Chuyện từ chức của Ðức giám mục

Giáo phận Toowoomba, Úc đại lợi

 

Chuyện từ chức của Ðức giám mục Giáo phận Toowoomba, Úc đại lợi.

Queensland, Bắc Úc đại lợi [CNA 11/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Vụ Ðức cha William Martin Morris, Giám mục giáo phận Toowoomba, bang Queensland, Bắc Úc đại lợi, bị Tòa thánh buộc phải từ chức vì có một số lập trường không phù hợp với Giáo lý Công giáo, đã tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi tại Úc đại lợi. Sự ra đi của vị Giám mục này đã để lại nhiều hoang mang nơi giáo dân.

Norm và Mavis Power đã đến lập nghiệp tại Toowoomba từ năm 1959. Thành phố được mệnh danh là "Ðô thị thượng uyển" này đã thu hút cập vợ chồng trẻ vì có khí hậu mát mẽ, nhiều công viên xanh tươi và nhứt là những trường học tốt. Nhưng quan trọng hơn, họ muốn cho con cái họ được lớn lên trong đức tin công giáo.

Lúc đó, giữa thành phố có một tu viện của các linh mục Dòng Thánh Thể. Ðây thực sự là một trung tâm cầu nguyện và sinh họat . Vào thời đó, tất cả mọi nhà thờ công giáo trong thành phố lúc nào cũng đông nghẹt giáo dân. Nhưng nay, tu viện đã đóng cửa và nhiều nhà thờ cũng trống rỗng.

Ðời sống Công giáo tại Toowoomba đã thay đổi và thay đổi một cách triệt để từ năm 1993. Ðó là năm giáo phận này bắt đầu được cai quản bởi một Giám mục 49 tuổi tên là William Martin Morris.

Vị Giám mục này tức khắc thực hiện nhiều thay đổi và thay đổi tận gốc rễ. Chẳng hạn, linh mục không còn mặc y phục của giáo sĩ nữa. Chính vị Giám mục cũng chỉ mặc áo sơ mi.

Nhưng quan trọng hơn cả là các tòa giải tội trong các nhà thờ không còn được xử dụng nữa. Mặc dù theo luật Giáo hội, việc giải tội tập thể chỉ được cho phép cử hành trong một số trường hợp khẩn cấp, Ðức cha Morris đã biến luật trừ này thành luật chung và như vậy trong khắp Giáo phận, không còn có xưng tội cá nhân, mà chỉ có giải tội tập thể.

Ðức cha Morris cũng thay đổi cả việc cai quản giáo phận. Trong một cuộc tĩnh tâm, ngài yêu cầu các linh mục trong giáo phận ký tên vào lá thư bổ nhiệm của Tòa thánh để nói lên việc họ chấp thuận cho ngài làm Giám mục của họ. Ngoài ra, ngài cũng cai quản giáo phận theo các ủy ban, kể cả ủy ban bổ nhiệm linh mục.

Ðức cha Morris cũng thay đổi cả cách hiểu thông thường về chức vụ linh mục. Nhiều giáo xứ được giao cho các nữ tu quản trị và giáo dân cùng với các linh mục cùng nhau cử hành một số bí tích.

Dĩ nhiên, cách hiểu thông thường về quyền bính của Giáo hội cũng được thay đổi. Do đó, khi Tòa thánh yêu cầu chấm dứt việc giải tội tập thể, Ðức cha Morris cho thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến giáo dân trước khi trả lời cho Tòa thánh.

Dĩ nhiên, cũng có người tán thành, nhưng cũng không thiếu người không chấp nhận. Ðối với ông bà Norm và Mavis Power chẳng hạn, đời sống đức tin quả là khó khăn. Họ nói rằng Ðức giám mục Toowoomba nói với giáo dân những gì họ muốn nghe chứ không phải những gì Giáo hội dạy. Thay vì vào tòa xưng tội, giáo dân được khuyên viết tội của mình vào một tờ giấy rồi bỏ vào một cái lọ. Hôm nào linh mục giáo xứ đi vắng, thay vì mời một linh mục của một giáo xứ bên cạnh đến dâng thánh lễ, giáo dân đứng ra điều khiển buổi cử hành phụng vụ và trao mình Chúa viện lý do để giữ sự hiệp nhứt cho cộng đoàn.

Nhưng táo bạo hơn cả là trong lá thư mục vụ tháng 11 năm 2006, Ðức cha Morris đề nghị phong chức linh mục cho phụ nữ, những người có gia đình cũng như cho phép các linh mục Anh giáo, các mục sư Tin lành được chủ tọa Thánh lễ. Ðây là một chủ trương hoàn toàn ngược lại với giáo lý truyền thống của Giáo hội Công giáo.

Tháng 12 năm 2006, Tòa thánh yêu cầu Ðức cha Morris về Roma để giải trình về vấn đề. Nhưng Ðức cha Morris nói rằng ngài không thể thực hiện chuyến đi ít nhứt trong vòng năm tháng tới. Một tháng sau, Tòa thánh lại viết thư để lập lại cùng một yêu cầu. Nhưng lần nào, Ðức cha cũng không chấp nhận yêu cầu của Tòa thánh.

Thay vì chờ đợi vị Giám mục về Roma, Tòa thánh đã cử Ðức cha Charles Chaput, Tổng giám mục Denver, bang Colorado, Hoa kỳ sang tận Toowoomba để mở cuộc điều tra. Tháng 4 năm 2007, Ðức tổng giám mục Denver đã thực hiện cuộc kinh lý. Ngài lắng nghe mọi ý kiến trong Giáo phận Toowoomba. Tháng 9 năm 2007, Tòa thánh đã gởi thư cho Ðức cha Morris để yêu cầu ngài phải từ chức. Nhưng Ðức cha xem như không có lá thư này. Một lần nữa, tháng 2 năm 2008, Tòa thánh lập lại lời yêu cầu ngài phải từ chức. Và một lần nữa, 10 tháng sau, vị Giám mục này cũng vẫn trả lời "không" với Tòa thánh.

Lúc này, Ðức cha Morris đang tìm cách được gặp chính Ðức thánh cha. Tháng 6 năm 2009, chính Ðức thánh cha đã viết thư cho Ðức cha Morris để yêu cầu ngài từ chức. 5 tháng sau, vị Giám mục này vẫn trả lời "không" với Ðức thánh cha.

Mãi đến đầu năm 2011, Tòa thánh mới tìm ra được giải pháp cho vấn đề bằng cách đề nghị Ðức cha Morris đi nghỉ hưu thay vì từ chức. Và lần này, vị Giám mục mới đồng ý. Hai bên đồng ý chọn ngày 2 tháng 5 năm 2011 để loan báo sự thỏa thuận. Nhưng hôm 27 tháng 4 năm 2011, Ðức cha Morris đã đơn phương loan báo tin này. Ngay lập tức, tin này đã tạo ra chia rẽ trong Giáo hội tại Úc đại lợi. Một số báo chí Úc lợi dụng dịp này để tấn công Tòa thánh và Giáo hội. Ký giả Barney Zwartz của báo "The Age" viết: "Kẻ thù tồi tệ nhứt của Giáo hội Công giáo ở ngay trong Tòa thánh". Còn ký giả Michael Mckenna của báo "The Australian" thì lại viết: "cảnh sát đền thờ đã bắt giữ người của mình".

Trong khi đó thì Ðức cha Morris cứ liên tục xuất hiện trên truyền hình và truyền thanh để nói rằng mình bị Tòa thánh "xét xử một cách bất công không theo đúng thủ tục". Ðức cha cũng nói rằng cuộc gặp gỡ của mình với Ðức thánh cha cũng giống như một phiên xử "của Tòa Ðiều Tra" thời trung cổ. Ðức thánh cha hoàn toàn bất động; không có bất cứ cuộc đối thoại nào.

Dĩ nhiên, trên đây là giải thích riêng của Ðức cha Morris.

Nhiều nguồn tin nói rằng ngài được trả tiền để xuất hiện trên một chương trình quảng cáo chống lại Tòa thánh.

Giáo phận Toowoomba hiện có khoảng 66 ngàn giáo dân rải rác trên 35 giáo xứ.

Hiện giáo phận đang đuợc đặt dưới sự quản nhiệm của Ðức cha Brian Finnegan, Giám mục phụ tá Giáo phận Brisbane, cho tới khi Tòa thánh bổ nhiệm Giám mục mới.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page