Hiện hình

Giáo hội Công giáo tại Ái nhĩ lan

 

Hiện hình Giáo hội Công giáo tại Ái nhĩ lan.

Ái nhĩ lan [CNS 17/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ái nhĩ lan được thế giới chú ý tới sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính vừa qua. Riêng Giáo hội tại nước này cũng đã có lúc được đưa lên tin hàng đầu của báo chí sau khi một ủy ban điều tra độc lập cho công bố bản báo cáo về những lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội. Nhưng theo Ðức cha Darmuid Martin, Tổng giám mục Dublin, Giáo hội tại Ái nhĩ lan không chỉ đau khổ vì những tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em, mà còn vì thất bại trong việc lưu truyền đức tin cho các thế hệ trẻ.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS hôm 16 tháng 5 năm 2011, Ðức tổng giám mục Dublin nói rằng Giáo hội tại Ái nhĩ lan phải thay đổi hoàn toàn và tận gốc rễ cách thế lưu truyền đức tin. Ngài cho biết các giáo xứ tại Ái nhĩ lan không còn là nơi để rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý nữa.

Ðức cha Martin đã được mời đến Washington để đọc bài diễn văn khai mạc trong buổi lễ trao tặng huy chương "Order of Malta". Trong bài diễn văn với tựa đề "mối giây liên kết chặt chẽ giữa đức tin và phục vụ" cũng như trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin CNS, Ðức tổng giám mục Dublin nói đến trình trạng sút giảm của việc thực hành đạo tại Dublin nói riêng và toàn quốc nói chung. Ngài cho biết: hiện chỉ có 18 phần trăm dân số của quốc gia âu châu được mệnh danh là Công giáo này còn tham dự lễ thánh lễ đều đặn mỗi ngày Chúa nhựt. Theo ngài, cần phải trao cho giới trẻ trách nhiệm làm cho đức tin sống động lại trong các giáo xứ.

Ðức cha Martin đã từng là thư ký của Hội đồng Tòa thánh công lý. Ngài đã được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Dublin từ năm 2003. Ngài đã tiết lộ hàng trăm vụ lạm dụng tình dục trẻ em trong quá khứ cũng như việc xử lý vụng về đối với các linh mục ấu dâm. Tuy nhiên, vị Tổng giám mục này nói rằng vấn đề còn sâu xa hơn là chuyện lạm dụng tình dục trẻ em.

Hiện Giáo hội Công giáo tại Ái nhĩ lan điều khiển 90 phần trăm các trường tiểu học trên toàn quốc. Tuy nhiên, chỉ có 18 phần trăm tham dự thánh lễ ngày chúa nhựt. Ðức cha Martin đặt vấn đề về việc thực hành đức tin của các giáo viên công giáo.

Ngài nói với hãng thông tấn CNS: "Nếu dân chúng đuợc chính những người không lãnh nhận bí tích chuẩn bị để lãnh nhận bí tích, thì đây là một vấn đề thực sự".

Ðức tổng giám mục Dublin lập lại điều mà ngài thường nói trước đây: "Giới trẻ Công giáo Ái nhĩ lan là những người được dạy giáo lý nhiều nhứt, nhưng lại là những người ít được "phúc âm hóa" nhứt". Ngài có ý ám chỉ đến việc thực hành đạo và mức độ dấn thân yếu kém của người giáo dân Ái nhĩ lan.

Theo Ðức cha Martin, nếu không đối phó với tình trạng này, thì trong tương lai Giáo hội tại Ái nhĩ lan sẽ không "có một thế hệ công giáo trẻ". Ngài nói rằng Giáo hội đang gánh chịu hậu quả của điều mà ngài gọi là "sản phẩm của một thời dạy giáo lý ào ạt" và ngày nay, một cách nào đó, Giáo hội tại Ái nhĩ lan lại tiếp tục sống như thời xa xưa ấy.

Trong bài diễn văn đọc tại đại học Georgetown của Dòng Tên ở Washington, Ðức cha Martin nói rằng trào lưu tục hóa trong xã hội Ái nhĩ lan đã tiến xa và vấn đề là làm sao để sống như những "công dân kitô".

Theo ngài, sống ơn gọi kitô chính là phải nhập cuộc. Người tín hữu kitô sống trong xã hội không phải như một khách bàng quang, mà phải như một chứng nhân cho một cách sống khác. Người tín hữu kitô không chỉ họat động trong một vài dịp đặc biệt như phải tỏ tình liên đới toàn cầu khi có xảy ra thiên tai hoặc chỉ có mặt trong một vài cuộc biểu tình phản đối.

Ðức cha Martin nhấn mạnh: "Ðối với người tín hữu kitô, liên đới và chia sẻ phải là chuyện hằng ngày. Ðây phải là một mệnh lệnh chứ không chỉ là một chọn lựa. Và đây là một mệnh lệnh mỗi ngày chứ không phải là chuyện tùy tiện."

Ngài khẳng định: "đức tin và phục vụ liên kết chặt chẽ với nhau".

Như vậy, theo Ðức tổng giám mục Dublin, bảo vệ đức tin chính là sống đức tin mà không sợ hãi. Và điều có cũng có nghĩa là biết rằng đức tin có thể cải thiện mọi khía cạnh của cuộc sống.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNS, Ðức cha Martin nói đến sự cần thiết phải huấn luyện các thiện nguyện viên giáo dân để trợ giúp các linh mục trong một số công việc phụ thuộc để các ngài có thể chú tâm vào tác vụ linh mục.

Ðức tổng giám mục Dublin cho rằng người giáo dân làm cho "thừa tác vụ được thêm phong phú".

Ngài khẳng định rằng giới trẻ Ái nhĩ lan "rất quảng đại và nhiệt thành". Những giáo xứ nào có giới trẻ hiện diện và dấn thân, thì đó là những giáo xứ biết trao trách nhiệm cho giới trẻ.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page