Ðức hồng y chủ tịch

Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn

viếng thăm Bangladesh

 

Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn viếng thăm Bangladesh.

Roma [Zenit 11/5/2011] - Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn khẳng định rằng tôn giáo không thể biện minh cho bạo động.

Trở về Roma sau một chuyến viếng thăm Bangladesh theo lời mời của các Ðức giám mục nước này, Ðức hồng y Jean Louis Tauran tuyên bố rằng thật là một sai lầm trầm trọng khi xử dụng tôn giáo để biện minh cho bạo động.

Trong một cuộc phỏng vấn trên báo Người quan sát Roma, vị Hồng y người Pháp này cho rằng Bangladesh là một mẫu mực về sự sống chung giữa các tôn giáo khác nhau. Ðây là điều mà ngài cũng đã nói trước mặt tổng thống nước này, ông Zillur Rahman, trước khi lên máy bay trở về Roma.

Trong bốn ngày viếng thăm Bangladesh dạo tháng 4 năm 2011, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thọai liên tôn, đã có dịp tiếp xúc với cộng đồng Hồi giáo. Trong một cuộc gặp gỡ, ngài nhắc lại rằng xử dụng tôn giáo để biện minh cho bạo động hay khai thác tôn giáo vì ý đồ chính trị là một "lạm dụng nghiêm trọng". Ngài cũng nhắc đến vụ mục sư Mỹ Terry Jones, người đã đe dọa đốt Kinh Coran nhân dịp tưởng niệm ngày 11 tháng 9 năm 2010.

Về vấn đề này, Ðức hồng y Tauran nhắc lại rằng Tòa thánh đã mạnh mẽ lên án hành động của mực sư Terry Jones. Ngài khẳng định: không một cuốn sách nào đã được xem là thánh, không một nơi nào đã được xem là thánh, không một lễ nào cần phải tôn trọng, có thể trở thành một đối tượng để những người thuộc các tôn giáo khác chà đạp. Tấn công những người đang cầu nguyện lại càng là một hành vi đáng lên án hơn. Những hành vi như thế chỉ có thể bị xem là một xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Trong những ngày viếng thăm Bangladesh, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn cũng đã tham dự một hội nghị về đối thọai liên tôn do Hội đồng Giám mục nước này tổ chức tại thủ đô Dhaka. Trong cuộc gặp gỡ, các đại diện tôn giáo đều đồng thanh nhìn nhận rằng cuộc đối thọai giữa các tôn giáo mang lại hài hòa, hiệp nhứt và phúc lợi xã hội.

Về phần mình, phát biểu trong hội nghị, Ðức hồng y Tauran lấy làm tiếc là "tôn giáo tại nhiều nơi trên thế giới bị tố cáo là nguyên nhân gây ra bất khoan nhượng và xung đột". Theo ngài, đây là những cáo buộc dựa trên thành kiến và người ta dễ chiều theo khuynh hướng xem tôn giáo như một vấn đề để rồi tìm những giải pháp dễ dãi như: tôn giáo là chuyện riêng tư của cá nhân và như vậy nên bị tẩy chay khỏi nơi công cộng. Ngoài ra, một số quốc gia lại áp đặt tôn giáo của mình và không nhìn nhận những tôn giáo thiểu số.

Theo Ðức hồng y Tauran, cả hai giải pháp trên đây đều không xuất phát từ một cái nhìn đúng đắn về tôn giáo. Những ai muốn xem tôn giáo như một "thực tại vô hình" cần phải nhớ rằng tự bản chất con nguời là một hữu thể có tôn giáo do đó tôn giáo có một chiều kích công cộng và cần được hiện diện trong xã hội.

Ðức hồng y giải thích: nếu các tín đồ có quyền được thể hiện niềm tin của mình trong những nơi thờ phượng, họ cũng phải có quyền thực thi bác ái và tham dự vào cuộc tranh luận chung trong nước về phẩm giá con nguời cũng như đề ra những giá trị nền tảng để xây dựng một xã hội tốt hơn.

Bangladesh là một quốc gia có gần 90 phần trăm dân số theo Hồi giáo. Giáo hội Công giáo chỉ có khoảng 320 ngàn người, với 290 linh mục, 95 nam tu sĩ và 1,300 nữ tu.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page