Giáo hội Công giáo
tại Châu Mỹ Latinh
Giáo hội Công giáo tại Châu Mỹ Latinh.
Roma [Zenit 19/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Châu Mỹ Latinh là một lục địa đầy hy vọng và là nơi Giáo hội Công giáo có một tiếng nói quan trọng về các vấn đề xã hội. Nhưng một trong những lãnh vực quan trọng là chính trị chưa được "phúc âm hóa" khiến cuộc chiến chống lại nghèo đói không được đẩy mạnh, nhiều người vẫn chưa sống đúng với phẩm giá con cái Chúa. Một số ý thức hệ không màng đến yếu tố này vì chối bỏ chiều kích siêu việt của con người,
Trên đây là nhận định của Ðức hồng y Oscar Andres Rodrigues Maradiaga, Tổng giám mục Tegucigalpa, Honduras, chủ tịch Caritas Quốc tế.
Bên lề Hội nghị kỷ niệm 50 năm thông điệp "Mater et Magister" [Mẹ và Thầy] của chân phước Gioan 23 khai diễn tại Roma hôm 18 tháng 5 năm 2011, Ðức hồng y Maradiaga đã dành cho hãng thông tấn Zenit một cuộc phỏng vấn, qua đó ngài nhìn lại chỗ đứng và vai trò của Giáo hội Công giáo tại Châu Mỹ Latinh cũng như nhắc lại một số điểm nổi bật trong giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Về những quan tâm và hy vọng của Giáo hội tại lục địa có đa số dân theo Công giáo này, Ðức hồng y chủ tịch Caritas Quốc tế khẳng định rằng Giáo hội vẫn tiếp tục là một lý do để hy vọng đối với lục địa này. Mặc dù nghèo đói, gặp nhiều khó khăn và phải không ngừng chiến đấu, dân chúng vẫn không mất hy vọng. Ðây không phải là một thứ lạc quan ngây ngô, mà là một niềm hy vọng được xây dựng trên đức tin.
Theo vị Hồng y người Honduras này, Giáo hội vẫn luôn luôn là một điểm quy chiếu quan trọng cho Châu Mỹ Latinh, ngay cả khi những thế lực chống đối muốn tìm cách hạ uy tín của Giáo hội. Và một trong những lý do khiến Giáo hội bị chống đối là vì Giáo hội dấn thân thực hiện giáo huấn xã hội của mình.
Nói chung, theo Ðức hồng y Maradiaga, Giáo hội tại châu mỹ Latinh luôn có một tiếng nói vững chắc và nhứt quán. Chỉ cần nhìn lại giáo huấn của Giáo hội tại lục địa này trong 50 năm vừa qua, kể từ hội nghị Rio de Janeiro năm 1955, rồi Medellin, Puebla, Santo Domingo và Aparecida, để thấy rằng Giáo hội luôn có một đuờng lối thống nhứt trong giáo huấn xã hội và đây chính là điều "quấy rầy" đối với một số chính phủ. Chính vì vậy mà họ tìm cách hạ giảm uy tín của Giáo hội. Người ta lợi dụng một số tai tiếng như tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em chẳng hạn để tạo áp lực hầu buộc Giáo hội phải câm miệng. Nhưng tại Châu Mỹ Latinh, tiếng nói của Giáo hội đã không bị bóp nghẹt, bởi vì Giáo hội luôn dấn thân phục vụ người nghèo.
Ðức hồng y Maradiaga giải thích rằng đây không phải là một dấn thân chính trị, mà hoàn toàn có tính cách xã hội được thúc đẩy bởi giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Ðề cập đến Hội nghị kỷ niệm 50 năm thông điệp "Mater et Magister", Ðức hồng y chủ tịch Caritas Quốc Tế cho biết: rất nhiều tham dự viên là những người trực tiếp dấn thân thực thi giáo huấn xã hội của Giáo hội, bằng nghiên cứu cũng như áp dụng.
Theo vị Hồng y này, công cuộc "phúc âm hóa" các chính trị gia và sinh hoạt chính trị vẫn chưa đầy đủ. Ðây là lý do tại sao một số thay đổi chưa thực hiện được. Nhưng Ðức hồng y nói rằng giáo huấn xã hội thiết yếu không phải là một ý thức hệ, bởi vì các ý thức hệ thì luôn qua đi và được thay thế bởi những cái mới.
Ðược hỏi: nếu trọng tâm của giáo huấn xã hội của Giáo hội là phẩm giá con người, vậy thì đâu là mối quan hệ giữa nghèo đói và phẩm giá con người, Ðức hồng y Maradiaga giải thích: "Tôi cho rằng nghèo đói là một tình trạng bất công, bởi vì nó không cho phép con người sống phù hợp với phẩm giá là con cái Chúa. Như vậy, nghèo đói là một sự dữ cần phải nhổ tận gốc rễ. Nếu bạn nhớ lại những mục tiêu của thiên niên kỷ được Liên hiệp quốc đề ra, tôi thấy đôi khi sự nghèo đói được "xử dụng" khắp nơi. Tiếc thay, mục tiêu này vẫn là "chữ chết", bởi vì tôi đã không thấy có bất cứ nỗ lực nào để giảm thiểu một nửa sự nghèo đói [trên thế giới] từ đây cho đến năm 2015".
Theo Ðức hồng y chủ tịch Caritas Quốc tế, nhiều người lợi dụng sự nghèo đói để "nhảy sang bình diện ý thức hệ" mà không màng đến phẩm giá con người. Người ta không quan tâm đến phẩm giá con người, vốn là trọng tâm của giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Ðức hồng y Maradiaga nói: hãy thử nghĩ lại lý tưởng được đề ra trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 là "tự do, bình đẳng, huynh đệ". Nhưng có một hệ thống kinh tế muốn có tự do mà không muốn có bình đẳng: hệ thống đó là chủ nghĩa tư bản. Một hệ thống khác lại muốn có bình đẳng nhưng không có tự do: đó là chủ nghĩa cộng sản. Trong cả hai hệ thống, tình huynh đệ không còn biết bám vào đâu.
Theo Ðức hồng y chủ tịch Caritas quốc tế, "tình huynh đệ chỉ có thể đạt được bằng cách nhận biết rằng chúng ta là con cái của cùng một Thiên Chúa và do đó chúng ta có cùng một Người Cha và chúng ta là anh em với nhau."
Ðức hồng y khẳng định: "không có chiều kích siêu việt, nhân bản chủ nghĩa sẽ trở nên nghèo nàn và bị giản lược thành một ý thức hệ."
CV.