Sức mạnh của lời cầu nguyện

cho ơn cứu rỗi của tha nhân

 

Sức mạnh của lời cầu nguyện cho ơn cứu rỗi của tha nhân.

Vatican (Vat. 18/05/2011) - Sức mạnh của lời cầu nguyện cho ơn sứu rỗi của người khác biểu lộ và diễn tả ước muốn của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi: đó là tha thứ, cứu rỗi, trao ban sự sống và biến sự dữ thành sự lành.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trước gần 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 18 tháng 5 năm 2011.

Mở đầu bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã suy tư về lời cầu nguyện như là một hiên tượng phổ quát hiện diện trong các nền văn hóa của mọi thời đại, dưới nhiều hình thức khác nhau. Hôm nay, tôi muốn bắt đầu một lộ trình kinh thánh về đề tài này. Nó sẽ hướng dẫn chúng ta đào sâu cuộc đối thoại của giao ước giữa Thiên Chúa và con người, và nó linh hoạt lịch sử cứu độ cho tới tột đỉnh, cho tới Lời định đoạt là Ðức Giêsu Kitô. Lộ trình này sẽ dẫn chúng ta dừng lại trên vài văn bản quan trọng và các gương mặt mô thức của Cựu Ước và Tân Ước. Tổ phụ Abraham, cha của tất cả mọi người có lòng tin, sẽ là người đầu tiên cống hiến cho chúng ta thí dụ đầu tiên về lời cầu nguyện, trong giai thoại ông can thiệp cho dân hai thành Sodoma và Gomorra. Tôi cũng mời gọi anh chị em tập hiểu biết Thánh Kinh nhiều hơn, trong gia đình có sách Thánh Kinh, đọc và suy niệm Thánh Kinh trong tuần để hiểu biết lịch sử tuyệt vời tương quan giữa Thiên Chúa và con người.

Văn bản đầu tiên là chương 18 sách Sáng Thế kể lại tình trạng sống gian ác và tội lỗi của dân chúng hai thành Sodoma và Gomorra, đến độ Thiên Chúa phải can thiệp bằng cách quyết định đánh phạt họ. Nhưng Thiên Chúa cũng quyết định vén mở cho ông Abraham biết điều đó, cho ông biết sự nghiêm trọng của sự dữ và các hậu qủa kinh khủng của nó, bởi vì ông là người đã được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành phước lành cho toàn thế giới. Sứ mệnh của ông như thế là sứ mệnh cứu vớt, qua ông, Thiên Chúa muốn đem nhân lại trở về với đức tin, sự vâng phục và công lý.

Tổ phụ Abraham đặt vấn đề nghiêm trọng ngay với Thiên Chúa và thưa với Người: "Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có 50 người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không tha thứ cho thành đó, vì 50 người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy chắc không được đâu. Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Ðấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?" (St 18,23-25). Qua các lời đó, với lòng can đảm lớn tổ phụ Abraham đã đặt Thiên Chúa trước sự cần thiết phải tránh một thứ công lý tóm tắt: Nếu thành phố có tội, thì đánh phạt tội lỗi của họ là điều chính đáng, nhưng Thiên Chúa là thẩm phán công minh không thể đánh phạt người vô tội với kẻ có tội được.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ văn bản, chúng ta sẽ thấy rằng lời xin của tổ phụ Abraham sâu sắc hơn, vì ông không chỉ xin ơn cứu rỗi cho người vô tội mà còn xin ơn tha thứ cho toàn thành phố nữa. Nghĩa là ông đưa ra một tư tưởng mới về công lý không chỉ đánh phạt người có tội như loài người thường làm, mà là một công lý khác, công lý của Thiên Chúa tìm kiếm sự thiện và tạo ra sự thiện qua ơn tha thứ biến đổi người tội lỗi, hoán cải họ và cứu vớt họ. Ðức Thánh Cha khai triển lời cầu nguyện của tổ phụ Abraham như sau:

Như thế, với lời cầu của mình tổ phụ Abraham không khẩn cầu một sự công chính hoàn toàn có tính cách thưởng phạt, nhưng một sự can thiệp cứu độ chú ý tới những người vô tội, kể cả người gian ác được tự do khỏi tội lỗi bằng cách tha thứ cho họ. Có thể tóm tắt tư tưởng của tổ phụ như sau: không thể đối xử với người vô tội như kẻ có tội, vì như thế là bất công; trái lại cần phải đối xử với kẻ có tội như người vô tội, và đưa ra một sự công chính "cao ơn", bằng cách cống hiến cho họ một khả thể được cứu rỗi, bởi vì nếu kẻ phạm tội chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và thú nhận tội lỗi bằng cách để cho mình được cứu rỗi, họ sẽ không tiếp tục làm sự dữ nữa, và cũng sẽ trở thành công chính, mà không cần phải bị đánh phạt.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: đó là lời xin công lý mà Abraham diễn tả trong lời bầu cử của ông. Ông không xin Thiên Chúa một điều trái nghịch với bản thể của Người, nhưng gõ cửa con tim của Thiên Chúa vì biết rõ ý muốn của Người. Chắc chắn 50 người công chính đối với một thành phố lớn như Sodoma xem ra ít ỏi, nhưng sự công chính của Thiên Chúa và sự tha thứ của Người lại không phải là sự biểu lộ sức mạnh của sự thiện hay sao, cả khi xem ra nó bé nhỏ và yếu đuối hơn sự dữ? Sự tàn phá Sodoma phải chặn đứng sự dữ hiện diện trong thành phố, nhưng Abraham biết Thiên Chúa có các phương cách khác để ngăn chặn sự dữ lan tràn. Ðó là sự tha thứ bẻ gẫy vòng xoáy của tội lỗi, và trong khi nói chuyện với Thiên Chúa ông nại vào điều đó. Nhưng khi không tìm thấy 50 người, tổ phụ Abraham giảm xuống 40, 30, 20 và 10 người công chính. Và con số càng nhỏ, thì lòng xót thương của Thiên Chúa lại càng lớn lao hơn, vì Người là Ðấng kiên nhẫn lắng nghe lời cầu nguyện, chấp nhận nó và lập lại sau mỗi lần khẩn nài của ông : " Ta sẽ tha thứ... Ta sẽ không phá hủy... Ta sẽ không làm" (cc. 26.28.29.30.31.32).

Như vậy, nhờ lời bầu cử của Abraham thành Sodoma sẽ có thể được cứu rỗi, nếu có ít nhất 10 người vô tội. Ðó là sức mạnh của lời cầu nguyện. Bởi vì qua lời bầu cử, lời cẩu nguyện dâng lên Thiên Chúa cho ơn cứu rỗi của những người khác, ước mong cứu rỗi mà Thiên Chúa luôn nuôi dưỡng đối với người tội lỗi, được biểu lộ và diễn tả ra. Thật thế, không thể chấp nhận sự dữ, phải ghi nhận và phá hủy nó qua sự đánh phạt. Nhưng Thiên Chúa không muốn cái chết của người gian ác, nhưng muốn họ hoán cải và được sống (x. Ed 18,23; 33,11). Ước muốn của Người là luôn luôn tha thứ, cứu rỗi, trao ban sự sống và biến đổi sự dữ thành sự lành... Với lời khẩn cầu của mình, tổ phụ Abraham cho ý muốn của Thiên Chúa mượn tiếng nói và con tim của ông: ước muốn của Thiên Chúa là sự xót thương, tình yêu và ý mốn cứu rỗi; và nó đã tìm thấy nơi Abraham và trong lời cầu nguyện của ông khả thể biểu lộ ra một cách cụ thể bên trong lịch sử loài người, để hiện hữu tại những nơi cần được ơn thánh... Cuộc đối thoại của Thiên Chúa với Abraham là một biểu lộ tình yêu thương xót của thiên Chúa, được nối dài và không thể lầm lẫn được.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Tai sao Abraham lại dừng lại ở con số 10 người công chính để cứu toàn thành phố, chúng ta không biết được; nhưng ngày nay số 10 là số cần thiết cho lời cầu nguyện công khai của tín hữu do thái.

Ðề cập tới ý muốn cứu rỗi của Thiên Chúa Ðức Thánh Cha nói: Thiên Chúa đã sẵn sàng tha thứ, Người ước mong làm điều đó, nhưng các thành phố khép kín trong một sự dữ toàn diện và làm tê liệt, cả đến không có được ít người vô tội để từ đó có thể biến đổi sự dữ thành sự thiện. Vì đó chính là con đường cứu rỗi,mà cả tổ phụ Abraham cũng xin: được cứu rỗi không chỉ đơn thuần có nghĩa là thoát khỏi sự đánh phạt, mà là được giải thoát khỏi sự dữ sống trong chúng ta. Không phải loại bỏ sự trừng phạt, nhưng là loại bỏ tội lỗi, loại bỏ sự khước từ Thiên Chúa và tình yêu, là cái đã mang trong chính nó sự trừng phạt. Chính ngôn sứ Giêremia đã nói lên điếu đó: "Sự gian ác của ngươi phải sửa tri ngươi, hành vi phản bội của ngươi sẽ trừng phạt ngươi. Ngươi phải biết, ngươi phải thấy rằng: Lìa bỏ Giavê Thiên Chúa của ngươi, không còn kính sợ Người, thì thật là xấu xa và cay đắng" (Gr 2,19). Thiên Chúa muốn cứu con người bằng cách giải thoát nó khỏi sự buồn sầu, cay đắng, khỏi tội lỗi. Nhưng cần phải có sư biến đổi nội tâm, một chút sự thiện từ đó có thể bắt đầu thay đổi sự dữ thành sự thiện, thù hận thành tình yêu, báo oán thành tha thứ. Vì thế các người công chính phải ở trong thành phố. Do đó Abraham lậ đi lập lại "Có lẽ ở đó sẽ tìm thấy..." Ở đó, ở trong thực tại đau yếu phải có một vài mầm giống của sự thiện có thể tái trao ban sự sống. Ðây cũng là lời hướng tới chúng ta: ước chi trong các thành phố của chúng ta có mầm giống sự thiện, ước chi chúng ta làm tất cả những gì có thể để không phải chỉ có 10 người công chính để làm cho các thành phố của chúng ta sống còn và cứu thoát chúng ta khỏi nỗi cay đắng nội tâm là sự vắng bóng Thiên Chúa. Nhưng lòng xót thương của Thiên Chúa còn đi xa hơn nữa trong lịch sử dân Người, như ngôn sứ Giêrema sẽ nói: chỉ cần một người công chính thôi cũng đủ để được Thiên Chúa cứu: "Hãy rảo quanh đường phố Giêrusalem mà xem cho biết. Trên các quảng trường thành phố ấy, hãy tìm xem có gặp được một người, một người biết thi hành luật pháp, biết sống cho chân thật, Ta sẽ dung tha cho cả thành" (Ge 5,1)...

Sẽ cần chính Thiên Chúa trở thành người công chính ấy. Ðó là mầu nhiệm nhập thể: để bảo đám một người công chính, chính Con Thiên Chúa đã làm người, Ðấng Công Chính định đoạt, Ðấng hoàn toàn Vô Tội sẽ đem lại ơn cứu rỗi cho toàn thế giới bằng cách chết trên thập giá, tha thứ và cầu bầu cho những người "không biết việc họ làm" (Lc 23,34).... Lời cầu nguyện của tổ phu Abrham dậy cho chúng ta biết luôn rộng mở con tim cho lòng thương xót tràn đầy của Thiên Chúa, để trong lời cầu nguyện hàng ngày chúng ta biết ước mong ơn cứu rỗi của nhân loại và kiên trì cầu xin với lòng tín thác nơi Chúa, là Ðấng cao cả trong tình yêu.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page