Một hình thức tu trì mới cho giáo dân

theo tinh thần thánh Biển Ðức

 

Một hình thức tu trì mới cho giáo dân theo tinh thần thánh Biển Ðức.

Roma [National Catholic Reporter 13/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Vào giữa lúc đại diện các dòng tu trên khắp thế giới đang tham dự một hội nghị tại Roma để tìm kiếm một bản sắc mới cho đời sống tu trì trước những thách đố của một thế giới không ngừng thay đổi, thì tại Hoa kỳ, các nữ tu dòng Biển Ðức Erie, bang Pensylvania, đã tung ra điều mà các nữ tu gọi là một phong trào sống đời viện tu cho giáo dân.

Với tên gọi "Các tu viện của Tâm hồn: một phong trào mới cho một thế giới mới", các nữ tu Biển Ðức Erie muốn cống hiến cho mọi người, bất luận thuộc tôn giáo hay ngay cả không thuộc tôn giáo nào, một cơ hội đế sống linh đạo và những giá trị Biển Ðức trên các cộng đồng mạng hay trong các nhóm gia đình, bạn hữu, láng giềng hoặc những nguời cùng thuộc một giáo xứ.

Theo tinh thần của Phong trào mới này, các thành viên của các cộng đồng sẽ xây dựng "tu viện riêng của họ bằng cách nâng đỡ nhau bằng lời cầu nguyện, bằng việc làm có ý nghĩa, bằng những nỗ lực xây dựng hòa bình và chăm sóc thiên nhiên. Họ có thể tụ họp xung quanh một bàn ăn hay trong một cộng đồng mạng không có tường thành" để cầu nguyện, thảo luận và suy tư.

Nữ tu Mary Lou Kownacki, điều hợp viên của Phong trào này nói rằng "Các tu viện của Tâm hồn" không phải là một cộng đoàn tu có lời khấn và cũng không bao giờ có ý định trở thành một dòng tu, mặc dù những người tham gia vào phong trào đều được mời gọi sống theo những giá trị của các tu viện Biển Ðức. Tuy nhiên, "Các tu viện của Tâm hồn" muốn cống hiến một hình thức tu trì mới theo đặc sủng của thánh Biển Ðức là sống cộng đoàn, cầu nguyện và lao động.

Dự án này được đề ra cùng một lúc với việc tu viện Biển Ðức Erie cho phổ biến cuốn sách có tựa đề "Tu viện của Tâm Hồn: một lời mời gọi sống một cuộc sống có ý nghĩa".

Nữ tu Kownacki giải thích rằng dự án và cuốn sách nói trên có mục đích đáp ứng lại sự khao khát sống linh đạo Biển Ðức và những đòi hỏi phải phát huy một hình thức tu trì mới "cho một bộ mặt mới của xã hội".

Theo nữ tu Kownacki, hiện nay tại Hoa kỳ và trên khắp thế giới đang có một nỗi khao khát mãnh liệt về đời sống thiêng liêng mà các dòng tu không luôn luôn thỏa mãn được. Bà nói: "Chúng tôi tin rằng các giá trị của linh đạo Biển Ðức có thể thỏa mãn một phần nhu cầu của những người đang tìm kiếm". Dự án "các tu viên của tâm hồn" là một cố gắng đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng ấy.

Các nữ tu Biển Ðức trên khắp thế giới là những người cam kết sống theo một lối sống đuợc đề ra trong Qui Luật Thánh Biển Ðức đã có từ 15 thế kỷ nay. Theo những người phát động phong trào giáo dân sống đời tu trì, linh đạo của thánh Biển Ðức mời gọi sống cuộc sống đời thường một cách phi thường.

Theo chương trình huấn luyện, những ai muốn tham gia phong trào này có thể tham dự một tháng tĩnh tâm trên mạng dựa theo cuốn sách "Tu viện của tâm hồn: một lời mời gọi sống một cuộc sống có ý nghĩa". Cuộc tĩnh tâm đã bắt đầu từ ngày 9 tháng 5 và sẽ kéo dài cho đến ngày 3 tháng 6 năm 2011. Trong một tháng tĩnh tâm, các tham dự viên có thể học hỏi những yếu tố chủ yếu của linh đạo Biển Ðức như được trình bày trong cuốn sách.

Cuộc tĩnh tâm trên mạng này là một trong 65 chương trình đã được nhiều tu viện Biển Ðức tổ chức từ năm năm qua. Các chương trình này được sọan thảo không chỉ riêng cho người công giáo mà cho các tín hữu Tin lành, Do thái, Hồi giáo Sufi và ngay cả những người không có đạo.

Christine Valters Paintner, một nữ tu Biển Ðức đang điều khiển một "tu viện ảo" trên mạng có tên là "Ðan viện Nghệ thuật", cho biết: hai lớp học trên mạng đầu tiên của bà về thực hành chiêm niệm đã thu hút rất nhiều học viên. Nữ tu này nói rằng dân chúng không cần phải ở trong một tu viện mới sống được đời sống chiêm niệm.

Leah Rampy, giám đốc điều hành của Học viện đại kết Shalem về huấn luyện tu đức, nói rằng cần phải có những tổ chức để giúp dân chúng liên kết với nhau trong tinh thần và kỹ thuật đang mời gọi chúng ta đi vào những con đường mà chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ tới trứơc đó.

Liz Ellmann, giám đốc điều hành của tổ chức quốc tế "Các nhà linh hướng", cũng đồng một quan điểm như trên. Bà nói rằng thời đại này là cao điểm của những trải nghiệm thiêng liêng không còn đóng khung trong bốn bức tường thành nữa.

Cha Paul Coutinho, một học giả dòng tên chuyên về linh đạo thánh Inhaxio nói rằng không những các tín hữu kitô, mà dân chúng thuộc mọi truyền thống tôn giáo đều khao khát có một linh đạo khả dĩ giúp họ sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Cha Coutinho nói rằng phần lớn những người rời bỏ tôn giáo của mình đều khẳng định rằng họ vẫn có một niềm tin mạnh mẽ, nhưng những nhu cầu thiêng liêng của họ không được đáp trả. Theo cha, các tôn giáo ngày nay nhấn mạnh đến giáo lý và các nghi thức hơn là cảm nghiệm và mối quan hệ sâu xa với Thiên Chúa.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page