Giáo hội Công giáo tại Indonesia
kỷ niệm 50 năm
thành lập hàng giáo phẩm
Giáo hội Công giáo tại Indonesia kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm.
Indonesia [Ucanews 25/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Giáo hội Công giáo tại Indonesia mừng kỷ niệm 50 năm (1961-2011) hàng giáo phẩm nước này được thành lập.
Ðức cha Martinus Dogma Situmorang, thuộc dòng Capucin, Giám mục Padang, chủ tịch hội đồng giám mục Indonesia, đã nhấn mạnh đến vai trò của người giáo dân trong Giáo hội. Ngài gọi cuộc hành trình 50 năm qua là "kết quả của sự đồng lao cộng khổ giữa hàng giáo phẩm và giáo dân".
Ðề cao sự đóng góp của giáo dân cho hàng giáo phẩm, Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia nói rằng "Giáo hội địa phương lớn mạnh không phải chỉ nhờ vào các đức giám mục hay các linh mục, mà toàn thể người công giáo".
Theo đức cha Situmorang, dựa vào khả năng chuyên môn của mình, người giáo dân đã đóng góp rất nhiều cho hàng giáo phẩm. Ngoài ra, nhờ dấn thân vào nhiều họat động mục vụ và tu đức cũng như yểm trợ tài chính, người giáo dân đã giúp làm nhẹ gánh nặng trách nhiệm của các đức giám mục.
9 tháng sau khi các đức giám mục Indonesia trình thỉnh nguyện thư lên Tòa thánh, ngày 3 tháng Giêng năm 1961, chân phước Gioan 23 đã ký sắc chỉ có tựa đề "Quod Christus Adorandus" [phải thờ lạy Chúa Kitô] để chính thức thiết lập hàng giáo phẩm Công giáo tại Indonesia.
Kể từ khi hàng giáo phẩm được thành lập, Giáo hội Công giáo tại Indonesia không ngừng phát triển về mọi mặt. Con số các nhân viên mục vụ gồm linh mục và giáo dân không ngừng gia tăng.
Có một lý do khác để Giáo hội Công giáo tại Indonesia mừng kỷ niệm biến cố này là trong 50 năm qua, Giáo hội đã ngày càng trở nên một thành phần đầy đủ của xã hội đa văn hóa tại Indonesia. Giáo hội tại đây không ngừng hãnh diện với khẩu hiệu: "100 phần trăm là người công giáo và 100 phần trăm là người Indonesia".
Trong Hội nghị dân Chúa hồi năm 2010, Hội đồng Giám mục Indonesia đã cho phép mỗi giáo phận tùy nghi tổ chức mừng biến cố theo chương trình riêng của mình.
Trong 50 năm qua, con số các nhân viên Giáo hội, cách riêng các linh mục, nữ tu, giám mục và thành viên các hội dòng gia tăng một cách đáng kể. Ðức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia nói rằng Giáo hội tại đây có đủ lý do để tạ ơn Chúa "vì đã không ngừng chọn lựa những người để phục vụ Dân Người". Ngài cũng ngỏ lời cám ơn các gia đình công giáo vì luôn sẵn sàng dâng hiến con cái mình để phục vụ Giáo hội.
Tính đến nay, dân số công giáo tại Indonesia đã tăng lên gần 6 triệu 800 ngàn người, hiện sống rãi rác trong 27 giáo phận, được cai quản bởi 10 Tổng giám mục, 26 Giám mục, 6 Giám mục về hưu và gần 3,700 linh mục.
Hàng giáo phẩm Indonesia được xã hội đánh giá cao vì những nỗ lực không ngừng để duy trì sự hài hòa, tính đa nguyên và cuộc đối thọai liên tục với các tôn giáo và văn hóa khác.
Bằng những cách khác nhau, các Ðức giám mục Indonesia cũng nhấn mạnh đến nỗ lực của các ngài trong cuộc chiến bảo vệ môi sinh, tranh đấu cho công bình xã hội và đảm nhận những trách nhiệm xã hội khác.
Hàng giáo phẩm đóng một vai trò quan trọng trong việc động viên người công giáo thực thi niềm tin của mình trong xã hội. Trong những năm gần đây, các lá thư mục vụ của các Ðức giám mục thường đề cập đến những vấn đề xã hội không chỉ đối với người công giáo mà còn cả đối với những người ngoài công giáo.
Giáo hội Công giáo chiếm khoảng 3.05 phần trăm dân số và là một trong 6 tôn giáo lớn được nhìn nhận tại Indonesia.
Vào thế kỷ 16, trên đường đi tìm kiếm gia vị, người Bồ đào nha đã đặt chân đến Á châu và chiếm đảo Malacca vào năm 1511. Cùng với những nhà hàng hải này, các nhà thừa sai công giáo cũng đặt chân đến vùng này. Ðáng chú ý nhứt trong số các nhà thừa sai là thánh Phanxico Xavier. Thánh nhân đã từng họat động truyền giáo tại Ambon, Ternate và Morotai trong hai năm 1546 và 1547. Khi những nguời Bồ đào nha bị trục xuất khỏi Ternate năm 1574, nhiều người công giáo tại miền bắc Moluccas cũng bị sát hại hay bị cưỡng bách phải trở lại hồi giáo. Năm 1605, người Hoà lan đến chiếm Ambon. Lần này, người công giáo lại bị buộc phải trở lại Tin lành. Ðiều này cũng xảy ra tại Manado và đảo Sangihe Talaud. Năm 1613, đảo Solor cũng rơi vào tay người Hòa lan và hoạt động của các nhà thừa sai chỉ còn giới hạn tại đảo Flores và Timor.
Mãi cho đến năm 1808, người công giáo mới được toàn quyền Hòa lan cho phép tự do thờ phượng và việc nới lỏng tự do này chỉ có giá trị đối với người công giáo gốc Âu Châu.
Từ năm 1835, Giáo hội Công giáo được sát nhập vào chính quyền thực dân: hàng giáo sĩ được chính phủ thực dân trả lương, do đó phải chấp nhận để cho chính phủ quyền được bổ nhiệm. Năm 1846, các cuộc đụng độ vì chính sách tôn giáo khiến chính quyền Hòa lan trục xuất các linh mục công giáo. Năm 1846, chỉ có 4 vùng tại Indonesia còn có nhà thờ công giáo.
Mãi cho đến hậu bán thế kỷ 19, họat động truyền giáo mới bắt đầu lại, nhưng chỉ tập trung tại một số vùng. Ðảo Flores là cứ điểm truyền giáo quan trọng nhứt của Dòng Tên, vì tại đây tự tôn giáo được một thỏa ước ký kết giữa Hòa lan và Bồ đào nha bảo đảm. Bengkulu, Bangka, Tây Borneo và Nam New Guinea cũng là những cứ điểm truyền giáo quan trọng. Trong những vùng khác như Bắc Sumatra, họat động truyền giáo hoàn toàn bị cấm chỉ.
Sau khi Indonesia dành độc lập khỏi tay người Hòa Lan, mặc dù các nhà thừa sai Hòa lan và Âu châu khác bị trục xuất, Giáo hội công giáo đã gia tăng đáng kể.
Mặc dù là quốc gia có đông người hồi giáo nhứt thế giới, Indonesia vẫn tôn trọng tự do tôn giáo và nhìn nhận chỗ đứng của Giáo hội Công giáo trong xã hội.
CV.