Malta và vấn đề ly dị

 

Malta và vấn đề ly dị.

Malta [National Catholic Register 11/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Quốc gia hải đảo Malta là một trong những nước còn sót lại trên thế giới và là thành viên cuối cùng của Liên Âu chưa hợp pháp hóa việc ly dị. Vào ngày 28 tháng 5 năm 2011, dân chúng nước này sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý để quyết định có nên hợp pháp hóa việc ly dị không.

Tại Malta, dân chúng chỉ có hai lựa chọn: hoặc là ly thân hai là xin tháo gỡ giây hôn phối. Những người công giáo, vốn chiếm tuyệt đại đa số tại Malta, có thể xin hủy hôn, tức là xin nhìn nhận hôn phối của mình không thành sự. Một số khác chọn lựa giải pháp "ly thân hợp pháp". Trong trường hợp này, họ không được phép tái hôn.

Là quốc gia duy nhứt của Liên Âu chưa hợp pháp hóa ly dị, cho nên Malta không ngừng bị áp lực của các phương tiện truyền thông từ bên ngòai. Nhiều tờ báo tại Âu châu gọi việc Malta không chịu hợp pháp hóa ly dị là một hành xử lạc hậu của thời trung cổ.

Việc cấm ly dị đã được đưa vào Hiến Pháp Malta kể từ thập niên 60, sau khi Ðảng Lao động nhiều lần vận động để hợp pháp hóa hành động này. Kể từ thập niên 70, Ðảng Lao động lại ráo riết vận động hơn nữa bằng cách đưa vào luật cho phép ly thân. Tuy nhiên, những cuộc thăm dò gần đây cho thấy rằng dân chúng đã tỏ ra "cởi mở" hơn đối với luật cho phép ly dị. Gần một nửa dân số Malta ủng hộ luật cho phép ly dị.

Hiện nay Malta đang được đặt dưới sự cai trị của Ðảng Quốc Gia, mà thủ tướng là ông Lawrence Gonzi luôn cương quyết chống lại luật ly dị. Hầu hết các thành viên của Ðảng Quốc Gia cũng có cùng một lập trường với thủ tướng Gonzi.

Ðương kim thủ tướng Malta đã từng tuyên bố: "Nếu chúng ta thực sư muốn bảo vệ gia đình, tôi sẽ không đưa luật ly dị vào Malta".

Về phần mình, lãnh tụ Ðảng Lao động là ông Joseph Muscat, không ngừng vận động để việc ly dị được hợp pháp hóa. Theo ông, "quyết định đưa luật ly dị hay không vào Malta gắn liền chặt chẽ với bản sắc của Malta và phù hợp với việc nước này quyết định trở thành thành viên của Liên Âu".

Ông Muscat không chấp nhận cái lối "ly dị dễ dãi" theo kiểu Las Vegas. Theo ông, Malta cần phải gắn bó với những giá trị như "liên đới, hội nhập, dân chủ, bình đẳng là những giá trị đặt nền tảng trên sự khoan nhượng, do đó cần phải tôn trọng sự chọn lựa của người dân." Ông nói rằng "chọn lựa bao hàm quyền lợi và quyền lợi thì không thể bị chối bỏ".

Ông Muscat cũng nói rằng hiện nay "Malta đang sống theo cái lối khoan nhượng giả hình: nhiều cặp vợ chồng đổ vỡ và sau đó lén lút tìm những bạn tình mới để chung sống với nhau".

Giáo hội Công giáo tại Malta, dĩ nhiên, luôn chống lại việc ly dị. Giáo hội chỉ cho phép "tháo gỡ giây hôn phối", nghĩa là tuyên bố rằng hôn phối không thành sự mà thôi.

Trong chuyến viếng thăm Malta hồi mùa xuân năm 2010, Ðức thánh cha đã không ngừng nói đến sự trường tồn của hôn phối công giáo. Ngài kêu gọi: "Quốc gia anh chị em nên tiếp tục bảo vệ tính bất khả phân ly của hôn phối vừa như một định chế tự nhiên vừa như một bí tích. Anh chị em cũng phải bênh vực bản chất của gia đình cũng như tính cách thánh thiêng của sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên".

Mới đây, Giáo hội tại Malta cũng cho công bố một lá thư mục vụ với tựa đề "Sự cam kết và những thái độ tôn trọng hôn nhân và gia đình". Trong lá thư mục vụ, các Ðức giám mục Malta nhận định rằng "não trạng ly dị chắc chắn đang xói mòn mối giây hôn phối và hợp pháp hóa ly dị sẽ làm suy yếu việc hiểu biết về hôn phối lâu bền. Ðiều này mở ra một vết thương xã hội và có những hậu quả nguy hại cho xã hội, như đã từng xảy ra tại các nước khác".

Ðức cha Paul Cremona, Tổng giám mục Malta, nói rằng "bảo vệ sự bền vững của hôn phối, vốn là một phần của công ích, nhưng lại đưa vào luật ly dị là một hành động mâu thuẩn".

Ông André Camilleri, chủ tịch Phong trào chống ly dị, tin rằng ly dị sẽ làm suy yếu mối giây hôn phối. Ông nói rằng luật cho phép ly dị tại các nước khác đã hạ giảm con số hôn phối, gia tăng việc sống chung ngoài hôn phối và dẫn đến sự đổ vỡ hôn nhân. Theo ông, chính phủ nên tập trung nghị lực và các phương tiện vào việc đẩy mạnh việc chuẩn bị hôn phối, cung cấp dịch vụ cho những ai gặp vấn đề trong đời sống hôn nhân và cố gắng giảm thiểu nỗi đau khổ của những người phải trải qua việc đổ vỡ hôn nhân.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page