Ðức Thánh Cha nói chuyện với
các phi hành gia trong không gian
Ðức Thánh Cha nói chuyện với các phi hành gia trong không gian.
Vatican (Vat. 21/05/2011) - Trưa hôm 21 tháng 5 năm 2011, lần đầu tiên Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 nói chuyện với toán phi hành gia đang phục vụ tại Trạm không gian quốc tế (ISS), nhân dịp chuyến bay cuối cùng của phi thuyền con thoi Shuttle Endeavour.
Cuộc nói chuyện thính thị bắt đầu lúc 1 giờ 11 phút giờ Roma và kéo dài khoảng 20 phút. Ðức Thánh Cha ngồi tại một bàn trong phòng Faconi ở Thư Viện Vatican, và trước mặt ngài là một màn truyền hình qua đó ngài thấy được 12 phi hành gia, trong đó có 2 người Ý và một phụ nữ, ở trạm không gian cách trái đất 400 cây số và cách xa Vatican hơn 8 ngàn cây số. Ðứng cạnh Ðức Thánh Cha trong phòng có vị chủ tịch chương trình không gian Âu Châu là kỹ sư Enrico Saggese, Ðại tá Thomas Reiter giám đốc các chuyến bay chở người và phi vụ của cơ quan không gian Âu Châu, tướng Giuseppe Bernardis Tham mưu trưởng không quân Italia.
Hai vị trưởng toán đã lần lượt giới thiệu với Ðức Thánh Cha tên của các bạn đồng toán. Ngài chào thăm họ và nói:
"Nhân loại đang cảm nghiệm một thời kỳ tiến bộ cực kỳ mau lẹ trong lãnh vực kiến thức khoa học và những áp dụng kỹ thuật. Theo một nghĩa nào đó, anh chị em là đại diện của chúng tôi, anh chị em là những người tiên phong trong cuộc thám hiểm của nhân loại về những không gian mới và những khả thể cho tương lai chúng ta, vượt quá những giới hạn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta."
"Tất cả chúng tôi đều ngưỡng mộ lòng can đảm, cũng như kỷ luật và quyết tâm mà anh chị em trong việc chuẩn bị cho sứ vụ này. Chúng tôi xác tín rằng anh chị em được những lý tưởng cao thượng soi sáng và anh chị em muốn đặt những kết quả nghiên cứu và cố gắng cho toàn thể nhân loại sử dụng và cho công ích.
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã đặt 5 câu hỏi và 5 phi hành gia lần lượt trả lời.
Trong câu hỏi thứ I, Ðức Thánh Cha hỏi: "Từ Trạm không gian, anh chị em có một cái nhìn rất khác về trái đất. Anh chị em bay trên các đại lục và quốc gia nhiều lần mỗi ngày. Tôi nghĩ anh chị em thấy thật là điều hiển nhiên chúng ta sống với nhau trên cùng một trái đất và thật là điều vô lý dường nào khi người ta chém giết lẫn nhau. Tôi biết vợ anh Mark Kelly đã bị tấn công nghiêm trọng và tôi hy vọng sức khỏe của chị tiếp tục khả quan hơn (vợ ông là bà dân biểu Gabrielle Giffords bị bắn ở Tucson Arizona hồi tháng 1 năm 2011). Khi anh chị em chiêm ngưỡng trái đất từ trên cao ấy, anh chị em có ngạc nhiên về cách thức mà các dân nước sống với nhau dưới này không, hoặc khoa học có thể góp phần thế nào cho chính nghĩa hòa bình?
- Trong câu hỏi thứ hai, Ðức Thánh Cha đề cập đến những nguy hiểm đe dọa môi sinh và sự sống còn của các thế hệ tương lai. "Các nhà khoa học nói chúng ta phải thận trọng và, về phương tiện luân lý đạo đức, chúng ta phải tăng cường ý thức của mình. Từ vị trí quan sát đặc biệt của anh chị em, anh chị thấy tình trạng trái đất thế nào? Anh chị em có thấy những dấu hiệu hoặc hiện tượng mà chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn hay không?
- Câu hỏi thứ ba: "Anh chị em sẽ trở về trái đất, chắc chắn anh chị em sẽ được nhiều người ngưỡng mộ và coi như những anh hùng, nói và hành động với đầy uy tín. Người ta sẽ xin anh chị em nói về kinh nghiệm của mình. Vậy đâu là những sứ điệp quan trọng nhất mà anh chị em muốn chuyển cho họ, nhất là cho những người trẻ, đang sống trong một thế giới chịu ảnh hưởng lớn do những kinh nghiệm và khám phá của anh chị em?
- Câu hỏi thứ tư: "Tôi biết anh chị em đang bố trí những dụng cụ mới để nghiên cứu khoa học và nghiên cứu phóng xạ đến từ ngoài không gian chúng ta. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một cuộc phiêu lưu của tinh thần con người, một sự kích thích suy tư về nguồn gốc và vận mệnh của vũ trụ và loài người. Các tín hữu thường nhìn lên ngắm bầu trời vô tận và suy tư về Ðấng Sáng Tạo mọi sự. Họ cảm kích vì mầu nhiệm cao cả của Chúa. Ðó là lý do tại sao tôi đã tặng anh Roberto Vittori (đại tá) như một dấu hiệu sự tham gia của tôi và sứ vụ của anh chị em, cái mề đay diễn tả sự sáng tạo con người, như được Michelangelo vẽ trên trần nhà nguyện Sistina. Giữa hoạt động khẩn trương và công việc nghiên cứu của anh chị em, có bao giờ anh chị em dừng lại để suy tư điều ấy, và có lẽ cầu nguyện với Ðấng Tạo Hóa không? Hoặc anh chị em nghĩ về những điều đó dễ dàng hơn khi anh chị em trở về trái đất hay không?
- Câu hỏi thứ 5 bằng tiếng Ý: cho Paolo Nespoli
"Anh Carlo thân mến, tôi biết trong những ngày qua, mẹ của anh đã giã từ anh và trong vài ngày nữa anh sẽ trở về nhà nhưng không thấy mẹ đón chờ anh nữa. Tất cả chúng tôi đều gần gũi anh và tôi cũng cầu nguyện cho bà cụ. Vậy anh đã sống thời điểm đau khổ này thế nào? Trong Trạm không gian anh chị em có cảm thấy xa xăm và cô lập và đau khổ vì cảm giác bị chia cách hay không, hoặc anh chị em thấy mình hiệp nhất với nhau và được tháp nhập vào một cộng đoàn quan tâm và yêu mến đón nhận anh chị em?
Carlo Nespoli đã cám ơn ÐTC và cho biết các bạn đồng nghiệp của anh tại Trạm này - Dimitri, Kelly, Ron, Alexander và Andrei rất gần gũi anh trong lúc quan trọng này, cũng như các anh em, chị em, cô dì, họ hàng đã gần gũi mẹ anh trong những lúc cuối cùng. Con cảm thấy xa nhưng cũng rất gần, và ý nghĩ mọi người gần gũi con, hiệp nhất vơi nhau trong lúc này, mang lại cho con niềm an ủi lớn".
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)