Từ thuyền nhân

trở thành Giám Mục Melbourne, Australia

 

Từ thuyền nhân trở thành Giám Mục Melbourne, Australia.

Nguyên bản tiếng Anh: Australia: Vietnamese boat refugee to become bishop - Thông Tấn Công Giáo Anh Quốc Independent Catholic News

Australia (Independent Catholic News 23/05/2011) - Người Công Giáo Việt Nam tại Australia hân hoan cử mừng trước biến cố Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã bổ nhiệm cha Vinh Sơn dòng Phanxicô Viện Tu làm Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Melbourne. Ngài sẽ là Giám Mục Việt Nam cũng như Giám Mục Á Châu đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội tại Úc Châu.

Vị Giám Mục tân cử của tổng giáo phận Melbourne đã trốn thoát cộng sản vào năm 1980 ở tuổi 18 sau khi thấy rằng không có chút hy vọng nào cho cơ may trở thành một linh mục tại Việt Nam. Phó thác hoàn toàn vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa, ngài bỏ lại tất cả sau lưng, ra đi trên một chiếc thuyền mong manh đầy những người đi tìm tự do.

Ðến Úc năm 1981, năm 1983 ngài gia nhập dòng Phanxicô Viện Tu và được thụ huấn để trở thành linh mục tại Melbourne. Sau khi được thụ phong vào ngày 30/12/1989, ngài được gởi sang Rôma tiếp tục theo học đậu Cao Học thần học (STL) tu đức và Kitô học năm 1994 tại Học viện Seraphicum của dòng Phanxicô Viện Tu.

Trở về Úc, cha Vinh Sơn Long được bổ làm Giám đốc các thỉnh sinh của dòng tại Úc (1994-1998). Ngoài ra, cha làm Ðại diện Bề trên miền trong 10 năm trời (Custodial Vicar, 1995-2005), đồng thời cũng đảm nhận các công tác mục vụ như cha sở ở Kellyville thuộc giáo phận Parramatta (1999-2002); Cha sở ở Springvale thuộc tổng giáo phận Melbourne (2002-2008), Bề trên giám tỉnh và thành phần ban lãnh đạo quốc tế (International Leadership Team OFM Conv.) từ năm 2005 đến 2008.

Từ ngày 22 tháng 4 năm 2008, Cha Nguyễn Văn Long là Tổng cố vấn của dòng đặc trách vùng Á châu Thái Bình Dương (FAAMC).

Hoan nghênh việc bổ nhiệm này, Ðức Tổng Giám Mục Denis Hart của tổng giáo phận Melbourne nói hôm thứ Sáu: "Việc bổ nhiệm Ðức Cha Vinh Sơn làm Giám Mục Phụ Tá Melbourne là một biến cố lịch sử. Ngài trốn thoát cộng sản bằng thuyền khi còn là một thanh niên trẻ, đến Melbourne, gia nhập dòng Phanxicô Viện Tu, và đã phục vụ xuất sắc trong tư cách cha sở tại Springvale, cũng như trong tư cách một nhà lãnh đạo của dòng. Ngài đã đóng góp quảng đại và đầy tài ba cho Giáo Hội."

Tin tức về việc bổ nhiệm này đã lan truyền nhanh chóng trong các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc Châu và trên toàn thế giới. Ðặc biệt, hàng giáo sĩ và giáo dân Việt Nam tại các thủ phủ của Úc Ðại Lợi như Melbourne, Sydney, Brisbane, Adelaide và Perth đã vui mừng trong các thánh lễ tạ ơn.

"Ðây thật là một biến cố lịch sử," cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng của Melbourne nói. "Tôi nghĩ đó là một dấu chỉ cụ thể cho thấy Tòa Thánh và Giáo Hội tại Úc đánh giá cao những đóng góp của hàng giáo sĩ và giáo dân Việt Nam tại quốc gia này. Với số linh mục Việt Nam không ngừng tăng lên, tôi tin chắc thế nào cũng sẽ có một Giám Mục gốc Việt một ngày nào đó. Thật là điều tuyệt vời vì mơ ước của tôi có thể trở thành hiện thực quá nhanh như vậy."

Có khoảng 160 linh mục gốc Việt đang phục vụ tại Úc, trong đó riêng ở Melbourne có 35 vị. Một số vị coi sóc mục vụ cho người Việt nhưng đa số các linh mục Việt Nam coi các giáo xứ nói tiếng Anh là chủ yếu.

Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng là Tổng Quản Lý của tỉnh dòng Don Bosco Úc Châu và Thái Bình Dương. Ngài phải thường xuyên thăm viếng 16 cộng đoàn tại Úc, Tân Tây Lan, Samoa và Fiji. Tuy nhiên, trong hàng mấy thập niên qua, ngài vẫn thật tài tình để kiếm ra thời gian điều hành một tạp chí Công Giáo bằng Việt Ngữ, rồi lại làm Hiệu Trưởng một trường dạy tiếng Việt. Chưa hết, ngài còn là Phó Giám Ðốc VietCatholic News, một Thông Tấn Xã Công Giáo cung cấp các tin tức, các bài bình luận và các tài nguyên về đàng thiêng liêng bằng Việt Ngữ.

Một nhạc sĩ thánh ca tài hoa của Việt Nam đang sống tại Sydney, cha Phaolô Chu Văn Chi thú nhận: "Tôi bật khóc vì vui mừng khi hay tin. Sau biết bao nhiêu những tin buồn từ quê nhà, thật là tuyệt vời khi biết một thuyền nhân Việt Nam trở thành Giám Mục Melbourne. Tôi cám ơn Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, Ðức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto, sứ thần Tòa Thánh tại Úc, Ðức Tổng Giám Mục Denis Hart và Giáo Hội tại Úc về nghĩa cử đầy khích lệ này. Tôi tin rằng người Việt Nam tại Úc có thể và phải đóng góp nhiều hơn cho Giáo Hội tại Úc Châu và cho quốc gia Úc Ðại Lợi."

Cha Văn Chi đã bị cầm tù nhiều năm trước khi ngài trốn thoát được cộng sản và tìm tự do tại Úc Ðại Lợi.

Khi cha Phêrô Nguyễn Mộng Huỳnh, một nhạc sĩ danh tiếng khác của Việt Nam, thông báo cho cộng đoàn của ngài trong thánh lễ cuối tuần, họ òa lên trong niềm vui và trong tràng pháo tay rộn rã.

"Biến cố lịch sử này chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đối với ơn gọi trong số những người trẻ Việt Nam. Chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể ơn thiên triệu," ngài nói.

Bình luận về ơn gọi trong giới trẻ Việt Nam, cha Michael Moore, Giám Ðốc Chủng Viện Redemptorist Mater của tổng giáo phận Perth nói: "Perth là một thành phố rất đa văn hoá. Chúng tôi nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đoàn Công Giáo Việt Nam - đức tin của họ rất mạnh. Ơn gọi được đề cao trong các gia đình Việt Nam và được xem là một điều rất tốt đẹp"

Trở ngại ngôn ngữ và khác biệt văn hóa là những trở ngại chính cho việc đáp lại cách quảng đại lời ơn gọi linh mục.

Cha Micae Phạm Quang Hồng của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc khích lệ cộng đoàn của ngài "hãy tạ ơn Chúa, hãy cầu nguyện nhiệt thành cho vị tân Giám Mục, hãy sống tốt hơn nữa theo Tin Mừng, và hoàn toàn phó thác vào ơn Quan Phòng của Thiên Chúa".

Vị linh mục này đã từng phải ngồi tù 10 năm trong các nhà tù cộng sản. Trong suốt 10 năm trời đó, đa số thời gian ngài đã bị giam trong các ngục kiên giam nơi ngài không thấy gì khác ngoài một màn tối đen dày đặc. Nhưng mà trong tình cảnh thê thảm đến như vậy, hy vọng trở thành linh mục chưa bao giờ lụi tàn trong lòng ngài.

Khoảng 0.8% dân số Úc hiện nay được sinh ra tại Việt Nam. Việt Nam là sắc dân đông thứ 5 tại Úc sau Anh quốc, Tân Tây Lan, Trung Hoa và Ý. Theo cuộc tổng điều tra dân số năm 2006, 159,848 người Úc cho biết họ đã được sinh ra tại Việt Nam. Trong số đó, người Công Giáo chiếm 30.3%.

 

(VietCatholic News)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page