Tòa thánh và

hiện tượng thời tiết thay đổi

 

Tòa thánh và hiện tượng thời tiết thay đổi.

Roma [CNS 9/5/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức Benedicto XVI có được mệnh danh là vị Giáo hòang "xanh" cũng chẳng có gì đáng gây ngạc nhiên. Dưới triều đại của ngài, Vatican được xem là quốc gia kiểu mẫu và đi tiên phong trong việc xử dụng nguồn năng lượng xanh: mái đại thính đường Phaolo II đã được trang bị một hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời có đủ khả năng cung cấp hơi điện cho toàn bộ các cơ sở của Tòa thánh.

Với những nỗ lực ấy, mới đây một nhóm làm việc do Tòa thánh bảo trợ đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia và các cá nhân hãy giảm thiểu khí thải nhà kính và đề ra các chính sách nhằm hạ giảm sự hâm nóng trái đất.

Một bản báo cáo được Hàn lâm viện Tòa thánh về Khoa học cho công bố hôm 2 tháng 5 năm 2011 nói rằng "quan niệm" cứ làm việc như thường" sẽ không thể tiếp tục được nữa bởi vì nguồn nguyên liệu ngày càng thiếu và môi sinh ngày càng bị phá hủy".

Bản báo cáo cảnh cáo rằng phí tổn của việc giảm khí thải nhà kính, gia tăng việc trồng cây rừng, giảm thiếu các chất gây ô nhiễm không khí và giúp các vùng nghèo trên thế giới thích nghi với sự thay đổi thời tiết vẫn không là gì so với cái giá mà thế giới phải trả nếu không bắt tay hành động ngay từ bây giờ.

Nhóm làm việc được Tòa thánh bảo trợ "kêu gọi mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới hãy nhìn nhận những tác hại nghiêm trọng và không thể đảo lộn được của hiện tượng hâm nóng toàn cầu do khí thải nhà kính và các chất gây ô nhiễm khác tạo ra". Ngoài ra, những thay đổi về cây rừng, vùng sình lầy, thảo nguyên và việc xử dụng đất đai khác cũng là điều đáng quan tâm.

Bản báo cáo dài 15 trang về tác động của con người đối với môi sinh mang chữ ký của 23 nhà khoa học, luật sư và những nhà leo núi nổi tiếng trên thế giới. Chưởng ấn của Hàn lâm viện khoa học của Tòa thánh, Ðức cha Marcelo Sanchez Sorondo, cũng ký tên vào bản báo cáo.

Ðược biết: bản báo cáo là kết quả của một cuộc hội thảo do Hàn lâm viện Tòa thánh về khoa học tổ chức từ ngày 2 đến 4 tháng 4 năm 2011. Hàn lâm viện đã mời một số chuyên gia tham dự cuộc hội thảo để thảo luận về những hiện tượng tan vỡ của các băng sơn và đưa ra những đề nghị nhằm đáp ứng với những nguy cơ và đe dọa của sự thay đổi thời tiết.

Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa thánh, đã cho công bố một tuyên ngôn trong đó ngài nói rằng mặc dù những khám phá của các chuyên gia "không phải là một tuyên dạy của Huấn quyền", nhưng vẫn là một đóng góp khoa học có ý nghĩa cần được đánh giá cao trong bối cảnh của những quan ngại về những vấn đề môi sinh như đã được trình bày trong các tài liệu của Giáo hội và chính lời của Ðức thánh cha".

Ðức thánh cha là người luôn bày tỏ quan ngại về sự xuống cấp của môi sinh và không ngừng phê bình thái độ thiếu cuơng quyết của thế giới để giảm thiểu sự thay đổi thời tiết.

Cha Lombardi nói rằng nhóm các nhà nguyên cứu về các băng sơn, các nhà khí hậu học, khí tượng học, các chuyên gia vật lý, hóa học và nhiều ngành khác là một nhóm làm việc có khả năng đã đưa ra một tài liệu quan trọng.

Bản báo cáo do nhóm làm việc này cho công bố đã tóm lược các khám phá mới đây về những hậu quả mà việc thay đổi thời tiết đã và sẽ tạo ra trên các dân tộc trên khắp thế giới. Bản báo cáo nói rằng phẩm chất của khí thở ngày càng hạ giảm đã khiến cho mỗi năm có trên hai triệu trẻ em phải chết sớm và đe dọa sự an toàn của nước và thực phẩm.

Các băng sơn tan vỡ đang đe dọa sự an toàn của nguồn nước uống và sự thay đổi đột ngột của thời tiết đe dọa những người sống ven biển và những vùng dễ bị bão táp.

Theo bản báo cáo, sự tập trung của khí thải trong không khí hiện đã vượt qua mức cao nhứt tính từ 800 ngàn năm qua. Tài liệu cho rằng khí thải và các chất gây ô nhiễm bầu khí quyển phần lớn do con người tạo ra.

Nhóm làm việc do Tòa thánh bảo trợ đưa ra một số đề nghị như sau:

Trước hết, phải tức khắc giảm khí khải trên toàn thế giới bằng cách xử dụng nguồn năng lực tái sinh; chận đứng nạn phá rừng, gia tăng việc trồng cây rừng và phát huy những kỹ thuật có sức "hạ giảm lượng khí thải trong bầu khí quyển".

Kế đó, cắt giảm lượng khí đốt gây ô nhiễm khỏang 50 phần trăm.

Giúp các nuớc thích nghi với những hậu quả về môi sinh và xã hội mà việc thay đổi thời tiết sẽ tạo ra.

Ngoài ra, bản báo cáo của nhóm làm việc của Tòa thánh cũng cảnh báo rằng một mối đe dọa lớn mà nhân lọai đặt ra cho sự thay đổi thời tiết là "chiến tranh nguyên tử". Chỉ có một cách để giảm thiểu mối đe dọa này là giảm trừ các kho vũ khí hạt nhân một cách mau chóng và qui mô.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page