân đạo không màng đến bản sắc kitô và có một hướng đi trung lập, chỉ tìm cách làm đẹp lòng thế giới". Ðức hồng y Bertone khẳng định: "Giáo hội không chỉ làm bác ái, mà làm bác ái như Chúa Kito".

Ðức hồng y Robert Sarah, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Cor Unum [Ðồng tâm] tức Hội đồng Giám sát toàn bộ các hoạt động bác ái của Giáo hội, cũng đã cảnh cáo: "Caritas mà không là một thể hiện của "Giáo hội" sẽ không có ý nghĩa và cũng không hiện hữu". Vị Hồng y này nói: "Cơm bánh là điều quan trọng, tự do là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả chính là niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu và việc chúng ta phải quì gối thờ lạy và phục vụ Ngài như những đày tớ của người nghèo".

Theo nhận định của báo Le Figaro, có hai lý do để Tòa thánh nhắc lại bản sắc công giáo của Caritas Quốc tế. Trước hết, đây chính là chương trình cải tổ mà Ðức thánh cha đã đề ra năm 2005, khi vừa được bầu làm Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ. Thật vậy, vị giáo hoàng này muốn mang lại "bản sắc công giáo" cho một Giáo hội đang nghi ngờ về chính mình kể từ sau công đồng Vatican II. Theo vị giáo hoàng này, Giáo hội cần phải nối kết với truyền thống.

Một cách tỏ tường hơn, Ðức thánh cha đã thực hiện cuộc cải tổ này trong phụng vụ khi cho phép cử hành thánh lễ theo nghi thức tiền công đồng. Một cách kín đáo hơn, vị giáo hoàng này cũng thực hiện cuộc cải tổ bằng cách bổ nhiệm những vị giám mục "cổ điển hơn" và ít dấn thân về xã hội hơn các vị tiền nhiệm của các vị.

Theo báo Le Figaro, việc tòa thánh nắm quyền kiểm soát lại Caritas Quốc Tế và xác định bản sắc công giáo của tổ chức này sẽ bị chỉ trích. Nhưng đức Benedicto XVI đã cho thấy không gì có thể chống lại quyết tâm của ngài, quyết tâm mà ngài xem như trách nhiệm cao cả nhứt của một vị giáo hoàng: đó là giữ cho Giáo hội luôn trung thành với bản sắc công giáo của mình.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page